1. Trang chủ
  2. Nhi Khoa
  3. Có nên sử dụng thuốc chống nôn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ?

Có nên sử dụng thuốc chống nôn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ?

Có nên sử dụng thuốc chống nôn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ?

Trungtamthuoc.com - Thuốc chống nôn cho trẻ em là thuốc nhằm mục đích ngăn ngừa hoặc điều trị buồn nôn và nôn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau như ngộ độc, say tàu xe, viêm dạ dày ruột,... Bài viết dưới đây Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy sẽ cung cấp cho bạn đọc đầy đủ những thông tin về thuốc chống nôn cho trẻ em.

1 Giới thiệu

Buồn nôn và nôn là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Mặc dù hầu hết các trường hợp đều không cần điều trị, tuy nhiên, tình trạng mất nước nặng có thể xảy ra nếu không được xử trí kịp thời.

Một số triệu chứng đi kèm với buồn nôn bao gồm:

  • Chóng mặt, choáng váng.
  • Tăng tiết nước bọt.
  • Đổ mồ hôi.
  • Loạn nhịp tim.

2 Nguyên nhân gây nôn ở trẻ em là gì?

Nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ
Nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nôn trớ ở trẻ nhỏ, việc xác định đúng nguyên nhân góp phần lớn vào hiệu quả điều trị.

2.1 Trớ sữa

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khoảng 3 tháng tuổi có thể xuất hiện tình trạng nôn trớ sau khi bú. Tình trạng này không quá nguy hiểm, tuy nhiên cha mẹ cần phân biệt được nôn trớ thông thường và nôn trớ do bệnh lý để xử trí cho phù hợp.

2.2 Viêm dạ dày ruột

Viêm dạ dày ruột là do nhiễm trùng trong hệ tiêu hóa. Thông thường nhiễm trùng này là do virus, nhưng đôi khi là do vi khuẩn. Viêm dạ dày ruột gây nôn mửa, tiêu chảy, sốt và đau bụng.

Trẻ em và trẻ nhỏ là những đối tượng dễ bị mất nước do viêm dạ dày ruột hơn và trẻ dưới 6 tháng tuổi nên được thăm khám cẩn thận khi bị viêm dạ dày ruột.

Rotavirus là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm dạ dày ruột nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh. [1]

2.3 Ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm cũng là một trong số những nguyên phân phổ biến gây nên tình trạng buồn nôn và nôn trớ ở trẻ. Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm tương tự như triệu chứng do viêm dạ dày ruột gây ra, nhưng thường nặng hơn.

2.4 Hẹp môn vị

Hẹp môn vị là tình trạng thu hẹp van giữa dạ dày và ruột non làm ngăn cản thức ăn đi vào ruột non. Hẹp môn vị thường xuất hiện ở trẻ từ 2-6 tuần tuổi, thường gây nôn trớ nhiều, đặc biệt là ngay sau khi bú, khiến trẻ không tăng được cân.

2.5 Say tàu xe

Say tàu xe là tình trạng nôn trớ khi đi ô tô, tàu, máy bay,... Chứng say tàu xe phổ biến hơn ở trẻ lớn hơn trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, tình trạng nôn trớ ở trẻ có thể do một số bệnh lý như viêm màng não, tăng áp lực nội sọ,...

3 Có nên sử dụng thuốc chống nôn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ?

Việc quyết định sử dụng thuốc chống nôn cho trẻ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm:

  • Nôn trớ do sinh lý hay nôn trớ bệnh lý.
  • Tần suất nôn.
  • Các triệu chứng hoặc biểu hiện đi kèm.

Nguyên tắc điều trị nôn trớ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:

  • Nôn trớ dù xảy ra do bất kỳ nguyên nhân nào, việc ưu tiên hàng đầu là đảm bảo trẻ không bị mất nước.
  • Ngoài việc điều trị tình trạng mất nước ở trẻ, phác đồ điều trị cụ thể cho trẻ cần phải dựa vào nguyên tắc và nguyên nhân gây nôn trớ.
  • Việc sử dụng thuốc chống nôn trẻ em thường không được khuyến cáo trừ khi có chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
  • Bác sĩ có thể cân nhắc tiến hành phẫu thuật cho trẻ trong trường hợp viêm ruột thừa, tắc ruột và hẹp môn vị hoặc có vấn đề ở đường tiêu hóa.

4 Cách lựa chọn thuốc chống nôn cho trẻ

Các loại thuốc chống nôn được phân loại dựa trên cơ chế tác động. Do đó, việc xác định được nguyên nhân gây nôn và lựa chọn thuốc chống nôn phù hợp sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị và giảm thiểu tác dụng phụ.

4.1 Lựa chọn thuốc chống nôn theo độ tuổi

4.1.1 Thuốc chống nôn cho trẻ dưới 1 tuổi

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng nhạy cảm, do đó việc sử dụng thuốc chống nôn cho trẻ sơ sinh cần có sự chỉ định và theo dõi bởi các bác sĩ có chuyên môn.

Ưu tiên lựa chọn các dạng bào chế là dạng lỏng, siro có mùi vị dễ uống như Motilium 1mg/ml, A.T Domperidon 30ml.

4.1.2 Thuốc chống nôn cho trẻ 1 tuổi

Tương tự như trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi, cha mẹ cũng nên lựa chọn các dòng thuốc chống ói cho trẻ có mùi vị dễ uống, dạng bào chế dễ sử dụng.

4.1.3 Thuốc chống nôn cho bé 2 đến 5 tuổi

Đối với trẻ từ 2-5 tuổi, đã có thể sử dụng nhiều hoạt chất và nhiều dạng bào chế khác nhau như dạng siro, dạng viên uống,...

Đối với dạng thuốc tiêm truyền, cần có sự theo dõi của nhân viên y tế trong suốt quá trình tiêm thuốc.

4.2 Lựa chọn thuốc chống nôn dựa vào nguyên nhân gây nôn

Tuy nhiên, tùy nguyên nhân gây nôn mà lựa chọn thuốc chống nôn cho phù hợp, ví dụ:

  • Trẻ bị trớ sữa không nhất thiết phải sử dụng thuốc chống nôn. Các biện pháp làm giảm tình trạng trớ sữa ở trẻ có thể kể đến như: Không cho trẻ bú quá no, nên chia thành nhiều cữ để con nhận được lượng sữa vừa đủ, tránh nôn trớ, vỗ ợ hơi sau mỗi lần bú.
  • Trẻ bị nôn trớ khi đi tàu xe: Ưu tiên lựa chọn các thuốc chống nôn kháng histamin như Promethazine (Phenergan).
  • Trẻ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus đường tiêu hóa: Ưu tiên lựa chọn thuốc chống nôn thuộc nhóm đối kháng thụ thể serotonin (Ondansetron (Zofran) hoặc thuốc ức chế thụ thể dopamin (Motilium, A.T Domperidon,...).
  • Trong trường hợp trẻ bị ngộ độc thực phẩm, không tự ý sử dụng thuốc chống nôn mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời vì tình trạng suy hô hấp có thể gây nguy hiểm cho con.
  • Điều trị buồn nôn và nôn sau phẫu thuật: Ưu tiên lựa chọn thuốc ức chế thụ thể dopamin (Domperidone (Motilium), Metoclopramide (Reglan), thuốc chẹn thụ thể serotonin Ondansetron (Zofran)).
  • Điều trị buồn nôn và nôn do hóa trị liệu: Prochlorperazine (Compazine), Ondansetron (Zofran).
  • Các trường hợp nôn do hẹp môn vị hoặc có các vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa, các bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nếu cần thiết.

5 Các loại thuốc chống nôn cho trẻ

Việc sử dụng thuốc chống nôn cho trẻ cần có chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý sử dụng thuốc chống nôn cho con tại nhà khi chưa rõ nguyên nhân có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh của con hoặc che lấp đi các triệu chứng làm cho việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn.

5.1 Domperidon

Domperidon là thuốc chống nôn được sử dụng phổ biến cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. [2]

5.1.1 Cơ chế

Domperidon (biệt dược gốc Motilium) là thuốc đối kháng thụ thể dopamin (bao gồm là D1 và D2). Do không có tác dụng đối với các thụ thể dopamin trên não nên domperidon thường không có ảnh hưởng đến thần kinh và tâm thần.

Cơ chế chống nôn của thuốc là làm tăng trương lực cơ và làm tăng biên độ mở rộng của cơ thắt môn vị. Domperidon ít gây hội chứng ngoại tháp hơn so với metoclopramid.

5.1.2 Tác dụng không mong muốn

Tiêu chảy, buồn nôn, khô miệng, đau đầu, mất ngủ là những tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng domperidon.

5.1.3 Đối tượng sử dụng

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

5.1.4 Liều dùng

Đối với trẻ có cân nặng trên 35kg: Uống 250-500 mcg/kg cân nặng/lần, ngày uống 3-4 lần, liều tối đa không quá 2,4mg/kg/ngày.

Điều trị trào ngược dạ dày - thực quản:

  • Trẻ sơ sinh: Uống 100-300 mcg/kg/lần, ngày uống 4-6 lần.
  • Trẻ từ 1 tháng đến 12 tuổi: Uống 200 - 400 mcg/kg/lần, ngày uống 3-4 lần, liều tối đa không quá 20mg/lần.

5.1.5 Chế phẩm

Chế phẩm chứa Domperidon
Chế phẩm chứa Domperidon

Một số chế phẩm trên thị trường chứa thành phần domperidon như: Hỗn dịch uống Motilium 1mg/ml, A.T Domperidon 30ml, Motilium - M, A.T Domperidon 5mg,...

5.2 Promethazine

Promethazine (biệt dược gốc Phenergan) không được chỉ định cho trẻ em dưới 2 tuổi do nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ tiềm tàng.

5.2.1 Cơ chế

Promethazine là thuốc chẹn thụ thể H1 (thuốc kháng histamin) có tác dụng ức chế phản ứng trung tâm gây nôn đối với các chất kích thích ngoại biên.

Tác dụng chống nôn của thuốc là do tác dụng kháng cholinergic tại trung tâm nôn.

5.2.2 Chỉ định

Điều trị các triệu chứng nôn và buồn nôn sau khi phẫu thuật.

Điều trị triệu chứng nôn và buồn nôn do say tàu xe.

5.2.3 Đối tượng sử dụng

Trẻ em trên 2 tuổi.

5.2.4 Tác dụng không mong muốn

Các tác dụng phụ thường gặp nhất là suy hô hấp, an thần, chóng mặt, lo lắng, mờ mắt, khô miệng, bất lực và táo bón. Ở liều điều trị, promethazin có thể gây ra tác dụng phụ ngoại tháp, bao gồm cả chứng vẹo cổ.

5.2.5 Liều dùng

Chỉ sử dụng Promethazine trong trường hợp nôn kéo dài, đã xác định được nguyên nhân.

Đối với trẻ > 2 tuổi: Liều dùng được khuyến cáo là 0,25 đến 1 mg/kg (tối đa 25mg) theo đường uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc đặt trực tràng cứ sau 4 đến 6 giờ.

5.2.6 Chế phẩm

Một số chế phẩm chứa Promethazine trên thị trường như: Siro Promethazin Vidipha, Promethazin 5mg Agimexpharm, siro Phenergan 90ml,...

Thuốc chống nôn Promethazine
Thuốc chống nôn Promethazine

5.3 Prochlorperazine

5.3.1 Cơ chế

Prochlorperazine là một chất ức chế thụ thể dopamin yếu làm có tác dụng suy giảm vùng kích hoạt thụ thể hóa học.

Cơ chế chống nôn của Prochlorperazine là do tác động trực tiếp lên vùng CTZ của tủy (vùng kích hoạt thụ thể hóa học) thông qua việc ngăn chặn các thụ thể dopamin.

5.3.2 Chỉ định

Điều trị triệu chứng buồn nôn và nôn do bất kỳ nguyên nhân nào.

5.3.3 Đối tượng sử dụng

Trẻ em trên 2 tuổi.

5.3.4 Tác dụng không mong muốn

Buồn ngủ, chóng mặt, lo lắng, giấc mơ kỳ lạ, mất ngủ, bồn chồn và loạn trương lực cơ là những tác dụng phụ thường gặp nhất.

5.3.5 Liều dùng

Liều dùng cho trẻ >2 tuổi, có cân nặng từ 9-13kg: Uống 2,5 mg mỗi 12 đến 24 giờ.

Liều dùng cho trẻ > 2 tuổi có cân nặng từ 13-18kg: Uống 2,5 mg mỗi 8 đến 12 giờ.

Liều dùng cho trẻ > 2 tuổi có cân nặng từ 18-39kg: Uống 2,5 mg mỗi 8 giờ.

Liều dùng cho trẻ > 2 tuổi có cân nặng trên 39kg: Uống 5-10mg, uống mỗi 6-8 giờ.

5.3.6 Chế phẩm

Một số chế phẩm chứa Prochlorperazine trên thị trường như: Prochlorperazine tablets, Stemetil,...

Chế phẩm chứa Prochlorperazine
Chế phẩm chứa Prochlorperazine

5.4 Metoclopramide

5.4.1 Cơ chế

Metoclopramide (biệt dược gốc Reglan) là một chất đối kháng thụ thể dopamin, hoạt động cả ở trung tâm và ngoại vi bằng cách tăng nhu động dạ dày và giảm các xung động hướng tâm đến vùng kích hoạt thụ thể hóa học.

5.4.2 Chỉ định

Điều trị triệu chứng buồn nôn và nôn sau phẫu thuật.

Điều trị triệu chứng buồn nôn và nôn do say tàu xe.

5.4.3 Đối tượng sử dụng

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

5.4.4 Tác dụng không mong muốn

Buồn ngủ, ngủ gà, chóng mặt, kích động, đau đầu, tiêu chảy, bồn chồn và loạn trương lực cơ là những tác dụng phụ thường gặp nhất.

5.4.5 Liều dùng

0,1 mg/kg uống hoặc tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ (tối đa 10 mg/liều).

5.4.6 Chế phẩm

Một số chế phẩm chứa Metoclopramide trên thị trường như: Perimirane 10mg, Primperan 10mg/2ml,...

Chế phẩm chứa Metoclopramide
Chế phẩm chứa Metoclopramide

5.5 Ondansetron

5.5.1 Cơ chế

Ondansetron (biệt dược gốc Zofran) là thuốc chẹn thụ thể serotonin (5-HT3) có chọn lọc, có tác dụng ức chế sự khởi đầu của phản xạ nôn ở ngoại vi. [3]

Việc sử dụng ondansetron đã được chứng minh đem lại hiệu quả và mức độ an toàn đối với những trẻ bị viêm dạ dày ruột cấp tính và và không có khả năng dung nạp liệu pháp bù nước theo đường uống (ORT). Thông thường, chỉ sử dụng một liều duy nhất vì liều lặp lại có thể gây tiêu chảy kéo dài.

5.5.2 Chỉ định

Điều trị các triệu chứng buồn nôn và nôn do viêm dạ dày ruột cấp tính.

Điều trị triệu chứng buồn nôn và nôn sau phẫu thuật.

5.5.3 Đối tượng sử dụng

Trẻ em trên 2 tuổi.

5.5.4 Tác dụng không mong muốn

Nhức đầu, hoa mắt, buồn ngủ, chóng mặt, ảo giác, nhịp tim nhanh, mờ mắt,...

5.5.5 Liều dùng

Liều dùng thông thường được khuyến cáo là 0,15 mg/kg (tối đa 8 mg) tiêm tĩnh mạch mỗi 8 giờ.

Khi sử dụng theo đường uống:

  • Đối với trẻ từ 2 đến 4 tuổi: Uống 2 mg mỗi 8 giờ.
  • Đối với trẻ từ 4 đến 11 tuổi: Uống 4mg mỗi 8 giờ.
  • Đối với những người ≥ 12 tuổi: Uống 8 mg mỗi 8 giờ.

5.5.6 Chế phẩm

Một số chế phẩm chứa Ondansetron trên thị trường như: Degas 8mg/4ml, ONDANSETRON-BFS,...

Chế phẩm chứa Ondansetron
Chế phẩm chứa Ondansetron

6 Những lưu ý khi sử dụng thuốc chống nôn cho trẻ

Do cơ chế của các thuốc chống nôn là làm giảm sự co bóp cơ trơn của dạ dày do đó để phát huy hiệu quả cũng như giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, có một số vấn đề cần lưu ý bao gồm:

  • Cho trẻ uống thuốc trước khi ăn để hạn chế tình trạng nôn trớ.
  • Không sử dụng thuốc chống nôn cho trẻ em khi chưa xác định được nguyên nhân cụ thể.
  • Sử dụng theo đúng liều lượng khuyến cáo, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ có chuyên môn.
  • Khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, cần ngừng sử dụng thuốc và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

7 Mẹo dân gian chữa nôn trớ ở trẻ sơ sinh an toàn, hiệu quả

Mẹo dân gian chữa nôn trớ ở trẻ
Mẹo dân gian chữa nôn trớ ở trẻ

7.1 Gừng tươi

Gừng vừa là vị thuốc vừa là gia vị quen thuộc trong các bữa ăn của gia đình Việt. Gừng tươi được sử dụng trong nhiều bài thuốc cổ truyền trong đó có các bài thuốc làm giảm nôn trớ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Thành phần shogaol và gingerol có tác dụng thúc đẩy tốc độ làm rỗng dạ dày, hỗ trợ làm giảm tình trạng nôn trớ ở trẻ.

Cách chế biến:

  • Xay gừng và vắt lấy nước cốt.
  • Pha với một ít nước đun sôi để nguội.
  • Cho con uống 2-3 lần mỗi ngày.

7.2 Chanh

Chanh có tác dụng làm giảm buồn nôn và kích thích sản xuất nước bọt.

Cách chế biến:

  • Chanh rửa sạch, thái lát mỏng.
  • Sử dụng nước cốt chanh pha với nước đun sôi để nguội cho trẻ uống 2-3 lần mỗi ngày.

7.3 Bạc hà

Bạc Hà chứa tinh dầu có tác dụng làm sảng khoái, giảm cảm giác buồn nôn. Mẹ có thể sử dụng một chút tinh dầu, xoa vào lòng bàn tay sau đó xoa đều lên bụng của con, vừa có tác dụng kích thích tiêu hóa, vừa làm giảm tình trạng nôn trớ của con.

7.4 Bổ sung đủ nước

Bổ sung đủ nước giúp duy trì sự cân bằng các chất điện giải và ngăn ngừa tình trạng mất nước, làm giảm cảm giác buồn nôn.

Ngoài ra, uống đủ nước giúp kích thích tiêu hóa, giảm tình trạng buồn nôn do khó tiêu hoặc các vấn đề về đường tiêu hóa khác.

7.5 Bấm huyệt

Phương pháp bấm huyệt
Phương pháp bấm huyệt

Bấm huyệt giúp thư giãn, cải thiện lưu thông máu và làm giảm cảm giác buồn nôn.

Một trong những huyệt đạo được sử dụng phổ biến nhất để giảm buồn nôn là huyệt P-6 (Neiguan) ở mặt trong cánh tay gần cổ tay. Áp dụng áp lực vào điểm này có thể giúp cải thiện tình trạng và ngăn ngừa nôn trớ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

8 Biện pháp phòng tránh nôn trớ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Thông thường, ở trẻ nhỏ, viêm dạ dày ruột là nguyên nhân gây buồn nôn và nôn phổ biến nhất. Viêm dạ dày ruột có nguy cơ lây nhiễm cao, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do hệ miễn dịch còn yếu, đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Một số biện pháp giúp làm giảm nguy cơ mắc viêm dạ dày ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc các dung dịch rửa tay, đặc biệt là sau khi thay tã và trước khi cho con bú.

Rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn và sau khi đi vệ sinh.

Thực hành tốt an toàn thực phẩm.

Tiêm vắc-xin ngừa rotavirus.

Cách ly trẻ nếu như có triệu chứng của bệnh.

9 Kết luận

Buồn nôn là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc sử dụng thuốc chống nôn có thể gây nguy hiểm nếu như không có hướng dẫn cụ thể.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả Jacob Manteuffel (Ngày đăng tháng 1-tháng 4 năm 2009). Use of antiemetics in children with acute gastroenteritis: Are they safe and effective?, PubMed. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2023
  2. ^ Tác giả Claudio Romano và cộng sự (Ngày đăng tháng 3 năm 2019). Antiemetic Drug Use in Children: What the Clinician Needs to Know, PubMed. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2023
  3. ^ Tác giả Laura F Niño-Serna và cộng sự (Ngày đăng tháng 3 năm 2020). Antiemetics in Children With Acute Gastroenteritis: A Meta-analysis, PubMed. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2023

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      hotline
      0868 552 633
      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633