Bị chuột rút bắp chân khi ngủ là thiếu chất gì? Nguyên nhân và thuốc điều trị
Trungtamthuoc.com - Chuột rút là cơn co cơ mạnh thường xảy ra ở vùng chân hoặc đùi gây đau đớn cho cơ thể. Chuột rút hầu hết không nguy hiểm và sẽ nhanh chóng biến mất, tuy nhiên nếu xảy ra thường xuyên có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị bệnh trong bài viết dưới đây.
1 Hay bị chuột rút (vọp bẻ) về đêm là bệnh gì?
Chuột rút hay dân gian còn gọi là vọp bẻ để chỉ hiện tượng co thắt cơ mạnh gây ra đau đớn tại vị trí co cơ. Đau mạnh trong vài phút nhưng sau đó có thể kéo dài đau âm ỉ nhiều ngày. Chúng xuất hiện đột ngột, không thể đoán trước, có thể vào ban ngày hoặc ban đêm, rất khó ngăn ngừa cơn co thắt tần công. Nếu hiện tượng xảy ra thường xuyên có thể là cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng như suy giãn tĩnh mạch chân. [1]
Cơn chuột rút có thể xảy ra ở bất cứ cơ vân nào trên cơ thể người, nhưng phổ biến ở vùng bắp chân, bàn chân, ngón chân gây khó khăn trong quá trình di chuyển.Một vài đối tượng như phụ nữ mang thai hay gặp chuột rút ở bụng. Cơn chuột rút xảy ra vào tối nhiều hơn là ban ngày, nhưng sau khi vận động quá sức, không khởi động kỹ co cơ sẽ xuất hiện luôn, có thể gây nguy hiểm cho người bị.
Chuột rút được phân thành 2 loại là chuột rút tự phát và chuột rút bệnh lý. Các trường hợp tự phát thường điều trị tại nhà, còn nguyên nhân chuột rút bệnh lý cũng đa số lành tính, nên thăm khám và khắc phục bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.
2 Tại sao lại bị chuột rút bắp chân khi ngủ?
Tình trạng chuột rút thường xảy ra do các nguyên nhân sau [2]
Thiếu canxi
Khi cơ thể thiếu canxi, tình trạng hạ Canxi máu xảy ra. Khi đó tình trạng co thắt cơ, chuột rút, cứng cơ xuất hiện gây ra sự đau đớn, khó chịu cho người bệnh.
Thiếu nước hoặc thừa nước
Tình trạng thiếu hoặc thừa nước trầm trọng sẽ dẫn đến việc mất cân bằng điện giải trong cơ. Các cơ sẽ dễ bị co thắt hơn và dễ bị tình trạng chuột rút. Nếu hoạt động dưới trời nắng gắt, đổ mồ hôi nhiều làm mất nước kèm Muối Khoáng. Các cơn co cơ hay chuột rút dễ xảy ra hơn do bị ảnh hưởng nhiều bởi các dây thần kinh. Vì vậy nên duy trì uống đủ từ 1,5 đến 2 lít nước trong ngày.
Thiếu khoáng chất
Trong cơ thể thiếu các khoáng chất như magie, kali, những chất đóng vai trò quan trọng giúp cơ chắc khoẻ, dẫn truyền thần kinh cơ không bị gián đoạn. Khi thiếu các chất này thì cơ thể thường xuyên bị chuột rút hơn do mất cân bằng về điện giải.
Thiếu oxy đến các cơ
Khi cơ thể vận động quá mức, nhịp thở tăng làm lượng oxy đến các cơ bị giảm xuống. Sự thiếu hụt oxy này khiến các cơ dễ bị chuột rút hơn.
Bệnh lý
Bệnh lý suy giảm về hệ tĩnh mạch chân như suy van tĩnh mạch chi dưới có đến 70% những người bị bệnh này thường xuyên bị chuột rút ban đêm. Do sự tác nghẽn lưu thông này khiến các cơ dễ bị kích thích và gây ra hiện tượng chuột rút khi đang ngủ. Bên cạnh đó căng thẳng, lo lắng quá mức làm cho trong cơ thể bị rối loạn cân bằng hoocmon, dẫn đến tình trạng tăng nhịp tim, tăng huyết áp, và gây ra chuột rút. Ngoài ra khi vận động quá sức ở vận động viên, hay người lao động nặng nhọc, tình trạng cơ bắp bị mỏi quá nên tình trạng chuột rút xảy ra.
Sử dụng thuốc
Những thuốc được coi là nguyên nhân dẫn tới chuột rút như thuốc lợi tiểu, thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế beta kéo dài…
3 Ai thường dễ bị chuột rút?
Tình trạng chuột rút có thể xảy ra ở mọi đối tượng, trong đó những đối tượng sau tình trạng này sẽ xảy ra liên tục hơn:
3.1 Phụ nữ mang thai hay bị chuột rút chân
Khi mang thai thì khối lượng của thai nhi ảnh hưởng trực tiếp tới đôi chân của người mẹ, từ đó làm mạch má, các dây thần kinh bị chèn ép. Lâu dần dẫn đến hiện tượng chuột rút. Ngoài ra tình trạng cơ thể mẹ tích nước trong thời kỳ này cũng làm cho tình trạng cân bằng nước điện giải bị rối loạn, gây lên hiện tượng trên.
3.2 Chuột rút ở người già
Hệ cơ bắp, thần kinh ở người già bị lão hoá, suy thoái dẫn đến cơn co thắt nghiêm trọng, tê bì chân tay ở người già. [3]
Thường chuột rút sẽ xảy ra vào ban đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ và tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch ở đối tượng này. Ngoài ra người già thường ít vận động, di chuyển, ngồi sai tư thế, khiến máu lưu thông kém, tăng khả năng chuột rút.
3.3 Các vận động viên bơi lội, chạy bộ
Các vận động viên là đối tượng sử dụng cơ bắp trong hầu hết các hoạt động. Nêu không khởi động kỹ, các cơ dễ dàng bị co thắt trong quá trình vận động. Không chỉ có vận động viên, người vận động nhiều trong một thời gian ngắn cũng dễ bị chuột rút như vậy.
4 Cách chữa bệnh chuột rút bắp chân hiệu quả
4.1 Xử trí khi bị chuột rút tức thì
Chuột rút thường xảy ra ban đêm, tuy nhiên khi vận động quá mức tình trạng này cũng có thể xảy ra, nhiều tình huống gây nguy hiểm đến tính mạng như dưới hồ bơi, đang lái xe.. Như vậy cần phải sơ cứu ngay để giảm đau đớn cho người bệnh. Dưới đây là những phương pháp khắc phục tham khảo:
- Kéo căng: đứng thẳng người, gập chân ở đầu gối về phía sau và kéo ngược về phía bụng.
- Chích cơ bắp: hay dùng cho vận động viên bằng cách dùng cây kim chích vào chỗ chuột rút.
- Xoa bóp, làm ấm: massage khu vực căng cơ, day ấn vào huyệt, xoa bóp làm ấm khu vực đau nhẹ nhàng xung quanh. Có thể dùng đệm nóng hoặc chai nóng áp vào chỗ chuột rút.
- Uốn cong ngón chân: nắm bàn chân hoặc các ngón chân kéo căng, có thể gây rất đau nhưng hiệu quả nhanh chóng. Thường chuột rút bàn chân hay ngón chân.
4.2 Sử dụng thuốc trị chuột rút bắp chân
- Thuốc giảm đau paracetamol
Là thuốc giảm đau thông dụng, cho mọi nguyên nhân, từ đau vừa đến nhẹ. Giảm cảm giác nhức cơ khi chuột rút nhanh chóng
Thuốc kéo dài tác dụng từ 4-6 tiếng uống lại 1 viên/lần
Thuốc ít tác dụng phụ, không dùng quá liều gây ngộ độc và hại gan
- Thuốc chống viêm NSAIDs
Sử dụng phổ biên là Ibuprofen và naproxen, dùng giảm đau kết hợp chống viêm do chuột rút từ vừa đến nặng. Thuốc này kết hợp với giãn cơ cho hiệu quả tốt, tuy nhiên có nhiều tác dụng phụ trên hệ tiêu hoá, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt…
- Thuốc giãn cơ
Thường sử dụng Methocarbamol, eperisone…làm giãn cơ, tạo điều kiện cho máu lưu thông tới vị trí đau tốt hơn. Ngăn cản truyền thần kinh tới não, giảm cảm giác nhức, đau buốt. Tác dụng phụ thường gặp là đau đầu, chóng mặt, tụt huyết áp nên không sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ dưới 12 tuổi không sử dụng.
- Thuốc Gabapentin
Đây là thuốc chống co giật, tuy nhiên cũng dùng cho tình trạng chuột rút mạn tính. Cơ chế hoạt động của thuốc bằng cách thay đổi tín hiệu điện trong não, giảm hoạt động dẫn truyền thần kinh, cải thiện co giật và đau dây thần kinh.
- Chất khoáng
Thiếu hụt chất khoáng như magie, kali, canxi là nguyên nhân gây ra chuột rút. Các chất này tham gia trực tiếp vào quá trình dẫn truyền thần kinh nên khi thiếu hụt sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn chức năng co duỗi cơ bắp, xảy ra chuột rút. Tuỳ vào tình trạng bệnh, lượng bổ sung các chất là khác nhau, nên trước khi sử dụng người bệnh nên tham khảo ý kiến của dược sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa.
5 Cắt liều điều trị chuột rút tham khảo
Khi bị chuột rút , người bệnh thường đến bệnh viện, nhà thuốc tư vấn giảm tình trạng khó chịu. Dưới đây là đơn thuốc tham khảo cho nhân viên y tế, người bệnh không nên tự ý lạm dụng, có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Nguyên tắc điều trị: nguyên nhân co cơ+ giảm triệu chứng đau, cứng cơ + hỗ trợ
Thuốc điều trị: giãn cơ (Eperisone), giảm đau (paracetamol), bổ thần kinh (magie, 3B), bù điện giải (khoáng chất)
Đơn tham khảo cho người lớn trưởng thành
- Waisan uống 1 viên x2 lần/ ngày. Sử dụng trong 7 ngày
- Paracetamol uống lúc đau
- Neurobion uống 1 viên x 2 lần/ngày. Sử dụng trong 7 ngày
- Magne B6 corbiere uống 1 viên x 2 lần/ngày. Sử dụng trong 7 ngày
- Calcium Boston 500mg uống 1 viên/ngày. Sử dụng trong 7 ngày
6 Làm thế nào ngăn ngừa chuột rút cơ?
Co thắt cơ có thể tấn công bất cứ lúc nào. Bởi vì chúng rất khó đoán nên khó có thể ngăn chặn. Có những yếu tố rủi ro không thể tránh khỏi, như tuổi tác nhưng cũng có những biện pháp ngăn ngừa được tình trạng trên:
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, ít nhất 30 phút /ngày
- Không ngồi hoặc đứng 1 tư thế quá lâu
- Nên thư giãn cơ bắp thường xuyên, tập yoga kéo căng cơ, đặc biệt ở người cao tuổi, phụ nữ có thai.
- Uống nhiều nước, duy trì uống 1,5 đến 2 lít nước
- Không tập thể dục khi nhiệt độ quá cao
- Mang giày tập vừa chân giúp lưu thông máu tốt hơn.
- Giữ cân nặng hợp lý, thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ chuột rút
- Trước khi đi ngủ nên kéo dãn cơ bắp nhẹ, giảm tình trạng chuột rút ban đêm.
7 Mẹo chữa chuột rút chân khi ngủ theo dân gian
7.1 Dùng nước gừng
Nước trà Gừng mang nhiều công dụng trong y học như giảm đau, kháng khuẩn và cũng phòng ngừa chuột rút rất tốt. Các nghiên cứu đã chứng minh trà gừng giảm đáng kể các cơn đau khớp do viêm vì thế sử dụng trà gừng là biện pháp hiệu quả phòng chuột rút và nhiều bệnh khác.
7.2 Dùng hạt tiêu
Hạt tiêu không chỉ dùng trong chế biến thực phẩm, hạt tiêu còn mang lại tác dụng điều trị bệnh như hỗ trợ tiêu hoá, giảm các bệnh viêm khớp và chuột rút. Tăng dẫn truyền cơ và máu lưu thông tốt hơn.
7.3 Dùng Chinen salt
Đây là một loại muối có hàm lượng Berberin cao, không những điều trị các bệnh về tiêu hoá tốt, vai trò phòng ngừa chuột rút cũng rất hiệu quả. Tác dụng này là do trong thành phần còn có các khoáng chất như kali, canxi, magie, natri, liên quan trực tiếp đến quá trình co cơ của cơ thể. Sử dụng muối sau khi tập luyện là cách tuyệt vời bù đắp điện giải đã mất.
8 Các câu hỏi thường gặp khi bị chuột rút
8.1 Bị chuột rút bắp chân khi ngủ là thiếu chất gì?
Chuột rút xảy ra do sự căng cứng cơ bất thường từ nhiều nguyên nhân. Trong đó thiếu hụt canxi và Magie là thường gặp phải. Nên bổ sung các khoáng chất này từ thực phẩm cũng như thuốc uống nếu ở mức nghiêm trọng. Các chất có nhiều trong ngũ cốc, các loại đậu, rau xanh, hải sản..
8.2 Bệnh chuột rút có nguy hiểm không?
Bệnh chuột rút thường tự phát và lành tính, không gây nguy hiểm. Tuy nhiên mang lại những bất tiện trong sinh hoạt. Một vài trường hợp nếu xảy ra khi lái xe, dưới hồ bơi..thi có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
8.3 Bị chuột rút nên ăn gì?
Những thực phẩm sau đây có thể giảm triệu chứng chuột rút và phòng ngừa tái phát hiệu quả
- Khoai tây: chứa nhiều khoáng chất và Kali cần thiết cho vận động cơ hàng ngày, vì vậy việc bổ sung thực phẩm này giúp tránh khỏi các cơn co thắt và thư giãn cơ. Có thể dùng khoai tây chế biến kèm với rau xanh và salad
- Các loại hải sản như tôm, cua.. Cung cấp nguồn canxi rất lớn, các loại cá biển như cá hồi chứa nhiều omega-3, những thành phần này làm tăng hoạt động cơ bắp, giảm viêm cơ, giảm chuột rút.
- Sữa và sản phẩm từ sữa: thành phần của sữa có nhiều canxi và protein, giúp cơ phát triển khoẻ mạnh. Hơn nữa chúng còn làm tăng độ đàn hồi của cơ bắp, phục hồi tổn thương cơ nhanh hơn. Có thể dùng sữa tươi, sữa chua, sữa đặc đều được.
- Trái cây: các loại trái cây giàu vitamin, khoáng chất như cam, chanh,... hỗ trợ nâng cao hệ miễn dịch, giảm viêm nhiễm cơ, phục hồi cơ.
- Thực phẩm nhiều chất xơ: tăng cường tiêu hoá, giảm chuột rút cơ bụng. Nên bổ sung bằng cách ăn nhiều rau xanh, hoa quả, ngũ cốc.
9 Kết luận
Chuột rút là tính trạng cơ bị co thắt đột ngột gây đau đớn, khó chịu ở vị trí tổn thương. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, tuy thường lành tính nhưng ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Các biện pháp điều trị thường là cải thiện triệu chứng, kết hợp duy trì chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ khoáng chất có thể loại bỏ tình trạng này triệt để. Mong rằng bài viết trên đã đem đến những thông tin hữu ích cho độc giả.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả Bruno Bordoni, Kavin Sugumar, Matthew Varacallo (Ngày đăng 4 tháng 8 năm 2023), Muscle Cramps. PubMed. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2024
- ^ Tác giả M Swas, D Czesnik , M de Carvalho (Ngày đăng 19 tháng 9 năm 2018), Muscular cramp: causes and management. PubMed. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2024
- ^ Tác giả Louise Rabbitt (Ngày đăng 11 tháng 8 năm 2016) A review of nocturnal leg cramps in older people, PubMed. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2024