1. Trang chủ
  2. Cơ Xương Khớp
  3. Chân vòng kiềng có chữa được không? Nguyên nhân và các bài tập khắc phục

Chân vòng kiềng có chữa được không? Nguyên nhân và các bài tập khắc phục

Chân vòng kiềng có chữa được không? Nguyên nhân và các bài tập khắc phục

Trungtamthuoc.com - Chân vòng kiềng là tình trạng đầu gối bị cách xa nhau khi một người đang đứng với tư thế bàn chân và mắt cá chân sát lại với nhau. Vậy, chân vòng kiềng có khắc phục được không? Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết

1 Chân vòng kiềng là gì?

1.1 Khái niệm

Chân vòng kiềng là tình trạng chân bị cong ra ngoài ở đầu gối khiến cho 2 đầu gối không chạm được vào nhau khi mà bàn chân và mắt cá chân đã để sát lại với nhau. Đây là hiện tượng bình thường ở những trẻ em dưới 18 tháng tuổi.

Chân vòng kiềng thường xuất hiện chủ yếu ở trẻ dưới 2 tuổi, tại các nước kém phát triển, khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế còn hạn chế, nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ bị thiếu hụt thì tỷ lệ trẻ bị chân vòng kiềng thường cao hơn. Tỷ lệ chân vòng kiềng ở nam giới cũng thường cao hơn so với ở nữ giới. Nếu chân vòng kiềng xuất hiện ở trẻ lớn hơn thì được coi là bệnh lý và cần có biện pháp can thiệp sớm cho người bệnh.

Quá trình phát triển chân bình thường ở trẻ:

  • Dưới 1 tuổi: Chân trẻ có xu hướng hơi cong nhẹ do tư thế nằm của trẻ trong bụng mẹ.
  • Giai đoạn từ 1-2 tuổi: Tình trạng chân vòng kiềng sẽ giảm dần và đến 2 tuổi thì chân bắt đầu thẳng.
  • Giai đoạn từ 2-4 tuổi: Đầu gối sẽ vẹo ra ngoài trong khoảng dưới 10 độ nhưng sau đó sẽ giảm dần.
  • Giai đoạn từ 7-13 tuổi: Đầu gối ổn định và dần, một số trường hợp có thể vẹo ngoài khoảng 5 độ.

Phân biệt chân vòng kiềng sinh lý và bệnh lý:

 

Chân vòng kiềng sinh lý

Chân vòng kiềng bệnh lý

Đặc điểm

Là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng chân vòng kiềng

Chân cong rõ nhất khi trẻ được 2 tuổi và thường biến mất trước khi trẻ được 3 tuổi

Chân thường cong từ cẳng chân trở xuống nhưng có thể liên quan đến cả xương đùi và xương chày

Ít gặp

Thường gặp khi trẻ trên 3 tuổi

Bệnh lý có thể tiến triển nặng hơn nếu bệnh nhân không được can thiệp kịp thời

2 chân cong không đều nhau, khi khám có dấu hiệu biến dạng xương

1.2 Tướng chân vòng kiềng trong nhân tướng học nói lên điều gì?

Chân vòng kiềng là gì?
Chân vòng kiềng là gì?

Một đôi chân thon thả và thẳng từ xưa đến nay vẫn được coi là một nét tướng đẹp cũng như tiêu chuẩn của một đôi chân đẹp. Những người bị chân vòng kiềng thường có tướng đi khó khăn, không được thanh thoát như những người khác. Không chị vậy, chị em phụ nữ có đôi chân vòng kiềng thường tự ti khi diện những trang phục như váy ngắn, quần ngắn vì sợ lộ ra điểm mất cân đối của đôi chân.

Trong nhân tướng học, tướng đi của một con người phản ánh nhiều điều thú vị về số phận cũng như tính cách của con người đó. Một trong số những tướng chân được nhiều người quan tâm là tướng đi chân vòng kiềng. Thông thường, theo nhân tướng học, chân vòng kiềng thường đem lại những điều không may mắn, cuộc đời gặp nhiều khó khăn, trắc trở nhưng những người sở hữu đôi chân vòng kiềng là những người tốt bụng, thật thà. Phụ nữ có đôi chân vòng kiềng thường gặp nhiều trục trặc liên quan đến tình cảm. Do đó, nhiều người thường tìm kiếm các biện pháp nhằm cải thiện đôi chân vòng kiềng, với mục đích cải thiện tính thẩm mỹ cũng như cải thiện được vận mệnh của bản thân.

2 Chân vòng kiềng do đâu?

Hầu hết trẻ dưới 6 tháng tuổi đều bị chân vòng kiềng sinh lý do trẻ có thời gian dài nằm trong bụng mẹ với không gian hẹp khiến cho 2 chi bị biến dạng tạm thời. Đối với trường hợp này thường không cần điều trị, chân vòng kiềng có thể tự khỏi theo quá trình phát triển của con.

Có nhiều yếu tố gây nên tình trạng này nhưng chủ yếu liên quan đến sự quá tải cơ học, yếu tố di truyền. Một số nguyên nhân khác gây nên tình trạng này bao gồm:

  • Bệnh Blount là một rối loạn của quá trình phát triển, gây ra bởi sự kết hợp giữa lực ép lên phần sụn tăng trưởng nằm ở đầu xương chày với quá trình hình thành xương sụn thay thế. Phần bên trong ngay dưới gối phải chịu lực ép quá lớn dẫn đến ngừng hình thành xương mới trong khi phần bên ngoài vẫn phát triển bình thường.
  • Di truyền: Đây là nguyên nhân tương đối phổ biến, một số cha mẹ có chân vòng kiềng do kết cấu xương thì cũng có thể di truyền cho con.
  • Cho trẻ tập đi quá sớm: Hệ xương của trẻ lúc này vẫn chưa phát triển đầy đủ, gây nên tình trạng chân vòng kiềng.
  • Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt, trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D.
  • Trẻ béo phì: Thừa cân dễ gây nên tình trạng chân vòng kiềng do cân nặng quá lớn sẽ tạo áp lực lên vùng dương dưới cẳng chân và đầu gối, đặc biệt là khi còn nhỏ, hệ xương của trẻ chưa phát triển toàn diện, dễ gặp tình trạng chân vòng kiềng.
  • Bệnh lùn là tình trạng loạn sản sụn có thể dẫn đến bệnh lý chân vòng kiềng.
  • Loạn sản xương là thuật ngữ chung cho nhiều tình trạng khác nhau ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn, dẫn đến các bất thường về kích thước hoặc hình dạng xương.
  • Chấn thương, nhiễm trùng khớp gối nhưng không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân chân bị vòng kiềng
Nguyên nhân chân bị vòng kiềng

3 Cách nhận biết chân vòng kiềng ở người lớn và trẻ em

3.1 Nhận biết chân vòng kiềng ở trẻ em

Sau khi trẻ được 3 tuổi, nếu cha mẹ nghi ngờ con bị chân vòng kiềng thì có thể kiểm tra bằng cách sau:

Cho bé nằm ngửa trên một mặt phẳng, hai chân duỗi thẳng.

Cha mẹ có thể dùng tay để đặt 2 mắt cá chân của con sát vào nhau.

Tiến hành đo khoảng cách giữa 2 đầu gối của trẻ. Nếu khoảng cách dưới 10cm thì cha mẹ không cần quá lo lắng, tình trạng này sẽ được cải thiện khi trẻ lớn dần. Trường hợp khoảng cách giữa 2 đầu gối trên 10cm thì cha mẹ nên tiến hành cho trẻ đi khám sớm để loại trừ nguyên nhân cũng như đưa ra được biện pháp can thiệp kịp thời.

Chân vòng kiềng ở trẻ
Chân vòng kiềng ở trẻ

3.2 Nhận biết chân vòng kiềng ở người lớn

Dáng đi chân vòng kiềng thường giống như dáng đi 2 hàng do đầu gối cong ra ngoài khiến cho nhiều người cảm thấy thiếu tự tin.

Thông thường, chân vòng kiềng ở người lớn thường do những bất thường khi còn nhỏ nhưng lại không được điều trị kịp thời. Bệnh thường không gây đau đớn nhưng có thể gây ra cảm giác mất tự tin hoặc nặng hơn là một số biến chứng đi kèm như:

  • Khó khăn khi đi lại hoặc chạy bộ.
  • Tăng nguy cơ mắc viêm khớp khi về già.
  • Các sinh hoạt thường thực hiện khó khăn hơn so với người bình thường.

4 Chân vòng kiềng có khắc phục được không?

Chân vòng kiềng có sửa được không? Đối với chân vòng kiềng sinh lý, trẻ thường tự khỏi sau quá trình phát triển mà không cần bất kỳ một biện pháp can thiệp nào. Đối với trẻ trên 3 tuổi và người lớn, cần tiến hành can thiệp sớm, tránh những biến chứng không mong muốn gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Việc lựa chọn phương pháp điều trị cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Tuổi của bệnh nhân.
  • Thể trạng, tiền sử bệnh tật.
  • Giai đoạn tiến triển của bệnh.
  • Nguyên nhân gây nên tình trạng chân vòng kiềng.
  • Khả năng đáp ứng.
  • Nhu cầu, mong muốn của người bệnh và người nhà bệnh nhân.

4.1 Mẹo chữa chân vòng kiềng cho trẻ

Các giai đoạn phát triển ở trẻ
Các giai đoạn phát triển chân bình thường ở trẻ

Đối với những trẻ chân vòng kiềng sinh lý dưới 3 tuổi thì không cần biện pháp điều trị đặc hiệu. Cha mẹ tiếp tục quan sát con cho đến khi con được 18 tháng tuổi thì tình trạng này sẽ dần mất đi. Tuy nhiên, cha mẹ cần cho con khám chuyên khoa, theo dõi 6 tháng 1 lần để loại bỏ những nguyên nhân khác và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Có nhiều biện pháp nhằm cải thiện tình trạng chân vòng kiềng cho trẻ mà cha mẹ có thể lựa chọn sao cho phù hợp với con cũng như kinh tế của gia đình bao gồm:

4.1.1 Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng

Như đã đề cập, một trong số những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng chân vòng kiềng bệnh lý là quá tải cơ học hoặc yếu tố di truyền như thừa cân, béo phì, thiếu vitamin D, canxi,...Do đó, việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng không chỉ giúp tăng cường sức khỏe xương khớp mà còn cải thiện tình trạng chân vòng kiềng của trẻ.

Chế độ dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ các nhóm chất cần thiết cho trẻ, ưu tiên bổ sung thêm Vitamin DCanxi trong bữa ăn hàng ngày giúp hệ xương chắc khỏe giúp việc điều trị trở nên dễ dàng hơn.

Một số loại thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, các loại hạt, sữa, cá hồi,...

Một số loại thực phẩm giàu vitamin D như lòng đỏ trứng, cá hồi, nấm, Dầu Cá,...

Đối với những trẻ bị thừa cân, béo phì, hệ xương đùi và xương cẳng chân phải chịu một áp lực lớn khiến cho xương dễ bị cong gây nên tình trạng chân vòng kiềng. Lúc này, mẹ nên kiểm soát chế độ dinh dưỡng cho trẻ, vừa cải thiện được tình trạng chân vòng kiềng, vừa ngăn ngừa các bệnh lý liên quan đến béo phì cho con.

4.1.2 Sử dụng nẹp định hình

Là dụng cụ dùng để nắn chỉnh chân cho trẻ, giúp các cấu trúc dần trở về trạng thái ổn định. Tùy theo trường hợp cụ thể, mức độ nghiêm trọng của bệnh, độ tuổi của trẻ mà thời gian nẹp sẽ không giống nhau ở mỗi người.

4.1.3 Các bài tập cho chân vòng kiềng

Bài tập cho chân vòng kiềng
Bài tập cho chân vòng kiềng

Bài tập 1:

Cho bé tập đi theo một đường thẳng, cha mẹ có thể đặt một quyển sách trên đầu của con và yêu cầu con di chuyển sao cho sách không bị rơi xuống sàn. Mục đích của bài tập này là giúp trẻ tập trung vào các bước di chuyển của mình, muốn để sách không rơi, trẻ bắt buộc phải có tư thế chuẩn, chân, lưng và hông của con phải thẳng để giữ được độ thăng bằng từ đó khắc phục được tình trạng chân vòng kiềng.

Bài tập 2:

Cho con tập các động tác thể dục nhẹ nhàng như vươn vai, nhún nhảy theo nhạc, chống tay lên hông giúp các cơ và xương chắc khỏe đồng thời tạo thói quen giữ thẳng vai, lưng và thông.

4.1.4 Phẫu thuật cải thiện tình trạng chân vòng kiềng

Phẫu thuật được chỉ định cho trẻ bị chân vòng kiềng mức độ nặng, việc áp dụng các biện pháp khác không có sự cải thiện đáng kể.

Sau khi phẫu thuật, sẽ tiến hành phục hồi chức năng cho trẻ. Cha mẹ cần lưu ý dáng đi của con sau khi phẫu thuật, hạn chế các vận động mạnh gây ảnh hưởng đến vùng khớp sau khi phẫu thuật.

4.2 Chữa chân vòng kiềng ở người lớn

Chân vòng kiềng ở người lớn thường là do trì hoãn quá trình điều trị khi còn nhỏ. Dưới đây là một số phương pháp cải thiện chân vòng kiềng ở người lớn mà quý bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng:

4.2.1 Phương pháp vật lý trị liệu

Phương pháp này giúp khắc phục tình trạng chân vòng kiềng ở người lớn rất hiệu quả, các bước thực hiện đơn giản và có thể áp dụng tại nhà. Mỗi bài tập đều được thiết kế riêng, phù hợp với từng trường hợp khác nhau nhưng đều nhằm mục đích đưa cấu trúc của hệ xương trở về trạng thái bình thường, giúp quá trình vận động dễ dàng hơn đồng thời cũng hạn chế được những biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.

Bài tập Squat giúp cho xương đùi, khớp gối và xương cẳng chân tạo thành một đường thẳng, cải thiện đáng kể tình trạng chân vòng kiềng ở người lớn.

Bài tập nhón chân: Sử dụng mũi chân làm trọng tâm, nâng từ từ phần gót chân lên cao, giữ tư thế này trong khoảng 5-10 giây, sau đó hạ phần gót chân xuống mặt đất một cách từ từ. Nên lặp lại động tác này từ 10-20 lần để có hiệu quả tốt nhất.

Sử dụng máy tập nâng cơ đùi giúp tăng sức chịu đựng cho phần cơ xương ở đùi và cẳng chân, giúp cải thiện tình trạng chân vòng kiềng. Tuy nhiên, bài tập này cần có sự hướng dẫn và quan sát của người có chuyên môn để tránh tình trạng chấn thương trong quá trình tập luyện.

4.2.2 Phẫu thuật chân vòng kiềng

Tương tự như đối với trẻ nhỏ, phẫu thuật có thể được chỉ định cho người lớn nhằm mục đích cải thiện chân vòng kiềng, giảm thiểu những biến chứng có thể xảy ra cho người bệnh. Một số phương pháp phẫu thuật bao gồm:

  • Sử dụng tấm nẹp và ốc vít để cố định sau khi đã cắt xương chày.
  • Phẫu thuật xương trục.

Sau khi phẫu thuật, người bệnh được tiếp tục điều trị bằng vật lý trị liệu để thúc đẩy quá trình hồi phục.

Chi phí phẫu thuật chân vòng kiềng thường dao động vào khoảng 40 đến 80 triệu đồng, tùy thuộc vào cơ sở cũng như mức độ của người bệnh.

Tại nước ta, một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Quân đội 108 có thể thực hiện được các phẫu thuật này. Chi phí đục xương chỉnh trục (áp dụng cho các đối tượng có độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi) là khoảng 24-30 triệu đồng cho 1 chân, sau khoảng 1 năm sẽ tiến hành tháo bỏ nẹp vít và chi phí sẽ thêm khoảng 10 triệu đồng.

4.2.3 Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt

Ngoài các phương pháp trên, người bệnh cần xây dựng chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, kiểm soát cân nặng nhằm mục đích ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.

5 Các biện pháp phòng ngừa chân vòng kiềng ở trẻ

Đối với trường hợp chân vòng kiềng bệnh lý trẻ có thể gặp khó khăn trong quá trình chạy nhảy, đi lại, thường xuyên kêu đau chân, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Do đó, để ngăn ngừa tình trạng này, cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho con: Trẻ cần được bú sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu đời. Khi đến tuổi ăn dặm, mẹ cần bổ sung đa dạng các dưỡng chất từ thực phẩm để cung cấp đủ lượng vitamin D và canxi mà con cần. Thiếu vitamin D sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự hấp thu canxi và phospho, đây đều là những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của hệ xương trong cơ thể.
  • Tắm nắng cho trẻ hoặc bổ sung vitamin D theo khuyến nghị của bác sĩ.
  • Không cho trẻ tập đi quá sớm: Hệ xương của trẻ còn non yếu, nếu cho trẻ tập đi quá sớm, toàn bộ trọng lượng cơ thể sẽ dồn xuống chân, cấu trúc xương yếu sẽ dễ bị biến dạng. Thời gian đầu, nên cho trẻ tập giữ thăng bằng cơ thể, không nên cho trẻ tập đi quá nhiều vượt ngoài sức chịu đựng của con.
  • Massage cho trẻ mỗi ngày không chỉ giúp con thoải mái, tăng cường lưu thông máu mà đây cũng là một biện pháp giúp ngăn ngừa tình trạng chân vòng kiềng cực kỳ hiệu quả.

6 Kết luận

Chân vòng kiềng ở trẻ nhỏ thường tự cải thiện theo quá trình lớn lên của trẻ. Tuy nhiên, đối với các trường hợp nặng, có thể xuất hiện những biến chứng không mong muốn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con. Chân vòng kiềng ở người lớn thường gặp do không có biện pháp can thiệp từ khi còn nhỏ. Hy vọng bài viết trên đây phần nào cung cấp được những thông tin về các biện pháp khắc phục chân vòng kiềng cho bạn đọc.

7 Tài liệu tham khảo

Tác giả Samuel Dettling và cộng sự (Ngày đăng tháng 5 năm 2017). Management of bow legs in children: A primary care protocol, PubMed. Truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2024.

Tác giả J R Davids và cộng sự (Ngày đăng tháng 12 năm 2000). Clinical evaluation of bowed legs in children, PubMed. Truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2024.


* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    Tôi 45 tuổi có phẫu thuật được chân vòng kiềng ko. Và thành công bao nhiêu phần trăm


    Thích (0) Trả lời
  • 0 Thích

    Tôi năm nay 46 tuổi có phẫu thuật được chân vòng kiềng không ạ?


    Thích (0) Trả lời
  • 0 Thích

    Bé nhà mình bị Chân vòng kiềng thì có sửa được không?


    Thích (0) Trả lời 1
    • Dạ chào c, đối với chân vòng kiềng sinh lý, trẻ thường tự khỏi sau quá trình phát triển mà không cần bất kỳ một biện pháp can thiệp nào. Đối với trẻ trên 3 tuổi và người lớn, cần tiến hành can thiệp sớm, tránh những biến chứng không mong muốn gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh chị nhé!

      Quản trị viên: Dược sĩ Diệu Linh vào


      Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
0/ 5 0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
    vui lòng chờ tin đang tải lên

    Vui lòng đợi xử lý......

    0 SẢN PHẨM
    ĐANG MUA
    hotline
    1900 888 633