Cách vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh? Bé bú xong bao lâu thì vỗ ợ hơi?
Trungtamthuoc.com - Không khí mà em trẻ nuốt vào trong mỗi lần bú có thể cản trở quá trình tiêu hóa của trẻ, khiến trẻ cảm thấy khó chịu và tạo điều kiện xuất hiện các vấn đề trong dạ dày. Chính vì điều này, cha mẹ có thể tập thói quen vỗ ợ hơi cho trẻ để giúp con thoải mái và hỗ trợ tiêu hóa. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy sẽ hướng dẫn quý bạn đọc cách vỗ ợ hơi cho trẻ
1 Ợ hơi là gì?
Ợ hơi là phản xạ tự nhiên của cơ thể giúp đẩy khí từ dạ dày qua miệng. Ợ hơi thường xuất hiện sau khi ăn hoặc uống, lúc này dạ dày đã no và cần giải phóng một phần khí tích tụ ra khỏi cơ thể để hạn chế tình trạng chướng bụng khó chịu. Ợ hơi cũng có thể do nuốt quá nhiều không khí, điều này có thể xuất hiện khi ăn hoặc uống quá nhanh. [1]
2 Tại sao cần vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh?
Khi trẻ bú sữa (đặc biệt là những trẻ bú bình) hoặc khi con khóc, bọt khí có thể được trẻ nuốt vào cùng với sữa, bị mắc kẹt trong dạ dày và gây khó chịu cho trẻ.
Tác dụng của việc vỗ ợ hơi cho trẻ:
- Ợ hơi giúp trẻ loại bỏ 1 phần bọt khí, hỗ trợ tiêu hóa, giúp bé ăn nhiều hơn đồng thời ngăn ngừa tình trạng nôn trớ do van dạ dày chưa phát triển đầy đủ nên không khí có thể gây áp lực và đẩy thức ăn ra bên ngoài.
- Ợ hơi đặc biệt phù hợp với những trẻ đang gặp tình trạng trào ngược dạ dày: Ợ hơi cũng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng trào ngược axit hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Khi cơ thắt thực quản dưới (LES) giãn ra, axit dạ dày có thể chảy ngược vào thực quản, gây ợ nóng. Ợ hơi giúp loại bỏ một số khí dư thừa cùng với axit, giúp giảm đau tạm thời.
- Ợ hơi giúp kích thích giúp trẻ ăn được nhiều hơn, tiêu hóa tốt hơn.
Tuy nhiên, không có khuyến cáo nào bắt buộc phải cho trẻ ợ hơi sau khi bú. Nhu cầu ợ hơi ở mỗi trẻ là không giống nhau, ví dụ trẻ bú mẹ thường ít cần ợ hơi hơn so với trẻ bú bình do có xu hướng nuốt ít không khí hơn. Những trẻ khóc quá nhiều hoặc bú quá nhanh cũng có xu hướng nuốt nhiều không khí hơn. Do đó, cha mẹ nên theo dõi các biểu hiện của con để tiến hành cho bé ợ hơi nếu cần thiết. Cha mẹ có thể tiến hành vỗ ợ hơi cho bé trong các trường hợp sau:
- Trẻ nhỏ thường xuyên quấy khóc, bú lâu, có xu hướng nôn trớ trong và sau khi bú.
- Trẻ nhỏ bị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
- Trẻ thường xuyên bú bình.
3 Bé bú xong bao lâu thì vỗ ợ hơi?
Thời điểm và tần suất vỗ ợ hơi cho trẻ phụ thuộc chủ yếu vào thời gian và cách cha mẹ cho con ăn:
Trong trường hợp trẻ bú bình, hãy cho bé ợ hơi ít nhất một lần, khoảng cách giữa các lần ợ hơi là sau khi bé bú được khoảng 50 - 90ml sữa.
Trong trường hợp mẹ cho con bú, hãy vỗ ợ hơi cho bé khi chuyển bé từ vú này sang vú kia để con có thể ăn được nhiều sữa hơn.
Tần suất và thời gian vỗ ợ hơi có thể tăng lên nếu trong khi bú, trẻ có biểu hiện khó chịu, quấy khóc hoặc bú lâu.
Nhiều mẹ đặt câu hỏi ‘vỗ ợ hơi nhưng bé không ợ thì có sao không?’. Trên thực tế, không phải trường hợp nào sau khi cho con ăn, tiến hành vỗ ợ hơi bé mà bé sẽ ợ được ra ngoài. Khi trẻ ợ hơi, mẹ có thể nghe được tiếng ợ của con. Nếu trường hợp mẹ không nghe được tiếng ợ của con cũng không nên quá lo lắng trừ khi bé có các biểu hiện như cong lưng, khó chịu, tay nắm chặt, bú lâu, nôn trớ,...Trong trường hợp này, mẹ nên cho con nằm ngửa, mát xa bụng nhẹ nhàng hoặc cho con thực hiện động tác giống như khi đạp xe đạp (đưa chân về phía bụng và ấn nhẹ). Nếu con vẫn liên tục quấy khóc thì cần tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên môn để được tư vấn kịp thời.
4 Bé bú xong ngủ có cần vỗ ợ hơi không?
Trẻ sơ sinh thường bú nhiều cữ trong một ngày, trong khi bú, bé có thể nuốt một lượng khí gây khó chịu.
Việc vỗ ợ hơi khi bé đang ngủ thường gây nhiều khó khăn vì có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của con. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn có thể thực hiện vỗ ợ hơi cho bé khi bé đã ngủ vì trẻ có thể tỉnh giấc nếu bị đầy bụng gây khó chịu.
5 Bé bú nằm có cần vỗ ợ hơi không?
Đối với trẻ sơ sinh, việc vỗ ợ hơi thường không phụ thuộc vào tư thế lúc trẻ bú mà phụ thuộc vào lượng khí con có thể nuốt vào trong khi ăn. Do đó, việc vỗ ợ hơi cho trẻ vẫn cần được thực hiện để tạo cảm giác thoải mái cho con đồng thời kích thích giúp con ăn được nhiều hơn.
6 Cách vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh
Có nhiều tư thế vỗ ợ hơi cho bé, cha mẹ nên thử tất cả các tư thế để lựa chọn tư thế phù hợp, khiến con thoải mái nhất.
Những lưu ý khi vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh:
- Chụm bàn tay lại trước khi vỗ, sẽ giúp bé dễ chịu, không khiến con cảm thấy đau đớn.
- Khi vỗ, nên vỗ dọc theo thắt lưng của con, từ dưới lên trên. Các động tác nên được thực hiện nhẹ nhàng.
- Thời gian vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh thường kéo dài từ 3-5 phút hoặc lâu hơn.
- Khi sử dụng biện pháp đặt bé nằm hoặc trên đùi, cha/mẹ tuyệt đối không được đặt tay lên phần cổ của bé, vì có thể gây đau đớn, khó chịu cho con, nguy hiểm hơn có thể gây ngạt thở.
Trong khi vỗ ợ hơi, bé có thể xuất hiện tình trạng nôn, trớ, cha mẹ không cần quá lo lắng, hãy chuẩn bị 1 chiếc khăn sữa để lau khi bé ợ ra bên ngoài. [2]
Mẹ có thể thường xuyên vỗ ợ hơi giữa các cữ sữa, kể cả khi trẻ bú ban ngày hoặc ban đêm để giúp bé dễ chịu, bú được nhiều sữa,...
Sau khi vỗ ợ hơi cho trẻ, cha/mẹ nên bé đứng thẳng từ 10-15 phút.
6.1 Bế trẻ trên vai
Cha/mẹ nên ngồi thẳng, để trẻ tựa vào ngực. Sau đó, mẹ để cằm của bé lên vai, một tay ôm bé sao cho lưng của bé thẳng đứng.
Tay còn lại giữ phần đầu và cổ của con, nhẹ nhàng xoa hoặc vỗ nhẹ vào lưng bé.
6.2 Cho bé ngồi trên đùi
Cha/mẹ có thể để con ngồi trên đùi.
Một tay đỡ phần cằm và ngực của con, tuyệt đối không để tay vào sát cổ vì có thể gây khó thở cho trẻ.
Nghiêng bé về phía trước, tay còn lại xoa hoặc vỗ nhẹ nhàng vào lưng con.
6.3 Cho bé nằm sấp trên đùi
Mẹ nên để bé nằm sấp ngang đùi của mẹ, quay mặt ra xa hoặc mẹ ôm bé và để con nằm trên cánh tay của mình
Một tay đỡ phần cằm của con, tay còn lại xoa hoặc vỗ nhẹ nhàng vào lưng của con. [3]
6.4 Cách vỗ ợ hơi khi bé nằm bú
Cha/mẹ có thể sử dụng 1 trong 3 kỹ thuật hoặc sử dụng cả 3 kỹ thuật bên trên để vỗ ợ hơi cho trẻ khi bé nằm bú.
6.5 Cách vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi
Cách vỗ ợ hơi cho bé 2 tháng tuổi và trẻ dưới 1 tháng tuổi nhìn chung cũng sử dụng 3 kỹ thuật trên: Bế trẻ trên vai, cho bé ngồi trên đùi, cho bé nằm sấp trên đùi. Tuy nhiên, đây là những đối tượng nhạy cảm, do đó cha mẹ cần hết sức thận trọng trong quá trình vỗ ợ hơi, áp dụng đúng kỹ thuật, sử dụng lực vừa đủ để tạo cảm giác thoải mái cho con.
7 Lưu ý khi vỗ ợ hơi cho trẻ
7.1 Theo dõi thói quen bú của con
Cách bú, nuốt hay thở của bé sẽ thay đổi theo độ tuổi. Trẻ sơ sinh cần được cha mẹ hỗ trợ vỗ ợ hơi, sự tích tụ không khí trong dạ dày có thể khiến con khó chịu.
7.2 Tạo thói quen vỗ ợ hơi cho trẻ
Ngoài việc ơ hơi sau khi bú, cha mẹ có thể cho trẻ ợ hơi trong khi bú nếu trẻ có dấu hiệu quấy khóc hoặc bú lâu.
Đối với trẻ bú bình, nên cho trẻ ợ hơi sau mỗi 50-90ml sữa con uống.
Đối với trẻ bú mẹ, nên vỗ ợ hơi sau mỗi lần bú.
7.3 Áp dụng kỹ thuật cho bé bú bình đúng cách
Mặc dù bú bình có nhiều khả năng gây đầy hơi hơn nhưng có nhiều cách để giảm thiểu lượng không khí bé nuốt vào bao gồm:
- Không nên pha sữa đầy bình.
- Lựa chọn bình và núm vú phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của trẻ. Dòng chảy quá nhanh hoặc quá nhiều có thể khiến bé ngạt thở, dòng chảy quá chậm có thể khiến bé bú mạnh hơn từ đó dẫn đến tình trạng nuốt nhiều không khí.
- Giữ bình sữa ở góc 45 độ trở xuống để đảm bảo núm vú luôn chứa đầy sữa.
- Ngừng cho ăn khi bé có dấu hiệu no.
8 Không vỗ ợ hơi cho bé có sao không?
Như đã đề cập, việc vỗ ợ hơi cho trẻ không nhất thiết phải thực hiện khi trẻ không có nhu cầu. Cần theo dõi thói quen bú, biểu hiện khi bú của con để tiến hành vỗ ợ hơi khi cần thiết.
9 Khi nào không cần vỗ ợ hơi cho bé?
Trẻ sơ sinh cần được cha mẹ hỗ trợ vỗ ợ hơi, sau đó, khi trẻ được 4-6 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của con dần hoàn thiện, cơ thể cứng cáp, có thể tự đẩy khí ra khỏi dạ dày thông qua các hoạt động thường ngày mà không cần sự hỗ trợ của cha mẹ.
10 Kết luận
Tóm lại, cho bé ợ hơi sau mỗi lần bú là là thói quen cần thiết trong khi chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.Vỗ ợ hơi giúp ngăn ngừa tình trạng đau bụng, khó chịu, trào ngược dạ dày, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển ở trẻ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thời gian vỗ ợ hơi ở mỗi trẻ là khác nhau, việc lựa chọn tư thế khiến con thoải mái cũng khác nhau nên cha mẹ cần kiên trì thực hiện.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả Karen Gill, M.D. và cộng sự (Ngày đăng 6 tháng 9 năm 2018). Illustrated Guide for Burping Your Sleeping Baby, Healthline. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2023
- ^ Tác giả R Kaur và cộng sự (Ngày đăng tháng 1 năm 2015). A randomized controlled trial of burping for the prevention of colic and regurgitation in healthy infants, PubMed. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2023
- ^ Dịch vụ y tế quốc gia. Burping your baby, NHS. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2023