Cao huyết áp nặng ở trẻ em: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Trungtamthuoc.com - Cao huyết áp nặng ở trẻ có thể do nguyên phát hoặc thứ phát. Tuy nhiên, nếu trẻ càng ít tuổi và huyết áp tăng cào cao thì khả năng nhiều hơn đó là tăng huyết áp thứ phát. Vậy cao huyết áp nặng trẻ em điều trị như thế nào?
1 Tăng huyết áp nặng là gì?
Hầu hết mọi người nghĩ về huyết áp cao là một tình trạng xảy ra ở người lớn, đặc biệt là người cao tuổi. Nhưng huyết áp cao có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi - kể cả trẻ nhỏ. [1]
Ở trẻ em dưới 13 tuổi, huyết áp cao được định nghĩa là huyết áp ở phân vị thứ 90 hoặc cao hơn theo tuổi, chiều cao và giới tính, và tăng huyết áp được định nghĩa là huyết áp ở 95 percentile trở lên. Ở thanh thiếu niên từ 13 tuổi trở lên, huyết áp cao được định nghĩa là huyết áp tâm thu từ 120 đến 129 mm Hg và tâm trương dưới 80 mm Hg, và tăng huyết áp được định nghĩa là huyết áp từ 130/80 mm Hg trở lên. [2]
Cao huyết áp nặng là cơn tăng huyết áp của trẻ, đây là một tình trạng cần cấp cứu kịp thời. Trong đó, dựa vào biểu hiện triệu chứng và biến chứng xảy ra, người ra chia thành cơn tăng huyết cấp cứu và cơn tăng huyết áp khẩn trương. Tăng huyết áp cấp cứu là những cơn tăng huyết áp nghiêm trọng, và làm tổn thương các cơ quan trong cơ thể, cần được kiểm soát trong 1 đến 2 giờ.
Tăng huyết áp khẩn trương là cơn tăng huyết áp cao, chưa có tổn thương nội tạng cơ thể, và có thể hạ huyết áp từ từ trong 1 đến 2 ngày.
2 Nguyên nhân gây tăng huyết áp nặng ở trẻ
Tăng huyết áp ở trẻ có thể do nguyên phát hoặc thứ phát. Tuy nhiên, nếu trẻ càng ít tuổi và huyết áp tăng cào cao thì khả năng nhiều hơn đó là tăng huyết áp thứ phát.
Trong đó, với các bé sơ sinh thì nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát chủ yếu là do hậu quả của các bệnh như: Huyết khối động mạch hay tĩnh mạch thận, thận bị bất thường bẩm sinh, hẹp động mạch chủ hay loạn sản phế quản - phổi.
Các bé từ 1 đến 6 tuổi thì nguyên nhân chủ yếu là hẹp động mạch thận, nhu mô thận bị tổn thương, khối u Wilms ở thận. Hoặc trẻ cũng có thể bị cơn cao huyết áp do có u nguyên bào thần kinh hay hẹp van động mạch chủ.
Các bé 7 - 12 tuổi và thanh thiếu niên, thường cao huyết áp nặng do bệnh nhu mô thận, bất thường mạch máu, nội tiết hay tiền sử bệnh cao huyết áp.
Ngoài ra, có những trường hợp trẻ có cơn cao huyết áp nhưng không rõ nguyên nhân.
3 Trẻ bị cao huyết áp nặng có biểu hiện như thế nào?
Như phần trên chúng tôi đã đề cập, cao huyết áp nặng xảy ra khi trẻ có tiền sử cao huyết áp, hoặc có thể là phát hiện lần đầu tiên. Các triệu chứng của bệnh tùy theo nguyên nhân và biến chứng xảy ra mà có biểu hiện khác nhau. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể chỉ ra trường hợp khẩn cấp về cơn cao huyết áp nặng ở trẻ em bao gồm:
- Nhức đầu.
- Co giật.
- Nôn mửa.
- Đau ngực.
- Nhịp tim nhanh, đập mạnh hoặc đánh trống ngực.
- Hụt hơi. [3]
Trẻ sẽ có biểu hiện huyết áp tăng cao vượt ngưỡng bình thường và có thể có một hoặc nhiều biến chứng tăng huyết áp ở trẻ em như phù phổi, suy tim, rối loạn thị giác. Ở những trẻ có cơn cao huyết áp do nguyên nhân ở thận thì có thể dẫn đến biến chứng suy thận. Thậm chí, hậu quả của các cơn cao huyết áp này có thể khiến trẻ co giật, tăng áp lực nội sọ, phù não dẫn đến tai biến và liệt từng phần..
4 Điều trị và phòng ngừa cao huyết áp nặng ở trẻ em
Nguyên tắc điều trị cao huyết áp nặng đó là điều trị cơn cao huyết áp, các biến chứng và nguyên nhân gây bệnh.
Điều trị cao huyết áp nặng ở trẻ
Trước tiên để điều trị cơn cao huyết áp nặng, ta cho trẻ sử dụng các thuốc như sau:
- Truyền tĩnh mạch bằng nicardipine với liều trong 10 phút đầu tiên là từ 10 đến 20 µg/kg, rồi giảm xuống duy trì từ 0,5-3 µg/kg mỗi phút. Nicardipine có tác dụng sau 5 phút đến 1 giờ kể từ khi bắt đầu truyền.
- Hoặc truyền tĩnh mạch natri nitroprusside liên tục với liều từ 1 đến 8 µg/ kg mỗi phút. Thuốc này sẽ có tác dụng sau khi truyền vài giây, không truyền tĩnh mạch cho trẻ lâu hơn 2 ngày.
- Hoặc tiêm tĩnh mạch bằng Labetalol liều 0,3mg/kg, sau 10 phút có thể dùng nhắc lại với liều từ 0,6 đến 1 mg/kg. Sau đó truyền tĩnh mạch duy trì cho trẻ với liều từ 5 đến 20µg/kg mỗi phút.
- Hoặc cho trẻ dùng captopril theo đường ngậm dưới lưỡi với liều 0,2 mg/kg. Sau khoảng từ 15 đến 30 phút thuốc sẽ có tác dụng.
Nếu trẻ có biểu hiện bị ứ nước và muối, hay ứ huyết phổi thì tiêm tĩnh mạch chậm Furosemide với liều 1 mg/kg.
Trong quá trình điều trị cho trẻ cần phải theo dõi liên tục mỗi 15 phút huyết áp, nhịp thở và tri giác để điều chỉnh, đến khi huyết áp ổn định thì thôi.
Đồng thời điều trị các biến chứng nếu có ở trẻ theo hướng dẫn như phù phổi cấp, tăng áp lực nội so hay co giật.
Nếu trẻ có cơn đau thắt ngực có thể cân nhắc sử dụng để ngậm dưới lưỡi với liều isosorbide dinitrate 0,5 mg/kg.
Sau khi điều trị cấp cứu, trẻ bệnh cao huyết áp ta cho trẻ điều trị bằng cách dùng một hay kết hợp các thuốc sau theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa:
- Uống nifedipin giải phóng chậm với liều mỗi ngày từ 1 đến 3 mg/kg, ngày dùng 2 lần.
- Mỗi ngày uống 1 lần duy nhất Amlodipin với liều từ 0,1 đến 0,2mg/kg.
- Hoặc có thể dùng captopril với liều mỗi ngày từ 1 đến 3mg/kg, chia 3 đến 4 lần trong ngày. Không dùng captopril cho trẻ bị suy thận, hẹp động mạch thận.
- Hoặc uống Metoprolol với liều mỗi ngày từ 1 đến 2mg/kg, chia làm 2 lần trong ngày.
5 Phòng ngừa tái phát bệnh cao huyết áp ở trẻ em
Sau khi điều trị cha mẹ cũng cần phải duy trì cho trẻ chế độ sinh hoạt hợp lý, cơ thể phát triển cân đối để tránh béo phì, nguy cơ tim mạch và huyết áp cao.
Đồng thời phải ăn uống khoa học, không ăn những đồ quá nhiều đường, dầu mỡ, đồ ăn nhanh, cũng như đồ ăn quá mặn. Bổ sung thêm vào bữa ăn của trẻ nhiều chất xơ như rau xanh, hoa quả tươi.
Hướng dẫn trẻ, có chế độ tập thể dục thể thao, hoạt động ngoài trời hợp lý,từ đó nâng cao sức khỏe tim mạch và phát triển cân đối. Đồng thời, không cho trẻ dành quá nhiều thời gian để xem tivi, chơi game…
Không những thế, cha mẹ cần dành thêm thời gian trò chuyện, vui chơi với con để hỗ trợ trẻ giảm bớt stress, căng thẳng trong học tập hay cuộc sống.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc hiểu rõ hơn về cao huyết áp nặng ở trẻ để điều trị kịp thời và phòng tránh tái phát.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia của WebMD, High Blood Pressure in Children, WebMD. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả:Margaret Riley 1, Anita K Hernandez 1, Angela L Kuznia, High Blood Pressure in Children and Adolescents, NCBI. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Mayoclinic, High blood pressure in children, Mayoclinic. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2021