Có nên hút mũi cho trẻ sơ sinh? Cách dùng dụng cụ hút mũi cho bé
Trungtamthuoc.com - Thời điểm giao mùa, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường bị ngạt mũi gây khó chịu cho con. Tình trạng tăng tiết dịch mũi nếu kéo dài sẽ gây ra những bất lợi cho sức khỏe của trẻ. Vậy, cách hút mũi cho trẻ sơ sinh như thế nào? Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết
1 Nghẹt mũi là gì?
Nghẹt mũi là tình trạng tăng tiết dịch nhầy ở các hốc mũi, dịch nhầy có tính chất dính và đặc khiến cho bệnh nhân khó tống ra ngoài cơ thể.
Chảy nước mũi là tình trạng dịch nhầy chảy ra từ mũi, dịch nhầy có tính chất lỏng hoặc đặc, chảy liên tục hoặc chảy ngắn quãng, trong hoặc đục.
2 Nguyên nhân trẻ bị nghẹt mũi
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc xác định chính xác nguyên nhân giúp đưa ra được biện pháp điều trị chính xác cho trẻ. Một số nhân tố gây nên tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi ở trẻ sơ sinh bao gồm:
2.1 Do bệnh lý
Các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp trên có thể làm tăng dịch tiết đường hô hấp dẫn đến tình trạng tắc các xoang mũi. Chảy nước mũi và nghẹt mũi có thể kèm theo một số triệu chứng khác như mệt mỏi, sốt, ho, đau họng.
Các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp có thể do vi khuẩn hoặc virus do đó, khi thấy trẻ có chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi kèm theo các dấu hiệu trên, cha mẹ hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
2.2 Thay đổi thời tiết
Sức đề kháng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn non yếu do đó, khi thời tiết thay đổi bất thường, trẻ thường có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, kèm theo một số triệu chứng khác. Tình trạng này thường xuất hiện nhiều hơn trong những ngày trời lạnh hoặc khi trời gần sáng vì lúc này nhiệt độ giảm, trẻ dễ bị nhiễm lạnh.
2.3 Thay đổi môi trường sống
Thay đổi môi trường sống cũng là một trong số những yếu tố gây nên tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đặc biệt là với những trẻ đang quen ở môi trường nóng sang môi trường lạnh.
2.4 Dị vật có trong mũi
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong quá trình vui chơi có thể dễ dàng bị kẹt dị vật ở trong mũi gây nên tình trạng thở khò khè, chảy nước mũi, nghẹt mũi, trường hợp nặng hơn có thể gây chảy máu và đau đớn.
3 Triệu chứng của trẻ bị nghẹt mũi
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khả năng ngôn ngữ của con còn hạn chế do đó, cha mẹ phải luôn để ý những dấu hiệu bất thường của con để có biện pháp can thiệp kịp thời. Một số triệu chứng của trẻ bị nghẹt mũi cha mẹ có thể tham khảo bao gồm:
- Trẻ thở khò khè, hay tỉnh giấc khi đang ngủ.
- Trẻ hắt hơi, chảy nước mũi.
- Trẻ thường dễ thở hơn khi được mẹ bế hoặc khi ngồi dậy.
Cha mẹ cũng cần lưu ý rằng, khi trẻ bị nghẹt mũi, trẻ bắt buộc phải há miệng ra để thở, do đó dễ dẫn tới tình trạng khô, rát họng. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tình trạng nghẹt mũi ảnh hưởng rất lớn đến quá trình bú sữa của con, con dễ bị sặc sữa hoặc bỏ bú. Ngoài ra, dịch mũi khi chảy xuống họng dễ gây kích thích khiến trẻ ho nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con.
Đối với các trường hợp trẻ xuất hiện dị vật trong mũi, con thường rất khó chịu, quấy khóc, một số trường hợp có thể chảy máu. Đối với những trường hợp này, mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám trực tiếp.
4 Có nên hút mũi cho trẻ sơ sinh hàng ngày?
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm, có hệ thống miễn dịch yếu do đó dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp gây tăng tiết dịch mũi với các triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi,....
Nếu không điều trị kịp thời, dịch mũi có thể chảy xuống họng gây cản trở đường thở, trẻ có thể rơi vào tình trạng suy hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, việc hút mũi cho trẻ cần được thực hiện càng sớm càng tốt để trẻ phục hồi lại chức năng hô hấp.
Một số trường hợp mà cha mẹ cần phải hút mũi cho con bao gồm:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nghẹt mũi nhưng không tự xì mũi ra ngoài đường.
- Trẻ tăng tiết nhiều dịch ở đường hô hấp.
- Trẻ được chỉ định hút mũi, hút đờm để lưu thông đường thở.
Không phải trường hợp nào trẻ cũng cần phải hút mũi hoặc phải hút mũi hàng ngày. Việc tác động quá nhiều có thể gây tổn thương niêm mạc mũi của trẻ, do đó, mẹ chỉ tiến hành hút mũi cho con trong trường hợp con có nhiều dịch nhầy ở đường hô hấp, gây cản trở quá trình thông khí của trẻ.
5 Cách sử dụng dụng cụ hút mũi cho trẻ sơ sinh
Dưới đây và video hướng dẫn cách hút mũi cho trẻ sơ sinh mẹ bỉm có thể tham khảo:
Kỹ thuật hút mũi cho trẻ có thể được thực hiện tại nhà hoặc bệnh viện. Nếu hút mũi cho trẻ tại bệnh viện, các bác sĩ hoặc nhân viên y tế thường sử dụng các máy hút mũi chuyên dụng trong những trường hợp trẻ bị viêm phế quản, viêm mũi hoặc những trường hợp tăng tiết dịch đường hô hấp quá nhiều.
5.1 Cách hút mũi cho trẻ sơ sinh 1-2 tháng tuổi bằng ống bơm
Ống bơm hút mũi hay bóng hút mũi cho trẻ sơ sinh được cấu tạo bởi một đầu mềm để đưa vào mũi trẻ, phần còn lại có hình quả bóng để tạo lực hút.
Để đảm bảo an toàn, mẹ nên đọc kỹ hướng dẫn hút mũi cho trẻ sơ sinh để thực hiện đúng kỹ thuật. Các bước hút mũi cho trẻ sơ sinh bằng ống bơm gồm:
Bước 1: Mẹ đặt bé lên một mặt phẳng, đầu nghiêng về một bên, lúc này mẹ dùng tay giữ nhẹ đầu để tránh tình trạng con bị sặc trong quá trình thao tác.
Bước 2: Mẹ sử dụng nước muối sinh lý 0,9% nhỏ vào mỗi bên mũi của con với mục đích làm loãng chất nhầy, tạo điều kiện thuận lợi để tống chất nhầy ra ngoài. Lúc này, mẹ nên cố gắng để cho nước muối trong mũi con ít nhất là 10 giây để có hiệu quả tốt nhất.
Bước 3: Mẹ sử dụng ống bơm đã đẩy hết không khí ra ngoài, nhẹ nhàng đưa đầu ống bơm vào mũi của con để hút dịch nhầy ra bên ngoài.
Lưu ý:
- Mẹ không nên đưa đầu ống bơm vào sâu trong mũi vì có thể gây tổn thương niêm mạc.
- Trong trường hợp trẻ quấy khóc, không chịu hợp tác, có những cử động mạnh, mẹ cần phải xem lại thao tác thực hiện để tránh gây khó chịu cho trẻ.
- Mẹ có thể tiến hành hút dịch mũi 2-3 lần mỗi ngày hoặc tùy theo tình trạng của mỗi trẻ.
5.2 Cách hút mũi cho bé bằng dụng cụ chữ U
Dụng cụ chữ U là dụng cụ hút mũi tương đối phổ biến trên thị trường với cấu tạo 1 đầu bơm đưa vào mũi trẻ, đầu còn lại đưa vào miệng nhằm mục đích sử dụng lực hút từ miệng đến đưa chất nhầy ra khỏi đường hô hấp.
Cách sử dụng:
- Bước 1: Mẹ để con nằm trên giường hoặc một mặt phẳng nào, đó, giữ đầu thẳng.
- Bước 2: Mẹ để đầu vòi của dụng cụ hút mũi vào một bên mũi của con, đầu còn lại đưa vào miệng của mẹ.
- Bước 3: Mẹ sử dụng lực hút từ miệng của mình để hút chất nhầy trong mũi của con ra ngoài, lực hút của mẹ càng mạnh thì khả năng hút được nhiều dịch mũi càng cao.
- Bước 4: Thực hiện thao tác tương tự với bên còn lại. Mẹ nên thực hiện 2-3 lần mỗi ngày hoặc tùy vào tình trạng của trẻ.
6 Cách hút mũi cho trẻ sơ sinh bằng máy
Máy hút mũi cho trẻ sơ sinh được thiết kế thông minh, đầu máy sử dụng vật liệu Silicon mềm không gây tổn thương niêm mạc mũi của con. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm máy hút mũi cho trẻ sơ sinh, cha mẹ nên lựa chọn những loại máy có thương hiệu, sử dụng vật liệu an toàn với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Các bước sử dụng máy hút mũi cho trẻ sơ sinh:
- Bước 1: Để con nằm trên giường hoặc mặt phẳng.
- Bước 2: Lắp đầu silicon vào máy, nhấn nút để kích hoạt.
- Bước 3: Di chuyển đầu máy vào một bên mũi của trẻ, sau đó máy sẽ tự ngừng hoạt động sau khi quá trình hút mũi hoàn tất.
- Bước 4: Thao tác tương tự với bên còn lại.
7 Cách vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh bị khò khè
Nhiều mẹ đặt câu hỏi: ‘Nên rửa mũi hay hút mũi cho trẻ sơ sinh?’. Thực chất, đây đều là những kỹ thuật mà mẹ cần nắm vững trong quá trình nuôi dạy con cái. Rửa mũi nhằm mục đích vệ sinh mũi, ngăn ngừa các bệnh liên quan đến đường hô hấp còn hút mũi chỉ định trong những trường hợp trẻ xuất hiện tình trạng tăng tiết dịch nhầy, làm nghẹt đường thở.
Sử dụng nước muối sinh lý là biện pháp an toàn nhằm vệ sinh mũi cho trẻ trong trường hợp trẻ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, khò khè,...
Vệ sinh mũi giúp ngăn ngừa các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp trên, làm loãng dịch nhầy ở đường hô hấp, tạo điều kiện cho dịch tiết tống ra khỏi đường hô hấp một cách dễ dàng.
Cách vệ sinh mũi cho trẻ:
- Mẹ để bé trên mặt phẳng.
- Mỗi bên nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý.
- Chờ khoảng vài phút và lau phần dung dịch muối chảy ra ngoài.
- Không nên rửa mũi quá thường xuyên vì có thể làm khô dịch mũi của trẻ.
8 Một số lưu ý khi hút mũi cho trẻ sơ sinh
Không dùng miệng để hút mũi cho trẻ sơ sinh: Nhiều cha mẹ có suy nghĩ sử dụng các dụng cụ hút mũi có thể gây tổn thương niêm mạc mũi của con nên lựa chọn phương pháp hút mũi cho con bằng miệng. Việc làm này có thể gây nguy hiểm cho trẻ vì khoang miệng có thể chứa nhiều mầm bệnh khác nhau, hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu rất dễ bị mắc bệnh.
Các thao tác cần được thực hiện đúng cách, nhẹ nhàng, tránh những tổn thương có thể xảy ra.
Trước và sau khi hút mũi cho trẻ, mẹ cần rửa sạch tay và vệ sinh dụng cụ rửa mũi cho trẻ sơ sinh sạch sẽ.
Không nên hút mũi cho trẻ quá thường xuyên vì có thể làm giảm khả năng bảo vệ đường hô hấp của trẻ.
Không tự ý mua thuốc về để sử dụng cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Không áp dụng các biện pháp dân gian khi chưa có kiểm chứng về độ an toàn cũng như hiệu quả vì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng nhạy cảm.
Trong trường hợp dịch mũi của con có màu bất thường, tình trạng tăng tiết dịch không có dấu hiệu giảm thì mẹ cần đưa con đến các sơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
9 Một số biện pháp khác mẹ có thể áp dụng tại nhà
9.1 Xông hơi
Xông hơi là biện pháp có tác dụng làm giảm tình trạng nghẹt mũi tương đối hiệu quả thông qua việc làm loãng dịch nhầy trong mũi.
Xông hơi không chỉ giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi, làm thông thoáng đường hô hấp mà còn có tác dụng làm giảm tình trạng tức ngực, đem lại những hiệu quả đáng kể đối với những trẻ bị viêm thanh quản, viêm mũi xoang,...
9.2 Sử dụng máy tạo độ ẩm
Việc để trẻ nằm trong phòng điều hòa quá lâu hoặc không khí quá khô vào mùa lạnh cũng khiến cho tình trạng nghẹt mũi của trẻ trở nên trầm trọng. Việc sử dụng máy tạo độ ẩm giúp bé cảm thấy thoải mái, hạn chế tình trạng khô rát, gây khó chịu cho con.
9.3 Cho trẻ uống nhiều nước
Với những trẻ lớn, mẹ có thể sử dụng nước Gừng Mật Ong cho con uống để cải thiện tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi.
Mẹ dùng 1 miếng gừng nhỏ, giã lấy nước, trộn với nước ấm, thêm khoảng 1 muỗng mật ong, khuấy đều. Cho con uống 3 lần mỗi ngày, mỗi lần uống 1 thìa cà phê.
Tuy nhiên, biện pháp này chỉ nên sử dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên để đảm bảo an toàn.
9.4 Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ
Giữ gìn vệ sinh nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ là biện pháp phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, thú cưng,...
9.5 Nâng cao sức đề kháng cho trẻ
Việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ, cải thiện hệ miễn dịch cho trẻ, ngăn ngừa các bệnh lý không mong muốn có thể xảy ra, rút ngắn thời gian điều trị cho trẻ.
9.6 Biện pháp khác
Khi ngủ, mẹ có thể đặt một chiếc gối kê cao đầu của con để giảm thiểu tình trạng con bị nghẹt mũi, thở khò khè. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên đặt quá nhiều đồ dùng hoặc gối, thú nhồi bông xung quanh trẻ để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Bổ sung nước cho trẻ: Đối với những trẻ sơ sinh, mẹ có thể tăng cữ bú của con lên, còn đối với những trẻ lớn hơn, mẹ có thể bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho con để làm loãng dịch nhầy, tạo điều kiện tống ra ngoài.
Giữ ấm cơ thể cho trẻ, đặc biệt là khi trẻ thay đổi môi trường sống hoặc khi thay đổi thời tiết.
Đối với những trẻ lớn, mẹ có thể dạy con cách xì mũi để tống dịch ra bên ngoài. Tuy nhiên, không nên để trẻ xì mũi quá mạnh vì có thể gây tổn thương niêm mạc mũi.
10 Kết luận
Hút mũi là kỹ thuật nhằm mục đích làm thông thoáng đường thở cho trẻ, hỗ trợ điều trị một số bệnh lý liên quan đến đường hô hấp. Trên thị trường có nhiều dụng cụ hút mũi khác nhau mà mẹ bỉm có thể tham khảo. Tuy nhiên, mẹ cũng cần nắm rõ kỹ thuật hút mũi cho trẻ sơ sinh để đảm bảo an toàn cho con.