1. Trang chủ
  2. Thần Kinh
  3. Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD -khi nỗi sợ hãi trở thành ám ảnh

Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD -khi nỗi sợ hãi trở thành ám ảnh

Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD -khi nỗi sợ hãi trở thành ám ảnh

Bạn có bao giờ thắc mắc về những suy nghĩ vô lý hay nỗi lo sợ liên tục xuất hiện trong đầu? Chẳng hạn như sợ hãi bụi bẩn, nỗi ám ảnh về bạo lực hoặc ám ảnh về sự hoàn hảo. Liệu những suy nghĩ đó có phải là dấu hiệu của hội chứng Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) không? Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về chứng Rối loạn ám ảnh cưỡng chế

1 Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD là bệnh gì?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần mãn tính và cuốn người bệnh vào chu kỳ ám ảnh và cưỡng chế. OCD có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và mọi tầng lớp trong xã hội. Theo các nghiên cứu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường bắt đầu ở độ tuổi trung bình là 19-20 tuổi, và ít gặp hơn ở những người dưới 10 tuổi (21%).

Cụ thể, tác động của hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế diễn ra theo 2 giai đoạn:

1.1 Nỗi ám ảnh trong hội chứng OCD 

Khi tiếp nhận một vấn đề hoặc trạng thái nào đó, người bị OCD bắt đầu nảy sinh những nỗi ám ảnh. Đó là những suy nghĩ, ý tưởng, sự ám ảnh lặp đi lặp lại trong đầu. Mặc dù một số người mắc OCD cho biết, họ không muốn những suy nghĩ đó xuất hiện và hiểu rằng những ý tưởng đó là vô lý, nhưng người bệnh không thể kiểm soát hay kìm hãm chúng. 

Nỗi ám ảnh thường đi kèm với những cảm giác mãnh liệt và khó chịu như: sợ hãi, ghê tởm, hoài nghi, hoặc suy nghĩ rằng mọi việc phải được thực hiện theo các hoàn hảo nhất. Những suy nghĩ vô lý đó mãnh liệt tới mức có thể tiêu tốn thời gian hoặc cản trở các hoạt động hàng ngày của người mắc bệnh. 

Người mắc chứng OCD thường bị giày vò bởi nỗi ám ảnh
Người mắc chứng OCD thường bị giày vò bởi nỗi ám ảnh

Cần lưu ý rằng, hầu hết chúng ta đều có những nỗi ám ảnh nhất định về những vấn đề nhất định. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh thông thường này không giống với nỗi ám ảnh của hội chứng OCD. Thông thường, chúng ta nói về nỗi ám ảnh có nghĩa là ai đó đang bận tâm (hoặc bức xúc) về một chủ đề, ý tưởng hoặc một người nào đó. Nhưng, nó liên quan nhiều đến quan điểm sống hơn và có thể hiểu được theo một lối tư duy nào đó, thậm chí có thể mang đến những trải nghiệm thú vị mới mà không làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ. Ví dụ như, bạn có thể bị “ám ảnh” bởi một bài hát mới vừa phát hành, nhưng bạn vẫn có thể cùng bạn bè ăn tối tại nhà hàng khi họ đang bật bài hát đó, bạn vẫn có thể đi làm bình thường trong bất chấp nỗi “ám ảnh” này. 

Một ví dụ khác để phân biệt OCD với những nỗi “ám ảnh” hàng ngày là khi một người có thể suy nghĩ về dịch bệnh và lo lắng cho sự an toàn của bản thân hoặc suy nghĩ về sai lầm mà họ mắc phải có thể trở nên nghiêm trọng. Về cơ bản những suy nghĩ này tương tự như những gì mà 1 người bị OCD có thể cảm thấy. Nhưng ở người bình thường những suy nghĩ này chỉ là tạm thời còn đối với người mắc OCD, những suy nghĩ này xuất hiện thường xuyên với cường độ mạnh trở thành rối loạn ám ảnh suy nghĩ ép buộc. 

Các nỗi ám ảnh phổ biến và điển hình trong hội chứng OCD bao gồm:

  • Nỗi ám ảnh về sự ô nhiễm: Sợ tiếp xúc với các chất hoặc đồ vật bị ô nhiễm. Chẳng hạn như dịch cơ thể (ví dụ như nước tiểu, phân), vi khuẩn/ virus gây bệnh (ví dụ: mụn rộp, HIV, COVID-19), chất gây ô nhiễm môi trường  (ví dụ như amiăng, bức xạ), hóa chất gia dụng (ví dụ: chất tẩy rửa, dung môi, axit pin), bụi bẩn, rác thải,...
  • Nỗi ám ảnh về bạo lực: Sợ hãi những hình ảnh/ video/ hành động bạo lực, phản ứng quá mức với hành động của một người nào đó,...
  • Nỗi ám ảnh về trách nhiệm: Sợ hãi việc phải chịu trách nhiệm cho một điều gì đó nghiêm trọng xảy ra (ví dụ như hỏa hoạn, trộm cắp, tai nạn xe hơi), sợ làm hại người khác vì không đủ cẩn thận (ví dụ làm rơi thứ gì đó xuống đất có thể khiến ai đó trượt chân và ngã). 
  • Nỗi ám ảnh liên quan đến chủ nghĩa hoàn hảo: Quá lo lắng về tính đồng đều hoặc tính chính xác, quá quan tâm đến các thông tin chi tiết, quá quan tâm đến việc thực hiện các nhiệm vụ "hoàn hảo" hoặc "chính xác", sợ phạm sai lầm,...
  • Nỗi ám ảnh tình dục: Có ác cảm về hoạt động tình dục, lo sợ về việc xâm hại tình dục ở trẻ em hoặc người thân, lo sợ về các hành vi tình dục hung hăng đối với người khác,...
  • Nỗi ám ảnh về tôn giáo/đạo đức: Quá lo lắng về việc xúc phạm Chúa, lo lắng về sự nguyền rủa và/hoặc lo lắng về sự báng bổ tôn giáo, quá quan tâm đến đúng/sai hoặc đạo đức
  • Nỗi ám ảnh về bản sắc: Quan tâm quá mức đến bản sắc giới tính hoặc xu hướng tình dục của một người nào đó.
  • Nỗi ám ảnh khác: Nỗi ám ảnh liên quan đến mối quan hệ, Nỗi ám ảnh về cái chết/sự tồn tại (ví dụ: quá bận tâm đến các chủ đề triết học và hiện sinh, chẳng hạn như cái chết, vũ trụ và vai trò của một người trong vũ trụ), Nỗi ám ảnh về sự kiện thực/ký ức sai (ví dụ: lo lắng quá mức về những điều đã xảy ra trong quá khứ và những tác động mà chúng có thể gây ra). 

1.2 Sự cưỡng chế trong hội chứng OCD

Cưỡng chế trong OCD là những hành vi hoặc suy nghĩ lặp đi lặp lại mà một người cảm thấy bị thôi thúc phải thực hiện để đáp lại hoặc làm cho nỗi ám ảnh của họ biến mất. Những người mắc OCD nhận ra rằng, đây chỉ là một giải pháp tạm thời, nhưng không có cách nào tốt hơn để đối phó với cảm giác ám ảnh đó. Và nhiều khả năng, người bị OCD sẽ lặp lại những điều tương tự trong tương lai.

Biểu hiện của sự cưỡng chế có thể là những phản ứng thái quá liên quan trực tiếp đến sự ám ảnh (chẳng hạn như việc rửa tay quá nhiều do sợ nhiễm bẩn) nhưng cũng có thể là hành động hoàn toàn không liên quan đến nỗi ám ảnh. 

Rửa tay quá nhiều lần có thể là triệu chứng của OCD
Rửa tay quá nhiều lần có thể là triệu chứng của OCD

Cũng giống như nỗi ám ảnh, không phải tất cả các hành vi hoặc thói quen lặp đi lặp lại đều là biểu hiện của sự cưỡng chế. Điều này còn phụ thuộc vào loại hình và bối cảnh thực hiện hành vi. Ví dụ như: thói quen đi ngủ, thực hành tôn giáo và học một kỹ năng mới, tất cả đều liên quan đến việc lặp đi lặp lại một hoạt động ở một mức độ nào đó, nhưng thường là một phần tích cực và thiết thực trong cuộc sống hàng ngày. Tương tự như vậy, việc sắp xếp các cuốn sách ngăn nắp liên tục trong nhiều giờ không phải là sự cưỡng chế nếu người đó làm việc trong thư viện. Những hành vi như vậy không phải là triệu chứng của OCD. 

Trong hầu hết các trường hợp, những người mắc chứng OCD cảm thấy như đang có thứ gì đó thôi thúc họ phải thực hiện các hành vi cưỡng chế. Trong trường hợp nghiêm trọng, việc lặp lại lặp lại một hành động/ thói quen trong thời gian dài có thể khiến chúng trở nên bất thường. Thay vì là một nguồn vui, những người mắc chứng OCD thực hiện các hành vi cưỡng chế vì họ tin rằng những hành động đó là cần thiết để ngăn chặn những hậu quả tiêu cực và/ hoặc để thoát khỏi nỗi ám ảnh. [1]

Những biểu hiện của sự cưỡng chế phổ biến trong hội chứng OCD: 

  • Giặt giũ hoặc vệ sinh quá mức: Rửa tay hoặc vệ sinh thân thể quá mức (bao gồm tắm rửa, đánh răng, chải chuốt hoặc đi vệ sinh), làm sạch đồ gia dụng hoặc các đồ đạc khác quá mức, làm những việc khác để ngăn chặn hoặc loại bỏ hoặc tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm. 
  • Kiểm tra quá mức: Thực hiện các hành động kiểm tra quá nhiều lần vì lo lắng về các tác hại, sai lầm, tình trạng bệnh tật hoặc một vấn đề khủng khiếp nào đó có thể xảy ra. Chẳng hạn như liên tục kiểm tra ổ khóa, công tắc, thiết bị gia dụng, cửa ra vào,...
  • Lặp đi lặp lại: Đọc lại hoặc viết lại nhiều lần, lặp đi lặp lại các hoạt động thường ngày (ví dụ: đi vào hoặc ra khỏi cửa, đi lên hoặc xuống cầu thang), lặp đi lặp lại các chuyển động của cơ thể (ví dụ: gõ, chạm, chớp mắt), lặp lại các hoạt động theo "bội số" (ví dụ: thực hiện một nhiệm vụ ba lần vì ba là số "tốt", "đúng", "an toàn"). 
  • Các hành vi cưỡng chế khác: Đặt hoặc sắp xếp mọi thứ theo thứ tự hoặc cho đến khi người đó cảm thấy hoàn hảo. Liên tục tìm kiếm sự chấp thuận hoặc trấn an. Tin tưởng vào những con số nhất định, chẳng hạn như đếm, lặp lại, ưu tiên quá mức hoặc tránh một số con số nào đó. Tránh một số người, địa điểm hoặc tình huống khiến họ đau khổ và gây ra ám ảnh và/hoặc cưỡng chế. 
Người mắc OCD trở nên ngăn nắp quá mức
Người mắc OCD trở nên ngăn nắp quá mức

Những hành vi này có thể gây ra nhiều bất lợi và cản trở cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Ngoài ra, một số hành vi quá mức có thể làm hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người mắc chứng OCD. 

2 Bị OCD có nguy hiểm không?

Bệnh OCD thường khởi phát ở tuổi thanh thiếu niên, nhưng nó cũng có thể bắt đầu ngay từ thời thơ ấu. Các triệu chứng của bệnh OCD rất đa dạng và mức độ nghiêm trọng cũng khác nhau. Ví dụ như người bị OCD với nỗi sợ hãi về việc bị nhiễm bẩn, để giảm bớt sự ám ảnh đó, họ bắt buộc phải rửa tay nhiều lần cho đến khi tay bị sưng hoặc nứt nẻ. Nhưng người bị OCD cũng có thể thực hiện các hành vi gây nguy hiểm đến sức khỏe khác, hậu quả có thể dẫn đến tàn tật. 

Những người mắc OCD có thể cố gắng tự khắc phục bằng các tránh những tình huống hoặc yếu tố làm khởi phát nỗi ám ảnh của họ. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp, người bệnh tìm đến việc sử dụng rượu hoặc ma túy để trấn an tinh thần. 

Các triệu chứng ban đầu thường không gây nguy hiểm nhưng chúng có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Ngoài ra, các triệu chúng có thể tồi tệ hơn khi người bệnh trở nên căng thẳng hoặc gặp stress. Nhìn chung, rối loạn ám ảnh cưỡng chế được coi là một hội chứng mãn tính và kéo dài suốt đời. 

3 Nguyên nhân 

OCD là một trong những rối loạn tâm thần kinh phổ biến làm ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi trên thế giới. Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán vào khoảng năm 19 tuổi, nhưng cũng có một số trường hợp được ghi nhận ở trẻ dưới 10 tuổi hoặc ở người lớn trên 35 tuổi. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng OCD vẫn chưa được biết rõ. Hiện nay, người ta đã xác định được một số yếu tố nguy cơ góp phần vào việc hình thành các rối loạn ám ảnh cưỡng chế: 

  • Di truyền học

Kết quả của các nghiên cứu về gia đình và trẻ song sinh đã chỉ ra rằng, OCD có liên quan đến di truyền. Cụ thể, nếu cha mẹ, anh chị em hoặc con cái của bạn bị OCD, bạn có nguy cơ mắc OCD cao hơn. 

Nguy cơ này càng rõ ràng hơn nếu người thân cấp 1 của bạn được chẩn đoán mắc OCD từ khi còn nhỏ hoặc ở độ tuổi thiếu niên. 

  • Bất thường cấu trúc và chức năng của não

Các nhà nghiên cứu hình ảnh đã chỉ ra sự khác biệt trong cấu trúc vỏ não ở bệnh nhân mắc OCD. Dường như có mối liên hệ giữa các triệu chứng OCD và những bất thường ở một số khu vực nhất định của não, nhưng mối liên hệ đó không rõ ràng. Cần nhiều nghiên cứu và bằng chứng hơn nữa để biết được chính xác mối liên hệ này. 

Bất thường về cấu trúc não có thể gây ra hội chứng OCD
Bất thường về cấu trúc não có thể gây ra hội chứng OCD
  • Môi trường sống

Mối liên quan giữa những ký ức về sự tổn thương ở thời thơ ấu và các triệu chứng ám ảnh cưỡng chế đã được báo cáo trong một số nghiên cứu. Tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định điều này. 

Trong một số trường hợp, trẻ em có thể phát triển các triệu chứng OCD hoặc mắc OCD sau khi nhiễm liên cầu khuẩn. Tình trạng này được gọi là Rối loạn tâm thần kinh tự miễn dịch ở trẻ em liên quan đến nhiễm trùng liên cầu khuẩn. 

  • Tiền sử mắc các rối loạn thần kinh khác

Các hội chứng rối loạn tâm thần kinh khác có thể dẫn đến sự hình thành của các triệu chứng OCD. Chẳng hạn như chứng rối loạn biến dạng cơ thể (cảm thấy xấu hổ quá mức về những khiếm khuyết về ngoại hình), chứng rối loạn giật tóc (liên tục giật tóc của chính mình) hay chứng rối loạn Excoriation (liên tục tự cào vào da của chính mình),... [2]

4 Cách điều trị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế 

Nếu được điều trị sớm và tích cực, người bệnh mắc OCD có thể có chất lượng cuộc sống tốt hơn và cải thiện các chức năng của cơ thể. 

4.1 Liệu pháp hành vi nhận thức

Một phương pháp điều trị OCD hiệu quả là liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) được gọi là phòng ngừa phơi nhiễm và phản ứng (ERP). Trong các buổi điều trị, bệnh nhân được tiếp xúc với những tình huống hoặc hình ảnh đáng sợ tập trung vào nỗi ám ảnh của họ. Biện pháp này giúp họ làm quen dần với cách khống chế nỗi ám ảnh, nhưng thời gian đầu có thể khiến bệnh nhân lo lắng nhiều hơn. 

Trong các buổi trị liệu, bệnh nhân được hướng dẫn để tránh thực hiện các hành vi cưỡng chế mà họ thường thực hiện. Bằng cách cho họ thấy rằng, những thứ khủng khiếp trong nỗi ám ảnh của họ thực sự không đáng sợ như vậy. Từ đó, người bệnh nhận thức được rằng, họ hoàn toàn có thể kiểm soát được suy nghĩ của mình mà không cần phải thực hiện hành vi cưỡng chế nào cả. Sự lo lắng của họ sẽ bắt đầu giảm dần theo thời gian. 

Điều trị OCD bằng phương pháp trị liệu hành vi nhận thức
Điều trị OCD bằng phương pháp trị liệu hành vi nhận thức

Sử dụng hướng dẫn dựa trên bằng chứng, các nhà trị liệu và bệnh nhân cần trao đổi với nhau để phát triển một kế hoạch tiếp xúc dần dần, chuyển từ các tình huống lo lắng thấp hơn sang các tình huống lo lắng cao hơn. Một số người mắc chứng OCD có thể không đồng ý tham gia CBT vì cảm giác lo lắng ban đầu mà nó gây ra, nhưng đây là công cụ mạnh mẽ nhất hiện có để điều trị nhiều loại OCD từ nhẹ đến trung bình. [3]

4.2 Thuốc

Để hạn chế sự lo lắng hoặc sợ hãi quá mức, một số nhóm thuốc trấn an tinh thần đã được sử dụng. Điển hình là nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), thường được sử dụng để điều trị trầm cảm. Liều lượng SSRI dùng để điều trị OCD thường cao hơn liều dùng để điều trị trầm cảm.

Thông thường, phải mất từ 6-12 tuần, hoặc có thể lâu hơn, để nhận thấy được hiệu quả của thuốc. Nếu bệnh nhân không đáp ứng với một loại thuốc SSRI hãy thử đổi sang hoạt chất khác cùng nhóm. 

SSRI được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân có các triệu chứng OCD nhẹ đến trung bình. Nhưng nếu bệnh nhân có các triệu chứng OCD nghiêm trọng, cách tốt nhất là kết hợp CBT và SSRI. 

4.3 Phẫu thuật thần kinh

Gần đây, phẫu thuật là biện pháp được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận trong điều trị OCD mức độ nặng hoặc không đáp ứng với 2 phương pháp điều trị trên.

  • Kích thích não sâu (DBS):  Đây là phương pháp được FDA chấp thuận dùng trong điều trị hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên). Phương pháp DBS bao gồm việc cấy ghép các thiết bị điện cực vào não và điều chỉnh lại các xung động bất thường trong não. Phương pháp này cho thấy hiệu quả khá tốt và không phải phá hủy vĩnh viễn mô não như các loại phẫu thuật khác. Nhưng, hiện nay có rất ít bệnh viện thực hiện được phương pháp này vì mức độ phức tạp của nó. 
  • Kích thích từ xuyên sọ (TMS): Vào năm 2018, FDA đã phê duyệt kích thích từ xuyên sọ (TMS) như một biện pháp hỗ trợ trong điều trị OCD ở người lớn. Đây là biện pháp sử dụng từ trường để ngăn chặn các xung động bất thường của các tế bào thần kinh, từ đó hạn chế các triệu chứng của OCD. Phương pháp này tối ưu hơn so với DBS ở điểm không xâm lấn. 

5 Cần làm gì khi người thân của bạn mắc OCD?

Bệnh OCD rất khó chữa và cách triệu chứng có thể kéo dài suốt đời. Vì thế, người bệnh rất cần đến sự chăm sóc của người thân để giúp họ vượt qua được nỗi ám ảnh. rên thực tế, sự tham gia của gia đình và bạn bè là yếu tố quan trọng trong thành công của việc điều trị.

5.1 Duy trì lối sống lành mạnh

Duy trì lối sống lành mạnh có thể giảm bớt sự lo lắng hoặc ám ảnh của người mắc OCD. Ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, tập thể dục và dành thời gian cho người khác có thể giúp ích cho sức khỏe tinh thần tổng thể. Ngoài ra, sử dụng các kỹ thuật thư giãn cơ bản như thiền, yoga, hình dung và xoa bóp có thể giúp giảm bớt căng thẳng và lo lắng.

>> Xem thêm: [CẢNH BÁO] Não Bộ Tự Ăn Là Hậu Quả Của Thiếu Ngủ Kéo Dài

5.2 Giúp người mắc OCD trấn an tinh thần

Khi nhận thấy người mắc OCD bắt đầu trở nên lo lắng, sợ hãi hoặc cố gắng thực hiện một điều gì đó nhiều lần, hãy cố gắng trấn an tinh thần của họ. Bật một bản nhạc mà họ yêu thích, cho họ ngửi mùi hương dịu nhẹ, nói những lời yêu thương hoặc đưa họ ra khỏi vị trí hiện tại,... có thể giúp người bệnh bình tĩnh hơn. [4]

Tóm lại, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một hội chứng rối loạn thần kinh phức tạp và nghiêm trọng. Người bệnh luôn phải vật lộn với những nỗi ám ảnh và có thể thực hiện các hành vi gây hại cho chính bản thân mình. Vì vậy, nếu nhận thấy bản thân hoặc một người nào đó có những dấu hiệu bất thường liên quan đến chứng OCD, hãy trao đổi với bác sĩ để được kiểm tra và điều trị phù hợp. 

Tài liệu tham khảo

  1. ^  International OCD Foundation (Ngày đăng: Năm 2022). About OCD, International OCD Foundation. Ngày truy cập: Ngày 18 tháng 04 năm 2023.
  2. ^  Jamarie Geller (Ngày đăng: Tháng 10 năm 2022). What Is Obsessive-Compulsive Disorder?, American Psychiatric Association. Ngày truy cập: Ngày 18 tháng 04 năm 2023.
  3. ^  Mayo Clinic Staff (Ngày đăng: Ngày 11 tháng 03 năm 2020). Obsessive-compulsive disorder (OCD), Mayo Clinic. Ngày truy cập: Ngày 18 tháng 04 năm 2023.
  4. ^  National Institute of Mental Health (Ngày đăng: Tháng 9 năm 2022). Obsessive-Compulsive Disorder, NIMH. Ngày truy cập: Ngày 18 tháng 04 năm 2023.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    Bệnh này có chữa khỏi được không ạ?


    Thích (0) Trả lời 1
    • Chào bạn. Hiện tại chưa có biện pháp điều trị khỏi hoàn toàn chứng OCD. Nếu được điều trị sớm và tích cực, người bệnh mắc OCD có thể có chất lượng cuộc sống tốt hơn và cải thiện các chức năng của cơ thể.

      Quản trị viên: Dược sĩ Thu Trang vào


      Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
0/ 5 0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
    vui lòng chờ tin đang tải lên

    Vui lòng đợi xử lý......

    hotline
    0868 552 633
    0 SẢN PHẨM
    ĐANG MUA
    hotline
    1900 888 633