Các phản ứng quá mẫn với vacxin và những điều cần biết
Trungtamthuoc.com - Phản ứng quá mẫn với vacxin thường gặp sau khi tiêm với triệu chứng toàn thân như ban đỏ, phù Quincke, mày đay, thậm chí là các biến chứng tim mạch, sốc phản vệ ngay trong vài phút sau đó. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc xin chia sẻ tới bạn đọc những điều cần biết về phản ứng quá mẫn với vacxin.
1 Đôi nét về vấn đề phản ứng quá mẫn với vacxin
Theo thống kê trên toàn thế giới, tỉ lệ xảy ra các phản ứng quá mẫn khi tiêm vacxin là khoảng 4,8 - 83 ca/100.000 liều tiêm.
Tất cả các thành phần bao gồm cả tá dược đều có khả năng gây ra tình trạng quá mẫn, đặc biệt là những loại vacxin có chứa trứng hoặc gelatine có tần suất xuất hiện dị ứng cao hơn và nghiêm trọng hơn.
Sốc phản vệ khá hiếm gặp khi tiêm vacxin, tỉ lệ chỉ khoảng 1/1.000.000. Hầu hết các phản ứng phụ sau khi tiêm vacxin thường khu trú tại vị trí tiêm.[1]
Tỉ lệ gặp phản ứng quá mẫn ở 1 số loại vacxinn thông dụng:
- Influenza: 3/100.000
- Hepatitis B: 11,8/100.000
- Sởi – quai bị - rubella: 16,3/100.000
- Bạch hầu – ho gà – uốn ván: 12,5/100.000
2 Triệu chứng lâm sàng của phản ứng quá mẫn khi tiêm vacxin
2.1 Phản ứng tức thì qua trung gian IgE
Dấu hiệu đầu tiên và thường dễ gặp nhất sau khi tiêm vacxin là triệu chứng toàn thân với các biểu hiện trên da như ban đỏ, phù Quincke, mày đay. Kết hợp với các triệu chứng đường hô hấp như viêm mũi - kết mạc hoặc cơn co thắt phế quản. Thậm chí là các biến chứng tim mạch với tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, tụt huyết áp và thậm chí là sốc phản vệ ngay trong vài phút sau đó.
Các triệu chứng của sốc phản vệ:
- Da: mày đay, phù mạch, ngứa và giãn mạch.
- Hô hấp: ngạt mũi, chảy mũi, sung huyết niêm mạc mũi, thở nông và rít, khò khè, tức ngực,... Nặng hơn là suy hô hấp.
- Tim mạch: hạ huyết áp, tim đập nhanh, da tái nhợt,... Nặng hơn là tim ngừng đập.
- Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, đau quặn bụng,... Thậm chí là đại tiểu tiện không tự chủ được.
Sau khi tiêm vacxin nếu có ít nhất một trong số các cơ quan trên có dấu hiệu bất thường cần nghi ngờ là sốc phản vệ và có hướng xử trí kịp thời.
Việc dị ứng với bất kì thành phần nào trong vacxin như kháng sinh, chất bảo quản,... đều có thể là nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng. Đặc biệt thường gặp các phản ứng dị ứng tức thì nhất là vacxin chứa trứng, gelatin và latex.
2.2 Các phản ứng tại chỗ và quá mẫn chậm
Phản ứng tại chỗ: Đây là các phản ứng viêm không đặc hiệu, thường do thành phần như muối nhôm hoặc vi sinh vật có trong vacxin gây ra (yếu tố hoạt hóa).
Hiện tượng Arthus: Thường xuất hiện sau 6-12 giờ sau khi tiêm vacxin do sự dư thừa kháng nguyên đọng lại trên thành mạch tạo nên các phức hợp kháng nguyên. Các phức hợp này gây hoạt hóa các bổ thể, tăng sự thâm nhiễm của bạch cầu hạt đa nhân và làm phá hủy các mô gây ra một số triệu chứng như sốt, viêm khớp.
Các phản ứng quá mẫn chậm: Biểu hiện tại chỗ dạng ezema sau khi tiêm vacxin 2 giờ đến 2 ngày. Đôi khi chúng có thể lan rộng toàn thân với biểu hiện như hồng ban đa dạng, ban mụn mủ cấp tình toàn thân,...
Các biểu hiện sưng đau tại chỗ cũng có thể xuất hiện và lan rộng nhưng thường khỏi sau 2-3 ngày mà không cần can thiệp y tế và cũng không để lại di chứng gì.
Các loại vacxin thường gây ra các phản ứng tại chỗ nặng là vắc xin phế cầu đa giá, cúm, ho gà và đặc biệt là một số loại vacxin phối hợp.[2]
3 Chẩn đoán phản ứng quá mẫn với vacxin
Khi thăm khám cho người bệnh bị phản ứng quá mẫn, các câu hỏi cần được đặt để khai thác được thời gian khởi phát và loại hình tổn thương mà bệnh nhân gặp phải.
Cần phân biệt được phản ứng quá mẫn nhanh hay chậm ở người bệnh dị ứng vắc xin để lựa chọn xét nghiệm chẩn đoán và hướng điều trị phù hợp.
3.1 Đối với phản ứng quá mẫn nhanh
Xác định nguyên nhân dị ứng bằng test lẩy da với vacxin và các thành phần của vacxin hoặc xét nghiệm phát hiện IgE đặc hiệu trong máu.
Khi thực hiện test, vacxin phải còn nguyên vẹn và cùng loại với vacxin mà bệnh nhân đã sử dụng.
Test da được thực hiện theo hướng dẫn giống cho các bệnh dị ứng khác. Các phản ứng tại chỗ thường xảy ra với hầu hết các vacxin có nồng độ 1/10. Trường hợp này không được coi là phản ứng dị ứng.
Trường hợp bệnh nhân nhạy cảm với hợp chất của vacxin được loại trừ, bệnh nhân có thể sử dụng lại vacxin nhưng phải theo dõi cẩn thận và tại trung tâm y tế có thể cấp cứu kịp thời nếu xảy ra những bất thường ngoài ý muốn.
3.2 Đối với dị ứng chậm
Nếu bệnh nhân có biểu hiện dị ứng chậm toàn thân thì xét nghiệm được chỉ định chủ yếu là test áp. Tuy nhiên cách này không có giá trị tiên lượng và độ nhạy khá thấp.
4 Điều trị phản ứng quá mẫn do vacxin
4.1 Điều trị phản ứng tại chỗ
Với các phản ứng nhẹ tại vị trí tiêm, bệnh nhân chỉ cần chườm đá trong thời gian ngắn để các triệu chứng này mất đi.
Nếu bị đau nhiều, người bệnh có thể dùng Paracetamol hoặc Ibuprofen để giảm đau với liều lượng như sau:
- Paracetamol: liều 15mg/kg/lần với trẻ em hoặc 650mg/lần với người lớn. Mỗi lần uống cách nhau 4-6 giờ.
- Ibuprofen: uống liều 5-10 mg/kg cách nhau 6-8 giờ.
Nếu bệnh nhân bị dị ứng gây ngứa tại chỗ có thể sử dụng thuốc uống kháng histamine như:
- Chlorpheniramine: Người lớn liều 4mg/lần, cách nhau 4-6 giờ (ngày không quá 24mg). Trẻ em từ 2-12 tuổi, liều 0.35mg/kg/ngày.
- Fexofenadine 60mg: Người lớn uống 1 viên/lần x 2 lần/ngày. Trẻ em 6-11 tuổi uống 1 viên/ngày.
- Fexofenadine 180 mg: Người lớn và trẻ em >12 tuổi uống 1 viên/ngày.
Sau khi chườm đá hoặc uống thuốc, nếu các triệu chứng thuyên giảm vẫn cần theo dõi người bệnh thêm ít nhất 30 phút sau đó.
4.2 Điều trị các phản ứng phản vệ
Nếu có các phản ứng phản vệ nhẹ như mày đay, phù mạch, sử dụng thuốc kháng histamin như trên.
Nếu bệnh nhân có triệu chứng nặng, toàn thân, bác sĩ cần cân nhắc dùng thêm Corticosteroid (Prednisone, Prednisolone, Methylprednisolone) đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch với liều cho người lớn là 40 – 60mg/ngày hoặc cho trẻ nhỏ là 1mg/kg/ngày trong 5 -7 ngày.
Nếu bệnh nhân bị sốc phản vệ cần cấp cứu theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ.
5 Hướng dẫn tiêm vacxin ở người lớn có tiền sử dị ứng
5.1 Quá mẫn tức thì/phản ứng qua trung gian IgE
Trước khi sử dụng vacxin cho người bệnh cần đánh giá nguy cơ và lợi ích cho từng đối tượng cụ thể, nhu cầu phải sử dụng vacxin và mức độ nặng của tình trạng dị ứng có thể xảy ra.
Các quy tắc lựa chọn sử dụng vacxin an toàn:
- Lựa chọn loại vacxin không có kháng nguyên nghi ngờ gây dị ứng nếu có.
- Nên tiêm từng loại vacxin thay vì vacxin phối hợp nếu các các xét nghiệm không thể kết luận được mức độ an toàn của loại vacxin đó.
- Nếu test lẩy da âm tính và người bệnh không có tiền sử dị ứng, việc tiêm vacxin có thể được thực hiện nhưng cần được dám sát chặt chẽ và theo dõi sau đó khoảng 1 giờ.
- Nếu test lẩy da âm tính nhưng có tiền sử nghi ngờ phản ứng quá mẫn nặng, cần chia thành 2 liều tiêm. Liều thứ nhất 10% vacxin không pha loãng. Liều thứ hai là 90% còn lại sau khi tiêm liều đầu 30 phút không có dấu hiệu bất thường.
- Nếu test lẩy da dương tính mà người bệnh có chỉ định cần phải tiêm vắc xin, có thể áp dụng tiêm theo liệu pháp tăng dần. Chia nhỏ liều và tăng dần sau mỗi 15 đến 30 phút cho đến khi đạt liều tiêm hoặc khi xảy ra phản ứng phụ đầu tiên xảy ra.
Trường hợp xảy ra phản ứng phụ trong quá trình tiêm với cách tiểm tăng dần, có thể chọn 1 trong 2 cách:
- Dừng tiêm vắc xin.
- Điều trị bằng thuốc kháng Histamin hoặc Corticosteroid liều thấp sau đó tiếp tục tiêm với liều tăng dần.
5.2 Dị ứng chậm
Việc có tiếp tục tiêm vắc xin hay không phụ thuộc vào biểu hiện của phản ứng trước đó, bởi test áp không có giá trị tiên lượng.
Việc tiêm lại vắc xin nên được xem xét trên sức khỏe, tình trạng dị ứng trước đó của từng đối tượng cụ thể.
Người có biểu hiện quá mẫn chậm hoặc tại chỗ thường được tiêm vacxin không pha loãng với tổng liều cần tiêm 1 lần.
Tiêm vắc xin ở người bệnh có tiền sử dị ứng trứng (Ovalbumin):
Với trẻ bị dị ứng trứng nhưng kết quả test lẩy da âm tính vẫn có thể dung nạp hoàn toàn với vacxin ở liều tiêm dù vacxin có chứa trứng.
Nếu kết quả test là dương tính cần xem xét nguy cơ và lợi ích. Nếu bắt buộc phải tiêm thì cần chia làm 2 liều nếu vacxin cho lượng protein trứng cao hơn 1,2 μg/mL.
Cần điều trị trước bằng thuốc kháng histamin và steroid. Sau đó tiêm liều đầu bằng 1/10 tổng liều. 30 phút sau nếu không có phản ứng thì tiêm nốt số thuốc còn lại.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả Michael M McNeil, Frank DeStefano, (Ngày đăng: tháng 2 năm 2018). Vaccine-associated hypersensitivity, pubmed. Truy cập ngày 09/9/2021.
- ^ Marie Hartley, (Ngày đăng: 2010). Adverse cutaneous reactions to vaccines, Dermnet NZ. Truy cập ngày 09/9/2021.