Chỉ số HbA1c: định nghĩa, chỉ số bình thường, ý nghĩa
Trungtamthuoc.com - Để kiểm soát và đánh giá quá trình điều trị bệnh đái tháo đường, một chỉ số không thể thiếu đó là HbA1c. Vậy chỉ số HbA1c là gì và có ý nghĩa như thế nào?
1 Chỉ số HbA1c là gì?
Chỉ số HbA1c là giá trị của hàm lượng HbA1c trong máu đã bị glycosyl hóa, có đơn vị là %. Bình thường, hemoglobin (Hb) trong các tế bào máu hồng cầu ngoài kết hợp với oxi và cacbonic để vận chuyển chúng thì nó còn kết hợp với Glucose trong máu. Có 3 loại Hb trong máu là HbA1, HbA2 và HbF trong đó HbA1 chiếm tỉ lệ nhiều nhất là từ 97% đến 99%. Đồng thời, HbA1 lại tiếp tục phân ra thành 3 loại là HbA1a, HbA1b, HbA1c, với 80% là HbA1c.
Đời sống hồng cầu có thời gian trung bình là 2 đến 3 tháng, trong suốt thời gian này glucose liên kết với Hb liên tiếp và gần như không hồi phục. Khi hàm lượng glucose trong máu vượt mức bình thường trong một quãng thời gian dài thì glucose sẽ kết hợp với Hb mà không cần enzym xúc tác. Khi phản ứng này xảy ra, người ta gọi là hemoglobin bị glycosyl hóa. Cho đến khi hồng cầu già và chết đi thì sản phẩm này cũng bị tiêu hủy theo. Và hàm lượng HbA1c tỷ lệ thuận với lượng đường trong máu từ 6 đến 12 tuần trước. Thông qua đó, việc xác định hàm lượng HbA1c người ta đánh giá được lượng đường trong máu từ 2 đến 4 tháng trước.
Xét nghiệm HbA1c không được sử dụng cho bệnh tiểu đường thai kỳ (một loại bệnh tiểu đường chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai) hoặc để chẩn đoán bệnh tiểu đường ở trẻ em. [1]
2 Chỉ số HbA1c của người bình thường và ý nghĩa của HbA1c
Chỉ số HbA1c bao nhiêu là nguy hiểm? Ở người bình thường HbA1c có giá trị từ 4 đến 5,6%. Nếu chỉ số HbA1c tăng lên trong khoảng từ 5,7 đến 6,4% thì được gọi là tăng nguy cơ tiểu đường, còn khi đã trên 6,5% thì được xác định là tiểu đường. [2]
Do đó, chỉ số HbA1c được dùng để kiểm soát lượng đường huyết, dự kiến sự xuất hiện của biến chứng tiểu đường khi đường huyết quá cao. Ở những bệnh nhân tiểu đường, cần làm sao để kiểm soát chỉ số HbA1c dưới 7% là mục tiêu của quá trình điều trị.
Chỉ số HbA1c sẽ tăng lên khi người bệnh có các tình trạng bệnh lý sau:
- Người bệnh đái tháo đường, có lượng đường trong máu vượt ngưỡng bình thường, kém kiểm soát.
- Người bệnh vì một lý do nào đó mà đường huyết tăng cao.
- Người bệnh mắc các chứng thiếu máu thiếu sắt, nghiện rượu hay ngộ độc chì và opioid.
- Người bệnh suy thận mạn tính khi đo HbA1c cũng cho giá trị cao.
Ngược lại, chỉ số HbA1c sẽ hạ thấp hơn bình thường trong những trường hợp sau:
- Người bệnh thiếu máu mạn tính, phụ nữ mang thai.
- Người bệnh có các bệnh lý dẫn đến giảm đời sống hồng cầu như: thiếu máu tan máu, bệnh lý tan máu bẩm sinh, bệnh lý hồng cầu hình cầu hoặc hình liềm.
- Chỉ số HbA1c cũng sẽ giảm sau khi người bệnh được truyền máu, cắt lách hay sử dụng Vitamin E, Vitamin C liều cao.
3 Xét nghiệm HbA1c có cần nhịn ăn?
Để xác định chỉ số HbA1c trước tiên cần phải lấy máu từ người bệnh, với mỗi lần xét nghiệm là 2ml. Máu có thể là không chống đông hoặc đã được dùng lithiheparin, EDTA để chống đông. Mẫu máu này được lấy vào buổi sáng, trước đó người bệnh không cần phải nhịn đói hay chuẩn bị gì. Để ra nhận được kết quả, người bệnh cần phải chờ thời gian xét nghiệm khoảng 1 giờ.
Với bệnh nhân tiểu đường cần xét nghiệm ít nhất 2 lần mỗi năm, nếu đường máu thường xuyên biến động phải xét nghiệm liên tục hơn, khoảng 3 tháng 1 lần.
Bạn không cần nhịn ăn khi làm xét nghiệm này.
4 HbA1c và chỉ số glucose huyết khác nhau như thế nào?
Trước tiên, đơn vị của chỉ số HbA1c và chỉ số đường huyết là khác nhau, đơn vị của HbA1c là mmol/mol hoặc %, còn chỉ số đường huyết là mmol/l.
Trong khi chỉ số HbA1c biểu thị đường máu vào thời điểm trước đó 2 đến 4 tháng thì chỉ số glucose huyết biểu thị đường máu ngay tại thời điểm đo. Do đó, chỉ số HbA1c mang ý nghĩa tổng quát, đánh giá tình trạng bệnh và đáp ứng điều trị.
Chỉ số đường huyết là nồng độ glucose trong máu tại một thời điểm duy nhất, tức là thời điểm xét nghiệm. [3] Chỉ số đường huyết sẽ thay đổi theo thời gian, đặc biệt là lúc trước và sau ăn, ngược lại chỉ số HbA1c không bị ảnh hưởng bởi bữa ăn.
Khi dựa vào chỉ số đường huyết để đánh giá một người có bị tiểu đường hay không, cần làm xét nghiệm đường huyết như sau:
- Lấy máu sau hơn 8 giờ nhịn đói, làm xét nghiệm đường huyết cho giá trị trên 7mmol/l. Cần làm ít nhất 2 lần xét nghiệm như vậy liên tiếp nhau.
- Trong ngày, khi lấy mẫu máu vào bất kỳ thời gian nào làm xét nghiệm đường huyết thì cho giá trị lớn hơn 11mmol/l.
- Làm nghiệm pháp dung nạp glucose, sau 2 tiếng kể từ khi uống 75g glucose sẽ cho đường huyết trên 11mmol/l.
Dưới đây là các chỉ số đường huyết của một người không mang thai, đo sau ăn từ 4 đến 8 giờ:
5 Cách giảm chỉ số HbA1c
Để cải thiện và đưa chỉ số HbA1c về mức bình thường, người bệnh cần có một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý:
Bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi có hàm lượng đường thấp như Bưởi, lê, dưa chuột… Kèm theo đó là các loại protein trong thịt nạc, cá, hải sản...
Giảm và hạn chế tối đa những đồ ăn có hàm lượng đường và chất béo cao như bánh kẹo, nước ngọt nhân tạo, đường...Hạn chế những thực phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo, đồ uống ngọt, mỡ động vật...
Người bệnh không ăn các đồ ăn nhanh, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ…
Lưu ý là không bỏ bữa, giảm lượng muối hay giảm ăn mặn và kiểm soát lượng calo đưa vào cơ thể hàng ngày. Nếu cung cấp calo dư thừa so với nhu cầu của cơ thể làm tăng tích mỡ đồng thời tăng nguy cơ và làm nặng hơn bệnh đái tháo đường. Với người mắc bệnh đái tháo đường thì lượng calo đưa vào cơ thể hàng ngày dao động khoảng 1500 đến 1800 calo.
Song song với chế độ ăn hợp lý đó là chế độ tập luyện thể dục thể thao hợp lý cho người tiểu đường, Mỗi chế độ rèn luyện thân thể như vậy sẽ giúp quá trình vận chuyển glucose vào tế bào tốt hơn, từ đó giảm đường máu.
Không những thế, khi thường xuyên căng thẳng, stress cùng sẽ dẫn đến các rối loạn chuyển hóa và nguy cơ tiểu đường tăng cao. Do đó, người bệnh cần giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ để đẩy lùi bệnh tật, trong đó có hạ HbA1c về mức bình thường.
HbA1c một công cụ quan trọng để kiểm soát bệnh tiểu đường, nhưng nó không thay thế việc kiểm tra đường huyết thường xuyên tại nhà. Lượng đường trong máu lên xuống suốt cả ngày và đêm mà HbA1c không nắm bắt được. Hai người có thể có cùng HbA1c, một người có mức đường huyết ổn định và người kia có mức dao động cao và thấp.
Nếu bạn đang đạt được mục tiêu HbA1c ổn định nhưng có chỉ số đường huyết cao hoặc thấp thất thường, hãy kiểm tra lượng đường trong máu của bạn thường xuyên hơn và vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Theo dõi và chia sẻ kết quả với bác sĩ để có thể thay đổi kế hoạch điều trị nếu cần. [4]
Trên đây là các thông tin cơ bản về chỉ số HbA1c và ý nghĩa của nó, hy vọng bạn đọc sẽ kiểm soát được chỉ số này một cách tốt nhất.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Medlineplus, Hemoglobin A1C (HbA1c) Test, Medlineplus. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của WebMD, Hemoglobin A1c (HbA1c) Test for Diabetes, WebMD. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Diabetes.co.uk, Ngày 15 tháng 1 năm 2019, Guide to HbA1c, Diabetes.co.uk. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của CDC, All About Your A1C, cdc.gov. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2021