Có nên vỗ long đờm cho trẻ tại nhà? Cách vỗ rung long đờm cho bé sơ sinh
Trungtamthuoc.com - Các bệnh lý về đường hô hấp có thể làm tăng tiết dịch nhầy, gây khó khăn cho trẻ trong quá trình thông khí. Vỗ rung long đờm là kỹ thuật giúp thông thoáng đường thở, cải thiện các triệu chứng cho trẻ. Việc nắm vững kỹ thuật có thể giúp trẻ bớt khó chịu, đem lại những hiệu quả trong quá trình điều trị. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy sẽ hướng dẫn cho bạn đọc các vỗ rung long đờm cho trẻ sơ sinh
1 Kỹ thuật vỗ rung đờm cho trẻ sơ sinh là gì?
Sự tích tụ dịch tiết trong đường dẫn khí do viêm nhiễm gây ra là yếu tố làm tăng sức cản ở đường dẫn khí khi thở. Vỗ long đờm hay vỗ rung long đờm là biện pháp quan trọng trong điều trị các trường hợp viêm phổi cũng như các bệnh lý hô hấp mạn tính và các bệnh thần kinh cơ ở trẻ em. Mục đích chính là làm sạch lồng ngực ở trẻ em, hỗ trợ làm sạch dịch xuất tiết trong khí phế quản, giảm sức cản đường thở, cải thiện trao đổi khí và giúp bệnh nhi dễ thở hơn. [1]
Bản chất của vỗ rung long đờm là thay đổi áp suất trong đường dẫn khí, tạo điều kiện thuận lợi để tống đờm ra khỏi cơ thể.
Tuy nhiên, khi tiến hành vỗ rung cho trẻ cần phải chú ý đến đặc điểm của hệ hô hấp của trẻ, mặc dù nguyên tắc khi vỗ đờm cho trẻ em và người lớn là giống nhau.
Cấu trúc và chức năng của hệ hô hấp ở trẻ khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, do đó kỹ thuật vỗ đờm cho trẻ cũng sẽ khác nhau.
2 Khi nào cần vỗ long đờm cho bé?
Vỗ rung long đờm cho trẻ sơ sinh có thể được thực hiện trong các trường hợp:
- Viêm phế quản.
- Viêm tiểu phế quản.
- Viêm phế quản phổi.
- Giãn phế quản.
- Hen phế quản.
Chống chỉ định:
- Trẻ nhỏ bị chấn thương lồng ngực.
- Trẻ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch.
- Trẻ bị tràn dịch, tràn khí màng phổi.
- Trẻ bị ung thư phổi.
- Trẻ có dị tật ở đường thở.
- Vỗ rung sau ăn no dễ khiến trẻ bị nôn trớ.
3 Có nên vỗ rung đờm cho trẻ sơ sinh?
Vỗ long đờm giúp thông thoáng đường thở, hạn chế tình trạng khò khè khó thở. Bên cạnh đó, khi trẻ gặp phải các vấn đề về đường hô hấp, nhiều dịch ứ ở cổ sẽ khiến con có cảm giác nuốt vướng, làm giảm cảm giác thèm ăn, vỗ rung long đờm giúp trẻ ăn ngon hơn và dễ ngủ hơn.
Ép đờm cho trẻ sơ sinh có tốt không? Vỗ long đờm cho trẻ là một biện pháp điều trị hỗ trợ, do đó, mặc dù vỗ rung long đờm có hiệu quả nhưng không thể thay thế được các biện pháp điều trị nguyên nhân.
Nhằm đảm bảo điều trị đúng, đem lại hiệu quả cao, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám đầy đủ, xác định được nguyên nhân cụ thể từ đó có hướng chẩn đoán và điều trị một cách an toàn, phù hợp.
Kỹ thuật vỗ rung long đờm là một kỹ thuật phức tạp, cần thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc điều dưỡng có chuyên môn. Do đó, nếu bố mẹ chưa có kinh nghiệm vỗ rung cho con hoặc chưa biết cách xử trí khi gặp vấn đề thì không nên áp dụng kỹ thuật này tại nhà để đảm bảo an toàn cho con.
Bên cạnh đó, không phải trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ nào cũng được chỉ định vỗ rung đờm ngay cả trong trường hợp trẻ bị nhiều đờm.
4 Cách vỗ long đờm cho trẻ sơ sinh
Trước khi tiến hành vỗ rung long đờm cho trẻ, trẻ cần được làm sạch đường thở. Thông thường, các bác sĩ chỉ định xông khí dung cho trẻ với mục đích làm loãng chất nhầy ở đường hô hấp, giãn đường thở để tạo điều kiện cho quá trình vỗ rung được diễn ra một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Thường sử dụng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%, thuốc giãn phế quản, thuốc long đờm tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng của trẻ.
Thời điểm tiến hành khí dung cho trẻ là ngay trước khi vỗ long đờm để tăng hiệu quả.
4.1 Kỹ thuật vỗ, rung long đờm
4.1.1 Mục đích
Tác động một lực cơ học vào lồng ngực, giúp làm long đờm, kết hợp tư thế dẫn lưu để loại bỏ đờm, dịch tiết đường hô hấp ra ngoài.
Chỉ định: Trẻ bị hạn chế hô hấp, ứ đọng nhiều đờm dãi không khạc ra ngoài được.
4.1.2 Nguyên tắc
Nguyên tắc vỗ long đờm: Dùng tay tác động vào phần lồng ngực của trẻ nhằm tạo ra những sóng xung lực, tác động qua thành ngực, truyền vào phổi, từ đó làm cho các cục đờm dễ dàng bong ra khỏi phế quản, sử dụng kỹ thuật dẫn lưu để tống đờm ra ngoài.
Nguyên tắc rung long đờm: Bổ trợ cho kỹ thuật vỗ, tạo điều kiện tống đờm ra ngoài một cách dễ dàng.
Ngừng sử dụng kỹ thuật này nếu trẻ có các dấu hiệu hô hấp bị xấu đi.
Đảm bảo vệ sinh trong quá trình thực hiện kỹ thuật.
4.1.3 Kỹ thuật
Cho trẻ ngồi trên giường hoặc trên ghế, thư giãn và chùng cơ khi vỗ. Với trẻ nhỏ hơn, mẹ hãy đặt bé trên cánh tay hoặc trên vai, đầu hơi ngửa về phía trước.
Cha mẹ đứng hoặc ngồi ở tư thế thuận lợi, bàn tay khum, các ngón tay khép lại để khi vỗ sẽ tạo nên một đệm không khí giữa lòng bàn tay và thành ngực để tránh đau cho trẻ.
Vỗ vào thành ngực tương ứng với nơi ứ đọng dịch, khi vỗ, tay của cha mẹ phải thật nhẹ nhàng, sau đó mạnh dần lên, từ ngoài vào vùng tổn thương để trẻ thích nghi dần nhất là lúc trẻ đang đau.
Một tay của mẹ có thể giữ cố định vai hay thân của con và sử dụng tay còn lại để vỗ rung đờm.
Mẹ nên vỗ nhịp nhàng, tay di chuyển trên thành ngực với một lực đều nhau. Lực vỗ vừa phải, trẻ có cảm giác dễ chịu và hợp tác trong quá trình vỗ đờm. Sau mỗi đợt vỗ, cha mẹ hướng dẫn cho trẻ ho khạc đờm để tống dịch ra ngoài.
Thời gian cho mỗi lần vỗ rung là từ 3 đến 5 phút.
4.1.4 Lưu ý
Không vỗ quá mạnh.
Khi vỗ ở lưng không vỗ xuống nơi thấp không có xương sườn vì có thể tác động vào thận và các tạng trong bụng làm trẻ dễ bị đau.
Đối với các bé gái, cần thận trọng khi vỗ ở phần trước ngực.
Thời gian vỗ rung cho trẻ không nên quá 30 phút.
Với tư thế vỗ lồng ngực, mẹ nên tiến hành khi dạ dày rỗng, thời điểm tốt nhất là cách xa bữa ăn để tránh tình trạng trẻ bị nôn trớ.
Có thể tiến hành vỗ rung lồng ngực với tần suất nhiều lần trong ngày.
Trước khi tiến hành kỹ thuật vỗ rung lồng ngực, mẹ cần phải loại bỏ sạch đờm dãi khỏi mũi hoặc học của con.
Để trẻ nằm ở tư thế úp lên ngực hoặc đùi của mẹ, nghiêng mặt về một bên, nằm ngửa trên đùi mẹ, đầu của trẻ hơi ngửa ra sau.
Cha mẹ nên tháo bỏ các đồ trang sức (nhẫn, đồng hồ, vòng đeo tay) trước khi tiến hành vỗ rung cho trẻ.
Tay của mẹ nên khum lại để khi vỗ tạo ra một lớp khí ở giữa tay và lưng hoặc ngực của con. Khi vỗ, mẹ sẽ nghe thấy tiếng kêu bộp bộp, còn nếu nghe thấy tiếng bẹt bẹt, mẹ cần xem lại kỹ thuật vỗ.
Khi vỗ, mẹ chỉ di chuyển phần cổ tay, không di chuyển các vùng khác của cánh tay. Nên vỗ từ bên trái sang bên phải, các thao tác cần thực hiện nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, đều đặn.
Không nên cho trẻ ăn ngay sau khi vỗ long đờm cho trẻ.
Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường, cần ngừng vỗ rung long đờm và nhanh chóng áp dụng các biện pháp can thiệp hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
4.2 Kỹ thuật dẫn lưu tư thế
Dẫn lưu tư thế được coi là kỹ thuật chuyên sâu, được kết hợp với kỹ thuật vỗ rung long đờm giúp đem lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị bệnh cho bệnh nhi. Dẫn lưu tư thế ngày càng được sử dụng rộng rãi.
Dẫn lưu tư thế là phương pháp giải phóng đờm dịch ra khỏi phổi nhờ tác dụng của trọng lực kết hợp với tư thế của trẻ, do đó cha mẹ cần tìm hiểu kỹ để áp dụng dẫn lưu tư thế trong quá trình vỗ đờm cho trẻ.
4.2.1 Kỹ thuật
Mẹ ép 2 tay xuống ngực con lúc con thở ra.
4.2.2 Chỉ định
Mục đích phòng bệnh: Áp dụng đối với những trẻ phải thở máy liên tục, tuy nhiên phải đảm bảo trẻ chịu đựng được biện pháp điều trị, kỹ thuật viên hoặc người thực hiện có kinh nghiệm, viêm phổi thùy, bất động lâu ngày có nguy cơ ứ đọng dịch tiết ở đường thở, sau phẫu thuật lồng ngực hoặc bụng, trẻ có xu hướng giảm hô hấp do đau hoặc suy kiệt, những trẻ bị mất hoặc giảm phản xạ ho do đó làm cho dịch tiết bị ứ đọng trong đường hô hấp.
Mục đích điều trị, tống đờm, dịch tiết ra ngoài: Các trường hợp trẻ xẹp phổi do nguyên nhân ứ đọng dịch tiết, trẻ bị tình trạng áp xe phổi kèm theo khạc mủ, trường hợp trẻ sau phẫu thuật bị ứ đọng dịch đờm.
Dẫn lưu tư thế là kỹ thuật được sử dụng đồng thời với kỹ thuật vỗ rung long đờm, nhằm mục đích làm thông thoáng đường thở, tống đờm ra bên ngoài một cách dễ dàng.
4.2.3 Chống chỉ định
Trẻ bị ho ra máu, trẻ đang khó thở hoặc trào ngược dạ dày thực quản.
Trẻ mới ăn no.
Thời gian mỗi lần áp dụng kỹ thuật tư thế dẫn lưu từ 25 đến 30 phút.
4.2.4 Lưu ý
Chuẩn bị khăn giấy, khăn mềm để lau cho trẻ, khuyến khích động viên trẻ hợp tác. Chú ý đến các dấu hiệu khó thở của trẻ, nếu trẻ xuất hiện tình trạng khó thở thì cần dừng lại ngay.
4.3 Kỹ thuật ho
Ngoài 2 kỹ thuật trên, mẹ có thể kết hợp hướng dẫn trẻ ho đối với những trẻ lớn, đã biết nghe lời và làm theo hướng dẫn của người lớn.
Mục tiêu: Giúp trẻ tống đờm ra khỏi cơ thể một cách dễ dàng, hỗ trợ làm thông thoáng đường thở, tăng thông khí, giảm tình trạng khó thở, tránh viêm nhiễm đường hô hấp di bị ứ dịch.
4.3.1 Chỉ định
Áp dụng cho những trẻ nằm lâu, trẻ bị ứ dịch sau cơn hen phế quản, viêm phổi đã ổn định.
Trẻ nhỏ với các triệu chứng trào ngược, ảnh hưởng đến đường thở.
Trẻ bị rối loạn nuốt, sặc nước và thức ăn.
Trẻ còn tỉnh táo, có thể thực hiện được các động tác ho, áp dụng cho những trẻ không bị quá khó thở.
Thời gian thực hiện kỹ thuật khoảng 5 phút hoặc lâu hơn tùy vào tình trạng của trẻ, có thể tập vài lần mỗi ngày, mẹ nên chuẩn bị bô, khăn giấy, khăn mềm để lau cho con sau khi con khạc đờm ra ngoài.
4.3.2 Kỹ thuật
Cho trẻ ngồi trên giường hoặc trên ghế ở tư thế thoải mái.
Để trẻ hít vào sâu và thật chậm.
Nín thở trong vài giây (khoảng 2 giây).
Mẹ hướng dẫn con ho mạnh ra hai lần liên tiếp, lần thứ nhất để long đờm, lần thứ hai để tống đờm ra khỏi cơ thể, mẹ có thể động viên bé lặp lại 1 hoặc 2 lần.
Hít vào thật chậm và nhẹ nhàng, lúc thở ra nên mím môi lại để hơi thở thoát ra chậm hơn. Khi cảm thấy thoải mái, mẹ có thể hướng dẫn trẻ lặp lại thêm một hoặc hai lần.
Cần lưu ý quan sát đề phòng trong trường hợp trẻ bị khó thở.
5 Một số tư thế thường được áp dụng trong dẫn lưu kết hợp vỗ rung
5.1 Tư thế 1: Thùy trên đỉnh phổi
Trẻ ngồi trên giường hoặc trên ghế (trẻ nhỏ được mẹ bế ngồi trên 2 đùi), tư thế thoải mái, thân hơi ngả ra sau, hai tay buông xuôi, bàn tay ở trên 2 đùi.
Mẹ tiến hành vỗ rung vào phía sau lưng, bên trên của lồng ngực.
5.2 Tư thế 2: Thùy trên phần sau
Mẹ để trẻ ngồi trên giường hoặc trên ghế, đặt một chiếc gối ôm có kích thước vừa phải lên đùi của con, thân hơi ngả ra trước, đầu và cổ cúi nhẹ, cằm tựa gối và để con thoải mái, hai tay đặt trên gối và buông xuôi thoải mái.
Mẹ đứng sau trẻ, vỗ vào phần phía trên của lưng.
5.3 Tư thế 3: Thùy trên phần trước
Trẻ nằm ngửa trên giường, đầu gối cao vừa, 2 tay trẻ để buông xuôi thoải mái, thân thư giãn, hai chân buông xuôi ở tư thế co nhẹ.
Mẹ ngồi ở phía đầu hoặc bên cạnh trẻ, vỗ vào phần trên của lồng ngực.
Nếu là trẻ sơ sinh hoặc trẻ quá nhỏ thì mẹ có thể bế con trên đùi, tư thế thân hơi ngửa ra sau, một tay giữ trẻ, tay kia vỗ vào phần trên của lồng ngực.
5.4 Tư thế 4: Thùy lưỡi của phổi trái
Mẹ để trẻ nằm nghiêng sang phải, đầu gối cao bằng vai, hai tay đưa ra trước, thân và hai chân kê cao, tạo tư thế nghiêng đầu thấp.
Mẹ ngồi hoặc đứng sau lưng trẻ, vỗ vào phần bên trên của lồng ngực.
5.5 Tư thế 5: Thùy dưới phần trước đáy phổi
Đặt trẻ nằm đầu kê bằng vai, thân và hai chân kê cao vừa phải.
Mẹ ngồi hoặc đứng bên cạnh con, vỗ vào phần dưới của lồng ngực.
5.6 Tư thế 6: Thùy dưới phần sau của đáy phổi
Trẻ nằm sấp, tư thế đầu thấp trên gối, hai tay dang đưa lên phía đầu thư giãn, thân và hai chân kê cao trên gối.
Mẹ đứng hoặc ngồi cạnh giường (thông thường nên đứng về phía bên trái của trẻ), vỗ vào phần dưới lưng của trẻ (không vỗ xuống vùng thắt lưng).
6 Hướng dẫn chăm sóc trẻ khi bị ho tại nhà cho cha mẹ
Nếu cha mẹ không thể thực hiện biện pháp vỗ rung long đờm tại nhà thì có thể áp dụng một số biện pháp sau để giúp trẻ mau khỏi bệnh:
- Sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mũi cho con, tần suất 4-5 lần mỗi ngày, cha mẹ nên nhỏ để vệ sinh mũi cho con trước khi con ăn hoặc trước khi đi ngủ để con dễ thở và ngủ ngon hơn.
- Sử dụng khăn giấy sạch, mềm, ẩm để lau mũi đờm cho con. Không nên sử dụng khăn sữa nhiều lần vì nguy cơ tích tụ vi khuẩn làm cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
- Cho trẻ uống nhiều nước ấm để làm loãng đờm. Với những trẻ còn đang bú, mẹ có thể tăng cữ bú của trẻ, không nên cho trẻ ăn quá no mà nên chia thành nhiều bữa.
- Vào mùa lạnh, trẻ thường dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, do đó, mẹ cần giữ ấm cơ thể cho trẻ.
- Đảm bảo môi trường sạch sẽ là yếu tố quan trọng giúp hạn chế tình trạng trẻ bị tái nhiễm. Sử dụng máy phun sương ẩm, đặc biệt là khi thời tiết hanh khô để làm ẩm không khí, loại bỏ các tạp chất bay lơ lửng, giúp đường hô hấp của con luôn được bảo vệ tối ưu.
- Sử dụng các dụng cụ hút mũi chuyên dụng, không nên dùng miệng để hút mũi vì chứa nhiều vi khuẩn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con do hệ miễn dịch của con còn non yếu.
- Trường hợp trẻ bị nôn trớ, ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể để tống đờm ra ngoài, cha mẹ không nên quá lo lắng, có thể vỗ nhẹ nhàng vào lưng con để con tống đờm ra ngoài.
- Không sử dụng thuốc ức chế ho, thuốc chống viêm, thuốc kháng sinh,...khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên môn vì có thể làm cho đờm bị quánh lại, gây khó khăn trong quá trình điều trị.
7 Một số câu hỏi thường gặp
7.1 Cách rơ lưỡi lấy đờm cho trẻ sơ sinh
Các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp có thể gây tăng tiết dịch dẫn đến tình trạng xuất hiện dịch nhầy ở đường hô hấp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh. Việc làm thông thoáng đường thở giúp trẻ cảm thấy thoải mái, ăn ngon hơn và ngủ sâu giấc hơn.
Các bước rơ lưỡi lấy đờm cho trẻ sơ sinh:
- Bước 1: Cha mẹ rửa tay thật sạch bằng các dụng cụ vệ sinh chuyên dụng.
- Bước 2: Sử dụng gạc rơ lưỡi, quấn quanh ngón tay trỏ, sử dụng dung dịch nước muối sinh lý để vệ sinh cho trẻ.
- Bước 3: Mẹ để trẻ nằm trên mặt phẳng, lưu ý để đầu của con cao hơn để tránh tình trạng nôn trớ, rơ lưỡi cho con theo hướng từ trong ra ngoài nhằm loại bỏ đờm sau khi vỗ rung.
7.2 Địa chỉ vỗ đờm cho trẻ sơ sinh
Cha mẹ có thể đưa trẻ đến bệnh viện hoặc các phòng khám có chuyên môn để thực hiện vỗ rung đờm cho trẻ sơ sinh.
Không nên thực hiện tại nhà khi cha mẹ chưa nắm vững kỹ thuật hoặc chưa biết cách xử trí khi con có dấu hiệu lạ.
7.3 Video lấy đờm cho trẻ sơ sinh
Để dễ hình dung, dưới đây là video hướng dẫn vỗ rung đờm cho trẻ sơ sinh mà cha mẹ có thể tham khảo:
8 Kết luận
Vỗ rung đờm cho trẻ sơ sinh nhằm mục đích giúp thông thoáng đường thở, đem lại những hiệu quả nhất định trong quá trình điều trị bệnh. Tuy nhiên, kỹ thuật này không nên tự ý thực hiện tại nhà khi chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh và cha mẹ chưa nắm vững kỹ thuật vỗ rung.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả Vincent Gajdos và cộng sự (Ngày đăng tháng 9 năm 2010). Effectiveness of Chest Physiotherapy in Infants Hospitalized with Acute Bronchiolitis: A Multicenter, Randomized, Controlled Trial, NCBI. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2024