1. Trang chủ
  2. Nhi Khoa
  3. Bệnh Kawasaki ở trẻ em: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Bệnh Kawasaki ở trẻ em: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Bệnh Kawasaki ở trẻ em: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Trungtamthuoc.com - Hiện nay ở Việt Nam cũng ghi nhận khá nhiều trẻ mắc Kawasaki. Vậy Kawasaki là bệnh gì? Nó có gây nguy hiểm gì đến tính mạng của người bệnh không? Hãy cùng chúng tôi tìm lời giải đáp qua bài viết dưới đây.

1 Bệnh Kawasaki là gì?

Bệnh Kawasaki là bệnh rối loạn vận mạch với biểu hiện viêm không đặc hiệu các mạch máu động mạch từ nhỏ đến trung bình.

Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và gây di chứng trên mạch vành rất nặng nề, có thể gây tử vong. Bệnh thường rầm rộ và đa dạng giống nhiều bệnh khác, đôi khi triệu chứng lâm sàng tự thoái lui nên dễ bỏ sót, không được theo dõi và điều trị.[1]

Tỷ lệ trẻ mắc bệnh này nam nhiều hơn nữ, cùng với đó là các tử vong và biến chứng ở bé trai thường nghiêm trọng hơn.

Bệnh Kawasaki
Bệnh Kawasaki

2 Nguyên nhân của bệnh Kawasaki

Hiện này, nguyên nhân của bệnh Kawasaki vẫn chưa được rõ. Người ta nghi ngờ rằng, nhiễm khuẩn chính là nguyên nhân gây ra bệnh này. Nhưng lại chưa tìm thấy tác nhân truyền nhiễm nào liên quan.[2]

Bệnh là các phản ứng tự miễn của cơ thể và có khuynh hướng di truyền. Bởi người ra nhận thấy rằng, bệnh thường gặp nhiều ở trẻ em có nguồn gốc châu Á, đặc biệt là Nhật Bản.

3 Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh kawasaki

Sốt là biểu hiện đặc trưng, thường gặp đầu tiên khi khởi phát bệnh và kéo dài trên 5 ngày. Khi sốt trong bệnh Kawasaki, người bệnh thường không hoặc ít đáp ứng với các thuốc hạ sốt thông thường. Biểu hiện này rất giống với sốt cấp trong các bệnh nhiễm trùng, phát ban khác nên dễ nhầm lẫn.

Bênh Kawasaki có nhiều triệu chứng trên da
Bênh Kawasaki có nhiều triệu chứng trên da

Phát ban đa hình trong vòng từ 3 đến 5 ngày kể từ khi bắt đầu có triệu chứng sốt. Biểu hiện này thấy xuất hiện ở đến 90% bệnh nhân. Lúc đầu, bệnh nhân có thể xuất hiện các nốt ban đỏ trong lòng bàn tay, bàn chân sau đó lan rộng ra đến toàn thân và tứ chi. Cùng với các nốt phát ban xuất hiện đó là triệu chứng ngứa, có thể có các chấm nhỏ hay mụn dưới da, đôi khi có thể có viêm mạch máu dưới da.

Sau khi xuất hiện các nốt ban đỏ, lòng bàn tay và lòng bàn chân của bệnh nhân dần có biểu hiện sưng, đau, có thể làm hạn chế khả năng vận động. Sau đó là các hiện tượng da bị bong tróc, đầu tiên ở các đầu ngón tay rồi đến các đầu ngón chân.[3]

Đồng thời, sau vài ngày kể từ khi bệnh nhân bắt đầu sốt, niêm mạc và hầu họng cũng bắt đầu thay đổi. Có khoảng 70 đến 90% bệnh nhân có biểu hiện ở môi như ban đỏ, khô, nứt dẫn đến chảy máu. Khoảng 50 đến 77% bệnh nhân có hiện tượng lưỡi dâu tây, tức là lưỡi bệnh nhân hồng ban, cùng với sự nổi lên của các nhú nấm.

Không những thế, bệnh Kawasaki còn có biểu hiện trên mắt. Đó là biểu hiện viêm kết mạc 2 mắt, có thể là viêm bề mặt giác mạc, đục thủy tinh thể, hay phù nề và xuất huyết dưới màng cứng. Trong đó, viêm đỏ kết mạc 2 mắt là triệu chứng điển hình, có đến trên 90% trẻ có triệu chứng này.[4]

4 Bệnh Kawasaki có mấy giai đoạn?

Bệnh Kawasaki có biểu hiện lâm sàng thay đổi theo từng khoảng thời gian. Bệnh được chia làm 3 giai đoạn là cấp tính, bán cấp và giai đoạn hồi phục.

4.1 Giai đoạn cấp tính

Trong giai đoạn này, người bệnh bắt đầu bằng một cơn sốt cao và kéo dài từ 7 đến 14 ngày. Người bệnh có thể sốt đến 39 - 40 độ hoặc cao hơn nữa. Biểu hiện sốt này thường không đáp ứng với kháng sinh và thuốc hạ sốt thông thường, nó có thể kéo dài đến 3 - 4 tuần nếu không được điều trị.

Trẻ bị Kawasaki có biểu hiện sốt cao ở giai đoạn cấp tính
Trẻ bị Kawasaki có biểu hiện sốt cao ở giai đoạn cấp tính

Ngoài biểu hiện sốt, người bệnh còn thấy xuất hiện các nốt ban đỏ. Thậm chí là bị viêm màng não, viêm tai giữa, viêm mắt, viêm phổi và viêm cơ tim cũng như rối loạn các chức năng gan thận.

4.2 Giai đoạn bán cấp

Giai đoạn này là khi cơn sốt bắt đầu thuyên giảm, kéo dài tiếp tục cho đến tuần thứ 4. Đặc điểm nổi bật của giai đoạn này đó là sự bong tróc của các đầu ngón tay, ngón chân, tăng số lượng tiểu cầu cùng với sự phát triển của phình động mạch vành. Không những thế, có đến 20 - 40% bệnh nhân bị đau khớp và viêm khớp ở giai đoạn này.

Trẻ mắc Kawasaki có biểu hiện bong tróc da ở các đầu ngón tay, chân
Trẻ mắc Kawasaki có biểu hiện bong tróc da ở các đầu ngón tay, chân

Các triệu chứng ở giai đoạn này đem đến cho người bệnh những khó chịu dai dẳng, dẫn đến chán ăn.

4.3 Giai đoạn hồi phục

Giai đoạn hồi phục là khi đã giải quyết hết các triệu chứng lâm sàng của bệnh, thường khoảng 3 tháng kể từ khi bắt đầu.

Ở giai đoạn này, các triệu chứng về bất thường ở tim vẫn có thể tồn tại rõ ràng.

Ngoài các giai đoạn chính trên, một số chuyên gia còn đề cập thêm giai đoạn mãn tính. Giai đoạn này để chỉ những bệnh nhân có biến chứng tim, thậm chí là kéo dài cả đời.

5 Làm sao để biết trẻ mắc Kawasaki?

5.1 Chẩn đoán xác định

Vì không có các xét nghiệm đặc trưng nên bệnh được chẩn đoán chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng chính hay gặp, cùng với một số xét nghiệm. Trong đó chủ yếu là siêu âm tim.

5.1.1 Các biểu hiện lâm sàng chính để chẩn đoán bệnh

Có 6 biểu hiện lâm sàng chính có giá trị chẩn đoán cho người bệnh mắc Kawasaki như sau:

  • Người bệnh có biểu hiện sốt kéo dài liên tục trong vòng 5 ngày hoặc dài hơn.
  • Kết mạc 2 bên mắt của người bệnh bị viêm đỏ.
  • Có những thay đổi ở môi và khoang miệng gồm: Môi sẫm màu, căng mọng hoặc có thể bị nứt và chảy máu. Bên trong khoang miệng bị phù đỏ, lưỡi bệnh nhân có biểu hiện lưỡi dâu tây, có các nhú gai màu đỏ.
  • Đầu các chi có thay đổi như: Mu tay, mu chân bị phù, các gan bàn tay, bàn chân có màu đỏ tía ở giai đoạn cấp. Hoặc bong tróc da ở đầu ngón tay, chân ở giai đoạn bán cấp.
  • Toàn thân bị ban đỏ với nhiều kích cỡ và hình dạng khác nhau.
  • Hạch góc hàm bị sưng lớn hơn 1,5 cm và không có hiện tượng có mủ.
Bệnh Kawasaki có nhiều triệu chứng nguy hiểm
Bệnh Kawasaki có nhiều triệu chứng nguy hiểm

5.1.2 Các xét nghiệm để giúp chẩn đoán và phân biệt bênh Kawasaki với bệnh khác

Hầu hết các bệnh nhân đều có số lượng bạch cầu ngoại biên tăng lên rõ rệt như sau: số lượng bạch cầu lớn hơn 12.000/mm3, trong đó bạch cầu trung tính chiến trên 50%.

Từ ngày thứ 7 trở ra, thấy số lượng tiểu cầu tăng lên trên 450.000/mm3. Đồng thời người bệnh có thể bị thiếu máu nhược sắc các mức độ.

Khi các phản ứng viêm kéo dài và tăng lên thì ta thấy tốc độ lắng máu cao đến hơn 40 mm/h, CRP tăng trên 30mg/dl.

Ngoài ra còn có các thay đổi ít gặp hơn như: men gan tăng, Albumin huyết thanh giảm xuống dưới 3.0 gr/dl và bạch cầu trong nước tiểu là trên 10 bạch cầu /vi trường.

Khi điện tâm đồ thấy loạn nhịp tim nhanh, block nhĩ thất và giảm điện thế.

5.1.3 Liệu pháp thăm dò siêu âm tim

Giãn hay phình động mạch vành với tiêu chuẩn là đường kính trong lớn hơn 3 mm ở trẻ dưới 5 tuổi và lớn hơn 4 mm ở trẻ trên 5 tuổi. Hoặc đường kính của động mạch vành ở chỗ tổn thương to gấp rưỡi đoạn kế tiếp đó.

Ở giai đoạn cấp hay trong vòng 12 ngày đầu tiên: Tiêu chuẩn để chẩn đoán tổn thương viêm động mạch vành, viêm tim là động mạch vành có thành dày hơn, mất thuôn hoặc giãn rất nhẹ. Hay có tràn dịch màng tim, hở van 2 lá, hoặc chức năng tâm thu của tim thất trái bị giảm.

5.1.4 Tiêu chuẩn chẩn đoán trẻ mắc Kawasaki

Người bệnh có 5 trong 6 biểu hiện lâm sàng chính ở trên.

Hoặc có thể có 4 biểu hiện chính cùng với nhìn thấy hiện tượng giãn hay phình động mạch vành khi siêu âm hoặc chụp mạch.

Hoặc người bệnh có ít nhất 4 trong các triệu chứng chính, trong đó sốt liên tục trên 5 ngày là triệu chứng bắt buộc. Và các bệnh lý có biểu hiện tương tự đã được loại trừ.

Nếu người bệnh không có đủ triệu chứng hoặc triệu chứng không điển hình thì cần kết hợp thêm các xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý khác.

5.2 Chẩn đoán phân biệt Kawasaki với bệnh khác

Do có triệu chứng gần giống nhau, nên người bệnh cần được chẩn đoán phân biệt để loại trừ các bệnh lý khác, đặc biệt là các bệnh lý nhiễm trùng như:

  • Viêm đa giác mạc ở trẻ nhỏ.
  • Viêm hạch hoặc nhiễm trùng cổ tử cung.
  •  Nhiễm trùng máu do tụ cầu.
  •  Sốt virus, sởi, Rubella và các bệnh lý sốt phát ban đa dạng khác.
  • Bệnh bạch cầu đơn nhân ở trẻ em.

Bên cạnh các bệnh lý nhiễm trùng, cũng cần phân biệt bệnh Kawasaki với bệnh viêm khớp không rõ nguyên nhân ở trẻ vị thành niên, bệnh Lupus ban đỏ hệ thống hay các phản ứng quá mẫn khi dùng thuốc.

Trẻ mắc Kawasaki bị viêm kết mạc
Trẻ mắc Kawasaki bị viêm kết mạc

6 Các biến chứng của bệnh Kawasaki có thể gặp phải

Khi không được điều trị kịp thời và đúng cách, tình trạng bệnh có thể tiến triển nặng hơn, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt là các biến chứng về tim mạch như:

  • Viêm động mạch vành, dẫn đến phình động mạch, có thể là phình động mạch hệ thống và nhồi máu cơ tim.
  • Rối loạn chức năng, viêm cơ tim và suy tim. Có thể là viêm màng ngoài tim cùng với tràn dịch màng tim nhỏ hoặc viêm van hai lá.
  • Có khoảng 20 đến 25% bệnh nhân không được điều trị sẽ phát triển di chứng đến tim. Nguy cơ gây tổn thương tim lớn nhất ở trẻ dưới 1 tuổi.

7 Điều trị cho bệnh nhân Kawasaki như thế nào?

Mục tiêu điều trị chính cho người bệnh Kawasaki là ngăn biến chứng phình động mạch vành và các biến chứng khác ở tim.

Cơ sở các thuốc điều trị chính là dùng Aspirin và tiêm tĩnh mạch Globulin miễn dịch.

7.1 Giai đoạn cấp

Người bệnh dùng Aspirin cho đến khi hết sốt thì dừng, dùng với liều trung bình đến cao trong giai đoạn cấp. Liều dùng được tính theo cân nặng. Liều trung bình của Aspirin mỗi ngày là 30 đến 50 mg/kg, liều cao là  80 - 100mg/kg mỗi ngày, chia làm 4 lần dùng trong ngày.

Tiêm truyền tĩnh mạch bằng Gamma globulin liên tục trong vòng 10 đến 12 giờ, với liều duy nhất 2g/kg. Trong quá trình tiêm truyền, cần theo dõi mạch, huyết áp vào các thời điểm là: Lúc bắt đầu truyền, sau 30 phút và 1 tiếng kể từ khi truyền, và mỗi 2 giờ tiếp theo, đến khi ngừng truyền.[5]

Nếu không hiệu quả với liều điều trị ban đầu ở trên, hay bệnh nhân vẫn còn sốt 36 - 48 giờ sau khi truyền: có thể xem xét lặp lại lần 2 với liều tương tự.

Nếu bệnh nhân vẫn không đáp ứng, cần xem xét lại tìm nguyên nhân gây sốt. Có thể chỉ định dùng kết hợp với steroid là Methylprednisolon với liều mỗi ngày 30mg/kg, truyền tĩnh mạch tứ 2 đến 3 giờ, và Gamma globulin liều 1g/kg, tiêm truyền từ 10 đến 12 giờ. Dùng như vậy từ 1 đến 3 ngày.

Tiêm truyền tĩnh mạch Gamma Globulin cho trẻ.
Tiêm truyền tĩnh mạch Gamma Globulin cho trẻ

7.2 Giai đoạn bán cấp

Lúc này triệu chứng sốt đã giảm, nên sử dụng Aspirin với liều thấp là mỗi ngày dùng 3-5 mg/kg. Dùng tổng cộng từ 6 đến 8 tuần, nếu bệnh nhân không bất thường về mạch vành. Hoặc với bệnh nhân bị phình động mạch vành thì dùng cho đến khi chứng phình mạch vành đã được giải quyết.

7.3 Theo dõi sau điều trị bệnh nhân Kawasaki

Nếu bệnh nhân không bị biến chứng dãn mạch vành: chỉ cần kiểm tra số lượng tiểu cầu và siêu âm tim 2D, thời điểm từ  6-8 tuần. Không cần theo dõi lâu hơn sau 8 tuần.

Nếu bệnh nhân có biến chứng dãn mạch vành: thời điểm từ 6 đến 8 tuần, ta đếm số lượng tiểu cầu và siêu âm tim 2D, và lặp lại như vậy sau các khoảng thời gian 6 tháng đến 1 năm. Đồng thời người bệnh cần hạn chế hoạt động thể lực nếu bị dãn các mạch vành lớn hay dãn ở nhiều nơi.

Ngoài ra những trẻ đã tiêm Gamma globulin ở trên, nên hoãn lại các lịch tiêm chủng các vaccines virus sống giảm độc lực như sởi, quai bị, rubella, thủy đậu. Sau 6-11 tháng từ khi dùng Gamma globulin có thể tiêm chủng tiếp.

Qua bài viết này, chúng tôi đã cung cấp cho các bạn các kiến thức cơ bản về bệnh Kawasaki. Khi thấy trẻ nhà mình có các triệu chứng như trên, bạn hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán chính xác và điều trị nhé!

8 Case lâm sàng: Hội chứng Kawasaki 

Đề bài: Một trẻ nam 3 tuổi đến khám lần thứ hai. Hai ngày trước, bé được khám vì sốt liên tục trong 4 ngày với nhiệt độ lên tới 104°F (40°C) và trạng thái kích thích. Kết quả thăm khám vào thời điểm đó nổi bật tình trạng viêm kết mạc hai bên, họng đỏ và môi khô, nứt nẻ. Trẻ đã uống 4 oz dung dịch điện giải trong phòng khám và được cho về nhà với hướng dẫn cách chăm sóc triệu chứng. Hôm nay trẻ quay lại khám với sốt dai dẳng và tình trạng kích thích, khó chịu. Những triệu chứng từ lần thăm khám trước vẫn còn đến giờ nhưng hiện tại, trẻ còn bị phát ban dát sẩn ở thân mình, phù bàn chân và bàn tay, hạch cổ trước bên phải to nhưng không mưng mủ. [6]
➤ Chẩn đoán có khả năng nhất?
➤ Xét nghiệm chẩn đoán tốt nhất cho tình trạng này là gì?
➤ Điều trị cho tình trạng này như thế nào?

Tóm tắt: Một trẻ nam 3 tuổi bị sốt cao và kích thích trong 6 ngày. Quá trình thăm khám ghi nhận viêm kết mạc, sưng hạch cổ trước, ban đỏ vùng hầu họng, môi khô nứt nẻ, ban dát sẩn, phù bàn tay và bàn chân. 

Chẩn đoán có khả năng nhất: hội chứng Kawasaki (KS; hội chứng da- niêm mạc-hạch). 

Xét nghiệm chẩn đoán tốt nhất: Không có xét nghiệm dùng để chẩn đoán. Siêu âm tim được sử dụng để theo dõi sự phát triển của phình động mạch vành, biến chứng nghiêm trọng nhất. Tăng các chất phản ứng giai đoạn cấp tính (tốc độ lắng hồng cầu [ESR] và protein phản ứng C [CRP]), thiếu máu đẳng sắc và tăng tiểu cầu giúp hỗ trợ chẩn đoán. 

Điều trị: Liệu pháp chống viêm sớm bằng globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch liều cao (IVIG) và aspirin làm giảm nguy cơ biến chứng mạch vành. 

8.1 Phân tích:

8.1.1 Mục tiêu 

1. Biết tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng Kawasaki. 

2. Nhận thức được sự cần thiết của việc chẩn đoán và điều trị sớm để ngăn ngừa các biến chứng mạch vành. 

3. Làm quen với các chẩn đoán phân biệt của hội chứng Kawasaki. 

8.1.2 Đặt vấn đề 

Chẩn đoán HC Kawasaki có thể khó khăn trong vài ngày đầu tiên của bệnh, khi chỉ hiện hiện một số dấu hiệu lâm sàng cổ điển. Nhiễm adenovirus có lẽ là chẩn đoán giả định trong lần khám đầu tiên, mặc dù sốt ngắt quãng trong 4 ngày và tình trạng kích thích khó chịu có thể khiến người bệnh nghi ngờ về một nguyên nhân khác. Chẩn đoán trở nên rõ ràng hơn vào ngày bệnh thứ 6 khi bệnh nhân có thêm các dấu hiệu lâm sàng, mặc dù các tình trạng khác vẫn phải được xem xét.

8.1.3 Định nghĩa 

Ban đa dạng: Phát ban có thể có nhiều dạng khác nhau, chẳng hạn như ban dát sẩn, hồng ban đa dạng hoặc ban dạng tinh hồng nhiệt. Lưỡi dâu tây: Ban đỏ ở lưỡi nổi bật với các nhú lưỡi. 

Tăng tiểu cầu: Tăng số lượng tiểu cầu trên 450.000/mm3. Ở HC Kawasaki, điều này thường xảy ra sau ngày thứ 10 của bệnh và có thể kéo dài trong vài tuần. 

8.2 Tiếp cận lâm sàng 

Hội chứng Kawasaki là một bệnh mạch máu hệ thống chưa rõ nguyên nhân nhưng được cho là có khả năng lây nhiễm. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở người châu Á, nhưng bệnh cũng được thấy trên toàn thế giới. Bệnh thường xuyên xảy ra nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi và thường cao hơn một chút ở các bé trai so với các bé gái. 

Chẩn đoán HC Kawasaki dựa trên việc tìm ra các dấu hiệu đặc trưng (Bảng 60–1), dù vậy, người ta vẫn nhận thấy tình trạng trẻ có ít dấu hiệu hơn nhưng sau này vẫn phát triển bệnh động mạch vành (CAD). Hạch cổ ít gặp hơn so với các tiêu chuẩn chẩn đoán khác, xảy ra ở 60% đến 70% bệnh nhân. Kawasaki không điển hình (hoặc không đẩy đủ) xảy ra thường xuyên nhất ở trẻ sơ sinh, nhóm có nhiều khả năng phát triển các biến chứng mạch vành nhất. Mặc dù không có xét nghiệm nào thiết lập chẩn đoán, nhưng một số phát hiện trên cận lâm sàng cũng đặc trưng cho bệnh. ESR và CRP tăng, tình trạng thiếu máu đẳng sắc và tăng bạch cầu thường được thấy. Số lượng tiểu cầu thường bình thường lúc ban đầu nhưng tăng lên trên giới hạn bình thường vào ngày thứ 10 của bệnh; giảm tiểu cầu thường hiếm và là yếu tố nguy cơ phát triển phình động mạch vành. Có thể thấy tình trạng tiểu mủ vô trùng, tăng lympho bào trong dịch não tủy và tăng nhẹ transaminase gan. Các triệu chứng tiêu hóa có thể bao gồm tiêu chảy, nôn ói và túi mật ứ nước, bệnh nhân có thể có các triệu chứng đường hô hấp trên và/hoặc đau khớp. Siêu âm tim có thể xác định những bất thường của động mạch vành hoặc các cấu trúc khác. Chẩn đoán phân biệt HC Kawasaki bao gồm các tình trạng nhiễm trùng và không nhiễm trùng, chẳng hạn như bệnh liên cầu, độc tố tụ cầu (hội chứng sốc nhiễm trùng), nhiễm rickettsia, sởi, nhiễm virus Epstein- Barr, phản ứng quá mẫn với thuốc, viêm khớp dạng thấp ở trẻ vị thành niên khởi phát toàn thân và bệnh nhiễm Leptospira

Điều trị thành công phụ thuộc vào việc nhanh chóng bắt đầu aspirin liều cao và IVIG. Hạ sốt nhanh thường xảy ra với điều trị này. Liệu pháp aspirin sau đó được giảm từ liều chống viêm xuống liều chống huyết khối và tiếp tục cho đến 6 đến 8 tuần sau khi khởi phát bệnh, khi ESR trở về bình thường. Trẻ bị bệnh động mạch vành cần điều trị chống huyết khối kéo dài 

Ngay cả khi được điều trị, khoảng 5% trẻ em bị giãn động mạch vành và 1% phát triển chứng phình động mạch khổng lồ. Các yếu tố nguy cơ phình động mạch bao gồm giới tính nam, sốt kéo dài, trẻ dưới 12 tháng tuổi, số lượng bạch cầu trung tính và bạch cầu đoạn (band) ban đầu cao hơn, lượng huyết sắc tố thấp hơn và số lượng tiểu cầu dưới 350.000/mm3. Trẻ không có di chứng tim trong tháng đầu tiên trở lại tình trạng sức khỏe bình thường; những người có bất thường về tim dai dẳng có thể bị bệnh nặng. Tử vong hiếm gặp và do nhồi máu cơ tim hoặc ít phổ biến hơn là vỡ phình động mach. 

Bảng 60–1 TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN BỆNH KAWASAKI 

Sốt kéo dài ít nhất 5 ngày (hoặc ngắn hơn nếu hạ sốt xảy ra khi khởi trị sớm IVIG) ở trẻ không có bằng chứng về bệnh lý nào khác có khả năng hơn, cộng với sự hiện diện của ít nhất 4 trong số 5 dấu hiệu sau: 

1. Viêm kết mạc hai bên, thường không có mủ 

2. Thay đổi niêm mạc hầu họng bao gồm họng đỏ, môi đỏ hoặc nứt nẻ, lưỡi dâu tây 

3. Phát ban đa hình chủ yếu ở thân mình. 

4. Phù hoặc ban đỏ ở bàn tay hoặc bàn chân trong giai đoạn cấp tính; bong vảy quanh móng trong giai đoạn bán cấp. 

5. Sưng hạch cổ cấp tính không mủ 

Ghi chú: Bệnh nhân sốt và có 3 trong số các tiêu chuẩn chẩn đoán có thể chẩn đoán Bệnh Kawasaki khi có phình hoặc giãn mạch vành trên siêu âm tim 2D hoặc chụp mạch vành.

8.3 Câu hỏi lượng giá 

60.1 Một trẻ 12 tháng tuổi đến khám sức khỏe tổng quát. Trẻ đã nhập viện 2 tháng trước vì HC Kawasaki và đã ngừng điều trị aspirin 6 tuần trước lần khám này. Siêu âm tim gần đây nhất của trẻ có kết quả bình thường. Đối với bệnh nhân này, cần đặc biệt cân nhắc điều nào sau đây? 

A. Đánh giá về sự phát triển của trẻ 

B. Khám bụng 

C. Sử dụng vắc-xin sống 

D. Đánh giá huyết sắc tố 

E. Đánh giá khả năng nhiễm độc chì 

60,2. Một trẻ 15 tháng tuổi đang điều trị bằng aspirin lâu dài vì bất thường động mạch vành xảy ra do HC Kawasaki. Ngoài việc tiêm vắc-xin định kỳ bắt buộc ở trường, trẻ nên được tiêm mũi gì sau đây? 

A. Vắc xin phế cầu 

B. Vắc xin cúm 

C. Vắc xin não mô cầu 

D. Uống vắc xin bại liệt 

E. Vắc xin thủy đậu 

60,3. Một trẻ sơ sinh 5 tháng tuổi trong tình trạng kích thích bị sốt cao 3 ngày, hăm tã dạng ban dát sẩn và môi sưng đỏ. Trẻ bị thiếu máu đẳng sắc nhẹ và số lượng bạch cầu (WBC) là 15.000/mm3 với ưu thế là bạch cầu trung tính và dạng chưa trưởng thành. Xét nghiệm nước tiểu bình thường, nhưng dịch não tủy cho thấy tăng bạch cầu lympho với nhuộm Gram âm tính. Sau 24 giờ dùng Ceftriaxone, bệnh nhân tiếp tục sốt cao, phù nề bàn chân. Điều trị tiếp theo nên bao gồm điều nào sau đây? 

A. Nystatin trị hăm tã 

B. Lặp lại chọc dò tủy sống 

C. Thêm Vancomycin vào điều trị kháng sinh 

D. Hội chẩn tim mạch nhi; bắt đầu truyền IVIG và uống aspirin liều cao 

E. Tiếp tục điều trị hiện tại và chờ kết quả nuôi cấy 

60,4. Trẻ nào sau đây bị HC Kawasaki có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành cao nhất? 

A. Bé trai 5 tuổi sốt cao 6 ngày, tiểu mủ vô trùng, ban ở thân mình, lưỡi dâu. 

B. Bé gái 3 tuổi sốt cao 5 ngày, tăng lympho bào dịch não tuỷ. 

C. Bé gái 2 tuổi bị sốt cao trong 5 ngày và ESR ban đầu là 80 mm/h. 

D. Bé trai 1 tuổi bị sốt cao 6 ngày, ban dát sẩn và nồng độ men gan tăng nhẹ

E. Bé trai 6 tháng tuổi sốt cao 11 ngày và tràn dịch màng ngoài tim lượng ít trên siêu âm tim ban đầu.

8.4 Đáp án

60.1 C. Vắc xin virus sống (sởi-quai bị-rubella [MMR], thủy đậu) được trì hoãn trong 11 tháng sau khi tiêm IVIG liều cao; IVIG có khả năng can thiệp vào phản ứng miễn dịch. Vắc xin sởi, thường được tiêm dưới dạng MMR lúc 12 tháng, được dùng nếu có nguy cơ phơi nhiễm cao, nhưng cần phải tiêm nhắc lại trừ khi xét nghiệm huyết thanh học cho thấy hiệu giá kháng thể đầy đủ. 

60.2 B. Trẻ em điều trị bằng aspirin kéo dài được chủng ngừa cúm; trẻ có nhiều nguy cơ mắc hội chứng Reye nếu trẻ bị nhiễm bệnh và dùng aspirin. Mặc dù thường không bắt buộc phải tiêm khi đi nhà trẻ hoặc đi học, nhưng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khuyến cáo rằng tất cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm vắc-xin cúm hàng năm. 

60.3 D. Biểu hiện ban đầu của trẻ này phù hợp, nhưng không thỏa tiêu chuẩn chẩn đoán HC Kawasaki (Bảng 60−1). Tình trạng sốt dai dẳng và phù ngoại biên làm tăng khả năng bị HC Kawasaki, nên nhanh chóng xem xét và điều trị. 

60.4 E. Các yếu tố nguy cơ phát triển phình động mạch vành bao gồm giới tính nam, sốt hơn 10 ngày, trẻ dưới 12 tháng tuổi, nồng độ albumin hoặc hemoglobin trong huyết thanh thấp, phát hiện sớm về bất thường tim (ví dụ, hở van hai lá hoặc tràn dịch màng ngoài tim) và giảm tiểu cầu. 

8.5 Đúc Kết Lâm Sàng 

Việc chẩn đoán hội chứng Kawasaki (KS) dựa trên các tiêu chuẩn lâm sàng và cần hết sức nghi ngờ ở trẻ nhỏ có sốt cao kéo dài hơn 5 ngày, thay đổi vùng hầu họng, viêm kết mạc, thay đổi ở chi, phát ban và hạch cổ. 

Trẻ có Kawasaki không đẩy đủ (“Kawasaki không điển hình”) có thể mắc bệnh mạch vành. 

Biến chứng quan trọng nhất của Kawasaki là bệnh mạch vành. Bác sĩ tim mạch nhi thường tham gia khi quản lý những trẻ này. 

Nhận biết và khởi trị sớm Kawasaki là chìa khóa phòng ngừa những biến chứng trên mạch vành.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Tomisaku Kawasaki (Ngày đăng: tháng 4 năm 2006). Kawasaki disease, NCBI. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2021.
  2. ^ Tác giả: Tina K Sosa, MD (Ngày đăng: ngày 29 tháng 7 năm 2018). Kawasaki Disease Clinical Presentation, MedsCape. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2021.
  3. ^ Tác giả: Elizabeth K Satter, MD (Ngày đăng: Ngày 13 tháng 6 năm 2018). Dermatologic Manifestations of Kawasaki Disease, MedsCape. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2021.
  4. ^ Tác giả: Shauna Berry, DO (Ngày đăng: Ngày 7 tháng 7 năm 2016). Ophthalmologic Manifestations of Kawasaki Disease, MedsCape. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2021.
  5. ^ Tác giả: Karen A. Ravin, MD (Ngày đăng: tháng 4 năm 2020). Kawasaki Disease, KidsHealth. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2021.
  6. ^ Clinical cases tải bản PDF tại đây

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh Kawasaki ở trẻ em?


    Thích (0) Trả lời 1
    • Dạ chào chị ạ, hiện này nguyên nhân của bệnh Kawasaki vẫn chưa được rõ. Tuy nhiên, có nghi ngờ tình trạng nhiễm khuẩn chính là nguyên nhân gây ra bệnh này nhưng lại chưa tìm thấy tác nhân truyền nhiễm nào liên quan. Do đó chị cần đảm bảo giữ vệ sinh cho bé để tránh nguy cơ nhiễm bệnh c nhé. Cảm ơn c đã quan tâm ạ!

      Quản trị viên: Dược sĩ Diệu Linh vào


      Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
0/ 5 0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
    vui lòng chờ tin đang tải lên

    Vui lòng đợi xử lý......

    0 SẢN PHẨM
    ĐANG MUA
    hotline
    1900 888 633