Chất độc Xyanua có trong thực phẩm nào? Cách xử trí khi ngộ độc Xyanua
Trungtamthuoc.com - Xyanua hay còn gọi là cyanide được coi là chất độc nhất trong những chất cực độc. Các phản ứng nhiễm độc xyanua diễn ra nhanh chóng và dễ dàng gây tử vong khi nhiễm phải liều lượng rất nhỏ. Vậy các triệu chứng khi bị nhiễm xyanua là gì? Và cần xử lý như thế nào khi bị nhiềm chất này? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1 Xyanua là gì?
Xyanua (hay Cyanide) là một chất độc hoá học có tác động cực nhanh và mạnh, có thể gây tử vong khi tiếp xúc với một lượng rất nhỏ của chất độc này. Cấu tạo xyanua có chứa nhóm cyano (C≡N). Xyanua tồn tại trong tự nhiên dưới dạng hợp chất khác nhau, thường gặp như hydro xyanua (HCN) hoặc xyanogen clorua (CNCl) ở dạng lỏng, khí hay natri xyanua (NaCN), Kali xyanua (KCN) ở dạng rắn, và tất cả các dạng trên đều có độc tính rất cao. Mùi vị của xyanua được mô tả khá giống vị của hạt hạnh nhân, và khi ở nồng độ thấp, có thể không cảm nhận được mùi vị gì, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến dễ dàng đầu độc bằng xyanua, mà khó có thể nhận biết được sự tồn tại của nó.
2 Chất độc Xyanua có ở đâu?
Trong tự nhiên cũng tìm thấy nhiều loại trái cây, thực phẩm chứa hàm lượng thấp xyanua như khoai mi, hạnh nhân, đào, táo… ngoài ra một số vi khuẩn, tảo, nấm cũng có thể sản xuất ra chất độc này. Khói thuốc lá và xe cộ cũng có chứa một lượng nhỏ xyanua.
Trong công nghiệp điều chế xyanua theo quy trình Andrussow, thực hiện phản ứng từ metan và amoniac cùng với oxy và có xúc tác bạch kim.
2CH4 + 2NH3 + 3O2 → 2HCN + 6H2O
Hoặc tạo thành muối Natri cyanua bằng cách cho hydro cyanua tác dụng với natri hidroxit:
HCN + NaOH → NaCN + H2O
Xyanua được sử dụng khá lâu đời, từ thế chiến thứ I, các chất độc này đã là một vũ khí hoá học nguy hiểm. Ngày nay vẫn ứng dụng xyanua vào nhiều ngành công nghiệp quan trọng như:
- Công nghiệp mạ vàng, khai thác vàng, mạ đồng, mạ bạc.
- Công nghiệp sản xuất thuốc trừ sâu, diệt côn trùng trong nhà.
- Trong y học hay sử dụng các dạng muối của xyanua như Hg(CN)2 hay nước anh đào với tỷ lệ 1% HCN.
Tuy đây là một chất kịch độc nhưng vẫn được ứng dụng nhiều trong sản xuất, vì vậy được kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu sản xuất đến lưu thông, phân phối. Những trường hợp tử vong do ngộ độc xyanua, hay mua bán trái phép xyanua đều vi phạm pháp luật và bị xử lý.
3 Chất độc Xyanua có mùi gì? màu gì?
Xyanua chủ yếu tồn tại dưới dạng hợp chất, ở thể lỏng hoặc rắn, cụ thể:
- Hydro xyanua là chất lỏng khi ở nhiệt độ phòng, có vị đắng nhẹ, gần giống hạnh nhân và có màu xanh hoặc không màu. Các nghiên cứu cho thấy mùi hạnh nhân của chất này chỉ có khoảng 40% dân số có thể phát hiện ra. Khi hợp chất xyanua này ở nhiệt độ cao, chứng sẽ hoá khí và không có màu.
- Natri xyanua và kali xyanua tồn tại ở dạng rắn, màu trắng và rõ mùi hạnh nhân đắng hơn Hydro xyanua.
Ngoài ra Xyanogen clorua là chất khí hoá lỏng, có mùi hăng và một số hợp chất khác của xyanua cũng có mùi đặc trưng, nhưng vẫn rất khó nhận biết.
4 Cơ chế ngộ độc Xyanua
Sau khi tiếp xúc, xyanua nhanh chóng hấp thu vào máu gây nhiều độc tính nghiêm trọng với cơ thể. Với nồng độ chỉ khoảng từ 50 - 150mg xyanua đã làm tử vong ở người khoẻ mạnh. Vì vậy tại nước ta cấm lưu hành, buôn bán dưới mọi hình thức, và xếp chất này vào nhóm cực độc.
Khi nhiễm chất độc này, các hệ cơ quan đều bị ảnh hưởng lớn từ hệ tiêu hoá, thần kinh, hô hấp và tuần hoàn. Sau đó khoảng vài phút, người nhiễm sẽ tử vong. Mức độ nguy hiểm của xyanua phụ thuộc nhiều nhất vào liều lượng và loại hợp chất tiếp xúc, cụ thể:
- Với liều lượng nhỏ, xyanua vào trong cơ thể và chuyển hóa thành thiocyanate, chất này ít độc tính hơn và được đào thải qua nước tiểu, nên các hệ cơ quan khác hầu như không bị tổn thương nghiêm trọng. Một lượng nhỏ xyanua khi vào cơ thể cũng có thể giúp bảo vệ tế bào thần kinh và hồng cầu.
- Với liều lượng lớn, vượt quá ngưỡng chuyển hoá thành thiocyanate, nồng độ xyanua có nhiều trong máu sẽ ức chế tế bào sử dụng oxy, ngăn cản sự hô hấp của cơ thể, dẫn đến ngộ độc hệ thần kinh, tuần hoàn, và làm người bệnh tử vong.
5 Các triệu chứng khi bị nhiễm xyanua
Xyanua có thể gây ngộ độc, tử vong trong thời gian ngắn nhưng nếu biết các triệu chứng ngộ độc và cấp cứu kịp thời thì người bệnh có thể vẫn giữ lại được tính mạng.
Các dấu hiệu nhận biết nhiễm độc qua các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn đầu: người bệnh có biểu hiện khó thở, thờ gấp, kích động, buồn nôn hoặc nôn.
- Giai đoạn 2: tụt huyết áp nhanh, có thể co giật, rối loạn nhịp tim.
- Giai đoạn 3: bệnh nhân hôn mê sâu, truỵ tim mạch, suy hô hấp và tử vong.
Xyanua ở dạng hít hay dạng rắn khi tiếp xúc với lượng lớn đều gây những triệu chứng nhiễm độc giống nhau, chỉ khác nhau về thời gian, chẳng hạn hít phải khí hydrogen cyanide thì sau vài giây, còn ăn phải dạng muối thì xuất hiện sau vài phút.
Một vài trường hợp khác bị nhiễm xyanua mạn tính do thói quen ăn uống các loại thực phẩm có chứa xyanua dài ngày, thì dấu hiệu từ từ và tăng dần theo thời gian. Cụ thể, người nhiễm độc sẽ bắt đầu từ mờ mắt, giảm thị lực, sau đó chuyển sang co cứng 2 tay chân.
6 Cần làm gì khi bị ngộ độc xyanua?
Tác dụng gây độc của xyanua diễn ra rất nhanh và có tỷ lệ tử vong cao, vì vậy khi nhận thấy những dấu hiệu nhiễm độc thì cần thực hiện những thao tác sau:
Khi bệnh nhân bị phơi nhiễm với khí xyanua: cần thoát ra khỏi khu vực khí độc này nhanh nhất có thể, đưa bệnh nhân ra nơi thoáng khí và loại bỏ hết quần áo có nhiễm hơi khí xyanua, rồi đưa đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu.
Trường hợp xyanua tiếp xúc vào mắt, da: cần nhanh chóng đưa bệnh nhân ra vòi nước và rửa liên tục vùng da nhiễm chất độc, sau đó khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Trường hợp ngộ độc qua đường ăn uống: cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế cấp cứu, thực hiện những can thiệp chuyên sâu kịp thời và đúng cách.
Bệnh nhân khi nhập viện sẽ được điều trị như sau:
- Loại bỏ nhanh chóng chất độc bằng cách rửa dạ dày hoặc dùng Than hoạt tính hấp phụ với liều lượng than là 1g/kg.
- Dùng thuốc giải độc xyanua như thuốc muối nitrite, methylene, hydroxocobalamin theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
- Những trường hợp nặng có thể cần sự hỗ trợ của máy thở.
- Khi thoát khỏi cơn nguy hiểm, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê cần đặt đường truyền tĩnh mạch hồi sức cho người bệnh, đảm bảo thông khí bằng mặt nạ oxy và kiểm soát huyết áp về mức ổn định.
7 Những thực phẩm có chứa xyanua cần lưu ý
Nguy cơ ngộ độc xyanua cũng có thể đến từ chính những thực phẩm ăn uống hàng ngày. Việc chế biến những thực phẩm này không đúng cách sẽ gây nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe. Dưới đây là một vài thực phẩm cần cẩn trọng khi sử dụng vì hàm lượng xyanua chứa bên trong:
Sắn hay củ mì: trong thực phẩm này có chứa một hợp chất có khả năng chuyển hoá thành xyanua khi sử dụng. Các chất này tập trung chủ yếu ở phần đầu, phần vỏ và lớp xơ ngoài cùng của củ sắn. Vì vậy hãy loại bỏ hoàn toàn phần vỏ sắn, gọt bỏ phần xơ bên ngoài và 2 đầu để giảm hàm lượng chất độc này. Ngày nay cũng đã có nhiều giống sắn lai tạo có chứa rất thấp chất độc xyanua, tuy nhiên trước khi sử dụng đều phải luộc kỹ và không được ăn quá nhiều trong 1 ngày để giảm nguy cơ ngộ độc.
Măng: khi ăn măng chưa qua chế biến hoặc chế biến không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc cyanua. Trong thành phần của măng có chứa chất có khả năng phản ứng với enzyme tiêu hoá thành đường và xyanua, gây độc cho cơ thể. Đặc biệt trong măng tươi hàm lượng các chất này rất cao. Vì vậy nên gọt bỏ vỏ măng ngâm trong nước từ 2-3 tiếng và tiếp tục luộc và thay nước măng nhiều lần có thể giảm đáng kể, giúp măng trở thành món ăn an toàn hơn.
Hạnh nhân: trong hạnh nhân, đặc biệt là hạnh nhân đắng có chứa một chất có khả năng chuyển thành xyanua trong quá trình tiêu hoá.
Hạt táo: khi ăn hạt táo, acid dạ dày sẽ phản ứng hoạt chất tại đây và sinh ra khí xyanua, vì vậy nếu ăn phải 1 lượng nhỏ hạt táo có thể gặp các biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, co giật.
8 Biện pháp phòng chống nhiễm độc xyanua
Chất độc xyanua có thể gặp phải trong hoạt động sản xuất cũng như ăn uống hàng ngày, mọi người nên cần có biện pháp phòng chống, giảm những nguy cơ xấu nhất với cơ thể.
- Với những người thường xuyên làm việc tại mỏ than, mạ vàng, làm trang sức, sản xuất đồ Nhựa trong những khu công nghiệp…cần tuân thủ đúng kỹ thuật an toàn sản xuất, trang bị bảo hộ cẩn thận khi làm việc.
- Khí xyanua có thể sinh ra khi xảy ra hoả hoạn nên nạn nhân cần nhanh chóng thoát ra khỏi đám cháy, nếu chưa kịp thoát nạn thì cần sử dụng khăn thấm nước, bip chặt mũi và mặt.
- Chế biến đúng cách những thực phẩm có chứa xyanua trước khi sử dụng.
- Không ăn hạt táo hạt mận, hạt đào… nếu ép nước trái cây thì cần loại bỏ hạt trước khi xay.
9 Một số ca ngộ độc Xyanua
Vừa qua, tại Đồng Nai đã xảy ra trường hợp 3 cháu nhỏ và một nam bệnh nhân N.H.B.T, bị ngộ độc xyanua, gặp tổn thương nghiêm trọng vùng vỏ não và đa cơ quan. Các bệnh nhân hiện vẫn đang được các bác sĩ tại bệnh viện Lê Văn Thịnh theo dõi và điều trị.
Gần đây nhất là vụ việc 6 người Việt bị ngộ độc Xyanua trong khách sạn tại Thái Lan. Hiện cả 6 người này đều đã tử vong, trong đó có 4 người quốc tịch Việt Nam và 2 người quốc tịch Mỹ gốc Việt. Nguyên nhân của vụ án đang trong quá trình điều tra.
10 Kết luận
Xyanua là chất kịch độc, tuyệt đối không sử dụng dưới bất cứ hình thức nào. Trường hợp nghi ngờ nhiễm chất độc này cần sơ cứu nhanh chóng và ngay lập tức đến cơ sở y tế cấp cứu. Mong rằng bài viết đã cung cấp những thông tin cần thiết về xyanua cho bạn đọc.
11 Tài liệu tham khảo
- Trung tâm CDC (Ngày đăng 7 tháng 2 năm 2023) Cyanide: Exposure, Decontamination, Treatment. Centers for Disease Control and Prevention. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2024.
- Tác giả Jeremy Graham 1, Jeremy Traylor (Ngày đăng 13 tháng 2 năm 2023) Cyanide Toxicity. Pubmed. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm, 2024.
- Tác giả Rebeca Gracia 1, Greene Shepherd (Ngày đăng tháng 10 năm 2004) Cyanide poisoning and its treatment . Pubmed. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2024.