1. Trang chủ
  2. Thần Kinh
  3. Co giật do sốt ở trẻ em: chẩn đoán và phương pháp điều trị

Co giật do sốt ở trẻ em: chẩn đoán và phương pháp điều trị

Co giật do sốt ở trẻ em: chẩn đoán và phương pháp điều trị

Trungtamthuoc.com - Co giật do sốt ở trẻ là con co giật xảy ra khi trẻ bị sốt, thường là trên 38,5 độ C ở trẻ khỏe mạnh phát triển bình thường và chưa có bất kỳ triệu chứng thần kinh nào trước đây. [1] Vậy khi trẻ bị sốt có hiện tượng co giật thì cha mẹ cần làm gì?

1 Khái quát về co giật do sốt ở trẻ

Co giật do sốt là những cơn co giật xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng lên đột ngột, sốt trong trên 38oC. Bệnh thường xảy ra ở các bé  từ 6 tháng đến 5 tuổi không có nguyên nhân gây co giật nào khác. Đây cũng không phải bệnh co giật tiềm ẩn nào khác như nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, rối loạn điện giải hay động kinh.

Nhiệt độ sốt gây co giật là đặc trưng cho từng người vì nhiệt độ gây co giật ở mỗi trẻ là khác nhau. Thực tế, sự xuất hiện của một cơn co giật do sốt có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy trẻ bị bệnh.

Các nghiên cứu báo cáo tỷ lệ co giật ở trẻ em từ 2-5%, tỷ lệ nam nhiều hơn nữ là 1,6:1. Tuổi mắc bệnh nhiều nhất là từ 12 -18 tháng, và bệnh thường bị vào mùa đông nhiều hơn là mùa hè.

2 Trẻ sốt co giật ảnh hưởng như thế nào

Sốt cao co giật ở trẻ em xảy ra ở 2-4% trẻ em dưới năm tuổi. Cha mẹ khi thấy trẻ co giật sẽ rất lo lắng, nhưng chúng thường không gây tổn thương não hoặc ảnh hưởng đến trí thông minh. Lên cơn sốt không có nghĩa là trẻ bị động kinh, mặc dù co giật do sốt có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh động kinh. [2] [3] 

3 Nguyên nhân sốt co giật

Nguyên nhân sốt co giật
Nguyên nhân sốt co giật

Khi trẻ nhỏ sốt trên 38,5 độ C khả năng co giật do sốt sẽ xuất hiện. Tuy nhiên tùy thuộc vào ngưỡng nhiệt độ của trẻ,  vẫn có trường hợp bị co giật dù nhiệt độ sốt thấp. Các yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ co giật ở trẻ gồm:

  • Nhiễm trùng : Khi trẻ bị sốt do nhiễm virus thì tỷ lệ co giật cao hơn là trường hợp nhiễm vi khuẩn. Các chủng virus như virus cúm (cúm) và virus gây phát ban thường kèm theo sốt cao, gây ra sốt co giật ở nhiều trẻ. Đặc biệt nhiễm HHV-6 có liên quan đến tăng tỷ lệ nhóm co giật phức tạp, tỷ lệ tái cơn và trạng thái co giật khi sốt. 
  • Tiêm chủng: sau khi trẻ tiêm chủng nguy cơ sốt có thể tăng lên và thường gặp ở một số loại vaccine như bạch hầu, ho gà và vắc xin sởi-quai bị-rubella. Vaccine kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể làm sốt ở trẻ, làm tăng nguy cơ co giật nhưng không phải nguyên nhân co giật cho trẻ.
  • Độ tuổi: các cơn co giật thông thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt đối tượng từ 12 tháng -18 tháng có nguy cơ cao nhất.
  • Tiền sử gia đình:  trong gia đình có người từng bị co giật khi sốt thì tỷ lệ trẻ sẽ bị cao hơn.

4 Diễn tiến của co giật khi sốt ở trẻ em

Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tái phát co giật chiếm khoảng 25-50%. Nếu nguyên nhân co giật do sốt lần đầu tiên có nhiệt độ càng cao thì nguy cơ tái phát lần sau càng thấp.

  • Có khoảng 50% nguy cơ tái phát lần 2 trong 6 tháng đầu
  • Khoảng 75% nguy cơ tái phát lần 2 trong khoảng 1 năm đầu
  • Khoảng 90% nguy cơ tái phát lần 2 trong khoảng 2 năm đầu

Ngoài ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ tái phát cơn con giật như:

  • Trẻ bị co giật dưới 1 tuổi
  • Gia đình có tiền sử bị co giật khi sốt
  • Trong đợt ốm đầu có xuất hiện co giật nhiều lần
  • Sau khi sốt dưới 1 giờ đã bị co giật
  • Các trường hợp sốt có co giật trên 15 phút hoặc xuất hiện nhiều cơn co giật trong 1 ngày, có khả năng bị động kinh từ 2-5%.

Đa số các cơn co giật thường lành tính, không phải nguyên nhân gây ra các bệnh về thần kinh. Tỷ lệ tử vong ở trẻ bị co giật và trẻ không co giật do sốt là như nhau.

5 Chẩn đoán co giật do sốt

Có khoảng từ 3-5% trẻ em bị co giật do sốt. Hiện tượng co giật có thể xuất hiện trước khi có triệu chứng sốt hoặc khi trẻ sốt trung bình, thường gặp nhất là khi trẻ sốt trên 38º5. Trong đó người ta chia làm co giật do sốt đơn thuần và co giật do sốt phức tạp. 

Co giật do sốt đơn thuần thường xảy ra phổ biến hơn. Lúc này trẻ sẽ không có bất thường gì trên hệ thần kinh, các cơn co giật toàn bộ kéo dài dưới 15 phút và không tái phát trong vòng 24 giờ. [4] Trẻ sẽ phát triển và học tập bình thường sau cơn co giật do sốt đơn thuần. Một cơn co giật do sốt đơn thuần sẽ không gây ra bất kỳ hậu quả lâu dài nào. [5] 

Còn co giật do sốt phức tạp được đặc trưng bởi sự xuất hiện của ít nhất một trong số các biểu hiện sau:

  • Trẻ xuất hiện các cơn co giật cục bộ hoặc bắt đầu cục bộ.
  • Thời gian có giật thường diễn ra dài hơn 15 phút và tái phát trong vòng 24 giờ khi sốt tiếp diễn.
  • Các chức năng của hệ thần kinh không thể hồi phục hoàn toàn trong vòng 1 giờ sau đó.[1]

Thậm chí, ở trẻ còn có thể xảy ra trạng thái động kinh do sốt. Đó là những cơn co giật kéo dài hơn 30 phút.

Trong một số trường hợp, trẻ có thể sẽ xuất hiện co giật trong các bệnh lý nhiễm trùng cấp nhưng không có biểu hiện sốt, lúc này việc điều trị cho trẻ tương tự như co giật do sốt.

Các bé dưới 6 tháng tuổi bị co giật do sốt có thể gây ra nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, do đó cần thận trọng.

Co giật do sốt cần được phân biệt với một số bệnh như viêm não, viêm màng não nhiễm khuẩn, bệnh lỵ, chấn thương đầu, rối loạn điện giải, do thuốc…

Cần phân biệt co giật do sốt với một số bệnh lý trên hệ thần kinh trung ương khác.

Trong co giật do sốt, ta cần phải đánh giá đặc điểm các cơn co giật, đánh giá các dấu hiệu của hệ thần kinh trung ương và các nhiễm trùng kèm theo.

Để đánh giá, ta phải dựa vào một số xét nghiệm huyết học, sinh hóa, nước tiểu hay chọc dò tủy sống.

6 Trẻ bị sốt co giật cần làm gì?

Không có cách nào điều trị cụ thể với các cơn co giật trong sốt, ngoài việc điều trị nguyên nhân cơ bản gây sốt. Kết hợp với đó là sử dụng thuốc hạ sốt, làm các biện pháp ngăn ngừa biến chứng xảy ra.

6.1 Phương pháp điều trị trong cơn co giật

6.1.1 Xử trí co giật tại nhà 

Điều quan trọng đầu tiên là phải xử lý cơn co giật ở trẻ. Như vậy cần để trẻ nằm yên, tránh xa các yếu tố kích thích, đặt đầu hơi nghiêng về bên phải và nới lỏng quần áo ra. Đồng thời, cho trẻ ngậm chiếc khăn mềm để trẻ tránh cắn vào lưỡi.

Nếu trẻ co giật trên 5 phút hoặc có hiện tượng thiếu oxy thì phải cho trẻ hỗ trợ thở oxy.

Sau đó, khẩn trương đo nhiệt độ cơ thể và các chỉ số sinh tồn của trẻ.

Ghi nhận thời gian co giật và kiểu co giật của trẻ để thông báo với bác sĩ

Co giật kéo dài trên 5 phút phải đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất cấp cứu

Chỉ dùng thuốc cắt cơn cho trẻ khi đã được tập huấn và có sự cho phép của bác sĩ (cho trẻ thụt Diazepam qua đường hậu môn với liều 0,5mg/kg. Hoặc cho trẻ tiêm tĩnh mạch chậm Diazepam với liều 0,2 đến 0,3mg/kg. Hoặc tiêm tĩnh mạch chậm Midazolam với liều 0,1mg/kg.)

Nếu trẻ có trạng thái động kinh do sốt cao phải được xử lý theo trạng thái động kinh, và phải phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất có đủ điều kiện cấp cứu.

Không nên làm

  • Hoảng sợ, ôm chặt trẻ, chèn ép cơn co giật
  • Xoa bóp trẻ, cho trẻ ăn uống
  • Di chuyển trẻ
  • Nhét vật lạ vào miệng nếu không có nguy cơ cắn vào lưỡi
     
Xử lý co giật và hạ sốt cho trẻ.

6.1.2 Xử trí tại bệnh viện theo phác đồ của Bộ Y Tế

Sử dụng Diazepam liều 0,2 mg/kg/liều TMC, cần lưu ý có thể gây ngưng thở dù bơm hậu môn hoặc tiêm mạch, nên cần chuẩn bị bóng và mask cung cấp oxy hỗ trợ thở, nhất là khi tiêm đường tĩnh mạch nhanh. 

Sử dụng đường hậu môn thì sử dụng liều 0,5mg/kg/liều, nếu không thấy hiệu quả sau liều đầu tiên thì lặp lại liều tiếp theo sau khoảng 10 phút. Tối đa chỉ được 3 liều. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi liều tối đa là 5mg, trẻ trên 5 tuổi liều tối đa là 10mg.

TuổiLiều bắt đầu Diazepam
 TMC (0,2mg/kg)Bơm hậu môn (0,5mg/kg
< 1 tuổi1 – 2 mg2,5 – 5 mg
1 - 5 tuổi3 mg7,5 mg
5 – 10 tuổi5 mg10 mg
> 10 tuổi5 – 10 mg10 – 15 mg

Tăng liều Diazepam lên tổng liều 1mg/kg để cắt cơn co giật cần chuyển sang khoa Hồi sức cấp cứu.

Hoặc dùng Midazolam liều 0,2 mg/kg/lần tiêm tĩnh mạch chậm, và lặp lại liều nếu không đáp ứng. Liều Midazolam truyền duy trì là 1g/kg/phút. Tăng dần liều đến khi đáp ứng nhưng không quá 18g/kg/phút.

Ưu tiên chọn Phenobarbital 15-20 mg/kg truyền tĩnh mạch khi sốt co giật ở trẻ sơ sinh.  Truyền trong 30 phút mà vẫn còn co giật thì lặp lại liều thứ hai với mức liều 10mg/kg.

6.2 Xử trí sau co giật

Sau khi xử lý co giật, ta cần kiểm soát nhiệt độ cơ thể của trẻ như sau:

  • Nếu bé sốt trên 38oC thì hạ sốt bằng Paracetamol mỗi lần dùng 15mg/kg/, có thể uống hoặc đặt hậu môn. Nếu sau 4 đến 6 giờ trẻ vẫn còn sốt thì nhắc lại liều trên, nhưng lưu ý mỗi ngày không được dùng vượt 60 mg/kg trong mỗi ngày. Nếu không hiệu quả có thể cho trẻ dùng Ibuprofen với liều mỗi lần là 10mg/kg, cứ cách 6 giờ có thể dùng nhắc lại.
  • Đồng thời với đó, ta làm các biện pháp chườm trán, nách, bẹn cho trẻ bằng nước ấm khoảng 32 đến 35oC.

Một trong những điều quan trọng nữa là điều trị nguyên nhân cơ bản gây sốt tùy theo từng trẻ.

Trong khi trẻ bị sốt dẫn đến co giật có thể sử dụng Depakin mỗi lần 10mg/kg, ngày uống 2 lần, hoặc Gardenal liều 5mg/kg trong một ngày.

7 Phương pháp điều trị dự phòng ngoài đợt sốt

Sau khi trẻ hết các triệu chứng cấp tính trong sốt như trên, ta phải theo dõi và kiểm soát tốt thân nhiệt của bé.

Một số ít trẻ thường xuyên tái phát các cơn co giật hoặc có nguy cơ co giật cao bác sĩ có thể cân nhắc cho dùng thuốc chống động kinh, an thần.

Bác sĩ cần hướng dẫn cho cha mẹ cách xử trí khi trẻ bị co giật, cách sử dụng thuốc hạ sốt, thuốc chống co giật để dùng khi cần thiết.

Nếu trẻ có các cơn co giật kéo dài quá 10 phút hoặc sau khi kết thúc co giật trẻ không trở lại bình thường phải đưa trẻ tới cơ sở y tế.

Co giật do sốt đơn thuần không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, hay nguy cơ mắc bệnh động kinh sau này.

Thông qua bài viết này, chắc hẳn cha mẹ đã biết phải làm gì khi còn mình bị co giật do sốt rồi đúng không nào?

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Chuyên gia của Mayoclinic, Febrile seizure, Mayoclinic. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021
  2. ^ Tác giả: John J Millichap, MD, FAAP, FAAN, Patient education: Febrile seizures (Beyond the Basics), Uptodate. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021
  3. ^ Tác giả: Chuyên gia của NHS.UK, Febrile seizures, NHS.UK. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021
  4. ^ Tác giả: Kathryn L. Xixis; Debopam Samanta; Michael Keenaghan., Febrile Seizure, NCBI. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021
  5. ^ Tác giả: Chuyên gia của WebMD, What Are Febrile (Fever) Seizures?, WebMD. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    Tại sao sau khi trẻ tiêm chủng nguy cơ sốt lại tăng lên?


    Thích (0) Trả lời 1
    • Chào bạn, sau khi tiêm chủng, Vaccine có thể kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể khiến trẻ bị sốt b nhé!

      Quản trị viên: Dược sĩ Diệu Linh vào


      Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
0/ 5 0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
    vui lòng chờ tin đang tải lên

    Vui lòng đợi xử lý......

    0 SẢN PHẨM
    ĐANG MUA
    hotline
    1900 888 633