Sai sót thường gặp liên quan đến chữ viết tắt y khoa trong đơn thuốc
Bạn có bao giờ thắc mắc về những ký hiệu hoặc các chữ viết tắt trên đơn thuốc hoặc trên hộp thuốc không. BID, XR, PO, APAP hoặc PRN có nghĩa là gì? Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về các ký hiệu viết tắt y tế trên đơn thuốc.
1 Những sai sót điển hình khi đọc ký hiệu trên đơn thuốc
Việc hiểu sai các từ viết tắt trong ngành dược trên đơn thuốc hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc có thể gây ra nhầm lẫn hoặc sai sót lớn trong y khoa. Trên thực tế, một từ khi được viết tắt không rõ ràng, viết sai trên đơn thuốc có thể dẫn đến sai sót trong việc cấp phát hoặc sử dụng thuốc. Vì thế, việc hiểu rõ về các chữ viết tắt trong y khoa là điều quan trọng.
1.1 Sai sót khi đọc ký hiệu viết tắt tên thuốc
Tên thuốc là lĩnh vực được viết tắt rất nhiều, đặc biệt là trong các phác đồ điều trị phức tạp. Chẳng hạn như phác đồ điều trị bệnh lao, ung thư, hoặc phác đồ điều trị HIV kết hợp. Điều này có thể gây ra sự nhầm lẫn, sai sót trong quá trình đọc đơn thuốc hoặc cấp phát thuốc.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), một đơn thuốc có chữ viết tắt là “MTX” có thể được hiểu theo 2 nghĩa, là Methotrexate (được sử dụng cho bệnh viêm khớp dạng thấp) hoặc mitoxantrone (một loại thuốc trị ung thư). Tương tự như vậy, “ATX” đã bị hiểu lầm là viết tắt của zidovudine (AZT, một loại thuốc điều trị HIV) hoặc Azathioprine (một loại thuốc ức chế miễn dịch).
Những sự nhầm lẫn về các ký hiệu trong y khoa này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng tổn hại đến bệnh nhân.
1.2 Sai sót khi đọc ký hiệu về liều dùng thuốc
Liều dùng thuốc cũng là 1 trong những lĩnh vực thường xuyên bị viết tắt, nhất là đối với những thuốc có liều dùng phức tạp.
Ví dụ như đơn thuốc “furosemide 40 mg QD” (40 mg mỗi ngày) đã bị hiểu sai thành “QID” (40mg bốn lần một ngày), dẫn đến một lỗi y khoa nghiêm trọng.
Một ví dụ khác liên quan đến đơn vị đi kèm với liều lượng thuốc: chữ viết tắt “µg” (microgam) có thể dễ dàng bị đọc nhầm thành “mg” (miligam), tạo ra trường hợp quá liều gấp 1000 lần.
1.3 Sai sót liên quan đến số 0 trên đơn thuốc
Không chỉ có các ký hiệu bằng chữ mà các con số trên đơn thuốc cũng có thể bị hiểu sai, điển hình là liên quan đến dấu thập phân.
Số 0 ở cuối, chẳng hạn như "5,0" mg (trong đó số 0 đứng sau dấu thập phân) có thể bị hiểu sai thành “50” mg, dẫn đến quá liều gấp 10 lần. Thay vào đó, người kê đơn nên viết “5 mg” không có số 0 hoặc dấu thập phân sau số đó.
Một trường hợp khác, việc thiếu số 0 đứng đầu, (ví dụ: .9 mg) có thể bị đọc nhầm thành “9” mg. Khi đó, người kê đơn nên sử dụng “0,9 mg” để làm rõ hàm lượng.
Để tránh những sai sót trên, Ủy ban liên hợp (The Joint Commission) tuyên bố rằng, chỉ có thể sử dụng số 0 ở sau dấu thập phân khi cần thiết để chứng minh mức độ chính xác của giá trị trong bản báo cáo. Chẳng hạn như đối với kết quả xét nghiệm, nghiên cứu. Và không nên sử dụng số 0 ở sau dấu thập phân trong đơn thuốc, đơn đặt hàng thuốc hoặc các tài liệu hướng dẫn sử dụng thuốc.
1.4 Sai sót khi đọc ký hiệu về dạng bào chế thuốc
Hiện nay, có nhiều dạng bào chế khác nhau với những tên gọi và ký hiệu riêng. Những ký hiệu về dạng bào chế thuốc khá thường gặp trên các đơn thuốc và ở sản phẩm thuốc. Tuy nhiên, hiện không có tiêu chuẩn nào để quản lý những thuật ngữ và ký hiệu này.
Ký hiệu của các loại thuốc được bào chế ở dạng đặc biệt, có khả năng làm chậm quá trình hấp thu hoặc thay đổi vị trí hấp thu trong đường tiêu hóa, khá đa dạng. Chẳng hạn như MR, ER, XR và SR. Ngoài ra, một số loại thuốc được bào chế với công nghệ giải phóng kéo dài, được ký hiệu là LA, hoặc công nghệ giải phóng tức thời, được ký hiệu là IR.
Cùng với sự đa dạng của các công nghệ sản xuất thuốc thì các ký hiệu y khoa cũng rất nhiều. Điều này có thể gây nhầm lẫn trong quá trình kê đơn, cấp phát và sử dụng thuốc. Vì một số loại thuốc có cách sử dụng đặc biệt hơn các loại khác.
2 Làm sao để hạn chế sai sót khi đọc ký hiệu trên đơn thuốc
2.1 Đối với nhân viên y tế
Để giảm thiểu tỷ lệ nhầm lẫn và sai sót do những ký hiệu trên đơn thuốc gây ra, các bác sĩ,dược sĩ và các nhân viên y tế cần lưu ý những nguyên tắc sau:
- Viết đầy đủ, rõ ràng trên đơn thuốc các thông tin như tên thuốc, chế độ liều, thời gian sử dụng và đường dùng của từng loại thuốc sẽ được sử dụng.
- Khi viết ra một hàm lượng thuốc, KHÔNG sử dụng số 0 ở cuối (sau dấu thập phân) và SỬ DỤNG số 0 ở đầu (trước dấu thập phân).
- Đối với bác sĩ thú y, khi viết toa thuốc cho động vật, hãy giải thích lại bằng lời hoặc viết cụ thể nhất có thể vì một số dược sĩ có thể không quen với các ký hiệu viết tắt của thuốc thú y.
- Sử dụng hệ thống kê đơn trên máy vi tính và phân phối đơn thuốc điện tử để giảm thiểu việc hiểu sai chữ viết tay.
- Các tổ chức nên thường xuyên giáo dục và cập nhật cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các nhân viên khác về cách sử dụng các từ viết tắt trong đơn thuốc đúng cách.
- Báo cáo các biến cố bất lợi xuất phát từ lỗi dùng thuốc hoặc lỗi viết tắt cho FDA; những sự kiện này có thể được sử dụng để cung cấp thêm thông tin và mở rộng các khuyến nghị về an toàn.
- Các nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, dược sĩ, y tá, điều dưỡng,...) cần nắm vững và chủ động tra thuật ngữ y khoa thường được viết tắt và sử dụng trong thực hành y tế.
Theo Ủy ban liên hợp (the Joint Commission), các tổ chức chăm sóc sức khỏe có thể phát triển các tiêu chuẩn nội bộ của riêng họ cho các ký hiệu viết tắt trong y học, sử dụng nguồn tham khảo đã xuất bản với các thuật ngữ nhất quán và phải đảm bảo tránh nhiều từ viết tắt cho cùng một từ. Ngoài ra, nên thực hiện các đợt kiểm tra, rà soát thường xuyên và nhất quán để giảm thiểu sai sót liên quan đến các ký hiệu thuốc.
2.2 Đối với bệnh nhân
Người bệnh cũng cần lưu ý về những ký hiệu viết tắt trên đơn thuốc hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị. Vì thế, trước khi sử dụng thuốc, người bệnh cần lưu ý những điều sau:
- Hãy hỏi kỹ bác sĩ hoặc dược sĩ về liều dùng và cách dùng thuốc, tốt hơn nên ghi chép lại.
- Nếu bạn nhận được đơn thuốc có hướng dẫn bất thường, bất ngờ hoặc khó hiểu, hãy trao đổi lại với bác sĩ.
- Nếu bạn lo ngại về việc ghi nhớ những thông tin mà bác sĩ hướng dẫn, hãy cân nhắc việc đi cùng một người đáng tin cậy khác để giúp bạn ghi lại các hướng dẫn quan trọng.
- Báo cáo lại các sai sót với nhân viên y tế để có biện pháp khắc phục và can thiệp hiệu quả.
>>> Xem thêm: Liệu Metformin có nên tiếp tục là liệu pháp đầu tay trong điều trị Đái tháo đường typ 2 không?
3 Giải mã các ký hiệu viết tắt y tế phổ biến trên đơn thuốc
Sau đây là một danh sách không đầy đủ về các ký hiệu viết tắt y tế phổ biến và dễ bị nhầm lẫn. [1]
3.1 Ký hiệu tên thuốc và hóa chất
Ký hiệu | Tên tiếng anh/ tiếng latin | Tên tiếng việt | Lưu ý về sự nhầm lẫn |
5-ASA | 5-aminosalicylic acid | axit 5-aminosalicylic | Có thể bị hiểu nhầm là năm viên aspirin (theo FDA). |
APAP | Acetaminophen | ||
ASA | Aspirin | ||
AZT | zidovudine | Có thể bị hiểu sai là azathioprine (theo FDA) | |
BCP | birth control pills | thuốc tránh thai | |
Bi | Bismuth | ||
D5/0.9 NaCl | 5% dextrose and normal saline solution (0.9% NaCl) | Dung dịch dextrose 5% và nước muối sinh lý (0,9% NaCl) | |
D5 1/2/NS | 5% dextrose and half normal saline solution (0.45% NaCl) | Dung dịch dextrose 5% và dung dịch nước muối với nồng độ bằng một nửa dung dịch nước muối sinh lý (0,45% NaCl) | |
D5NS | dextrose 5% in normal saline (0.9%) | Dung dịch dextrose 5% trong nước muối sinh lý (0,9%) | |
ETH hoặc ETOH | ethyl alcohol | Rượu etylic | |
HCT | hydrocortison | Có thể bị hiểu sai thành hydrochlorothiazide (theo FDA) | |
HCTZ | Hydrochlorothiazide | Có thể bị hiểu sai là hydrocortison (theo FDA) |
3.2 Ký hiệu về liều dùng và cách dùng thuốc
Ký hiệu | Tên tiếng anh/ tiếng latin | Tên tiếng việt | Lưu ý về sự nhầm lẫn |
A.M. | morning | buổi sáng | |
ac | before meals | trước bữa ăn | |
achs | before meals and at bedtime | trước bữa ăn và trước khi đi ngủ | |
ap | before dinner | trước bữa tối | |
pc | after meals | sau bữa ăn | |
q | every | mỗi, mọi | |
q4h | every 4 hours | cứ sau 4 giờ | |
q6h | every 6 hours | cứ sau 6 giờ | |
q8h | every 8 hours | cứ sau 8 giờ | |
q12h | every 12 hours | cứ sau 12 giờ | |
qam | every morning | mỗi buổi sáng | |
qd, QD, q.d., Q.D. | every day | hằng ngày | Có thể bị nhầm thành bốn lần một ngày (QID,qid) |
o.d. | once per day | một lần một ngày | Có thể bị nhầm lẫn với nghĩa là "quá liều" hoặc "mắt bên phải" |
bid, BID | twice a day | hai lần một ngày | |
TID, tid | three times a day | ba lần một ngày | |
qid , QID | four times a day | bốn lần một ngày | |
qod, QOD, q.o.d., or Q.O.D | every other day | Cách ngày | Có thể bị nhầm là qid hoặc QID (bốn lần mỗi ngày) |
mEq | milliequivalent | mili đương lượng | |
mEq/L | milliequivalent per liter | mili đương lượng chất tan trong một lít dung môi | |
mcg, µg | microgam | microgram | Có thể bị hiểu sai là "mg" |
Ng hoặc ng | nanogam | nanogram | Có thể bị nhầm là mg |
PO | orally or by mouth | dùng bằng đường uống | |
SC, SQ sq, hoặc sub q | subcutaneous or subcutaneously | tiêm dưới da | |
ID | Intradermal | tiêm trong da | |
inj. | injection | thuốc tiêm | |
IV | Intravenous | tiêm tĩnh mạch | |
IM | intramuscular | tiêm bắp | |
inf | infusion | truyền dịch | |
IN | intranasal | dùng trong mũi | |
SL, s.l. | sublingual (under the tongue) | ngậm dưới lưỡi | |
instill. | instillation | nhỏ từng giọt | |
IP | Intraperitoneal | dùng trong màng bụng | |
PR | Per the rectum | đường trực tràng | |
PV | Per the vagina | đường âm đạo | |
MDI | metered-dose inhaler | Ống hít định liều | |
NGT | nasogastric tube | nuôi ăn bằng ống thông mũi dạ dày | |
garg | gargle | súc miệng | |
NPO, n.p.o. | nothing by mouth | không được ăn uống |
3.3 Ký hiệu về dạng bào chế thuốc
Ký hiệu | Tên tiếng anh/ tiếng latin | Tên tiếng việt | Lưu ý về sự nhầm lẫn |
cap. | capsule | viên con nhộng | Có thể bị hiểu sai là ung thư tuyến tiền liệt (CAP) |
LA | long-acting | Tác dụng kéo dài | |
CR | Controlled release | Phóng thích có kiểm soát | |
CD | controlled delivery | Phóng thích có kiểm soát | |
SR | Sustained release | Phóng thích chậm | |
XL/XR | Extended release | Phóng thích kéo dài | |
SA | Sustained action | Tác dụng kéo dài | |
DA | Delayed action | Tác dụng kéo dài | |
MR | Modified release | Tác dụng kéo dài | |
ER | Extended release | Tác dụng kéo dài | |
PA | Prolonged action | Tác dụng kéo dài | |
Retard | Retard | Tác dụng kéo dài | |
IR | Immediate release | Giải phóng tức thời | |
elix. | elixir | ||
emuls. | emulsion | nhũ tương | |
lot | lotion | dung dịch |
4 Danh mục các thuốc không được nhai, bẻ, nghiền
Khi trên vỉ thuốc, vỏ viên thuốc hoặc mặt ngoài của viên thuốc có một trong những ký hiệu về dạng bào chế thuốc như: SR, LA, MR, RETART, LP, XL/XR, SA, DA, ER, PA, CD, CR... thì cần chú ý:
- Không được nhai, bẻ hoặc nghiền viên thuốc khi uống
- Không sử dụng nếu thấy thuốc đã vỡ hoặc nứt mẻ
- Không uống nhiều lần trong 1 ngày, trừ khi có những chỉ định đặc biệt của bác sĩ.
Những dạng bào chế trên được thiết kế đặc biệt để phóng thích thuốc một cách có chủ đích vào trong cơ thể. Tức là thuốc sẽ hòa tan từ từ theo từng lớp thay vì giải phóng ồ ạt, mà vẫn đảm bảo hiệu quả. Điều này giúp đẩy mạnh hiệu quả điều trị trong một số trường hợp và hỗ trợ tăng tuân thủ điều trị.
Vì thế, các tác động vật lý có thể làm phá vỡ cấu trúc của viên thuốc. Khi đó, một lượng lớn hoạt chất sẽ được giải phóng ồ ạt khiến nồng độ thuốc tăng cao tức thời, vượt qua ngưỡng điều trị, thận chí có thể đạt tới ngưỡng gây độc. Kết quả có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Một số ví dụ điển hình về các loại thuốc không được nhai, bẻ, nghiền:
- Viên không có rãnh: d-penicillamine (D-Penamine), Acarbose (Glucobay 50mg), metformin (Diaformin 850), tiludronate (Skelid).
- Viên quá dày: Alendronate 40mg (Fosamax 40mg), finasteride (Pro.scar 5mg), fosinapril (Monopril), amiloride (Midamor).
- Viên bao phim: Nifedipine (Nifecard), donepezil (Aricept), Tamoxifen (Nolvadex), azathioprine (Imuran 25mg), valproate (Epilim 200mg, Epilim 500mg), Diclofenac (Voltaren), Mesalazine (Mesasal), Pantoprazole (Somac).
- Các thuốc tác động kéo dài: Felodipine (Agon SR), Cefaclor CD 375mg (all brands), potassium chloride (KSR, Slow K, Span K), Tramadol (Tramal SR).
Tóm lại, các ký hiệu về thuốc rất đa dạng và dễ nhầm lẫn, nên khi kê đơn hoặc đọc đơn thuốc cần cẩn thận để hạn chế sai sót. Ngoài ra, không chỉ đối với nhân viên y tế mà cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng cần am hiểu về các ký hiệu liên quan đến thuốc đang sử dụng để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Tài liệu tham khảo
- ^ Leigh Ann Anderson (Ngày đăng: ngày 14 tháng 07 năm 2021). Medical Abbreviations on Pharmacy Prescriptions, Drugs.com. Ngày truy cập: Ngày 12 tháng 04 năm 2023