Khám phá ngay 10 mẹo dân gian trị nấm da đầu tại nhà cực kỳ hiệu quả
Nấm da đầu gây ngứa ngáy, bong tróc và rụng tóc khiến người bệnh mất tự tin. Thật may, nhiều người đã chữa khỏi tình trạng này bằng các phương pháp trị nấm da đầu tại nhà. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về các cách trị nấm da đầu tại nhà.
1 Nấm da đầu là bệnh gì?
Nhiễm nấm da đầu là bệnh do một loại nấm men có tên là Candida gây ra, với các triệu chứng như phát ban, ngứa ngáy, bong tróc trên da đầu. Nấm Candida thường sinh trưởng và phát triển mạnh trong môi trường tối và ẩm ướt. Đôi khi sức đề kháng yếu, chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc đang sử dụng một số loại thuốc cũng có thể là cơ hội để nấm Candida phát triển.
Nhiễm nấm da đầu trong thời gian dài có thể gây tổn thương các nang lông và dẫn đến rụng tóc. Ngoài ra, nếu không được điều trị, nấm Candida trên da đầu có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn nếu nó lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, như mắt, miệng, hệ thống tiêu hóa,...[1]
Người bệnh có thể dùng thuốc hoặc áp dụng các phương pháp dân gian tại nhà để trị nấm da đầu.
2 Các cách trị nấm da đầu tại nhà
Bên cạnh việc dùng thuốc, trị nấm da đầu bằng dược liệu tự nhiên cũng là phương pháp được nhiều người ưa chuộng. Cụ thể, người bệnh có thể sử dụng các nguyên liệu sau để đánh bay nỗi lo nấm da đầu:
Dầu tràm trà
Tinh Dầu Tràm trà có tính kháng khuẩn và kháng nấm tự nhiên rất tốt, vì nó có chứa Gamma-terpinene và Terpinen-4-ol. Vì vậy, đây là một lựa chọn tốt cho bệnh nhiễm nấm da đầu, giúp da đầu phục hồi nhanh chóng.
Có thể kết hợp tinh dầu tràm trà với dầu oliu hoặc dầu dừa để đẩy mạnh công dụng kháng nấm. Đây là giải pháp được nhiều người lựa chọn để chống nấm tại tóc và da đầu một cách an toàn và hiệu quả.
Cách làm:
- Trộn 3-4 giọt tinh dầu tràm trà vào 1 muỗng dầu oliu hoặc dầu dừa
- Làm ướt tóc và da dầu bằng nước lạnh. Lưu ý không dùng nước nóng để tránh làm bay hơi tinh dầu
- Thoa hỗn hợp tinh dầu lên vùng da đầu bị nhiễm nấm và mát xa nhẹ nhàng trong vòng 5 phút.
- Ủ tóc trong vòng 30-60 phút
- Gội đầu lại bình thường với dầu gội và nước sạch
Để làm sạch nấm da đầu, nên sử dụng tinh dầu tràm trà ít nhất 2 lần 1 tuần.
2.1 Giấm táo
Giấm táo có đặc tính kháng nấm tốt. Tính axit trong giấm táo có thể làm bong các mảng nấm trên da đầu và ngăn chặn sự lây lan của chúng. Cách dùng giấm táo để loại bỏ nấm da đầu cũng rất đơn giản:
- Hòa loãng 1 chén giấm táo vào 2 cốc nước
- Làm ướt da đầu và thoa dung dịch giấm táo lên da đầu
- Mát xa da đầu trong vòng 2-3 phút
- Gội đầu lại với nước sạch
Nên sử dụng giấm táo 2-3 lần 1 tuần để loại bỏ hết các mảng nấm trên da đầu.
2.2 Củ nghệ
Củ nghệ được biết đến là một loại gia vị có tính kháng khuẩn và chống viêm mạnh mẽ. Ngoài ra, tinh chất nghệ còn hỗ trợ tái tạo các tế bào da và nang tóc rất tốt, giúp phần da đầu bị tổn thương do nhiễm nấm nhanh chóng phục hồi.
Cách làm:
- Hòa loãng một lượng nhỏ bột nghệ với nước
- Thoa lên vùng da đầu bị nhiễm nấm
Ngoài ra, người bị nấm da đầu cũng có thể uống trà nghệ để giảm thiểu sự lây lan của nấm men sang các cơ quan khác của cơ thể.
2.3 Nha đam
Nha đam, hay còn gọi là lô hội, là loại cây khá lành tính và được sử dụng nhiều trong việc chữa lành các tổn thương tại da. Bởi nó không chỉ điều trị nhiễm trùng mà còn làm dịu và phục hồi các tổn thương trên da.
Thoa gel Lô Hội lên vùng da bị nhiễm nấm 3 lần 1 ngày giúp giảm hẳn các triệu chứng như ngứa ngáy, mẩn đỏ,... Chú ý, một số người có thể bị dị ứng với gel lô hội, vì thế, hãy thử bôi một chút lên vùng da tay trước.
2.4 Nước cốt chanh
Lượng axit trong nước cốt chanh có thể loại bỏ các mảng bám trên da đầu và ngăn chặn sự phát triển của nấm men. Ngoài ra, một lượng lớn Vitamin C trong chanh giúp tái tạo tế bào một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu da đầu bị tổn thương nặng, ví dụ như chảy máu hoặc có các vết xước, thì cần thận trọng vì nước cốt chanh có thể gây xót.
Có 2 cách để sử dụng nước cốt chanh để đánh bay nấm da đầu:
Cách 1:
- Vắt kiệt nước từ 2 quả chanh tươi
- Sau khi gội sạch đầu, thoa nước cốt chanh lên vùng da bị nhiễm nấm
- Mát xa nhẹ nhàng trong vòng 3-5 phút
- Ủ tóc trong khoảng 15 phút
- Gội đầu lại với nước sạch
Cách 2:
- Hòa nước cốt chanh từ 1-2 quả chanh tươi vào 1 chậu nước gội đầu
- Bỏ thêm một ít muối vào chậu và khuấy tan
- Gội đầu bằng hỗn hợp nước chanh muối, mát xa nhẹ nhàng trong quá trình gội
- Ủ tóc trong vòng 30 phút và xả sạch lại với nước
Trị nấm da đầu tại nhà bằng chanh là phương pháp an toàn mà rất hiệu quả. Hãy áp dụng phương pháp này 2-3 lần 1 tuần, bạn sẽ nhận thấy những thay đổi rõ rệt trên da đầu.
2.5 Quả bồ kết
Từ xa xưa, quả Bồ Kết đã được các bà các mẹ sử dụng để gội đầu giúp mái tóc bóng mượt và da đầu khỏe mạnh. Ngày nay, người ta thấy rằng, trong quả bồ kết có chứa một lượng lóng Saponin - thành phần có khả năng làm sạch và tẩy tế bào chết. Quả bồ kết còn có khả năng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nấm men trên da đầu.
Sử dụng quả bồ kết để chữa nấm trên da đầu rất đơn giản:
- Rửa sạch 5 – 7 quả bồ kết tươi hoặc khô, sau đó bẻ đôi
- Lấy 2 lít nước đun sôi và bỏ bồ kết vào
- Đun thêm khoảng 3-5 phút rồi tắt bếp
- Dùng nước bồ kết để gội đầu hàng ngày
Sau khoảng 2-3 ngày sử dụng bồ kết, các mảng da chết sẽ bong ra và vùng da bị nấm sẽ thu hẹp lại. Kiên trì thực hiện phương pháp này giúp bạn khỏi hẳn nấm da đầu.
2.6 Vỏ bưởi
Tinh dầu từ vỏ Bưởi rất tốt cho da đầu và nang tóc, đặc biệt là trong trường hợp nhiễm nấm da đầu. Nghiên cứu cho thấy, một số hoạt chất trong tinh dầu vỏ bưởi có dược tính cao và có khả năng ức chế hoạt động của các bào tử nấm men. Để giảm tình trạng nấm trên da đầu bằng vỏ bưởi, bạn có thể thực hiện theo cách sau:
Rửa sạch vỏ bưởi (tươi hoặc khô đều được), thái thành từng miếng nhỏ
- Đun sôi trong vòng 10 phút với khoảng 3l nước
- Đổ nước ra thau chờ cho bớt nóng thì dùng nước này để gội đầu
- Mát xa nhẹ nhàng trong quá trình gội khoảng 3-5 phút
- Gội lại với nước sạch
Người bị nấm da đầu nên sử dụng vỏ bưởi để gội đầu khoảng 3 lần 1 tuần để có hiệu quả cải thiện rõ rệt. Tinh dầu bưởi giúp giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu do nấm gây ra, đồng thời ngăn ngừa rụng tóc.
2.7 Dùng muối
Trị nấm da đầu bằng muối là phương pháp tại nhà được nhiều người áp dụng vì tính đơn giản và tiết kiệm của nó. Muối có tính sát khuẩn và làm sạch tốt. Vì thế sử dụng muối để loại bỏ các mảng nấm da đầu là một cách hiệu quả. Tuy nhiên, không nên sử dụng muối nếu da đầu bị tổn thương vì có thể gây ra cảm giác đau xót.
Cách sử dụng muối để làm sạch da đầu bị nhiễm nấm như sau:
- Dùng nước sạch, đun sôi sau đó để nguội đến khoảng 50-60 độ C (sờ ấm tay)
- Bỏ 2 thìa muối vào thau nước và khuấy cho tan hết
- Gội đầu bằng nước muối ấm trong vòng 3-5 phút, mát xa nhẹ nhàng
- Gội lại với dầu gội và nước sạch
Môi trường ưu trương của nước muối giúp ức chế và tiêu diệt các tế bào nấm men. Ngoài ra, nước muối loãng giúp giảm cảm giác ngứa ngáy, giảm mẩn đỏ ở vùng da đầu bị nhiễm nấm. Kiên trì gội đầu với nước muối loãng trong vài ngày bạn sẽ nhận thấy da đầu cải thiện rõ rệt.
2.8 Bia tươi
Bia tươi không chỉ là một thức uống giải khát mà còn mang đến nhiều lợi ích khác với sức khỏe con người. Thực tế, nhiều chị em phụ nữ đã sử dụng bia để chăm sóc da và tóc.
Bia tươi có thể ngăn chặn sự phát triển và lây lan của nấm men trên da đầu, giảm ngứa ngáy, bong tróc da đầu. Ngoài ra. lượng protein, vitamin dồi dào giúp nang tóc và da đầu phục hồi nhanh chóng.
Cách thực hiện như sau:
- Sau khi gội sạch đầu, hãy dội bia tươi lên da đầu
- Mát xa nhẹ nhàng da đầu
- Ủ tóc trong khoảng 30 phút
- Gội lại với nước sạch và dùng khăn mềm lau khô tóc
Có thể sử dụng bia tươi để gội đầu 2-3 lần 1 tuần để làm sạch vùng da đầu bị nhiễm nấm. Lưu ý bia tươi nên để qua đêm để loại bỏ bớt men bia và lương carbon gây hại.
2.9 Lá trầu không
Trong đông y, lá Trầu Không có tính ấm, vị cay nồng và thường được sử dụng với vai trò tiêu viêm, sát trùng, ngừa nấm men. Hiện nay, người ta thấy rằng, trong lá trầu không có rất nhiều thành phần có tác dụng dược lý như tanin, carvacrol, chavicol, eugenol,... Những hoạt chất này có khả năng chống nấm, kháng khuẩn, giảm mẩn đỏ, giảm ngứa ngáy và hỗ trợ phục hồi da.
Vì vậy, người bị nấm da đầu có thể dùng lá trầu không để chữa trị theo cách sau:
- Rửa sạch khoảng 15 lá trầu không tươi, dùng tay vò sơ qua
- Bỏ vào nồi đun sôi với khoảng 2,5l nước trong 3-5 phút
- Đổ nước ra thau đợi nguội bớt hoặc hòa thêm 1 ít nước lạnh.
- Dùng nước này để gội đầu, mát xa đầu khoảng 3-5 phút trong quá trình gội
- Xả lại với nước sạch
Gội đầu bằng lá trầu không hàng ngày bạn sẽ thấy hiệu quả cải thiện vùng da đầu bị nhiễm nấm rõ rệt.
3 Dầu gội trị nấm da đầu tại nhà
Hiện nay, một số loại dầu gội, bao gồm cả thành phần thảo dược và thành phần hóa dược, có khả năng hỗ trợ điều trị nấm da đầu rất tốt. Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng các nguyên liệu từ tự nhiên, người bị nấm da đầu nên sử dụng thêm các loại dầu gội này để đẩy mạnh hiệu quả trị nấm.
Sau đây là một số thương hiệu dầu gội tốt cho người bị nấm da đầu được người dùng tin tưởng:
- Dầu gội Dược liệu Thái Dương thuộc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương
- Dầu gội Selsun thuộc Công ty Rohto-Mentholatum
- Dầu gội Vichy Dercos Anti Dandruff thuộc Công ty Vichy
- Dầu gội Mochi xuất xứ từ Nhật Bản
- Dầu gội Haicneal thuộc Công ty Sinocare
4 Lưu ý khi trị nấm da đầu tại nhà
Đối với người bị nấm da đầu thể nhẹ, các phương pháp điều trị tại nhà có thể cho thấy hiệu quả đáng mong đợi. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt nhất, cần lưu ý những điều sau:
- Sau khi gội đầu, tránh búi tóc, đội mũ, nằm hoặc ngủ khi tóc vẫn còn ướt. Vì da đầu ẩm ướt có thể là điều kiện thuận lợi để nấm phát triển và lây lan.
- Hạn chế việc cào gãi da đầu để giảm ngứa. Cào gãi có thể khiến vùng da đầu bị tổn thương nghiêm trọng hơn và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Tránh nhuộm tóc khi da đầu đang bị nấm. Thuốc nhuộm có chứa các thành phần độc hại có thể gây tổn thương cho da đầu.
- Gội đầu quá nhiều hoặc thường xuyên có thể làm tổn thương da đầu, khiến da đầu bị bong tróc hoặc chảy máu. Đồng thời, cần sử dụng các loại dầu gội lành tính, không nên dùng loại có chứa chất tẩy mạnh.
- Nếu sử dụng các loại thảo dược tự nhiên để điều trị nấm da đầu tại nhà, cần chú ý lựa chọn những nguồn thảo dược an toàn và chất lượng. Trong quá trình làm cần làm sạch và sơ chế cẩn thận.
- Người bị nấm da đầu nên hạn chế ăn hải sản, thịt bò, đồ ăn cay, và thực phẩm có nhiều đường. Đồng thời, tránh uống rượu bia và sử dụng chất kích thích.
5 Giải đáp thắc mắc cho người bị nấm da đầu
Nấm da đầu không phải là một tình trạng hiếm gặp, nhưng nó vẫn làm nhiều người hoang mang, lo lắng và mất tự tin.
5.1 Bệnh nấm da đầu có lây không?
Nhiễm trùng nấm men trên da đầu thường không lây nhiễm. Tuy nhiên, nếu bạn là người có thể trạng yếu hoặc bị suy giảm miễn dịch, bạn cần thận trọng khi ở gần những người bị nhiễm nấm. Vì người có sức đề kháng kém có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn.
5.2 Nhiễm nấm da đầu bao lâu thì khỏi?
Thời gian điều trị khỏi nhiễm nấm da đầu tùy thuộc vào thể trạng của người bệnh và các phương pháp mà họ áo dụng. Thông thường, các triệu chứng của nhiễm nấm da đầu sẽ giảm rõ rệt sau khoảng 2 tuần điều trị bằng thuốc kháng nấm. Có một số trường hợp nhiễm nấm da đầu sẽ tự khỏi sau một thời gian. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu có thể mất đến 2 tháng để điều trị khỏi vùng da bị nhiễm nấm. [2]
5.3 Làm sao để tóc mọc lại sau khi bị nấm da đầu?
Một số bệnh nhân có thể bị rụng tóc khi bị nấm da đầu. Lượng tóc rụng đôi khi nhiều đến mức lộ ra mảng da đầu. Tuy nhiên, đa phần các bệnh nhân sau khi điều trị thành công, tóc của họ sẽ mọc lại sau 6-12 tháng. [3]
>>>Xem thêm: Khám phá các loại thuốc mọc tóc trị rụng tóc tốt nhất hiệu quả nhất hiện nay
Tài liệu tham khảo
- ^ Cynthia Cobb (Ngày đăng: Ngày 23 tháng 04 năm 2019). Can I Get a Yeast Infection on My Head?, Heathline. Ngày truy cập: Ngày 26 tháng 05 năm 2023
- ^ Cleveland Clinic medical professional (Ngày đăng: ngày 05 tháng 10 năm 2022). Scalp Yeast Infection, Cleveland Clinic. Ngày truy cập: Ngày 26 tháng 05 năm 2023
- ^ Dr. K. Harish Kumar (Ngày đăng: Ngày 22 tháng 05 năm 2023). 8 Home Remedies To Get Rid Of Scalp Fungus & Prevention Tips, StyleCraze. Ngày truy cập: Ngày 26 tháng 05 năm 2023