1. Trang chủ
  2. Sản - Phụ Khoa
  3. Nội tiết tố trong thời kỳ mang thai thay đổi như thế nào?

Nội tiết tố trong thời kỳ mang thai thay đổi như thế nào?

Nội tiết tố trong thời kỳ mang thai thay đổi như thế nào?

Nguồn: Các vấn đề trọng yếu trong hỗ trợ sinh sản

Chủ biên: PGS.TS.BS. Lê Minh Tâm

Tham gia soạn biên

GS.TS.BS. Cao Ngọc Thành

ThS.BS. Trần Thị Như Quỳnh

ThS.BS. Nguyễn Đắc Nguyên

Trong thai kỳ, có sự tác động tương hỗ rất mật thiết giữa thai nhi và các hệ cơ quan của người mẹ, tương tự với sự điều hoà và thay đổi của hệ nội tiết. Sự phát triển của thai phụ thuộc vào sự trao đổi chất - dinh dưỡng và chuyển hoá từ cơ thể người mẹ; các hoạt động nội tiết từ thai lại ảnh hưởng đến quá trình chuyển hoá, tuần hoàn của tử cung - nhau cũng như sự biệt hoá của tế bào.

1 Hoạt động nội tiết trong thời kỳ mang thai

Bào thai - nhau thai - cơ thể mẹ có thể được xem như một hệ thống được tổ chức tốt, hoạt động cùng nhau theo một kiểu tích hợp để kiểm soát các nhu cầu sinh lý trong thai kỳ. Chức năng của mỗi yếu tố đều đóng vai trò quan trọng với sự thành công của một thai kỳ. Một số hormone quan trọng như hCG (human Chorionic gonadotropin) và hPL (human placental lactogen) và các hormone steroid (estrogen và progesterone).

1.1 Hoạt động nội tiết nhau thai 

Nhau thai có chức năng chế tiết đa dạng và vượt trội so với bất kỳ cơ quan nội tiết nào khác. Điều đặc biệt là nhau thai không có kết nối tế bào thần kinh với các tuyến của thai nhi hoặc mẹ. Cơ quan nội tiết về cơ bản của nhau thai bao gồm hai loại tế bào là nguyên bào nuôi tế bào (tế bào nuôi) và nguyên bào nuôi hợp bào (hợp bào nuôi), tiết ra nhiều sản phẩm hormone khác nhau giải phóng vào cả tuần hoàn của thai nhi và mẹ. Sự tương tác giữa tế bào nuôi - hợp bào nuôi cũng có thể được so sánh với mối tương tác vùng dưới đồi - tuyến yên dựa trên các hoạt động nội tiết và tự tiết của các phân tử tín hiệu nhau thai.

1.2 Hoạt động nội tiết của thai nhi 

Các tuyến nội tiết của thai nhi (tuyến yên, tuyến giáp, vỏ thượng thận, tuyến tụy và tuyến sinh dục) hoạt động ngay từ tuần thứ 11 của thai kỳ. 

Ở thai nhi nam, các tế bào Leydig của tinh hoàn, đáp ứng với gonadotropin của nhau thai và đặc biệt là hCG, sẽ sản xuất testosterone, cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ quan sinh dục bên ngoài và bên trong của nam giới.

Người mẹ không bị ảnh hưởng nhiều bởi Testosterone của thai nhi do enzyme aromatase của nhau thai, enzyme này chuyển đổi testosterone thành estradiol.

Ở thai nhi nữ, buồng trứng không hoạt động và không tiết ra estrogen cho đến tuổi dậy thì, mặc dù tất cả các tế bào noãn đã bắt đầu đi vào tiền kỳ giảm phân. 

Nhau thai không thể chuyển đổi pregnenolone thành androgen. Progesterone đi vào tuần hoàn thai nhi và tuyến thượng thận của thai nhi có thể chuyển đổi thành

androgen. Vì vậy, vỏ thượng thận của thai nhi trở thành nơi sản xuất chính các tiền chất androgen tức thì của estrogen nhau thai.

1.3 Hoạt động nội tiết của mẹ 

Về cơ bản, mọi tuyến nội tiết của mẹ (vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến giáp và tuyến thượng thận) tương tác thích hợp với đơn vị thai nhi - nhau thai - mẹ. 

1.3.1 Vùng dưới đồi 

Giống như ở trạng thái không mang thai, trục dưới đồi - tuyến yên thông qua điều hoà tế bào - tế bào điều chỉnh phần lớn các chức năng nội tiết cần thiết. 

Hormone giải phóng corticotropin tăng cao trong quá trình mang thai trong tuần hoàn của mẹ và tăng theo cấp số nhân trong suốt thai kỳ, dẫn đến kích thích sự gia tăng hormone vỏ thượng thận (ACTH), và gia tăng lượng cortisol trong huyết thanh, nước bọt và cortisol tự do trong nước tiểu, làm cho thai kỳ có tình trạng cường vỏ thượng thận tương đối.

1.3.2 Tuyến yên

Thai kỳ có liên quan đến một loạt các thay đổi trong hormone tiết ra từ tuyến - yên. Sự suy giảm gonadotropin, có thể do nồng độ estradiol và progesterone cao có tác dụng điều hòa ức chế trung ương.

Suy giảm hormone tăng trưởng có nguồn gốc từ tuyến yên, được thay thế bằng hormone tăng trưởng có nguồn gốc từ nhau thai.

Sự bài tiết thyrotropin (TSH) giảm nhẹ trong thời kỳ đầu mang thai với sự gia tăng thyroxine tự do do hoạt động kích thích tuyến giáp liên quan đến cấu trúc của hCG.

Nồng độ oxytocin từ thùy sau của tuyến yên tăng liên tục trong suốt thai kỳ. 

1.3.3 Tuyến giáp 

Có nhiều thay đổi về chức năng tuyến giáp trong thai kỳ với sự gia tăng globulin gắn kết tuyến giáp (TBG) lưu hành do tác động điều hoà của estrogen, là protein vận chuyển chính cho hormone tuyến giáp. Điều này dẫn đến tăng cả thyroxine toàn phần trong huyết thanh (T4) và triiodothyronine (T3), nhưng không phải là nồng độ T4 và T3 tự do quan trọng về mặt sinh lý, do đó các quá trình trao đổi chất phụ thuộc vào các hormone này thường không bị thay đổi.

1.3.4 Tuyến thượng thận

Hệ thống renin-angiotensin-aldosterone được kích thích trong thời kỳ mang thai, với sự gia tăng đáng kể mức aldosterone được thấy ở tuần thứ tám của thai kỳ.

2 Nội tiết tố trong thời kỳ mang thai

2.1 Hormone steroid

2.1.1 Progesterone

2.1.1.1 Quá trình tổng hợp và chuyển hoá 

Tiền chất cholesterol và pregnenolone được lấy từ tuần hoàn người mẹ để tổng hợp progesterone. Sự đóng góp của thai nhi là không đáng kể vì thực tế mức progesterone vẫn cao sau khi thai chết lưu. Do đó, lượng lớn progesterone được sản xuất trong thai kỳ phụ thuộc vào sự hợp tác giữa bánh rau và người mẹ. 

Progesterone phần lớn được sản xuất bởi hoàng thể cho đến khi tuổi thai được khoảng 10 tuần. Hormone LH (luteinizing hormone) và hCG (human chorionic gonadotropin) từ quá trình làm tổ kích thích sản xuất progesterone của hoàng thể, đây là chất cần thiết để duy trì hoạt động của thai nhi cho đến tuần thứ 7 của thai kỳ. Trong giai đoạn hoàng thể của chu kỳ thụ thai, nồng độ progesterone tăng từ khoảng 1 - 2 ng/ml vào ngày LH đạt đỉnh, cho đến khoảng 10 - 35 ng/ml trong 7 ngày tiếp theo. Nồng độ này duy trì trong pha hoàng thể thai kỳ cho đến khi bánh rau đảm trách. 

Sau một thời gian chuyển đổi chức năng từ tuần thứ 7 đến tuần thứ 10 giữa hoàng thể và bánh rau thì bánh rau trở thành nguồn tổng hợp progesterone chính và tăng dần nồng độ trong tuần hoàn của người mẹ. Khi thai đủ tháng, nồng độ progesterone dao động từ 100 đến 200 ng/ml, và bánh rau sản xuất khoảng 25 mg/ngày.

2.1.1.2 Tác dụng chính progesterone trong thai kỳ 

Những tác dụng chính được biết đến bao gồm: (1) chuẩn bị và duy trì nội mạc tử cung cho phôi làm tổ, (2) là tiền chất cho tuyến thượng thận thai nhi tổng hợp glucocorticoid và mineralocorticoid và (3) giảm co bóp cơ tử cung. 

Progesterone cũng ngăn cản sự đào thải thai nhi bởi hệ thống miễn dịch của người mẹ, thông qua các chức năng chống viêm và ức chế miễn dịch. Cụ thể, progesterone ngăn chặn việc sản xuất tế bào lympho T của các cytokine phân giải tế bào. Ngoài ra, chức năng của progesteron là không thể thiếu trong việc tạo ra một hàng rào ngăn chặn sự xâm nhập.

2.1.2 Estrogen

2.1.2.1 Quá trình tổng hợp và chuyển hoá

Estrogen gồm estradiol, estrone và estriol. Trong đó, estradiol có tác dụng sinh học mạnh nhất, còn estriol là estrogen yếu nhất.

Hoàng thể là nơi sản xuất 17ß-estradiol trong 5 - 6 tuần đầu của thai kỳ. Sau quý I của thai kỳ, bánh rau là nguồn cung cấp chính 17ß-estradiol trong tuần hoàn.

Các tiền chất cơ bản của estrogen là 19-carbon androgen. Trong những tháng đầu của thai kỳ, androgen trong tuần hoàn người mẹ được sử dụng để tổng hợp estrogen. Đến tuần thứ 20 của thai kỳ, phần lớn estrogen bài tiết qua nước tiểu của người mẹ có nguồn gốc từ androgen của thai nhi. 

Bánh rau sản xuất estrone và estradiol từ tiền chất DHEAS do tuyến thượng thận của thai nhi cung. Tuy nhiên, bánh rau lại thiếu hụt khả năng 16a-hydroxyl hoá. Cùng với sự hỗ trợ của 16a-hydroxyl hóa có trong gan của thai nhi, tuyến thượng thận cung cấp 16a-hydroxy dehydroepiandrosterone sulfate để hình thành nên estriol. Estriol là loại estrogen được sản xuất với số lượng lớn nhất, đặc biệt là ba tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ. 

Nồng độ estradiol trong máu mẹ cao hơn trong thai. Ngược lại, nồng độ estriol trong thai lại cao hơn.

2.1.2.2 Tác dụng chính estrogen trong thai kỳ 

Các estrogen có vai trò quan trọng trong việc duy trì thai kỳ và phát triển bào thai, xuất phát từ chức năng tăng lưu lượng máu đến tử cung, đảm bảo cung cấp đầy đủ oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi. Hàm lượng estriol trong huyết tương và trong nước tiểu phản ánh hoạt động của đơn vị nhau - thai và là một chất chỉ điểm rất tốt cho việc khảo sát sức khỏe bào thai. 

Estrogen làm tăng khả năng co bóp của tử cung khi bắt đầu chuyển dạ. Tác dụng của estrogen đối với tổng hợp và chuyển hoá Phospholipid, đặc biệt là prostaglandin và tăng hình thành lysosome trong nội mạc tử cung cũng có thể có vai trò quan trọng trong quá trình này. Estrogen kích hoạt bài tiết oxytocin và hình thành khe nối cơ tử cung trong quá trình sinh. Đo nồng độ estriol trong nước bọt của người mẹ đã được đề xuất như một yếu tố dự đoán sinh non. Quá trình chuyển dạ và sinh có thể bị trì hoãn ở thai vô sọ và thai nhi bị thiếu hụt sulfatase nhau thai làm không thể sản xuất một lượng lớn estrogen. 

Các hệ nội tiết khác trong thời kỳ mang thai chẳng hạn như hệ thống renin- angiotensin (RAA) tăng lên thông qua hoạt động của estrogen. Điều này làm tăng thể tích máu mẹ; ngoài ra, tuần hoàn tử cung nhau được cải thiện nhờ vào tác động điều hoà giãn mạch. 

Estrogen làm gia tăng sản xuất protein liên kết ở gan của người mẹ như TBG và globulin gắn kết cortisol (CBG). Nó có vai trò ức chế tổng hợp và phóng thích gonadotropin của tuyến yên mẹ; các gonadotropin của nhau thai chịu trách nhiệm chính cho chức năng của gonadotropic. Đồng thời, estrogen kích thích tăng sinh tế bào biểu mô trong mô vú của mẹ trong thời kỳ cho con bú. Tuy nhiên, việc tiết sữa vẫn bị trì hoãn cho đến khi lượng estrogen giảm sau khi sinh. 

Estrogen có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của thai nhi và trưởng thành các cơ quan, bao gồm tăng sản xuất chất hoạt động bề mặt ở phổi của thai nhi.

Do estriol là một chỉ số đảm bảo chức năng bình thường của thai nhi và nhau thai, nên nồng độ estriol của mẹ giảm có thể phản ánh những bất thường trong sự phát triển của thai nhi hoặc nhau thai. Mức độ quá thấp hoặc không có estriol có thể liên quan đến thai lưu, thai vô sọ (sản xuất ACTH hạn chế dẫn đến teo vỏ thượng thận bảo thai sau 20 tuần tuổi thai) hay thiếu hụt sulfatase nhau thai.

2.1.2.3 Tác động qua lại giữa estrogen và progesterone 

Progesterone dẫn đến tình trạng chuyển dạng chế tiết nội mạc tử cung đã được chuẩn bị trước đó bằng estrogen. 

Estradiol kích thích và tổng hợp sự biểu hiện của thụ thể cho estrogen và progesterone.

Progesterone ức chế sự biểu hiện của thụ thể estrogen do đó có tác động như một chất kháng estrogen. Từ đó có tác dụng ức chế sự sản xuất prostaglandin tại chỗ và tính chất co thắt của tử cung cũng bị ức chế.

2.2 Các hormone protein 

Lá nuôi hợp bào là lớp tế bào chức năng của bánh nhau, là vị trí chính sản xuất hormone protein. Hệ thống hormone protein rất phức tạp với các loại peptid khác nhau và chức năng khác nhau.

2.2.1 Human Chorionic Gonadotropin (hCG) 

2.2.1.1 Quá trình tổng hợp và chuyển hoá 

hCG được sản xuất chủ yếu từ các hợp bào lá nuôi, và tồn tại ở nhiều dạng khác nhau trong huyết tương và nước tiểu. hCG là một glycoprotein, được tạo thành từ hai tiểu đơn vị alpha và bêta, liên kết không đối xứng bởi cầu nối disulfide (-S-S-). Tiểu đơn vị bêta, đặc hiệu cho hCG, là cơ sở của việc định lượng miễn dịch học, cho phép chẩn đoán sớm thai kỳ ngay từ khi có sự làm tổ của phôi. 

Ở thai kỳ bình thường, hCG bắt đầu hiện diện sau phóng noãn 9 - 11 ngày. Trước 6 tuần thai kỳ, nồng độ hCG tăng gấp đôi mỗi 48 giờ (30,9 ± 3,7 giờ) và đạt đỉnh ở tuần thứ 8 - 10, có thể đến 100.000 mUI/ml. Sau đó, nồng độ hCG bắt đầu giảm dần còn 10.000 - 20.000 mUI/ml và đạt cực tiểu tại thời điểm 18 - 20 tuần rồi giữ bình nguyên cho đến khi thai đủ tháng.

2.2.1.2 Chức năng sinh học hCG

hCG là tín hiệu giúp buồng trứng duy trì hoàng thể và tiếp tục sản xuất progesterone trong thời kỳ đầu mang thai. Điều này xảy ra cho đến khoảng tuần thứ 10 của thai kỳ, sau đó, nhau thai tiếp nhận chức năng tổng hợp progesterone. 

Nồng độ hCG cao bất thường liên quan đến đa thai, thai trứng với sự tăng sinh của nguyên bào nuôi hoặc ung thư nguyên bào nuôi. Nồng độ hCG thấp bất thường có thể liên quan thai lạc chỗ hay thai ngưng tiến triển, sẩy thai.

Ngoài ra, hCG có thể có vai trò trên các tuyến sinh dục của phôi thai, đặc biệt là tinh hoàn của phôi thai giúp kích thích tế bào Leydig của thai sản xuất testoterone và kích thích một số quá trình chuyển hóa xảy ra tại bánh rau.

Cuối cùng, hCG có thể có vai trò trong ức chế cục bộ phản ứng miễn dịch của cơ thể mẹ trong thai kỳ. 

2.2.1.3 Vai trò của hCG trong thai kỳ

Việc định lượng hCG và theo dõi diễn tiến của nồng độ hCG huyết tương đóng vai trò hết sức quan trọng trong ba tháng đầu thai kỳ:

hCG là chất chỉ điểm mang thai: hCG là dấu hiệu sinh hóa sớm nhất của thai kỳ và có thể được phát hiện trong huyết thanh từ 3 - 4 ngày trước ngày hành kinh tiếp theo. Xét nghiệm huyết thanh có thể phát hiện hCG sớm hơn xét nghiệm nước tiểu và có thể định lượng cụ thể về mức độ, so với xét nghiệm nước tiểu chỉ định tính sự hiện diện của hormone. hCG tăng ít nhất 50% mỗi 2 ngày sẽ hướng tới một thai kỳ bình thường.

Sau sẩy thai ba tháng đầu hoặc chấm dứt thai kỳ, hCG có thể được phát hiện trong huyết thanh hoặc nước tiểu của người mẹ trong khoảng thời gian 2-4 tuần. 

Các giá trị hCG huyết thanh định lượng có thể được sử dụng để đánh giá khả năng sống của thai khi kết hợp với các kết quả siêu âm của thai kỳ. Khi giá trị hCG huyết thanh vượt quá 2.000 mIU/ml, sẽ nhìn thấy túi thai trên siêu âm qua đường âm đạo, với ngưỡng cao hơn để thấy được hình ảnh túi noãn hoàng và phôi thai.

Ứng dụng trong sàng lọc các bất thường nhiễm sắc thể: hCG được sử dụng như một thành phần trong huyết thanh mẹ để sàng lọc các bất thường nhiễm sắc thể. Trong quý đầu thai kỳ beta-hCG tự do và protein huyết tương A (PAPP-A) kết hợp với siêu âm đo độ mờ da gáy (NT) cho phép tầm soát hội chứng Down và tam nhiễm sắc thể 18. Trong quý hai thai kỳ, nếu chưa thực hiện sàng lọc trong quý đầu, thì hCG huyết thanh của mẹ, alpha-fetoprotein, inhibin-A (một chất dimer do nhau thai tạo ra) và estriol không liên hợp sẽ được xét nghiệm trong triple test để sàng lọc hội chứng Down, thể tam nhiễm 18, và dị tật hở ống thần kinh. Trong quý hai thai kỳ, hCG tăng cao là dấu hiệu huyết thanh nhạy nhất đối với sàng lọc hội chứng Down.

2.2.2 Human Placental Lactogen (hPL) 

2.2.2.1 Quá trình tổng hợp và chuyển hoá 

hPL là hormone polypptid được tổng hợp bởi các nguyên bào nuôi, gồm 191 acid amin, có một vài cấu trúc tương tự hormone tăng trưởng. Từ tuần thứ 10-36 có sự gia tăng 12 lần nồng độ hPL trong huyết thanh. 

hPL là một chất chỉ điểm về chức năng của nhau thai. Nồng độ hPL tcó tương quan trực tiếp với trọng lượng nhau thai. Các trường hợp đa thai có sự gia tăng đáng kể hPL.

hPL kích thích chế tiết Insulin và sản xuất IGF1, tăng đề kháng insulin và dung nạp carbonhydrate. Do vậy, nồng độ hPL trong tuần hoàn người mẹ có thể bị thay đổi cùng với nồng độ của Glucose máu.

2.2.2.2 Tác dụng chính hPL

Chức năng sinh học, hoạt động chính của hPL là tăng cung cấp glucose cho thai nhi, bằng cách thay đổi sự bài tiết insulin của người mẹ. hPL tạo ra sự thoái giáng lipid và làm tăng các acid béo tự do, keton và Glycerol ở mẹ, cung cấp năng lượng cho mẹ. 

Ở trạng thái đói của người mẹ, glucose đi qua nhau thai và cung cấp năng lượng cho thai nhi, để lại các acid béo tự do cho mẹ sử dụng. Ở trạng thái no, các acid béo tự do cản trở sự xâm nhập glucose vào các tế bào nhờ insulin cho phép glucose đi qua nhau thai. Vì vậy, hPL hoạt động như “hormone tăng trưởng” của thai kỳ để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi. 

Thời gian bán hủy của hPL ngắn, khoảng 15 phút, do đó nó được xem như một chỉ số dự báo các vấn đề của bánh rau. Nồng độ hPL trong tuần hoàn của người mẹ tương quan với trọng lượng thai nhi và bánh rau, tăng đều đặn cho đến khi đạt mức cao nhất trong 4 tuần cuối của thai kỳ (5 - 10 mg/ml). Không thay đổi trong chu kỳ sinh học và chỉ một lượng nhỏ hPL đi vào tuần hoàn của thai nhi. 

Mức hPL rất cao trong tuần hoàn người mẹ có liên quan đến đa thai; nồng độ có thể lên đến 40 mg/ml. Mức thấp bất thường khi dưới 4 mg/ml trong 3 tháng cuối thai kỳ. 

Trên lâm sàng, sự tổng hợp hPL có thể chỉ liên hệ duy nhất với số lượng đơn vị nhau hoạt động, vì vậy có thể sử dụng hPL như là một yếu tố nhằm lượng giá chức năng của bánh nhau. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho rằng hPL có giá trị trong việc sàng lọc ở những thai kỳ có nguy cơ biến chứng tiềm tàng cho thai. Ngoài ra, tác dụng tạo sữa của hPL kém quan trọng hơn prolactin. 

2.2.3 Oxytocin 

2.2.3.1 Quá trình tổng hợp và chuyển hoá 

Oxytocin là một nonapeptide được tạo ra bởi các nhân thị và nhận cạnh não thất của vùng dưới đồi. Nồng oxytocin tăng lên trong suốt thai kỳ và song song với sự gia tăng thể tích máu của mẹ. Nồng độ oxytocin của nhau thai được ước tính cao gấp 5 lần so với thùy sau tuyến yên, cho thấy rằng nhau thai có thể là nguồn cung cấp oxytocin chính trong thai kỳ.

2.2.3.2 Tác dụng chính Oxytocin 

Vai trò của oxytocin trong thai kỳ giai đoạn sớm chưa rõ ràng. Mức oxytocin lưu thông thấp trong suốt thai kỳ và chỉ tăng rõ rệt trong giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển dạ. Các thụ thể Oxytocin hiện diện trong cơ tử cung và tăng mạnh về số lượng chỉ một thời gian ngắn trước khi bắt đầu chuyển dạ.

2.2.4 Relaxin 

2.2.4.1 Quá trình tổng hợp và chuyển hoá 

Relaxin là một hormone peptide cùng họ với insulin, được sản xuất ở một số vị trí, bao gồm hoàng thể thai, màng rụng, nhau thai và tâm nhĩ. 

Relaxin bắt đầu xuất hiện trong huyết thanh của phụ nữ mang thai cùng lúc với hCG. Nồng độ trong thai kỳ là khoảng 1 ng/ml. Nồng độ relaxin cao nhất trong ba tháng đầu và đạt đỉnh khoảng 1,2 ng/ml giữa tuần thứ 8 và 12 của thai kỳ và sau đó giảm dần xuống 1ng/ml trong thời gian sau của thai kỳ. 

2.2.4.2 Tác dụng chính Relaxin 

Ở giai đoạn này, relaxin có vai trò làm giãn thành tử cung bằng cách ức chế cơn co, và nó cũng chuẩn bị cho niêm mạc tử cung để mang thai. Ngoài ra, relaxing còn giãn mạch máu của mẹ để tăng lưu lượng máu đến nhau thai và thận từ đó tăng lượng oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi. 

2.2.5 Prolactin

2.2.5.1 Quá trình tổng hợp và chuyển hóa 

Prolactin là một loại hormone protein hiện diện với kích thước phân tử khác nhau. Ba nguồn prolactin được sản xuất trong thời kỳ mang thai gồm (1) thùy trước của tuyến yên của mẹ là nguồn chính làm tăng nồng độ prolactin huyết thanh mẹ, (2) thùy trước của tuyến yên thai nhi và (3) mô màng rụng của tử cung, từ đó prolactin được tiết chủ yếu vào nước ối nhưng có thể làm tăng nồng độ huyết thanh của mẹ. 

Trong ba tháng đầu của thai kỳ, nồng độ prolactin huyết thanh tăng dần và đạt được mức khoảng 125 - 180 ng/ml. Mức độ prolactin trong thai kỳ thường không phải là chỉ điểm sự phát triển của u tuyến yên. Tuy nhiên, những phụ nữ có u tuyến tăng tiết prolactin khi mang thai nên được theo dõi bằng hình ảnh học để xác định khả năng phát triển của khối u.

2.2.5.2 Tác dụng chính Prolactin 

Khi sinh, nồng độ prolactin tăng cao có nhiệm vụ kích thích mô vú để chuẩn bị cho quá trình tiết sữa. Sau khi sinh, mức prolactin vẫn tăng ở mức 200 - 250 ng/ml và giảm dần bình thường (< 25 ng/ml) trong khoảng thời gian từ 3 - 4 tuần ở những bà mẹ không cho con bú. Ở phụ nữ đang cho con bú, nồng độ prolactin vẫn cao và tăng sau mỗi lần bú. 

Tình trạng tăng prolactin máu liên tục này có tác dụng gây ức chế chức năng phóng noãn tự nhiên. Ngoài ra, prolactin ở màng rụng rất quan trọng đối với sự điều hòa nước và điện giải của nước ối. 

3 Các yếu tố tăng trưởng nhau thai 

3.1 Yếu tố tăng trưởng giống insulin, yếu tố tăng trưởng biến đổi a và yếu tố tăng trưởng biểu mô 

Nhau thai sản xuất các yếu tố tăng trưởng cho phép đa dạng hóa các nguồn dự trữ của mẹ cho sự phát triển của thai nhi và sự biệt hóa tế bào. Các quá trình bị ảnh hưởng bao gồm vận chuyển glucose và acid amin, tổng hợp DNA và sao chép tế bào, cũng như tổng hợp RNA và protein. Các quá trình này có thể được điều chỉnh theo chế độ tự tiết (autocrine) hoặc chế độ cận tiết (paracrine) trong nhau thai. 

Yếu tố tăng trưởng giống insulin (Insulinlike growth factor - IGF), yếu tố tăng trưởng biến đổi a (Transforming Growth Factor a) và yếu tố tăng trưởng biểu mô (Epidermal Growth Factor - EGF) chịu trách nhiệm chính trong việc điều chỉnh sự tăng sinh tế bào, trong khi sự biệt hóa tế bào được điều chỉnh bởi hệ thống thụ thể yếu tố tăng trưởng biến đổi-a và EGF.

3.2 PAPP- A (Pregnancy- Associated Plasma Protein A) 

PAPP-A là protein lớn nhất trong số các protein thai kỳ và được tổng hợp bởi phôi và lá nuôi hợp bào; và được tiết vào tuần hoàn mẹ. 

Trong thời kỳ đầu mang thai, nồng độ PAPP-A trong huyết thanh của người mẹ tăng theo cấp số nhân, 3 đến 4 ngày lại tăng gấp đôi trong 3 tháng đầu với mức tăng chậm hơn khi thai kỳ đến gần đủ tháng. Khi sinh hoặc sẩy thai, nồng độ PAPP-A gần như biến mất với thời gian bán hủy là 53 giờ. 

Nồng độ PAPP-A thấp trong 3 tháng đầu thai kỳ có liên quan đến thể trisomy 21, trisomy 18 và trisomy 13. Có mối liên quan giữa nồng độ PAPP-A thấp với thai chậm tăng trưởng trong tử cung và tăng huyết áp thai kỳ. 

3.3 Yếu tố tăng trưởng bánh rau (PGF) 

Yếu tố tăng trưởng bánh rau (Placental growth factor - PGF) có chức năng tương tự như yếu tố tăng trưởng nội mạc mạch máu (Vascular endothelial growth factor VEGF) và được sản xuất bởi đơn bào nuôi ngoài gai rau. 

PGF chịu trách nhiệm hình thành mạch và xâm nhập vào tuần hoàn mẹ trong quý thứ nhất và thứ hai để cho phép tái tạo mạch máu và nhau thai bình thường. 

Sự bất thường trong hình thành màng đệm (basal decidua) và giảm hình thành mạch mạch máu ở bề mặt nhau thai có liên quan đến việc giảm hoạt động chức năng của PGF. Sự sụt giảm PGF có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của tiền sản giật. Trong bệnh lý này, nồng độ PGF trong huyết thanh và thụ thể VEGF-1 lưu hành hòa tan (sFlt-1) bị thay đổi. Những thay đổi này trong tỷ lệ sFlt/PGF đã được sử dụng như một dấu ấn sinh học để dự đoán tiền sản giật. 

3.4 Human Chorionic Somatomammotropin (hCS) 

hCS có những tương đồng về cấu trúc, sinh học và miễn dịch học với cả hormone tăng trưởng tuyến yên (hGH) và prolactin. hCS chỉ được tạo ra bởi các tế bào lá nuôi hợp bào. 

Nồng độ hCS trong huyết thanh tương quan với khối lượng nhau thai trong thai kỳ, khi đủ tháng, sản xuất nhau khoảng 1 thanh của mẹ nằm trong khoảng 5 đến 15 ug/ml.

3.5 Hormon tăng trưởng có nguồn gốc rau thai (hPGH) 

Trong quý thứ nhất nồng độ GH của tuyến yên có thể định lượng trong huyết thanh của người mẹ và được tiết ra theo kiểu biến động. 

Nồng độ hPGH bắt đầu tăng lên và ổn định khi nồng độ GH từ tuyến yên giảm xuống. 

hPGH kích thích tổng hợp IGF-I từ đó ức chế hormone tăng trưởng tuyến yên từ quý 2 thai kỳ. 

hPGH và IGF-I kích thích tân tạo glucose, ly giải mỡ; hPGH làm giảm số lượng thụ thể insulin gây nên tình trạng đề kháng insulin. 

4 Tài liệu tham khảo 

1. Bùi Thị Như Quỳnh, Võ Văn Đức, Lê Minh Tâm (2017). Nghiên cứu kết quả điều trị thai ngừng tiến triển trong 3 tháng đầu bằng Misoprostol. Tạp chí Phụ Sản. Tập 15 (01): 51-56, https://doi.org/10.46755/vjog.2017.1.311. 

2. Cao Ngọc Thành, Lê Minh Tâm (2011). Nội tiết thai kỳ. Nội tiết phụ khoa và y học sinh sản. Nhà xuất bản Đại học Huế. tr.162-170. 

3. Cao Ngọc Thành, Michael H.R (2004). Nội tiết học thai nghén. Nội tiết học sinh sản, nam học. Nhà xuất bản Y học. tr.32-48. 

4. Chau Khac Tu, Le Minh Tam, Tran Doan Tu, Nguyen Vu Quoc Huy (2021). Uterine torsion in a 25- week pregnant female with congenital uterine didelphys and intraoperative complication of uterine atony: A report of a rare clinical case. Clin. Exp. Obstet. Gynecol. (CEOG). vol. 48(1), 185-188. https:// doi.org/ 10.31083/ j.ceog.2021.01.2230

5. DC Dutta, Hiralal Konar et al (2016). Chapter 6: Endocrinology in Relation to Reproduction. DC Dutta's Textbook of Obstetric 8th Edition. p.67. 

6. Hugh S.Taylor, Lubna Pal, Emre Seli (2019). The Endocrinology of Pregnancy. Speroff's Clinical Gynecologic Endocrinology and Infertility 9th Edition. pp. 485-529. 

7. James H. Liu MD (2019). Creasy and Resnik's Maternal- Fetal Medicine: Principles and Practice 8th edition. Chapter 10: Endocrinology of Pregnancy, 148-160.3. dam 

8. Le Minh Tam, Tomomi Kotani, Tran Manh Linh, Phan Thi Minh Thu, Tran Viet Khanh, Nguyen Thi Kim Anh, Nguyen Tran Thao Nguyen, Yoshinori Moriyama, Eiko Yamamoto, Nguyen Vu Quoc Huy, Truong Quang Vinh, Cao Ngọc Thanh, and Fumitaka Kikkawa (2020). Outcome of caesarean scar pregnancy treated with local Methotrexate injection. Nagoya Journal of Medical Science. 82. 15-23, doi:10.18999/ nagjms.82.1.15. 

9. Lê Minh Tâm (2011). Sẩy thai sớm liên tiếp: khả năng dự phòng hiện nay. Sản phụ khoa từ bằng chứng đến thực hành. Số đặc biệt Tạp chí Phụ Sản. Số 2: 55-70. 

10. Trần Thị Như Quỳnh, Lê Minh Tâm, Cao Ngọc Thành (2018). Nghiên cứu giá trị beta-hCG trong tiên lượng kết cục thai kỳ sau thụ tinh ống nghiệm. Tạp chí Phụ Sản, tập 16, số 2: 103- 107. DOI 10.46755/vjog.2018.2.516


* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      hotline
      0868 552 633
      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633