Chuẩn bị đồ đi sinh từ tháng thứ mấy? Danh sách đồ đi sinh cho mẹ và bé
Trungtamthuoc.com - Bên cạnh những kiến thức chăm con, dinh dưỡng cho mẹ bầu thì chuẩn bị đồ trước khi sinh cũng là một vấn đề nhiều mẹ quan tâm. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin về combo đồ đi sinh cho mẹ và bé để mẹ tự tin trong quá trình vượt cạn
1 Nên chuẩn bị đồ đi sinh từ tháng thứ mấy?
Mẹ bầu nên chuẩn bị đồ đi sinh từ tuần thứ 32 đến 35 của thai kỳ, phòng trường hợp mẹ sinh em bé sớm hơn so với dự kiến.
Thời điểm này thai kỳ đã ổn định, mẹ cũng đã biết được giới tính thai nhi do đó có thể dễ dàng sắm những món đồ cần thiết cho con.
2 Danh sách đồ đi sinh ở viện cho mẹ
2.1 Giấy tờ tùy thân
Việc chuẩn bị đủ những giấy tờ cần thiết nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục nhập viện, các bác sĩ dựa trên tình trạng, hồ sơ khám thai, hồ sơ bệnh lý của mẹ để lựa chọn phương pháp sinh nở thích hợp.
Mẹ nên chuẩn bị các giấy tờ dưới đây và cho vào túi hồ sơ để tránh tình trạng thất lạc:
- Căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân còn thời gian hiệu lực. Các giấy tờ này mẹ có thể mang bản photo công chứng hoặc bản chính để nhân viên y tế đối chiếu.
- Sổ hộ khẩu nếu làm giấy chứng sinh cho con.
- Bảo hiểm y tế (nếu có).
- Hồ sơ khám thai (sổ khám thai, các xét nghiệm đã làm trong thời kỳ mang thai, kết quả siêu âm, bệnh lý của mẹ bầu, đơn thuốc (nếu có),... Đối với các giấy tờ này, cha mẹ nên sắp xếp theo thứ tự thời gian để nhân viên y tế và các bác sĩ tiện theo dõi, dễ dàng tìm kiếm khi cần thiết. Các loại giấy xét nghiệm trong 3 tháng đầu đặc biệt quan trọng, giúp bác sĩ nắm được tình trạng sức khỏe của thai nhi để đưa ra những chẩn đoán và phương pháp an toàn nhất trong quá trình sinh nở của người mẹ, hạn chế tối đa những nguy hiểm có thể xảy ra.
- Trường hợp mẹ bầu có các loại thẻ bảo hiểm dịch vụ khác, cha mẹ cần liên hệ trước với phòng khám hoặc bệnh viện trước khi sinh để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.
- Khi đến viện, mẹ cần xuất trình giấy tờ tùy thân và thẻ bảo hiểm y tế để nhân viên y tế hướng dẫn làm thủ tục nhập viện.
- Đối với những mẹ bầu mua trực tiếp gói bảo hiểm thai sản thì các giấy tờ thường đơn giản và nhỏ gọn hơn rất nhiều. Khi vào viện, nhân viên chuyên trách sẽ làm nhiệm vụ hỗ trợ mẹ bầu làm thủ tục để nhận được đầy đủ những quyền lợi.
- Bên cạnh đó, hiện nay có rất nhiều bệnh viện cung cấp các gói thai sản với nhiều mức giá trị khác nhau theo dõi toàn diện từ khi mang bầu đến lúc sinh em bé và thời điểm sau sinh. Do đó, mẹ bầu chỉ cần đến viện mà không cần mang thêm bất cứ giấy tờ tùy thân nào khác vì thông tin của mẹ đã được lưu lại trên hệ thống.
2.2 Túi đồ dùng cho mẹ
Ngoài giấy tờ tùy thân, mẹ cũng cần chuẩn bị cho mình những đồ dùng thiết yếu trong giỏ đồ để tiện sử dụng.
- Quần áo: Mẹ nên chuẩn bị một bộ quần áo rộng rãi thoải mái để mặc sau khi xuất viện. Khi nhập viện, mẹ sẽ được nhân viên y tế cung cấp quần áo để thay hàng ngày.
- Vào mùa đông hoặc thời tiết lạnh, mẹ nên chuẩn bị thêm khăn choàng, áo dài ấm, tất, mũ để giữ ấm cơ thể.
- Miếng lót hoặc bỉm dành cho người lớn: 8-10 miếng tùy thuộc sinh thường hay sinh mổ để sử dụng vào những ngày chưa chuyển dạ hoặc những ngày ra sản dịch sau sinh.
- Các loại đồ dùng cá nhân như khăn mặt, kem đánh răng, lược, dây buộc tóc,...
- Quần lót: Mẹ nên chuẩn bị quần lót giấy hoặc các loại quần lót sử dụng một lần vì trong viện có ít không gian, gây bất tiện trong quá trình giặt giũ và phơi quần áo. Mẹ cũng nên lựa chọn các loại quần thoáng khí, dễ thấm hút mồ hôi, vừa với kích cỡ của mẹ.
- Khăn tắm: Lựa chọn những loại khăn dễ thấm hút, mềm mại, kích thước không cần quá to.
- Sữa cho những bà mẹ sau sinh nhằm bổ sung dinh dưỡng, hạn chế tình trạng mệt mỏi, kiệt sức, đặc biệt đối với những bà mẹ sinh mổ sức khỏe thường yếu hơn. Mẹ nên chuẩn bị thêm bình giữ nhiệt, cốc, thìa để pha sữa.
- Ngoài ra, mẹ bầu có thể mang theo những món đồ dùng mà mình ưa thích như sách, tạp chí, máy massage để thư giãn trước và sau khi sinh em bé.
- Có nhiều bệnh viện vẫn trang bị đồ dùng cá nhân cho mẹ bầu trước khi sinh, nhưng để thuận tiện, mẹ vẫn cần sắm sửa những đồ dùng cần thiết để tiện sử dụng.
3 Hướng dẫn chuẩn bị đồ sơ sinh cho bé
Trong trường hợp mẹ lựa chọn sinh ở viện thông thường, đồ dùng mẹ cần chuẩn bị nên đầy đủ, để đảm bảo khi cần sẽ có để sử dụng luôn.
3.1 Áo sơ sinh
Sau khi sinh, em bé sẽ mặc đồ của bệnh viện hoặc tiện hơn là đồ của người nhà chuẩn bị. Do đó, mẹ có thể chuẩn bị 3 áo cộc tay, 3 áo dài tay hoặc nhiều hơn để bác sĩ và các nhân viên y tế có thể thay cho con ngay sau khi con chào đời.
Mẹ nên lựa chọn những loại vải cotton mềm mại, mỏng nhẹ, không gây kích ứng da. Các loại áo cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được thiết kế cài cúc 1 bên để thuận tiện trong quá trình vệ sinh cũng như thay bỉm cho con.
Nếu sinh em bé vào mùa lạnh, mẹ nên chuẩn bị những chiếc áo ấm, chăn len dành cho trẻ sơ sinh để con không bị lạnh vì đây là thời điểm con rất nhạy cảm và non nớt.
3.2 Quần sơ sinh
Trẻ sơ sinh gần như không cần sử dụng quần mà sẽ sử dụng tã quần, bỉm quần và miếng lót sơ sinh. Do đó, mẹ không cần mang quá nhiều quần cho con trong quá trình đi sinh để hạn chế tối đa lượng đồ mang theo.
Khi chọn quần, mẹ nên lựa chọn những loại quần thoáng, dễ thấm hút mồ hôi để con cảm thấy thoải mái và dễ dàng thay bỉm cho con.
3.3 Bỉm sơ sinh, miếng lót sơ sinh
Bỉm sơ sinh hay miếng lót sơ sinh là một trong số những đồ dùng không thể thiếu trong giỏ đồ khi đi sinh của mẹ, vì đâu là thời điểm bé sử dụng rất nhiều. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại miếng lót sơ sinh dùng 1 lần khiến mẹ tiện sử dụng, không cần giặt giũ như tã vải.
Thời điểm mới sinh, bé đi ngoài chủ yếu là phân su, tần suất đi ngoài nhiều do đó mẹ nên chuẩn bị nhiều bỉm để thay cho con, lựa chọn các dòng bỉm có nguồn gốc, thương hiệu uy tín, chất liệu mềm mại, không gây kích ứng, dễ thấm hút, chống tràn hiệu quả để con cảm thấy thoải mái.
3.4 Miếng lót sơ sinh
Mẹ nên chuẩn bị một vài miếng lót sơ sinh để vệ sinh cho trẻ khi cần thiết.
3.5 Khăn giấy
Mẹ nên mang thêm 1-2 bịch khăn giấy ướt dành riêng cho trẻ sơ sinh để vệ sinh cho con sau khi con uống sữa hoặc sau khi con đi vệ sinh.
3.6 Khăn sữa
Mẹ nên chuẩn bị khoảng 20 cái khăn sữa (5 cái to, 15 cái nhỏ). Lựa chọn các loại khăn mềm để tránh tình trạng gây khó chịu cho con vì da bé lúc này rất mỏng manh.
3.7 Bình sữa
Nên chuẩn bị từ 1-2 bình sữa dung tích 120ml, dụng cụ vệ sinh bình sữa, nước rửa bình để cho con bú trong lúc chờ sữa mẹ.
3.8 Phích nước, bình giữ nhiệt
Mẹ nên mang thêm phích nước hoặc bình giữ nhiệt để tích trữ nước nóng pha sữa cho con trong trường hợp viện không có.
3.9 Một số đồ dùng khác
Ngoài ra, mẹ cần chuẩn bị thêm mũ, bao tay, bao chân để giữ ấm cho con. Lựa chọn các loại vải mềm mại, thấm hút mồ hôi để con thoải mái.
Gạc vệ sinh răng miệng để vệ sinh lưỡi hàng ngày cho con sau khi con bú.
Gạc vệ sinh rốn để thay hàng ngày trong lúc con chưa được về nhà.
Nước muối sinh lý, kem chống hăm,...để sử dụng khi cần thiết.
4 Chuẩn bị đồ đi sinh cho người chăm sóc
Chuẩn bị đồ đi sinh không chỉ cần cho mẹ bầu, cho trẻ mà ngay cả những người chăm sóc cũng cần phải chuẩn bị để thuận tiện trong quá trình sử dụng, phòng những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
4.1 Tâm lý
Nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng vì có rất nhiều trường hợp mẹ bầu sinh em bé sớm hơn dự kiến. Tâm lý tốt giúp người chăm sóc, đặc biệt là người chồng dễ dàng xử lý những tình huống bất ngờ.
4.2 Kiến thức
Cả mẹ bầu và người chăm sóc cần bổ sung kiến thức trong quá trình chuyển dạ để có thể nhận biết và thông báo với bác sĩ kịp thời.
4.3 Kinh tế
Giai đoạn mang thai, sinh con và nuôi con tốn nhiều chi phí, do đó, cha mẹ nên chuẩn bị tâm lý tốt cũng như kinh tế vững để mẹ và bé có thể được sử dụng những dịch vụ chăm sóc tốt nhất tại bệnh viện.
4.4 Đồ dùng cá nhân
Tương tự, người chăm sóc cũng cần phải chuẩn bị đồ dùng cá nhân để tiện sử dụng, đảm bảo vệ sinh trong thời gian chăm sóc trẻ.
5 Một số điều cần lưu ý khi chuẩn bị đồ đi sinh cho mẹ và bé
Nếu mẹ và bố đang là công chức, viên chức hoặc người lao động làm trong các công ty thì phải thông báo ngày dự sinh cho hành chính nhân sự, người quản lý hoặc người có thẩm quyền để có thời gian nghỉ thai sản đúng theo luật của nhà nước quy định.
Việc chuẩn bị kỹ càng và đầy đủ giỏ đồ đi sinh từ tuần thứ 32 đến 35 của thai kỳ giúp mẹ đảm bảo mang được đủ những đồ cần thiết, đặc biệt là với những mẹ sinh ở viện truyền thống.
Mẹ nên tìm hiểu những bệnh viện mình lựa chọn để sinh vì hiện nay có nhiều bệnh viện hỗ trợ chuẩn bị đồ dùng cá nhân cho cả mẹ và bé, tránh tình trạng mang thừa gây cồng kềnh.
Tùy theo tình hình thời tiết mà mẹ có thể chuẩn bị thêm hoặc bớt những đồ không cần thiết.
Tìm hiểu dịch vụ của bệnh viện trước khi sinh để hạn chế mang các đồ dùng lỉnh kỉnh như phích nước, chậu,...gây khó khăn trong quá trình di chuyển.
Khi chuẩn bị đồ, mẹ cần chuẩn bị kỹ lưỡng cả cho mẹ và cho con, không nên chăm chú chuẩn bị đồ cho con mà quên đồ dùng cần thiết cho mẹ.
Không nên mang quá nhiều đồ khi đi sinh. Chỉ nên mang 1-2 túi đồ. Trường hợp nhà gần viện cho thể mang thêm sau.
Mẹ nên tìm hiểu các dấu hiệu chuyển dạ, kỹ thuật hít thở để tránh tình trạng mất sức trong quá trình sinh em bé.
Tìm hiểu những biến đổi trong tâm sinh lý ở thời điểm trước, trong và sau khi sinh em bé để tránh nguy cơ xảy ra tình trạng trầm cảm sau sinh.
Tìm hiểu phương pháp sinh thường và sinh mổ để thống nhất với bác sĩ khi có thể.
Các loại đồ dùng đặc biệt là quần áo của con cần được giặt giũ và phơi khô, tiệt trùng nếu có điều kiện trước khi cho con mặc để đảm bảo an toàn.
6 Mẹo trước khi đi sinh để vượt cạn an toàn
Ngoài việc chuẩn bị đồ trước khi sinh cho mẹ và bé, cha mẹ có thể tham khảo những mẹo dưới đây để vượt cạn an toàn.
6.1 Lập kế hoạch chi tiết
Hành trình mang thai và sinh con khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên, việc lên kế hoạch chi tiết, đầy đủ về địa điểm sinh em bé, đồ dùng, kiến thức chăm sóc mẹ và bé sau sinh sẽ giúp mẹ luôn ở trạng thái chủ động, dễ dàng xử lý những yếu tố bất ngờ có thể xảy ra.
6.2 Thu thập kiến thức, tham gia các lớp học tiền sản
Nhiều cặp vợ chồng cho rằng, việc tham gia các lớp học tiền sản là vô bổ và tốn tiền. Tuy nhiên, việc thu thập kiến thức chăm sóc mẹ và bé là cực kỳ cần thiết. Cả bố và mẹ sau khi tham gia lớp học sẽ giảm bớt được những áp lực và nỗi lo chăm sóc con cái.
6.3 Thăm khám đúng lịch
Nếu thai kỳ bình thường, mẹ nên thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Đối với những thai kỳ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, việc thăm khám cần được thực hiện với tần suất nhiều hơn để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
6.4 Thống nhất hình thức sinh sản với bác sĩ
Thông thường, khi hai kỳ đã ổn định, thực hiện đầy đủ những xét nghiệm cần thiết, cha mẹ nên tìm hiểu những ưu và nhược điểm về các hình thức sinh em bé để lựa chọn nên sinh thường hay sinh mổ. Các bác sĩ thường khuyến cáo sinh thường qua đường âm đạo để đảm bảo an toàn cho mẹ và con nếu như không có yếu tố nào gây ảnh hưởng. Một số trường hợp cần thiết, mẹ bầu được chỉ định sinh mổ để ngăn ngừa những biến chứng có hại đối với thai nhi.
6.5 Kiểm soát cân nặng
Những tháng cuối thai kỳ, thai nhi thường phát triển nhanh, tăng cân nhiều. Tuy nhiên, mẹ vẫn cần kiểm soát cân nặng để đảm bảo an toàn, hạn chế nguy cơ tăng huyết áp hoặc tiểu đường thai kỳ.
Ngoài ra, việc tăng cân mất kiểm soát có thể gây khó khăn trong quá trình sinh em bé, khiến mẹ khó lấy lại được vóc dáng sau khi sinh.
6.6 Vận động nhẹ nhàng
Mẹ bầu vẫn có thể tập luyện các bài tập nhẹ nhàng để duy trì thể lực và có một thai kỳ khỏe mạnh. Lựa chọn các bài tập có độ an toàn cao như đi bộ, yoga, không nên tập luyện quá sức, gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.
6.7 Theo dõi cử động thai
Cử động thai là những lần thai nhi đạp, đá,...khiến mẹ có thể cảm nhận được. Mẹ có thể học cách đếm số cử động của con để phát hiện những bất thường có thể xảy ra. Nếu cử động thai dưới 10 lần trong 4 giờ thì mẹ nên đi khám bác sĩ để đánh giá tình trạng của con.
6.8 Tập hít thở
Tập hít thở là một trong những bài tập mẹ cần nắm chắc để giúp quá trình vượt cạn diễn ra dễ dàng hơn. Hít thở đúng cách giúp mẹ cảm thấy bớt lo lắng và căng thẳng.
Khoảng 8 tuần trước ngày dự sinh, mẹ có thể tìm hiểu các bài tập hít thở và luyện tập ở nhà.
6.9 Tìm hiểu những dấu hiệu chuyển dạ
Chuyển dạ giúp báo hiệu thời điểm em bé sắp chào đời, lúc này các cơ ở tử cung bắt đầu co thắt khiến phần bụng trở nên cứng.
Mẹ nên tìm hiểu những dấu hiệu chuyển dạ để lên kế hoạch nhập viện để đảm bảo an toàn.
6.10 Chăm sóc hậu sản
Đây là giai đoạn phụ nữ cần phục hồi sức khỏe do đó, việc chăm sóc hậu sản đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chăm sóc hậu sản đúng cách giúp mẹ nhanh hồi phục, hạn chế những biến chứng có thể xảy ra như nhiễm khuẩn, tắc sản dịch,...
6.11 Lựa chọn bệnh viện uy tín
Mẹ nên lựa chọn những bệnh viện uy tín, có đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm và chuyên môn đồng thời có dịch vụ chăm sóc chu đáo, phù hợp với kinh tế của bản thân.
7 Kết luận
Mang thai và sinh con là một hành trình không dễ dàng. Việc lên kế hoạch chuẩn bị đồ cho cả mẹ và bé trước khi sinh tạo cho mẹ cảm giác chủ động, dễ dàng xử lý những phát sinh có thể xảy ra. Hiện nay, trên thị trường có nhiều đơn vị chuẩn bị sẵn những combo đồ đi sinh cho mẹ và bé rất tiện lợi mà mẹ có thể tham khảo.