1. Trang chủ
  2. Nhi Khoa
  3. Cách trữ đông sữa mẹ và hướng dẫn bảo quản sữa mẹ đúng cách

Cách trữ đông sữa mẹ và hướng dẫn bảo quản sữa mẹ đúng cách

Cách trữ đông sữa mẹ và hướng dẫn bảo quản sữa mẹ đúng cách

Trungtamthuoc.com - Trữ đông sữa mẹ là phương pháp giúp bảo quản sữa mẹ trong thời gian dài khi con chưa cần sử dụng đến. Vậy cách trữ đông sữa như thế nào để sữa giữ được tối đa dưỡng chất cho con? Những lưu ý khi trữ đông sữa? Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết

1 Tại sao cần trữ đông sữa mẹ?

Sữa mẹ trữ đông và sữa công thức sữa nào tốt hơn
Sữa mẹ trữ đông và sữa công thức sữa nào tốt hơn

Sữa mẹ cung cấp dưỡng chất mà trẻ sơ sinh cần trong những tháng đầu đời. Sữa mẹ chứa các enzyme, hormone và kháng thể thiết yếu. Những dưỡng chất này rất quan trọng cho sự tăng trưởng, phát triển bình thường và sức khỏe của trẻ.

Việc bảo quản sữa một cách an toàn sẽ giúp cho các dưỡng chất được giữ lại tối đa đồng thời cũng giúp bảo vệ sữa khỏi sự phát triển của vi khuẩn trong khi bảo quản.

Nhiều mẹ có nguồn sữa dồi dào, phải vắt sữa bỏ đi khi trẻ không bú. Việc vắt sữa thường xuyên sẽ duy trì được nguồn sữa và hạn chế tình trạng căng tức vùng ngực. Do đó, nếu con không sử dụng sữa sau khi vắt trong vòng 4 ngày, việc trữ đông sữa là điều cần thiết để hạn chế tối đa tình trạng lãng phí sữa mẹ.

Sữa mẹ trữ đông và sữa công thức sữa nào tốt hơn? Dinh dưỡng trong sữa mẹ nếu được trữ đông đúng cách vẫn được giữ lại tối ưu, do đó mẹ có thể cho con sử dụng sữa trữ đông mà không cần lo lắng.

2 Trẻ uống sữa mẹ trữ đông có tốt không?

Trữ đông là phương pháp giúp bảo quản sữa mẹ trong thời gian dài. Việc trữ đông sữa mẹ giúp duy trì chất lượng của sữa mẹ sau khi vắt và đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ.

Sữa mẹ được bảo quản trong tủ lạnh trữ sữa mẹ hoặc rã đông từ tủ lạnh có thể có kết cấu khác so với sữa tươi khi mới vắt do bị tách lớp kem và lớp sữa. Tuy nhiên, quá trình hâm nóng và khuấy trộn giúp sữa mẹ có trạng thái như ban đầu.

Một số kháng thể trong sữa mẹ có thể giảm dần theo thời gian đông lạnh. Mùi vị của sữa cũng có thể có những thay đổi nhỏ. Tuy nhiên, những thay đổi này không gây hại đối với trẻ sơ sinh.

3 Cách bảo quản và trữ đông sữa mẹ

Hướng dẫn bảo quản sữa mẹ phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm:

  • Loại sữa mẹ.
  • Nơi bảo quản.
  • Nhiệt độ bảo quản.
  • Trẻ đủ tháng khỏe mạnh và trẻ sinh non.

3.1 Hút sữa

Mẹ có thể vắt sữa bằng tay hoặc sử dụng máy vắt sữa.

Trước khi hút sữa, mẹ cần vệ sinh tay và dụng cụ hút sữa, đảm bảo vô trùng tất cả các bộ phận bao gồm núm vú, bình sữa và bất kỳ bộ phận nào tiếp xúc với ngực hoặc sữa của mẹ.

Khử trùng bằng cách đun sôi nước, sau đó nhúng các bộ phận trong nước sôi từ 5-10 phút. Mẹ có thể tham khảo hướng dẫn khử trùng của nhà sản xuất để thực hiện các thao tác cho chính xác.

Sau mỗi lần hút sữa, cần vệ sinh lại dụng cụ bằng xà phòng chuyên dụng.

3.2 Phương pháp bảo quản sữa mẹ sau khi vắt sữa

Sữa mẹ sau khi vắt có thể bảo quản bằng nhiều cách. Một số hướng dẫn bảo quản sữa mẹ sau khi vắt:

  • Làm lạnh sữa mẹ càng sớm càng tốt.
  • Nên bảo quản sữa thành từng túi nhỏ, mỗi túi chứa khoảng 60-120ml sữa hoặc mẹ có thể cấp đông lượng sữa theo từng cữ của con, hạn chế tình trạng lãng phí sữa. Bên cạnh đó, việc bảo quản sữa thành từng túi nhỏ cũng tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình rã đông sữa.
  • Không nên đổ đầy túi hoặc bình chứa sữa vì sữa có xu hướng nở ra khi làm lạnh.
  • Mỗi túi sữa nên được ghi ngày tháng cấp đông, việc sử dụng sữa mẹ nên được tuân thủ theo nguyên tắc ‘nhập trước, xuất trước’ có nghĩa là sữa cấp đông trước sẽ được sử dụng trước và ngược lại, sữa cấp đông sau sẽ được sử dụng sau.
  • Không nên đổ sữa mới vắt vào túi hoặc chai đựng sữa đã cấp đông trước đó.
  • Việc bảo quản sữa cần tránh lây nhiễm chéo với các thực phẩm khác.

3.3 Nhiệt độ bảo quản sữa mẹ

Hướng dẫn bảo quản sữa mẹ
Hướng dẫn bảo quản sữa mẹ

Sữa mẹ có thể bảo quản trong tối đa 6 tháng khi ở nhiệt độ -18 độ C và tối đa 9-12 tháng ở nhiệt độ -20 độ C.

Tuy nhiên, nên sử dụng sữa trữ đông càng sớm càng tốt, sữa trữ đông vẫn được bảo toàn được hầu hết các dưỡng chất trong vòng 1 tháng, sau 3 tháng để tủ đông, nồng độ chất béo, calo và các chất dinh dưỡng đa lượng khác có thể giảm đáng kể. [1]

Dưới đây là hướng dẫn bảo quản sữa mẹ cho trẻ đủ tháng khỏe mạnh [2]:

 Vị trí và nhiệt độ trữ đông sữa
 

Nhiệt độ phòng (dưới 25 độ C)

Tủ lạnh (4 độ C)

Tủ đông (-18 độ C)

Sữa mẹ mới vắt

Tối đa 4 giờ

Tối đa 4 ngày

Trong vòng 6 tháng hoặc có thể lên tới 12 tháng

Sữa mẹ đã trữ đông trước đó

1-2 giờ

Tối đa 24 giờ

Không trữ đông lại sữa mẹ sau khi đã rã đông

Sữa trẻ bú thừa

Nên sử dụng trong vòng tối đa 2 giờ sau khi trẻ bú xong do khi bé bú sữa mẹ vắt ra từ cốc hoặc bình, vi khuẩn từ miệng bé có thể xâm nhập vào sữa một cách tự nhiên gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa

Nếu bé đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU) hoặc khu chăm sóc đặc biệt, các bác sĩ trong bệnh viện có thể đưa ra các khuyến nghị nghiêm ngặt hơn về việc vệ sinh và bảo quản sữa.

3.4 Quy định lưu trữ sữa của Bộ Y tế

Dưới đây là hướng dẫn lưu trữ sữa của Bộ Y tế có hiệu lực từ 26 tháng 12 năm 2019 [3]

Vị trí và nhiệt độ lưu trữThời gian lưu trữ sữaMột số lưu ý
Nhiệt độ phòng (16 đến 29 độ C)

Thời gian lưu trữ sữa dưới 4 giờ

Đối với môi trường có nhiệt độ cao hơn:

Thời gian lưu trữ sữa là 3-4 giờ.

Thay thế toàn bộ sữa sau mỗi 4 tiếng

Nguy cơ ô nhiễm tiềm tàng nếu sữa lưu trữ sữa ở đầu giường

Bảo quản sữa trong bình chứa có nắp hoặc được buộc kín ở đầu

Luôn dán nhãn có tên trẻ, số hồ sơ bệnh án, ngày tháng năm sinh của trẻ để tránh nguy cơ nhầm lẫn

Bảo quản trong tủ lạnh (nhiệt độ 4 độ C)72 giờ

Bảo quản sữa trong bình chứa có nắp hoặc được buộc kín ở đầu

Luôn dán nhãn có tên trẻ, số hồ sơ bệnh án, ngày tháng năm sinh của trẻ để tránh nguy cơ nhầm lẫn

Nên đặt sữa của mỗi bé vào trong một hộp riêng, dán nhãn đầy đủ

Bảo quản trong tủ đông (dưới -17 độ C)6 tháng đến 12 tháng

Dán nhãn, trên nhãn có ghi tên trẻ, số hồ sơ bệnh án, ngày sinh của trẻ

Sử dụng bình sữa có nắp đậy

Nên đặt sữa của mỗi bé vào trong một hộp riêng, dán nhãn đầy đủ

Rã đông sữa từ tủ đôngRã đông sữa bằng cách cho vào tủ lạnh hoặc dưới vòi nước chảy

Kiểm soát nguy cơ ô nhiễm sữa từ nguồn nước

Không sử dụng nước nóng để giã đông sữa từ tủ đông

4 Sữa mẹ để ngăn mát rồi trữ đông được không?

Đây là câu hỏi mà nhiều mẹ thắc mắc. Theo khuyến cáo của CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ), sữa mẹ nên được sử dụng trong tối đa là 4 ngày sau khi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Do sữa mẹ có đặc tính làm chậm sự phát triển của vi khuẩn có hại, tuy nhiên các đặc tính này có xu hướng giảm dần theo thời gian. Do đó, nếu con không sử dụng sữa mẹ trong vài ngày thì mẹ nên tiến hành đông lạnh sữa càng sớm càng tốt. [4]

5 Những lưu ý khi bảo quản sữa mẹ

Dụng cụ chứa sữa phải khô ráo và đảm bảo vệ sinh trước khi tiến hành vắt sữa cho con.

Đối với sữa mẹ mới vắt, mẹ có thể cho con bú trong vòng tối đa 4 giờ ở nhiệt độ phòng (dưới 25 độ C) và 4 ngày trong tủ lạnh.

Để hạn chế tình trạng lãng phí, mẹ nên bảo quản sữa theo từng lượng nhỏ, mỗi túi hoặc mỗi cốc đựng sữa nên chứa 60-120ml. Phần sữa còn lại sau khi bé bú cần được sử dụng trong vòng tối đa 2 giờ.

Sử dụng dụng cụ thủy tinh vô trùng hoặc bình Nhựa cứng không chứa BPA có nắp đậy kín. Không nên sử dụng các dụng cụ chứa sữa có số tái chế 3 hoặc 7 vì có thể chứa Bisphenol A (BPA) gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Trong trường hợp mang sữa đi xa (đi chơi, đi du lịch), sữa mẹ nên được bảo quản trong túi đá tối đa 24 giờ, sau đó có thể tiếp tục bảo quản trong tủ đông khi chưa cần sử dụng.

Sữa mẹ nếu bảo quản không đúng cách có thể bị hỏng, sữa mẹ bị hỏng thường có mùi, vị khó chịu, khác biệt so với sữa mẹ khi mới vắt. Không nên sử dụng sữa mẹ khi có dấu hiệu bị hỏng vì có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con.

Nên trữ đông sữa mẹ bằng tủ đông riêng hoặc phía sâu bên trong tủ đông, không nên bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đá của tủ lạnh vì việc đóng mở cửa tủ thường xuyên có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa.

6 Cách sử dụng sữa mẹ trữ đông

6.1 Cách rã đông sữa mẹ

Sữa mẹ có thể mất 12 tiếng để rã đông hoàn toàn, do đó, cha mẹ nên tạo thói quen rã đông sữa của con từ tối hôm trước để con có sữa uống vào buổi sáng hôm sau.

Cách 1: Để sữa từ ngăn đông tủ lạnh xuống ngăn mát tủ lạnh.

Cách 2: Để sữa từ ngăn đông tủ lạnh vào chậu nước lạnh hoặc dưới vòi nước lạnh.

Cách 3: Sử dụng máy rã đông sữa: Thay vì ngâm sữa trong chậu nước, mẹ có thể sử dụng máy hâm sữa để rã đông sữa cho con. Đậy kín bình hoặc túi đựng sữa trước khi tiến hành hâm nóng sữa cho trẻ.

6.2 Rã đông sữa mẹ bằng nước ấm

Bước 1: Chuẩn bị bát nước ấm.

Bước 2: Cho bịch sữa lấy từ ngăn mát của tủ lạnh, ngâm vào bát nước ấm hoặc để dưới vòi nước ấm.

Bước 3: Thay nước đều đặn trong bát cho đến khi sữa được rã đông hoàn toàn, nhiệt độ của sữa bằng nhiệt độ phòng.

Bước 4: Tiến hành hâm nóng sữa và lắc đều sữa cho trẻ uống.

6.3 Cách rã đông sữa mẹ bằng máy hâm sữa

Máy hâm sữa cho con
Máy hâm sữa cho con

Bước 1: Cho nước vào khoang của máy, cần lưu ý rằng, mỗi loại máy sẽ có hướng dẫn cụ thể khác nhau, mẹ nên đọc hướng dẫn của máy trước khi sử dụng.

Bước 2: Chọn chế độ rã đông sữa.

Bước 3: Chờ máy hoàn thành chu trình rã đông sữa, sau đó hâm sữa cho bé sử dụng.

Việc sử dụng máy rã đông sữa mẹ có thể được coi là cách rã đông sữa mẹ nhanh nhất, rút ngắn thời gian và tiện lợi với cha mẹ.

7 Sữa mẹ rã đông để ngăn mát được bao lâu?

Dưới đây là hướng dẫn thời gian sử dụng sữa mẹ sau khi rã đông:

Bảo quản sữa sau khi rã đông

Thời gian sử dụng sữa để đảm bảo an toàn

Ở nhiệt độ phòng (25 độ C)

Sử dụng trong vòng 1-2 giờ sau khi rã đông

Ngăn mát trong tủ lạnh (4 độ C)

Sử dụng trong vòng 24 giờ sau khi rã đông

Ngăn đông của tủ lạnh (-18 độ C)

Không đông lạnh lại sữa sau khi đã rã đông

8 Cách sử dụng sữa mẹ để ngăn mát tủ lạnh

Sữa mẹ sau để ngăn mát của tủ lạnh có thể bảo quản được tối đa trong 4 ngày, khi muốn sử dụng, mẹ chỉ cần bỏ bịch sữa ra bên ngoài ở nhiệt độ phòng hoặc ngâm trong bát nước ấm cho đến khi sữa nguội hoàn toàn. Lúc này, mẹ có thể cho con sử dụng trực tiếp hoặc hâm lại sữa nếu cần thiết.

9 Cách nhận biết sữa mẹ rã đông bị hư

Cách nhận biết sữa mẹ bị hư
Cách nhận biết sữa mẹ bị hư

Việc trữ đông và rã đông sữa không đúng cách có thể gây nên tình trạng sữa bị hư hỏng, nếu vô tình cho trẻ bú có thể gây nên những tác dụng bất lợi cho con. Do đó, mẹ luôn cần kiểm tra sữa sau khi rã đông để đảm bảo an toàn cho con. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết sữa mẹ đã bị hư hỏng sau khi rã đông:

9.1 Sữa mẹ có mùi chua

Sữa mẹ có chứa Lipase giúp phân hủy chất béo cho bé. Ở những bà mẹ có lượng lipase cao trong sữa mẹ, enzyme này có thể khiến sữa mẹ rã đông có mùi chua hoặc xà phòng, do đó mẹ không cần quá lo lắng.

9.2 Sữa mẹ bị nổi váng sau khi rã đông

Sữa mẹ khi trữ đông có thể bị tách lớp, chất béo sẽ nổi lên trên bề mặt. Khi lắc hoặc khuấy đều, lớp chất béo này sẽ hòa cùng với sữa thì chất lượng sữa mẹ vẫn được bảo quản. Tuy nhiên, nếu lớp váng vẫn nổi lên trên bề mặt thì mẹ không nên cho bé bú vì có thể lúc này sữa mẹ đã bị hỏng.

9.3 Sữa mẹ có mùi, vị khó chịu

Mẹ có thể nhận biết dấu hiệu bất thường của sữa thông qua việc ngửi hoặc nếm thử sữa mẹ. Nếu sữa có mùi vị khó chịu thì sữa đã bị hỏng, dinh dưỡng trong sữa không còn đảm bảo. Việc sử dụng sữa đã hỏng cho trẻ có thể gây ra những tác dụng không mong muốn.

9.4 Bé không chịu bú sữa sau khi rã đông

Trong trường hợp trẻ quấy khóc, không chịu ăn sữa, mẹ cần kiểm tra lại chất lượng sữa vì đây cũng có thể là dấu hiệu nhận biết sữa mẹ bị hỏng.

10 Lưu ý khi rã đông sữa mẹ

Những lưu ý khi rã đông sữa mẹ
Những lưu ý khi rã đông sữa mẹ

Rã đông sữa mẹ theo nguyên tắc ‘trữ đông trước, rã đông trước’.

Có thể làm ấm sữa trước khi cho con uống. Không sử dụng lò vi sóng để rã đông hoặc hâm nóng sữa vì có ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Ngoài ra, lò vi sóng có thể tạo ra những điểm nóng gây bỏng lưỡi của trẻ.

Trong trường hợp rã đông sữa bằng máy hâm sữa, cha mẹ cần kiểm tra nhiệt độ của sữa trước khi cho con bú bằng cách nhỏ một vài giọt sữa lên da vùng cổ tay hoặc cánh tay.

Sữa mẹ sau khi trữ đông có xu hướng tách thành từng lớp, lớp chất béo sẽ nổi lên trên. Lắc nhẹ bình để trộn đều các lớp trước khi cho bé ăn. Khuấy hoặc lắc mạnh có thể làm hỏng một số thành phần dinh dưỡng của sữa. Bên cạnh đó, không nên lắc sữa quá mạnh vì bọt khí sinh ra trong quá trình lắc sữa có thể gây nên tình trạng chướng hơi, đầy bụng ở trẻ.

Nếu sữa sau khi rã đông có dấu hiệu bất thường, cần kiểm tra xem sữa có bị hư hỏng không.

Không rã đông sữa mẹ ở nhiệt độ phòng. Không thay đổi nhiệt độ bảo quản sữa một cách đột ngột (không để sữa từ ngăn đông của tủ lạnh ra bên ngoài nhiệt độ phòng) vì có thể làm mất đi dưỡng chất trong sữa.

Sau khi rã đông, nếu trẻ bú không hết, sữa mẹ còn thừa chỉ nên sử dụng trong vòng 2 giờ.

Không phải máy hâm sữa nào cũng có chế độ rã đông sữa, do đó mẹ cần lưu ý khi lựa chọn máy rã đông sữa cho con.

11 Cách dồn sữa mẹ trong ngày

Mẹ có thể trộn lẫn sữa mới vắt với sữa được vắt trước đó theo nguyên tắc:

  • Đảm bảo vệ sinh trước, trong và sau khi vắt sữa.
  • Trẻ sơ sinh đảm bảo đủ tháng: Việc trộn sữa chỉ áp dụng cho trẻ sinh đủ tháng và khỏe mạnh.
  • Sữa mẹ chỉ nên trộn lẫn trong cùng 1 ngày, không nên trộn lẫn với sữa mẹ của ngày hôm trước.
  • Dồn sữa mẹ ở cùng một nhiệt độ, nghĩa là không nên trộn sữa mẹ mới vắt với sữa đông lạnh, lúc này mẹ nên làm nguội sữa mới vắt trước khi tiến hành trộn với sữa đã được làm lạnh.

12 Cách vận chuyển sữa mẹ trữ đông khi đi xa

Việc vắt sữa thường xuyên giúp giảm tình trạng căng tức và duy trì nguồn sữa đều đặn cho con. Do đó, việc bảo quản sữa khi đi du lịch như thế nào để đảm bảo tối ưu nguồn dưỡng chất cho con được nhiều mẹ thắc mắc.

Không giống như các loại thực phẩm thông thường, sữa mẹ cần có kỹ thuật bảo quản thích hợp với một số nguyên tắc:

Lên kế hoạch về việc bảo quản sữa, cách vận chuyển, loại phương tiện di chuyển, địa điểm lưu trú và phương thức bảo quản sữa tại nơi lưu trú.

Bảo quản sữa mẹ trong hộp đựng chắc chắn, đảm bảo thùng đựng sữa mẹ không bị rò rỉ trong quá trình vận chuyển.

Giữ vệ sinh dụng cụ vắt sữa, máy hút sữa,...

Sử dụng túi đông lạnh hoặc túi đựng nước đá để sữa mẹ luôn ở nhiệt độ bảo quản tối ưu trong suốt quá trình vận chuyển.

Trong trường hợp sữa mẹ bị rã đông hoàn toàn trong quá trình di chuyển, cần cho bé sử dụng trong vòng 24 giờ, không rã đông lại.

13 Kết luận

Sữa mẹ tươi là dòng sữa cung cấp nhiều dưỡng chất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc sử dụng sữa tươi giúp trẻ nhận được toàn bộ lượng dưỡng chất có trong sữa. Tuy nhiên, mẹ vẫn có thể trữ đông sữa khi cần thiết.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả Nadia Raquel García-Lara và cộng sự (Ngày đăng tháng 8 năm 2012). Effect of Freezing Time on Macronutrients and Energy Content of Breastmilk, PubMed. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2023
  2. ^ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ. Proper Storage and Preparation of Breast Milk, CDC. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2024 
  3. ^ Quyết định Hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong chăm sóc trẻ sơ sinh, tải bản PDF tại đây
  4. ^ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ. If I don’t use breast milk stored in the refrigerator within a few days, can I still freeze it to use later?, CDC. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2024

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      hotline
      0868 552 633
      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633