[MÁCH BẠN] Cách đặt thuốc âm đạo chuẩn xác và dễ hiểu cho chị em
Trungtamthuoc.com - Thuốc được hấp thu vào cơ thể qua nhiều con đường khác nhau, phổ biến nhất là đường uống và đường tiêm. Tuy nhiên, đôi khi thuốc cũng đi vào tuần hoàn thông qua con đường khác, chẳng hạn như qua đường âm đạo. Vậy, cách sử dụng loại thuốc đặc biệt này như thế nào? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu trong bài viết này nhé.
1 Thuốc đặt âm đạo là gì? Khi nào cần sử dụng?
1.1 Thế nào là thuốc đặt âm đạo?
Thuốc đặt âm đạo là các thuốc dạng rắn khi ở nhiệt độ thường, có hình bầu dục hoặc hình viên đạn, được chèn vào trong âm đạo của nữ giới bằng một dụng cụ chuyên dùng, đôi khi bạn cũng có thể dùng tay nhưng phải đảm bảo độ sạch sẽ và đúng kỹ thuật. Sau khi nằm đúng vị trí, chúng sẽ tan chảy ra bởi thân nhiệt (khoảng 37 độ C) và nhanh chóng hấp thu vào tuần hoàn máu và phát huy tác dụng.
1.2 Tác dụng của thuốc đặt âm đạo
Thuốc đặt âm đạo trong nhiều trường hợp được sử dụng thay thế cho các con đường khác, nhất là thuốc uống, khi bạn không thể nuốt được hay có các vấn đề ở tiêu hóa như bị kích ứng, không dung nạp được… hoặc muốn cho tác dụng nhanh ở khu vực vùng kín như thuốc đặt làm thơm vùng kín, giúp se khít “cô bé” hay trị viêm âm đạo…
Có hai mục đích chính của thuốc đặt âm đạo là cho tác dụng toàn thân như kiểm soát sinh sản (Utrogestan chứa Progesterone 200mg), cải thiện các triệu chứng mãn kinh (thuốc chứa Estradiol)... và thuốc đặt cho tác dụng tại chỗ như điều trị nhiễm nấm, nhiễm khuẩn, viêm ngứa, khí hư…(kháng sinh, kháng nấm, chống viêm…), chẳng hạn như thuốc đặt viêm phụ khoa hình viên đạn, thuốc đặt âm đạo hình trứng...
Nói tóm lại, bạn nên sử dụng thuốc đặt âm đạo trong các trường hợp:
- Thuốc bạn đang dùng sẽ phân hủy quá nhanh trong đường tiêu hóa nếu bạn dùng thuốc dạng viên hoặc chất lỏng.
- Bạn không thể nuốt thuốc.
- Bạn đang nôn mửa và không thể giữ được một viên thuốc hoặc chất lỏng trong dạ dày đủ lâu.
- Thuốc có vị quá khó uống.
- Bạn muốn thuốc tác dụng nhanh và trực tiếp vào vùng sinh dục.[1]
Vậy, cách đặt thuốc vào âm đạo tại nhà được tiến hành như thế nào mới đúng? Hãy theo dõi trong phần tiếp theo của bài viết nhé.
2 Làm thế nào để đặt thuốc vào âm đạo đúng cách?
2.1 Các vật dụng cần thiết
Trước khi thực hiện các thao tác đặt thuốc, bạn có thể cần chuẩn bị một số thứ sau:
- Viên đặt.
- Nước rửa tay.
- Dung dịch vệ sinh.
- Giấy hoặc khăn lau.
- Băng vệ sinh.
2.2 Giai đoạn chuẩn bị
Trước khi đặt viên âm đạo, các chị em hoặc người thực hiện nên tiến hành một số bước chuẩn bị như dưới đây:
- Bạn cần rửa sạch tay và “cô bé” với nước rửa tay, dung dịch vệ sinh vùng kín và bằng nước ấm, sau đó lau khô bằng khăn hoặc giấy sạch.
- Lấy viên đặt ra khỏi các loại bao bì.
- Trong trường hợp sử dụng dụng cụ đặt thuốc chuyên dùng - là một vật hoạt động kiểu pít tông (piston) tương tự như một bơm tiêm với phần đầu được thiết khế để chứa các viên đặt âm đạo: Đặt viên đạn hoặc trứng vào phần cuối của dụng cụ, tay còn lại (thường là tay thuận) giữ đầu nhấn của dụng cụ. Một số loại thuốc đặt cải tiến đã được điền sẵn vào dụng cụ chuyên dùng, bạn chỉ cần lấy dụng cụ có sẵn thuốc đó ra khỏi bao bì.
2.3 Hướng dẫn cách đặt thuốc vào âm đạo
Tư thế đặt thuốc có thể là nằm ngửa, dựng 2 đầu gối lên ngang nhau, hai bàn chân úp xuống sàn, cách nhau khoảng 40cm và cách mông khoảng 25cm; hoặc bạn cũng có thể đứng gập đầu gối, hai chân ngang bằng vai. Trong trường hợp bạn là người đặt thuốc giúp người khác, nên để họ ở tư thế nằm là thuận tiện nhất.
Lấy một tay khẽ vén cặp môi của “cô bé” sang hai bên, nhẹ nhàng đưa dụng cụ đã chèn thuốc vào trong âm đạo mà người nhận vẫn cảm thấy thoải mái. Nếu bạn dùng tay không để chèn thuốc, hãy chèn vào một độ sâu vừa đủ, thường là 1-2 đốt ngón tay, miễn sao người nhận không cảm thấy bất kỳ khó chịu nào.
Nhấn pít tông của dụng cụ càng xa càng tốt, điều này giúp bạn có thể đưa thuốc vào sâu trong âm đạo hơn, không bị mắc kẹt.
Sau đó, nhẹ nhàng rút dụng cụ ra khỏi âm đạo. Vậy là bạn đã hoàn thành việc đặt thuốc của mình, bây giờ bạn hoặc người nhận có thể nằm nghỉ ngơi một khoảng thời gian 30-60 phút để thuốc rã ra và hấp thu vào cơ thể[2].
2.4 Giai đoạn kết thúc
Rửa sạch dụng cụ theo hướng dẫn sử dụng đi kèm và cất trữ ở vị trí thích hợp nếu nó có thể tái sử dụng hoặc vứt bỏ vào thùng rác theo quy định nếu nó chỉ được dùng một lần. Thông thường, việc vệ sinh dụng cụ đặt thuốc được thực hiện bằng cách tách lõi đẩy và vỏ ngoài thành hai phần riêng lẻ rồi rửa sạch với nước và xà phòng.
Vứt các loại rác thải khác như giấy lau, bao bì… và rửa tay sạch sẽ.
Dưới đây là video hướng dẫn cách đặt thuốc phụ khoa và một số lưu ý khi đặt thuốc mà các chị em nên biết.
3 Một số vấn đề thường gặp
3.1 Cách vệ sinh vùng kín sau khi đặt thuốc
Sau khi thuốc đã được hấp thu hoàn toàn vào cơ thể, phần còn lại trong âm đạo có thể là phần không tan của thuốc, các tá dược khác… m đạo có cơ chế làm sạch riêng, nó sẽ tự đào thải các phần dư thừa này ra khỏi cơ thể, vì vậy bạn chỉ cần đeo băng vệ sinh để thu lại phần thừa này. Ngoài ra, để giữ “cô bé” được sạch sẽ sau khi đặt thuốc, bạn có thể vệ sinh bằng cách rửa âm hộ - vùng bên ngoài, bao gồm các cấu trúc như âm vật, môi âm hộ và môi âm hộ và cửa âm đạo - bằng nước ấm hoặc dung dịch vệ sinh lành tính rồi lau khô bằng khăn sạch. Tuyệt đối không tự ý thụt rửa âm đạo vì có thể gây ra nhiễm trùng hay các nguy cơ có hại khác.
3.2 Biểu hiện sau khi đặt thuốc phụ khoa
Mỗi loại thuốc đặt sẽ dẫn tới những hiện tượng khác nhau. Chẳng hạn như sau khi đặt thuốc để loại bỏ thai, thường là Misoprostol, sẽ có các cục máu đông có lẫn bột thuốc chảy ra. Thông thường, các loại thuốc có tác dụng làm sạch, chống viêm nhiễm, kháng nấm, kháng khuẩn hay cho tác dụng toàn thân… sau khi đặt gần như không có cảm giác gì, người dùng khá là thoải mái, dấu hiệu duy nhất cho thấy thuốc đang hoạt động tốt là sau một thời gian ngắn bị tan chảy và các phần dư thừa của thuốc được âm đạo đẩy ra ngoài.
Trong một vài trường hợp đặc biệt, bạn có thể đặt thuốc phụ khoa bị ngứa, đôi khi bị rát, nổi mẩn, kích ứng..., khi đó bạn có thể loại bỏ viên đặt ra khỏi âm đạo hoặc liên hệ với bác sĩ để nhận được sự tư vấn kịp thời.
3.3 Cách lấy viên đặt phụ khoa ra
Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc đặt âm đạo, bởi hầu hết các trường hợp sau khi chèn thuốc rất khó để lấy ra bởi viên đặt đã đi sâu vào bên trong và bị che lấp bởi tầng sinh môn và thành âm đạo. Hiện nay cũng chưa có dụng cụ hỗ trợ cho việc tự lấy viên đặt ra khỏi âm đạo, nếu bạn gặp các phản ứng nghiêm trọng sau khi đặt và cần loại bỏ thuốc khỏi cơ thể, hãy tới các cơ sở y tế để được xử trí đúng đắn.
3.4 Ngừng đặt thuốc bao lâu thì được quan hệ?
Trong thời gian thuốc hoạt động, bao gồm tan chảy và hấp thu vào cơ thể, lời khuyên được đưa ra là không nên quan hệ tình dục, bởi việc thâm nhập âm đạo của “cậu nhỏ” sẽ ảnh hưởng tới sự hấp thu của thuốc và làm giảm tác dụng, đôi khi gây ra sự khó chịu cho các cặp đôi.
Sau khi thuốc đã được hấp thu tốt, khoảng 30 phút, việc “ân ái” có thể được thực hiện. Để đảm bảo an toàn, các anh em có thể đợi khoảng 1 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, nên hỏi ý kiến bác sĩ về vấn đề này, vì tùy từng loại thuốc mà thời gian “chờ đợi” khác nhau, đặc biệt như thuốc đặt phá thai, cần kiêng quan hệ trong tối thiểu 2 tuần.
Nếu bạn trót quan hệ khi đặt thuốc, bạn nên lưu ý rằng nên dùng các biện pháp tránh thai khác thay thế bao Cao Su vì chất liệu của chúng có thể tương tác và gây hại. Bên cạnh đó, nếu có thể, bạn chỉ nên "động chạm" những vùng bên ngoài, không nên đi sâu vào trong âm đạo, hoặc dùng những kiểu quan hệ khác ngoài thâm nhập âm đạo. Trong trường hợp lỡ quan hệ sâu, sau khi ân ái xong, bạn cần vệ sinh lại sạch sẽ, tiến hành đặt lại thuốc, nằm thư giãn để thuốc tan chảy và hấp thu; để đảm bảo an toàn, bạn có thể xin tư vấn của bác sĩ.
3.5 Cách đặt thuốc âm đạo cho bà bầu
Trong gia đoạn mang thai, do nội tiết tố estrogen thay đổi, các chị em rất dễ nhiễm trùng vùng kín như nấm men, vì vậy việc đặt thuốc trị nấm âm đạo là rất cần thiết trong khi thuốc uống không được khuyến cáo.
Các mẹ bầu không thể tự đặt thuốc được, do đó cần có người thực hiện giúp, cách đặt thuốc phụ khoa cho bà bầu được tiến hành tương tự như hướng dẫn trên. Một số điều cần lưu ý cho các bà mẹ đang mang thai là tránh quan hệ tình dục trong thời gian điều trị, không thụt rửa âm đạo và tham khảo tư vấn của bác sĩ trước khi dùng.
4 Lưu ý khi sử dụng thuốc đặt âm đạo
Ngăn ngừa thuốc chảy ra ngoài:
- Thuốc đặt âm đạo có thể bị rò rỉ, vì vậy chúng thuận tiện hơn khi sử dụng trước khi đi ngủ bởi tư thế nằm sẽ hạn chế tình trạng này tốt hơn là đứng hay đi lại.
- Bạn có thể đeo băng vệ sinh để bảo vệ khăn trải giường hoặc quần áo của mình.
Mẹo dùng và bảo quản:
- Có thể nhanh chóng nhúng thuốc đạn vào nước trước khi sử dụng. Điều này có thể giúp bạn chèn dễ dàng hơn.
- Để giữ cho thuốc đạn của bạn không bị tan chảy trước khi sử dụng, hãy bảo quản chúng ở nơi thoáng mát, bạn cũng có thể để thuốc trong tủ lạnh ngăn mát nếu trên nhãn yêu cầu.
Đảm bảo liều lượng chính xác:
- Sử dụng thuốc trong thời gian bao lâu theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc theo hướng dẫn của sản phẩm, kể cả khi các triệu chứng đã kết thúc.
- Bạn có thể sử dụng thuốc đặt âm đạo trong kỳ kinh nguyệt.
- Không sử dụng tampon khi sử dụng thuốc đặt âm đạo bởi chúng có thể thấm một phần thuốc, ảnh hưởng đến liều dùng và tác dụng của sản phẩm.
- Nếu bạn quên một liều, hãy bỏ qua và đợi đến lần đặt thuốc kế tiếp.
Thuốc đặt thường an toàn và ít khi gây ra tác dụng phụ như chúng tôi đã đề cập ở trên, đôi khi bạn có thể gặp:
- Một vài thuốc bị chảy ra ngoài âm đạo.
- Khả năng hấp thu của thuốc đặt không tốt bằng thuốc uống nên cho hiệu quả cũng thấp hơn, chẳng hạn như thuốc tránh thai.
- Thuốc có thể gây kích ứng tại chỗ bạn đặt thuốc.
Hãy hỏi bác sĩ của bạn trước khi bạn sử dụng thuốc đạn nếu bạn:
- Nhịp tim không đều.
- Đã phẫu thuật hoặc điều trị bức xạ vùng âm đạo.
Sử dụng thuốc đặt âm đạo khá đơn giản và chỉ gây khó chịu tối thiểu. Khi áp dụng chúng, mọi người có thể muốn thử các tư thế khác nhau để xác định tư thế nào phù hợp nhất với họ[3].
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả Stephanie Watson (Ngày đăng 12 tháng 12 năm 2021). Suppositories: What They Treat and How to Use Them, WebMD. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2022
- ^ Tác giả University of Illinois (Ngày cập nhật 22 tháng 5 năm 2017). How to Use Vaginal Suppositories, Heathline. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2022
- ^ Tác giả Charlotte Lillis (Ngày đăng 29 tháng 8 năm 2018). How do you use vaginal suppositories?, MedicalNewsToday. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2022