Cấu tạo máy phân tích tế bào máu ngoại vi và yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi
Trường Đại Học Y Hà Nội - Bộ môn Khoa học xét nghiệm
Chủ biên PGS.TS.BS Đặng Thị Ngọc Dung, TS. Nguyễn Trọng Tuệ
Các tác giả tham gia biên soạn
PGS. TS. BS Đặng Thị Ngọc Dung, TS. Nguyễn Trọng Tuệ, TS. BS. Nguyễn Thúy Hương, TS. BS. Nguyễn Thị Thanh Hải
ThS. Đặng Quang Huy, Ths. BSNT. Nguyễn Quỳnh Giao, Ths. BSNT. Vũ Đức Anh, ThS. Trịnh Thị Phương Dung
Ths. BSNT. Lê Văn Toàn, Ths. BSNT. Ngô Diệu Hoa, BSNT. Phạm Thị Hương Trang, Ths. BSNT. Nguyễn Thị Thu Thảo
Ths. BS. Nguyễn Thị Hảo, CKI. Đỗ Thị Hường, CKI. Nguyễn Thúy Hà, ThS. Vũ Thị Bích Hồng
CN. Lê Thanh Thảo, CN. Nguyễn Hữu Hùng
Xét nghiệm phân tích tế bào máu ngoại vi là phương pháp giúp đánh giá số lượng, thành phần máu để xác định các vấn đề sức khoẻ và phát hiện các rối loạn mà cơ thể đang mắc phải. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc thông tin về cấu tạo của máy tổng phân tích tế bào máu ngoại vi và các yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi.
1 Tổng quan
1.1 Khái niệm phương pháp
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (hay còn được gọi là xét nghiệm công thức máu) là một trong những xét nghiệm thường quy được sử dụng phối hợp cùng một số xét nghiệm khác để đánh giá sức khỏe tổng thể hoặc định hướng chẩn đoán và theo dõi điều trị một số tình trạng bệnh lý. Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi là phương pháp phân tích thông tin về số lượng và thành phần các tế bào máu ngoại vi như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu..
1.2 Lịch sử phát triển của phương pháp
Trước khi các máy huyết học được ra đời, các tế bào máu được đếm thủ công bằng cách sử dụng kính hiển vi. Karl Vi’erordt là người đã đặt nền móng cho việc đếm tế bào máu. Phương pháp của ông là đưa máu vào ống mao dẫn và dàn một lượng thể tích biết trước lên mặt kính và sau đó dùng kính hiển vi phân tích. Sau này, ông nâng cấp phương pháp của mình bằng cách pha loãng máu trong một loại dung dịch và phương pháp này đưa ra độ chính xác cao. Những năm sau đó, các phương pháp đếm tế bào máu được nâng cấp, ví dụ như dụng cụ đo tế bào bạch cầu được thiết kế bởi Louis-Charles Malasez. Dụng cụ này là một lam kính hiển vi dày được thiết kế như một buồng đếm được chia thành các đường lưới và có một lượng nhất định máu đã được pha loãng (tuỳ thuộc vào từng phòng xét nghiệm).
Cuối thế kỉ 19, sự phát triển của máy huyết học tự động bắt đầu được nhen nhóm. Máy huyết học tự động đầu tiên được ra đời vào những năm 1950 bởi Wallace Coulter. Sự phát triển của phương pháp đếm tế bào được tóm tắt thành các giai đoạn sau:
- Năm 1955: chỉ đếm được hồng cầu.
- Năm 1967: đếm được hồng cầu và bạch cầu.
- Năm 1972: phân loại được bạch cầu.
- Năm 1979: đếm được tiểu cầu.
- Từ 1981: ra đời máy đếm tự động với nhiều thông số phân tích.
1.3 Nguyên lý đo của máy tổng phân tích tế bào máu
Có 2 phương pháp đo chính thường được sử dụng là đo trở kháng và đo quang laser để đo số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Hemoglobin được thực hiện bằng phương pháp quang phổ hấp thụ. Ngoài ra trong các máy huyết học hiện đại còn có thêm các phương pháp đo khác như đo bằng phát xạ huỳnh quang (fluorescence), đo bằng sóng radio, đo hoá học tế bào.
2 Nguyên lý đo tế bào bằng phương pháp trở kháng
Đo trở kháng là phương pháp truyền thống và được sử dụng phổ biến nhất trong hầu hết các máy huyết học tự động cơ bản. Đo trở kháng là sử dụng dòng điện để đo số lượng tế bào và kích thước để xác định loại tế bào. Mỗi xung điện biểu hiện cho đặc điểm của một tế bào đi qua, mỗi xung điện nhận được cao hay thấp sẽ xác định kích thước của tế bào. Mẫu máu trước tiên sẽ được pha loãng trong dung dịch pha loãng, sau đó đưa vào buồng đếm. Trong buồng đếm có đặt một khe đếm có lỗ đủ nhỏ đủ để tế bào máu đi qua. Trong buồng đếm có hai bản điện cực dương và âm được áp dòng điện một chiều. Ngoài ra trong buồng đếm còn đặt một bộ phận tạo áp suất. Sự thay đổi áp suất của buồng đếm dẫn đến sự di chuyển của các tế bào máu qua các khe đếm. Do dung dịch máu là dung dịch có tính dẫn điện, nên khi có sự thay đổi áp suất, các tế bào máu di chuyển qua khe hẹp kéo theo sự dịch chuyển và thay đổi điện tích làm xuất hiện dòng điện giữa hai điện cực và làm thay đổi tổng trở giữa hai điện cực này.
Khi một tế bào trong chất lỏng dẫn điện đi qua một điện cực, tạo ra thay đổi điện trở, xung điện. Số lượng và kích thước xung tương ứng tỷ lệ với số lượng và kích thước tế bào.
- Đếm số lượng bạch cầu (WBC): Dung dịch pha loãng bạch cầu chứa tác nhân làm ly giải màng tế bào. Tác nhân này cũng làm ly giải màng tế bào hồng cầu nhưng để lại nhân của bạch cầu một cách nguyên vẹn. Sự di chuyển của nhân qua khe đếm tạo nên việc đếm số lượng bạch cầu. Bạch cầu được phân loại theo kích thước nhân, phương pháp đo trở phân biệt được 3 loại bạch cầu: bạch cầu lympho, bạch cầu trung tính và nhóm tế bào trung gian gồm bạch cầu mono, bạch cầu acid. Điểm mạnh của phương pháp đo trở kháng là thời gian cho kết quả đếm rất nhanh. Tuy nhiên không xác định từng loại bạch cầu.
- Đếm số lượng hồng cầu (RBC): Dung dịch pha loãng hồng cầu cao RBC có tác dụng loại bỏ các tế bào bạch cầu trong khi đếm hồng cầu. Thể tích trung bình hồng cầu (MCV) được đo bằng tích phân độ cao của xung và chỉ áp dụng riêng cho hồng cầu để tính MCV. Thông số Lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCH) và Nồng độ huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCHC) được tính thông qua giá trị các thông số Hb, RBC và MCV.
+ MCH (pg) = Hb/RBC
+ MCHC (g/L) = Hb/HCT
+ MCHC (g/L) = Hb/(MCV* RBC)
- Đếm số lượng tiểu cầu (PLT):
+ Tiểu cầu có kích thước từ 8-12 fL và đếm trong khoảng 2-25 fL.
+ Hồng cầu có kích thước 80-100 fl, và được đếm trong khoảng 25-250 fl.
2.1 Nguyên lý đo tế bào bằng phương pháp đo quang (laser)
Phương pháp đo quang sử dụng tia laser nên có thể xác định được từng loại bạch cầu. Một chùm sáng chiếu qua dòng chảy tế bào máu. Mỗi tế bào máu đi sẽ tạo ra các tán xạ ánh sáng với nhiều hướng và góc khác nhau. Góc tán xạ sẽ thay đổi và tỉ lệ với kích thước của tế bào. Bộ cảm nhận quang sẽ đo góc tán xạ và xác định kích cỡ phù hợp với từng loại tế bào. Tán xạ góc thẳng phản ánh kích thước của tế bào, trong khi các thông số về tán xạ góc bên phản ảnh độ phức tạp của các thành phần vật chất bên trong tế bào bao gồm nhân tế bào và các bào quan của nó.
Các quần thể của 5 thành phần bạch cầu được phân tách riêng rẽ giúp dễ phân biệt: màu xanh dương là bạch cầu lympho; màu xanh lá cây là bạch cầu mono; bạch cầu trung tính ứng với màu tím hồng; bạch cầu ưa acid có màu cam; bạch cầu ưa base có màu trắng; hồng cầu có nhân có màu đỏ.
- Đo hồng cầu, tiểu cầu bằng đo quang:
Tại buồng đếm RBC/PLT, các hồng cầu hình đĩa lõm 2 mặt và tiểu cầu hình đĩa lồi 2 mặt được xử lý cầu hóa đẳng tích bằng SDS và được cố định hình dạng hình cầu bằng Glutaraldehyde, nhằm loại trừ sai sót do những tư thế khác nhau của hồng cầu/tiểu cầu khi đi ngang qua điểm đo. Sau khi xử lý, hồng cầu/tiểu cầu có dạng hình cầu nhưng vẫn giữ thể tích ban đầu, nhờ dạng hình cầu mà máy có thể đo ở mọi tư thế mà vẫn đảm bảo phản ánh đúng thể tích.
Hồng cầu khi đi ngang qua điểm đo, được chiếu nguồn Laser 670nm, ánh sáng sau đó được phân tán thành nhiều hướng. Máy phân tích tán xạ ở 2 góc:
+ Góc hẹp 2-3 độ: phản ánh thể tích hồng cầu (CV-Cell volume).
+ Góc rộng 5-15 độ: phản ánh hàm lượng Hb trong hồng cầu.
Tiểu cầu đi ngang qua điểm đo, được chiếu nguồn Laser 670nm. Tiểu cầu được khảo sát 2 chiều ở ngưỡng thấp, phân tích tán xạ ở 2 góc:
+ Góc hẹp 2-3 độ: phản ánh kích thước tiểu cầu.
+ Góc rộng 5-15 độ: phản ánh mật độ tế bào (Cell density).
Đặc điểm của phương pháp đo quang khi phân tích tiểu cầu là phân tích cả các tiểu cầu to (Large Platelets), nhưng nếu phân tích và đếm số lượng tiểu cầu to sẽ có nguy cơ nhầm lẫn với các tế bào bất thường khác như: mảnh hồng cầu (RBC Fragments), bóng ma hồng cầu (RBC ghost), ...; lẫn với hồng cầu, đặc biệt là hồng cầu nhỏ. Do đó cần thêm yếu tố mật độ tế bào (cell density).
2.2 Nguyên lý đo hemoglobin bằng phương pháp quang phổ hấp thụ
Máu được pha loãng trong dung dịch muối kiềm (potassium cyanide, potassium ferricyanide, NaHCO3) và muối Sắt. Dưới tác dụng của dung dịch này, Oxyhemoglobin (là chất có màu đỏ) chứa Fe2+ sẽ chuyển thành methemoglobin có Fe3+. Methemoglobin sẽ kết hợp với đuôi cyanide (CN-) có trong dung dịch pha loãng để tạo thành Cyanmethemoglobin. Cyanmethemoglobin có đỉnh hấp thụ ánh sáng ở bước song 540nm. Nồng độ hemoglobin được tính gián tiếp thông qua so sánh độ hấp thụ quang ở bước sóng 540nm so với mẫu chuẩn đã biết trước nồng độ.
Tuy cách truyền thống sử dụng cyanide rất đáng tin cậy, chất thải cyanide rất độc hại cho con người và môi trường. Vậy nên hiện nay, hầu hết các máy phân tích huyết học bây giờ sử dụng chất ly giải mới, có khả năng thay thế là sodium lauryl sulfate (SLS) để gắn vào hemoglobin. SLS không độc như cyanide, và kết quả cũng cho ra nồng độ hemoglobin một cách chính xác. SLS- Hemoglobin hấp thụ cao nhất ở bước sóng 535nm.
Nồng độ hấp thụ ở 2 bước sóng này là ngang bằng nhau. Vậy nên có thể thay thế bằng SLS để loại bỏ chất thải độc hại từ cyanide.
2.3 Các phương pháp khác
Ngoài 2 phương pháp chính hay được sử dụng kể ở trên thì còn có các phương pháp đo khác. Phương pháp phát xạ huỳnh quang thường được sử dụng để đếm các tế bào ung thư và phân tích thành phần DNA/RNA. Các kháng thể được tạo ra trong hệ thống miễn dịch được gắn nhãn có khả năng phát xạ huỳnh quang sẽ bắt các protein của tế bào. Do đó có thể đếm được tế bào ung thư qua việc đo cường độ phát xạ huỳnh quang thay đổi trên các kháng thể được đánh dấu phát xạ. Nguyên lý của phương pháp này được mô tả như sau: Các mẫu bệnh phẩm được nhuộm bằng thuốc nhuộm có đỉnh hấp thụ và phát xạ ở bước sóng 488nm và chùm tia phát xạ sẽ mang về các thông tin về loại tế bào như hồng cầu lưới (RETCs), hồng cầu nhân (NRBCs)... Do sự khác biệt về đặc điểm phát xạ của các thành phần thuốc nhuộm với đích gắn của chúng, RNA trong hồng cầu lưới phát xạ huỳnh quang ở bước sóng 530nm, DNA trong hồng cầu có nhân lại phát xạ huỳnh quang ở bước sóng 630nm, vậy nên khi kích thích bằng chùm tia Laser 488 nm, bộ lọc quang học sẽ nhận biết các tia phát xạ và chuyển thành các tín hiệu điện để máy tính có thể phân tích. Sự kết hợp của phương pháp đo quang nhiều góc và đo phát xạ huỳnh quang để phân tích thành phần DNA/RNA thường được gọi là phương pháp VCS (Volume (thể tích), Conductivity (tính dẫn điện), Scatter (sự phát tán)) và được sử dụng trong máy phân tích Coulter Haematology.
Phương pháp đo sóng radio sử dụng tần sóng radio biến áp cao để cung cấp thông tin về cấu trúc và mật độ bên trong tế bào. Phương pháp hoá học tế bào sử dụng sự hấp thu của enzyme trên các tế bào nhuộm thông qua sự tán xạ ánh sáng.
3 Ứng dụng của phương pháp
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi có thể đưa ra thông tin quan trọng về các chỉ số hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Từ đây, các bác sĩ có thể chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến hệ tạo máu như: thiếu máu, ung thư tủy, suy tủy hoặc một số các bệnh viêm nhiễm khác.
4 Cấu tạo chung và cơ chế hoạt động của máy phân tích tế bào máu cơ bản
4.1 Cấu tạo chung của máy phân tích tế bào máu
Các máy phân tích tế bào máu đều có cấu tạo chung gồm các bộ phận:
- Bộ phận lấy mẫu: hút mẫu tự động kèm bộ phận lắc, trộn mẫu tự động hoặc hút mẫu thủ công.
- Bộ phận pha loãng: dùng cho việc đo thông số bạch cầu (WBC), hồng cầu có nhân (NRBC), hồng cầu (RBC), tiểu cầu (PLT), lượng huyết sắc tố (Hb).
- Buồng đếm: buồng đếm Hemoglobin, buồng đếm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu (trở kháng/đo quang).
- Bộ phận xử lý số liệu và thông báo kết quả.
4.1.1 Bộ phận hút mẫu
Bộ phận lấy mẫu có vai trò hút mẫu từ trong ống đựng mẫu (ống EDTA) để phân tích. Tùy vào máy huyết học, bộ phận lấy mẫu có thể tự động hoặc thủ công hoặc có 2 bộ phận độc lập. Bộ phận lấy mẫu tự động thường đi kèm bộ phần lắc, trộn mẫu tự động để làm đồng nhất mẫu trước khi lấy và chia mẫu vào buồng đo. Bộ phận lấy mẫu thủ công không có bộ phận lắc, trộn mẫu nên nhân viên phòng xét nghiệm được yêu cầu làm đồng nhất mẫu trước khi thực hiện phân tích mẫu. Đối với máy phân tích tế bào máu có hai bộ phận lấy mẫu tự động và thủ công độc lập, bộ phận hút mẫu thủ công được sử dụng trong trường hợp mẫu quá ít hoặc trong trường hợp đặc biệt khác.
4.2 Bộ phận pha loãng
Bộ phận pha loãng có vai trò pha loãng máu toàn phần theo tỷ lệ phù hợp để chuẩn bị chia mẫu vào các buồng đểm thực hiện phân tích. Máy huyết học pha loãng mẫu theo tỉ lệ phù hợp để đo các thông số: Lượng huyết sắc tố (HGB), Số lượng hồng cầu (RBC), số lượng bạch cầu (WBC), số lượng tiểu cầu (PLT), hoặc hồng cầu có nhân (NRBC).
4.3 Bộ phận chia mẫu/Buồng đếm
Bộ phận chia mẫu/buồng đếm có tác dụng chia mẫu vào các buồng đếm để thực hiện đếm các loại tế bào. Bộ phận chia mẫu có các van nhỏ để chia mẫu vào các buồng đếm phù hợp để phân tích. Máy phân tích tế bào máu có các buồng đếm khác nhau cho mỗi loại tế bào: buồng đếm WBC, buồng đếm HGB, buồng đếm RBC/PLT (trong một số máy Huyết học hiện nay còn có buồng đếm hồng cầu lưới - Retic). 4.4. Bộ phận xử lý số liệu và thông báo kết quả
Bộ phận xử lý số liệu và thông báo kết quả có nhiệm vụ xử lý các tín hiệu, thông tin thu nhận được khi phân tích mẫu và chuyển thông tin trên màn hình hiển thị để người dùng quan sát và đánh giá kết quả. Bộ phận xử lý số liệu bao gồm thiết bị và màn hình. Sau khi thiết bị đã phân tích mẫu xong, màn hình sẽ hiển thị hiện các thông tin cần có như mã code, kết quả, ngày giờ chạy mẫu, ... Thêm vào đó, màn hình hiển thị còn có thể giúp người dùng quan sát nhận định các vấn đề, cảnh báo khi thực hiện: cảnh báo kết quả, báo động khi hết hóa chất, trục trặc của máy huyết học,...
4.4 Các bộ phận khác
Ngoài ra, một số máy phân tích tế bào máu hiện nay có bộ phận chứa chất thải. Bộ phận chứa chất thải có thể là một cái thùng đựng tách biệt hoặc có thể nằm trong hệ thống xả thải tự động. Khi mà thể tích trong bình xả thải cao (đến vạch), sẽ có thông báo hiện lên trên màn hình máy tính. Thiết bị sẽ không hút và phân tích mẫu cho đến khi bình xả thải trống. Nhân viên chạy mẫu cần lưu ý việc xả thải, tránh việc mẫu không được phân tích dẫn đến kết quả xét nghiệm bị trả muộn.
5 Quy trình vận hành
Quy trình vận hành cơ bản của máy Phân tích tế bào máu bao gồm:
- Chuẩn bị máy: Kiểm tra hóa chất, bình nước thải và nguồn điện, thực hiện
nội kiểm tra chất lượng xét nghiệm.
- Chuẩn bị mẫu: Mẫu phải đựng trong ống chống đông EDTA, phân tích trong vòng 4 tiếng từ khi lấy mẫu. Kiểm tra xem mẫu có bị ít quá hoặc bị đông. Nếu không phù hợp, đề nghị lấy lại mẫu.
- Phân tích mẫu: Phân tích mẫu thủ công hoặc tự động:
+ Phân tích mẫu tự động: Đặt ống vào giá đựng mẫu, bấm START chạy và đợi kết quả.
+ Phân tích mẫu thủ công: Lắc ống nhẹ nhàng bằng tay khoảng 10 lần để mẫu trộn đều. Tránh sử dụng máy lắc vì sẽ làm vỡ hồng cầu. Sau khi lắc đều, mở nắp ống, đưa ống mẫu vào vị trí kim hút, bấm START để máy tự động hút và đợi kết quả. Nhập mã bệnh nhân bằng tay hoặc bằng máy quét code để đẩy kết quả.
- Phân tích biện luận kết quả theo chẩn đoán bệnh của bệnh nhân và lịch sử các lần xét nghiệm của bệnh nhân đã có, các bất thường khó giải thích các mẫu máu sẽ được kiểm tra đánh giá lại bằng cách xem xét các vấn đề có thể ảnh hưởng đến kết quả nếu có. Trong một số trường hợp việc thực hiện lại xét nghiệm hoặc kiểm tra bằng tiêu bản máu đàn là cần thiết để xác nhận kết quả.
6 Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng xét nghiệm
Chất lượng xét nghiệm có thể bị ảnh hưởng trong cả 3 giai đoạn của xét nghiệm: Trước xét nghiệm, trong xét nghiệm và sau xét nghiệm.
6.1 Trước xét nghiệm
Chất lượng xét nghiệm có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như việc lấy mẫu không đúng (mẫu quá ít, dùng không đúng ống chống đông, kỹ năng lấy mẫu dẫn tới vỡ hồng cầu...), việc bảo quản mẫu không phù hợp (mẫu không được chạy ngay mà để lâu, nhiệt độ bảo quản mẫu không đúng...). Để đảm bảo chất lượng xét nghiệm, người lấy mẫu cần được đào tạo theo đúng quy trình, có đủ kỹ năng lấy mẫu.
6.2 Trong xét nghiệm
Trong quá trình xét nghiệm, chất lượng mẫu xét nghiệm cũng bị ảnh hưởng, tuy không nhiều bằng giai đoạn trước xét nghiệm. Ở mục này, các yếu tố liên quan đến hệ thống máy ảnh hưởng đến chất lượng xét nghiệm sẽ được bàn kỹ hơn.
Vấn đề đầu tiên ảnh hưởng đến chất lượng xét nghiệm do máy huyết học không được lắp đặt theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Mặc dù máy được lắp đặt bởi kỹ sư, nhưng phòng xét nghiệm cần kiểm tra lại để đảm bảo máy được lắp đặt theo đúng khuyến cáo bằng cách sử dụng các thông tin được cung cấp trong Hướng dẫn sử dụng (Operation Manual). Phòng xét nghiệm cần thực hiện thẩm định và xác nhận phương pháp cho thiết bị trước khi máy bắt đầu đưa vào hoạt động, hoặc khi có sự thay đổi lớn.
Vấn đề thứ hai liên quan đến hoạt động bảo dưỡng định kỳ. Nội dung này được đề cập cụ thể trong phần 6: Quản lý chất lượng xét nghiệm.
Phòng xét nghiệm cần thực hiện hiệu chuẩn thiết bị khi cần thiết, ví dụ như khi thực hiện thay đổi lô hoá chất, hoặc khi chạy nội kiểm phát hiện ra có lỗi hệ thống.
Việc sắp xếp các trang thiết bị trong phòng xét nghiệm cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng xét nghiệm máy huyết học. Do cấu tạo của máy huyết học, việc sắp xếp, lắp đặt cạnh các thiết bị tạo rung lắc như máy ly tâm làm cho hoạt động của máy đếm tế bào không còn phù hợp dẫn đến sai lệch kết quả. Nơi đặt máy chắc chắn, cần sạch sẽ thoáng mát, có điều hòa hút ẩm, có nguồn điện ổn định. Các bình hoá chất sử dụng cho thiết bị huyết học phải được đậy kín, để nơi mát, sử dụng đúng hạn.
6.3 Sau xét nghiệm
Chất lượng xét nghiệm ở giai đoạn sau xét nghiệm thường bị ảnh hưởng bởi các lí do sau: Kết quả không đúng với thông tin của bệnh nhân, thời gian trả kết quả bị quá muộn, diễn giải kết quả không chính xác dẫn đến việc kết quả không đầy đủ hoặc không thể hỗ trợ tư vấn.
7 Quản lý chất lượng máy phân tích tế bào máu
Việc quản lý chất lượng xét nghiệm là quá trình kiểm soát tổng thể các giai đoạn của xét nghiệm. Tuy nhiên nội dung chương này sẽ tập trung cụ thể vào việc kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng của hệ thống máy đến chất lượng xét nghiệm.
Để đảm bảo chất lượng máy phân tích tế bào máu, nhân viên phòng xét nghiệm/người sử dụng cần thực hiện tốt hoạt động bảo dưỡng, hoạt động nội kiểm và hoạt động ngoại kiểm.
Tất cả các loại máy huyết học đều có chế độ bảo dưỡng hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý tuỳ thuộc vào từng phòng xét nghiệm và chế độ bảo dưỡng khi cần thiết. Thực hiện bảo dưỡng giúp phòng xét nghiệm kéo dài tuổi thọ của máy xét nghiệm, giảm thời gian gián đoạn dịch vụ do máy hỏng và góp phần tạo ra kết quả xét nghiệm có chất lượng giúp duy trì và nâng cao uy tín của phòng xét nghiệm. Hoạt động bảo dưỡng được thực hiện bởi nhân viên phòng xét nghiệm/người sử dụng và các kỹ sư của hãng/nhà cung cấp máy đã được đào tạo. Thông tin và cách thức thực hiện bảo dưỡng được nhà sản xuất mô tả chi tiết trong Hướng dẫn sử dụng (Operation manual) được gửi kèm máy khi nhận.
Bảo dưỡng hàng ngày là bảo dưỡng quan trọng nhất và được làm thường xuyên sau mỗi ngày làm việc, đảm bảo máy hoạt động trơn chu. Hoạt động này được thực hiện bởi người sử dụng. Máy huyết học cần được rửa theo tần suất và bằng dung dịch rửa theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Ngoài bảo dưỡng bằng cách thực hiện thao tác trên máy huyết học, phòng xét nghiệm cần vệ sinh bề mặt máy để loại bỏ bụi bẩn hoặc máu bị bắn trong quá trình phân tích. Ngoài bảo dưỡng hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng nhân viên phòng xét nghiệm cần thực hiện bảo dưỡng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Điều quan trọng khi thực hiện hoạt động bảo dưỡng, nhân viên phòng xét nghiệm cần lưu hồ sơ thực hiện.
Hàng quý máy huyết học cần được bảo dưỡng thường xuyên bởi kỹ sư của hãng/đơn vị cung cấp. Các kỹ sư được đào tạo của hãng hoặc đơn vị cung cấp thực hiện bảo dưỡng theo khuyến cáo và phòng xét nghiệm cần kiểm tra và lưu hồ sơ thực hiện.
Ngoài hoạt động bảo dưỡng thực hiện định kỳ theo khuyến cáo, phòng xét nghiệm đôi khi thực hiện bảo dưỡng. Hoạt động này được thực hiện trong một vài trường hợp như: đang chạy mẫu nhưng mẫu không hút được. Khi đó, cần phải kiểm tra xem bộ phận hút mẫu có cục đông nào không. Lau bộ phận hút mẫu và chạy lại. Hoặc khi đang chạy mẫu và hết hoá chất cần thiết cũng cần phải dừng lại để thay hoá chất.
Thực hiện nội kiểm là hoạt động thứ hai phòng xét nghiệm cần thực hiện để quản lý chất lượng máy huyết học. Mẫu nội kiểm là mẫu đã biết trước giá trị, phòng xét nghiệm sử dụng để đánh giá sự lặp lại của thiết bị theo thời gian. Mẫu nội kiểm huyết học thường được thiết kế có 3 mức khác nhau (thấp, trung bình, cao) để giúp phòng xét nghiệm kiểm soát kết quả tại tất các điểm quyết định lâm sàng. Việc thực hiện nội kiểm sẽ giúp phòng xét nghiệm theo dõi lỗi hệ thống của thiết bị, qua đó có cách giải quyết phù hợp, tránh tình trạng kết quả phân tích mẫu bị sai ảnh hưởng đến bệnh nhân.
Hoạt động thứ ba phòng xét nghiệm cần thực hiện để quản lý chất lượng máy huyết học là tham gia chương trình ngoại kiểm. Tham gia ngoại kiểm giúp phòng xét nghiệm so sánh kết quả của mình với các phòng xét nghiệm khác, từ đó giúp phòng xét nghiệm xác định được các sai số và cũng là bằng chứng chứng minh chất lượng của phòng xét nghiệm. Cũng như hoạt động bảo dưỡng và nội kiểm, hoạt động ngoại kiểm đòi hỏi khoản kinh phí để thực hiện. Do vậy, phòng xét nghiệm cần dự trù kinh phí thực hiện để các hoạt động trên được thực hiện đầy đủ theo quy định.
8 Tài liệu tham khảo
1. Sullivan, E. (2006). Hematology Analyzer: From Workhorse to Thoroughbred. Laboratory Medicine,37(5), 273-278. doi:10.1309/tmq6-t4cb-cg40- 8141.
2. "An Evaluation of Hemoglobin Determination Using Sodium Lauryl Sulfate. [Am J Clin Pathol. 1993] - PubMed - NCBI." Current Neurology and Neuroscience Reports., U.S. National Library of Medicine, www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/8356944?report=docsum.
3. Hematology Analyzers Buying Guide. (n.d.). Retrieved from https://www.linkedin.com/pulse/hematology-analyzers-buying-guide-tracy-s-j-/.
4. Harris, N. (2013, May 1). Basic Hematology - AACC. Retrieved from https://www.aacc.org/-/media/Files/Meetings-and-Events/Resources-from-Past- Events/Conferences/2013/Professional-Practice/May- 1/NTC_Hematology_May_1_2013.pdf?la=en&hash=AACF4E3319B26C1F240F578290A891584EAF570A .
5. Friday, May 23, 2014 Tweet. (n.d.). Hematology Analyzers-From Complete Blood Counts to Cell Morphology. Retrieved from https://www.labcompare.com/10- Featured-Articles/162042-Hematology-Analyzers-From-Complete-Blood-Counts-
to-Cell-Morphology/
6. Automated Hematology Cell Counters Automated-Hematology-Cell-Counters. Retrived from site.iugaza.edu.ps/akhudair/files/Automated-Hematology-Cell- Counters.pptx.
7. Development, History, and Future of Automated Cell Counters Green R., Wachsmann-Hogiu S. (2015) Clinics in Laboratory Medicine, 35 (1), pp. 1-10.
8. Automated HematologyAnalyzer Operation Manual
9. Cơ sở lý thuyết chung về máy xét nghiệm huyết học.
10. PGS. TS. BS. Đặng Thị Ngọc Dung, TS. Nguyễn Trọng Tuệ (2023). “ Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu”. Kỹ thuật và thiết bị xét nghiệm y học. Nhà xuất bản y học, trang 265-280. Tải bản pdf tại đây.