Chế Độ Dinh Dưỡng Cho Người Tiểu Đường theo ADA (Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ)
Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) nhấn mạnh liệu pháp xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường là nền tảng trong kế hoạch quản lý bệnh tiểu đường tổng thể. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường.
1 Chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường
Tư vấn chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường là biện pháp nhằm cải thiện hoặc duy trì các mục tiêu đường huyết, hỗ trợ để đạt được các mục tiêu kiểm soát cân nặng và cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch (ví dụ: huyết áp, lipid,...) song song với các biện pháp điều trị khác. Chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường cần được cá nhân hóa dựa trên tình trạng bệnh, sở thích, thói quen ăn uống và kinh tế[1].
1.1 Nhu cầu carbohydrate của người bị tiểu đường
Carbohydrate là nguồn năng lượng phổ biến, được sử dụng dễ dàng và có ảnh hưởng trực tiếp đến nồng độ đường huyết sau ăn. Trên thực thế, thực phẩm chứa carbohydrate với tỷ lệ đường, tinh bột và chất xơ khác nhau sẽ có những ảnh hưởng khác nhau đến chỉ số đường huyết. Một số có thể dẫn đến nồng độ Glucose trong máu tăng kéo dài và giảm chậm, trong khi một số khác dẫn đến tăng glucose một cách nhanh chóng nhưng sau đó cũng giảm nhanh.
Vì thế, khi lựa chọn các thực phẩm chứa carbohydrate, nên lựa chọn những loại có nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất và ít đường, ít chất béo, ít natri.
Theo CDC, những người mắc bệnh tiểu đường nên nhận khoảng 45% tổng lượng calo mỗi ngày từ carbohydrate. Đối với phụ nữ, họ khuyến nghị 3-4 khẩu phần carbohydrate, với mức 15 gam (g) mỗi khẩu phần. Đối với nam giới, họ khuyến nghị số lượng cao hơn một chút là 4–5 khẩu phần . Điều này tương đương với 45–75 g cho mỗi bữa ăn[2]. Con số này gần như tương đương với tỷ lệ carbohydrate trong chế độ ăn của người bình thường.
1.2 Nhu cầu chất xơ của người bị tiểu đường
Việc thường xuyên cung cấp đủ chất xơ có liên quan đến hiệu quả giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân ở những người mắc bệnh tiểu đường. Do vậy, những người mắc bệnh tiểu đường luôn được khuyến khích mức tiêu thụ chất xơ tối thiểu là 14g chất xơ/ 1000 kcal (Theo DGA 2015–2020). Trong đó, nguồn thực phẩm được khuyến khích nhiều hơn là ngũ cốc nguyên hạt.
Các nguồn thực phẩm giàu chất xơ mà người tiểu đường nên ăn là: rau xanh không chứa tinh bột (ví dụ như: bông cải xanh, rau bina, măng tây, nấm, súp lơ,...), trái cây (trừ dưa hấu và dứa), các loại đậu (ví dụ như đậu Hà Lan và đậu lăng).
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ nhiều hơn 50g chất xơ mỗi ngày có thể giảm mức A1C xuống khoảng 20%. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều chất xơ không phải lúc nào cũng tốt. Vì lượng chất xơ rất cao như vậy có thể gây đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy.
1.3 Nhu cầu chất đạm của người bị tiểu đường
Có nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để đánh giá về mối liên hệ giữa các mức tiêu thụ protein khác nhau với hiệu quả cải thiện bệnh tiểu đường. Trong đó, một nghiên cứu kéo dài 12 tuần so sánh việc tiếp nhận 30% và 15% trên tổng năng lượng từ protein đã ghi nhận sự cải thiện về cân nặng, lượng đường trong máu lúc đói và nhu cầu Insulin ở nhóm 30%.
Một phân tích tổng hợp từ năm 2013 về các nghiên cứu kéo dài từ 4–24 tuần đã báo cáo rằng chế độ ăn giàu protein (25–32% tổng năng lượng so với 15–20%) giúp giảm cân nhiều hơn (khoáng 2kg) và cải thiện mức HbA1c nhiều hơn (khoảng 0,5%) nhưng không có sự cải thiện có ý nghĩa thống kê về đường huyết lúc đói, nồng độ lipid huyết và chỉ số huyết áp.
1.4 Nhu cầu chất béo của người bị tiểu đường
Học viện Y khoa Quốc gia đưa ra mức tiêu thụ chất béo tiêu chuẩn cho người trưởng thành là 20-35% tổng lượng calo. Đối với người mắc bệnh tiểu đường, việc thay thế một số loại thực phẩm giàu carbohydrate nhất định bằng những loại thực phẩm có tổng lượng chất béo cao hơn đã chứng minh sự cải thiện lớn hơn về chỉ số đường huyết và một số yếu tố nguy cơ tim mạch (CVD) so với chế độ ăn ít chất béo.
Tuy nhiên, loại thực phẩm hoặc chất lượng chất béo trong chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến kết quả CVD. Cụ thể, người tiểu đường có thể nguồn chất béo chuyển hóa của động vật nhai lại, xuất hiện tự nhiên trong thịt và các sản phẩm từ sữa vì hàm lượng thấp. Nhưng với các thực phẩm chứa nguồn chất béo chuyển hóa tổng hợp thì nên được giảm thiểu đến mức tối đa.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu dịch tễ học lớn đã phát hiện ra rằng việc tiêu thụ chất béo không bão hòa đa hoặc axit béo không bão hòa đa có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Bổ sung axit béo omega-3 trong giai đoạn tiền tiểu đường đã chứng minh một số hiệu quả trong việc cải thiện mức chất béo trung tính, đường huyết, khả năng tiết insulin sau ăn.
Một số nghiên cứu cho thấy, các nguồn thực phẩm chứa chất béo không bão hòa (như các sản phẩm từ sữa, dầu dừa và dầu hạt cọ) có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn. Trong khi đó, tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.
Nguồn chất béo không bão hòa bao gồm: Các loại hạt (hạnh nhân, hạt điều, hạt quả hồ đào,...), các loại đậu (đậu phộng, đậu Hà Lan,...), dầu thực vật, quả bơ,...
Mặc dù vậy, nhiều người bị tiểu đường vẫn lo lắng về mối tương quan giữa nồng độ cholesterol trong huyết thanh và các biến cố tim mạch. Vì thế, vẫn cần có nhiều nghiên cứu và bằng chứng hơn để xác định về mối quan hệ giữa cholesterol trong chế độ ăn uống, cholesterol trong máu và các biến cố CVD ở những người mắc bệnh tiểu đường.
2 Các chế độ ăn uống cho người tiểu đường
Một tỷ lệ chung về các chất dinh dưỡng cho những người tiểu đường vẫn chưa được xác định rõ. Vì thế, có rất nhiều phương pháp ăn uống được cho là mang lại lợi ích sức khỏe cho người mắc bệnh tiểu đường[3].
2.1 Chế độ ăn uống của người Mỹ (DGA)
Chế độ ăn uống của người Mỹ tập trung nhiều hơn vào chất xơ như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt,... Ngoài ra, còn có các thực phẩm chứa protein và chất béo không bão hòa, khuyến khích sử dụng sữa ít béo và các loại dầu thực vật
Chế độ ăn uống này chủ yếu hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, đường hóa học và natri.
2.2 Chế độ ăn Địa Trung Hải
Chế độ ăn Địa Trung Hải nhấn mạnh vào các thực phẩm có nguồn gốc thực vật (rau, đậu, quả hạch, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt); cá và hải sản khác. Ngoài ra, dầu ô liu là nguồn chất béo chính trong chế độ ăn uống này.
Chế độ ăn Địa Trung Hải, khuyến khích hạn chế các sản phẩm từ sữa (chủ yếu là sữa chua và phô mai), trứng (thường ít hơn 4 quả trứng/tuần), thịt đỏ, rượu và đường cô đặc hoặc Mật Ong.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh chế độ ăn Địa Trung Hải góp phần giảm tiến triển bệnh tiểu đường, giảm mức HbA1C. giảm nồng độ Triglyceride trong máu và giảm nguy cơ biến cố tim mạch lớn.
2.3 Chế độ ăn chay hoặc thuần chay
Nhiều bệnh nhân mắc tiểu đường đã áp dụng chế độ ăn chay hoặc thuần chay bằng cách loại bỏ các thực phẩm có nguồn gốc động vật, bao gồm cả trứng và sữa ra khỏi bữa ăn.
Kết quả cho thấy, những bệnh nhân này đã giảm sự tiến triển của bệnh tiểu đường, giả mức HbA1C, giảm cân, giảm nồng độ LDL-C và non-HDL-C.
2.4 Chế độ ăn ít chất béo
Chế độ ăn này nhấn mạnh vào các thực phẩm carbohydrate lành mạnh (ví dụ: bánh mì/bánh quy giòn, mì ống, ngũ cốc nguyên hạt,...), nguồn protein nạc (bao gồm cả đậu) và các sản phẩm từ sữa ít béo.
Lượng chất béo trong chế độ ăn này được quy định chiếm khoảng 30% tổng lượng calo, trong đó lượng chất béo bão hòa chiếm 10%.
Chế độ ăn này được đánh giá là làm giảm sự tiến triển của bệnh tiểu đường và hỗ trợ giảm cân.
2.5 Chế độ ăn ít carbohydrate
Sử dụng các loại rau ít carbohydrate (chẳng hạn như rau xà lách, bông cải xanh, súp lơ trắng, dưa chuột, bắp cải,...); chất béo tự nhiên (từ động vật, dầu, bơ,...) và protein nạc (thịt, gia cầm, cá, động vật có vỏ, trứng, pho mát, quả hạch và hạt).
Ngoài ra, người tiểu đường được khuyến cáo tránh các loại thực phẩm giàu tinh bột và đường như mì ống, gạo, khoai tây, bánh mì và đồ ngọt.
Chế độ ăn uống ít carbohydrate được định nghĩa là giảm lượng carbohydrate xuống mức 26–45% tổng lượng calo hàng ngày.
Kết quả của chế độ ăn ít carbohydrate là giảm mức HbA1C, giảm cân, hạ huyết áp, tăng HDL-C (chất béo tốt) và giảm triglycerid (chất béo trung tính).
2.6 Chế độ ăn uống cho người huyết áp cao
Nhấn mạnh rau, trái cây và các sản phẩm từ sữa ít chất béo, cùng với ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm, cá và các loại hạt. Đối với người tiểu đường bị huyết áp cao, nên chú ý giảm chất béo bão hòa, thịt đỏ, đồ ngọt và đồ uống có đường cho bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra nên tránh ăn mặn hoặc các thực phẩm giàu natri.
Phương pháp này giúp giảm nguy cơ tiến triển bệnh tiểu đường, giảm cân và hạ huyết áp.
3 Điều gì xảy ra nếu người bị tiểu đường ăn quá nhiều hoặc quá ít cơm?
Những người mắc bệnh tiểu đường thường thắc mắc về lượng cơm mà họ nên ăn hàng ngày. Vì cơm là một trong những nguồn thực phẩm rất giàu carbohydrate.
3.1 Người bị tiểu đường ăn quá nhiều cơm
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), ăn quá nhiều cơm nói riêng hoặc carbohydrate nói chung có thể gây tăng đường huyết lên mức nghiêm trọng ở những bệnh nhân bị tiểu đường. Chỉ số đường huyết tăng cao có thể đi kèm với các triệu chứng như khát nước nhiều hoặc đi tiểu thường xuyên.
Nếu hàm lượng đường trong máu cao thường xuyên, người bệnh rất dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng, chẳng hạn như bị nhiễm toan ceton.
3.2 Người bị tiểu đường ăn quá ít cơm
Các biến chứng cũng có thể xảy ra nếu người mắc bệnh tiểu đường tiêu thụ quá ít các thực phẩm chứa carbohydrate khiến lượng đường trong máu của họ giảm quá thấp. Hậu quả là gây hạ đường huyết với các triệu chứng như: chóng mặt, run tay, đứng không vững, vã mồ hôi, mệt mỏi, tim đập nhanh hoặc loạn nhịp, co giật, hôn mê,... Nghiêm trọng hơn, hạ đường huyết nặng có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. [4]
3.3 Lượng cơm cho người tiểu đường
Tùy thuộc vào thói quen ăn uống và tổng lượng carbohydrate tiêu thụ mỗi ngày mà lượng cơm có thể thay đổi. Nhưng nhìn chung, người bị tiểu đường được khuyến nghị nên ăn ½ đến 1 bát cơm cho mỗi bữa, tức là khoảng 15g carbohydrate.
Ngoài ra, người bị tiểu đường cũng có thể sử dụng các loại gạo ít carbohydrate và giàu chất xơ hơn như gạo lứt. So với gạo trắng hạt ngắn thì Gạo Lứt có chỉ số đường huyết (GI) thấp hơn nhiều nhưng lại có giá trị dinh dưỡng cao hơn. [5]
4 Người tiểu đường cần lưu ý gì về chế độ ăn trong dịp Tết?
Đối với người mắc đái tháo đường thì ngay từ những thay đổi nhỏ trong chế độ dinh dưỡng cũng có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng liên quan đến rối loạn đường huyết. Đặc biệt là trong những đợt nghỉ lễ dài ngày như Tết nguyên đán. Khi đó, cần phải chú ý những điều sau trong chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường trong ngày Tết[6]:
4.1 Tránh sử dụng rượu bia
Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hàng năm cứ dịp Tết đến là phải tiếp nhận rất nhiều người mắc tiểu đường nhập viện trong tình trạng nguy kịch do uống rượu bia. Nguyên nhân chủ yếu là do:
- Sử dụng các loại rượu mạnh (Whisky, Cognac hay rượu tự nấu) hoặc uống quá nhiều rượu. Rượu có khả năng ức chế gan sản xuất glucose nên những người bệnh tiểu đường uống nhiều rượu có nguy cơ cao bị hạ đường huyết nặng. Một số trường hợp bị co giật, hôn mê do đường huyết xuống quá thấp.
- Uống rượu say nên quên uống các loại thuốc kiểm soát đường huyết. Trong khi đó, các thực phẩm ngày Tết thường nhiều chất dinh dưỡng và có chỉ số đường máu cao. Kết quả là đường huyết tăng cao đột ngột gây ra nhiều biến chứng.
- Một số người do mải uống rượu mà quên ăn nên bị hạ đường huyết.
- Uống các loại rượu ngâm với động vật, rễ cây lạ gây ngộ độc, thậm chí suy thận cấp
Nếu muốn hòa chung không khí, người bị tiểu đường chỉ nên uống 1-2 ly rượu vang khi ăn cơm Tết. Đồng thời cần biết từ chối khi bị mời/ép uống rượu, nhất là những loại rượu lạ.
4.2 Tránh sử dụng nước ngọt
Nước ngọt trong ngày tết cũng là một loại thực phẩm phổ biến, nhưng lại tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm với sức khỏe của người bị đái tháo đường. Đặc biệt là đối tượng trẻ em hoặc trẻ vị thành niên.
Nước ngọt có chứa một lượng lớn đường hóa học khiến cho nồng độ đường huyết tăng cao và tăng đột ngột. Vì thế, trong những ngày Tết, hãy chủ động chuẩn bị một số loại nước ngọt dành riêng cho người mắc bệnh tiểu đường.
4.3 Tránh để bị hạ đường huyết
Ngày Tết có nhiều hoạt động vui chơi, đi lại nên không thể tránh khỏi việc ăn uống không đủ chất hoặc bỏ bữa khiến người mắc đái tháo đường bị hạ đường huyết. Thực tế, một trong những nguyên nhân thường gặp nhất khiến người bệnh tiểu đường phải nhập viện là bị tụt đường huyết.
Vì thế, trong những ngày này, người bị đái tháo đường nên mang theo bên mình một ít kẹo hoặc bánh ngọt để ăn khi có dấu hiệu tụt đường huyết. Ngoài ra nên thông báo với mọi người xung quanh về tình trạng bệnh hoặc chủ động thả lỏng mục tiêu đường huyết một chút (không nên để đường huyết xuống dưới 5,6 mmol/L).
Tóm lại, chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường cần được cá nhân hóa và theo dõi chặt chẽ. Để xây dựng một chế độ ăn cho người tiểu đường khoa học, người bệnh cần tham khảo các nguyên tắc sau[7]
- Thực hiện chế độ ăn hợp lý, cân đối các thành phần: Glucid 50-60%, Protid 15-20%, Lipid 20-30% tổng số calo trong ngày.
- Nên chọn loại thực phẩm có chỉ số tăng đường huyết (GI) thấp, nhiều chất xơ (rau xanh 100-200g/ bữa), kiêng đồ ngọt.
- Đái tháo đường tuýp 2 ăn 3 bữa chính (sáng, trưa, tối).
- Bệnh nhân đang tiêm insulin có thể chia thành 4-5 bữa phòng hạ đường huyết
- Để đảm bảo không bị tăng đường huyết sau bữa ăn và hạ đường huyết xa bữa ăn, nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày dựa trên tổng số năng lượng của cả ngày.
>>>Xem thêm: Thuốc trị tiểu đường (đái tháo đường) an toàn và hiệu quả hàng đầu
Tài liệu tham khảo
- ^ Diabetes Care, (Ngày đăng: Tháng 5 năm 2019). Nutrition Therapy for Adults With Diabetes or Prediabetes: A Consensus Report, Diabetes Care. Ngày truy cập: Ngày 21 tháng 05 năm 2023
- ^ Grant Tinsley (Ngày đăng: Ngày 27 tháng 07 năm 2020). How many carbs per day for a person with diabetes?, Medical News Today. Ngày truy cập: Ngày 21 tháng 05 năm 2023
- ^ Diabetes Care, (Ngày đăng: Tháng 5 năm 2019). Nutrition Therapy for Adults With Diabetes or Prediabetes: A Consensus Report, Diabetes Care. Ngày truy cập: Ngày 21 tháng 05 năm 2023
- ^ Grant Tinsley (Ngày đăng: Ngày 27 tháng 07 năm 2020). How many carbs per day for a person with diabetes?, Medical News Today. Ngày truy cập: Ngày 21 tháng 05 năm 2023
- ^ Natalie Butler (Ngày đăng: Ngày 13 tháng 04 năm 2023). Can Eating Rice Affect My Diabetes?, Healthline. Ngày truy cập: Ngày 21 tháng 05 năm 2023
- ^ TS. BS Nguyễn Quang Bảy (Ngày đăng: Ngày 18 tháng 01 năm 2023). Bốn điều người bệnh đái tháo đường nên tránh trong dịp Tết, BV Bạch Mai. Ngày truy cập: Ngày 21 tháng 05 năm 2023
- ^ NXB Y học (Năm xuất bản: 2022). Cẩm nang Chẩn đoán và Điều trị bệnh nội khoa, Tập thể Tác giả Bệnh viện Bạch Mai.Ngày truy cập: Ngày 21 tháng 05 năm 2023