1. Trang chủ
  2. Răng Hàm Mặt
  3. Bọc răng sứ chi phí bao nhiêu có đau không? 5 hậu quả bọc răng sứ

Bọc răng sứ chi phí bao nhiêu có đau không? 5 hậu quả bọc răng sứ

Bọc răng sứ chi phí bao nhiêu có đau không? 5 hậu quả bọc răng sứ

Bọc răng sứ là phương pháp phục hình răng phổ biến được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, khi cân nhắc thực hiện thủ thuật này, đa số vẫn còn e ngại, băn khoăn liệu nó có gây đau đớn hoặc tiềm ẩn rủi ro nhiều không. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về phương pháp bọc răng sứ. 

1 Bọc răng sứ là gì?

Bọc răng sứ là thủ thuật y khoa để bảo vệ chiếc răng bị sâu, gãy, yếu hoặc mòn bằng cách sử dụng sứ hoặc chất liệu sứ kết hợp với một kim loại khác để bọc bên ngoài chiếc răng. Khi được đeo, răng sứ sẽ giống như răng thật về mặt hình dáng, kích thước, màu sắc và chức năng. [1]

Phần chụp bên ngoài chiếc răng thật thường được gọi là mão răng. Mão răng được làm vừa khít với hàm răng thật tạo nên tính thẩm mỹ và chắc khỏe. Để đảm bảo vừa vặn, nha sĩ sẽ cần loại bỏ một lượng nhỏ men răng trước khi dán mão răng mới của bạn vào vị trí.

Răng sứ có nhiều ưu điểm như bền vững, đẹp mắt và dễ dàng chăm sóc vệ sinh. Tuy nhiên, chi phí cho việc bọc răng sứ có thể khá đắt và quá trình này cần phải được thực hiện bởi các chuyên gia nha khoa có kinh nghiệm để đảm bảo độ chính xác và độ bền của răng sứ.

2 Bọc răng sứ có đau không?

Thường thì quá trình bọc răng sứ không gây đau đớn nhiều, nhưng một số người có thể cảm thấy khó chịu hoặc đau nhẹ do quá trình lắp mão răng hoặc phẫu thuật.

Trong quá trình bọc răng sứ, bác sĩ sẽ sử dụng một số dụng cụ như bộ định hình khuôn miệng để chuẩn bị răng cho việc đeo răng sứ. Quá trình này có thể gây ra cảm giác khó chịu hoặc đau nhẹ, nhưng nó sẽ rất nhanh chóng và không kéo dài quá lâu.

Khi đeo răng sứ, một số người có thể cảm thấy bị nhói mạnh lúc bác sĩ đặt răng sứ lên răng thật và sử dụng áp lực để định hình răng. Tuy nhiên, quá trình này cũng chỉ kéo dài trong vài phút và sẽ không gây đau đớn nếu bác sĩ sử dụng đúng kỹ thuật và có sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại như gây tê tủy răng.

Lúc đặt răng sứ có thể cảm thấy hơi nhói
Lúc đặt răng sứ có thể cảm thấy hơi nhói

Sau khi bọc răng sứ, một số người có thể cảm thấy nhạy cảm hoặc đau nhẹ trong vài ngày đầu tiên, nhưng thường thì các triệu chứng này sẽ dần dần giảm và biến mất nhanh chóng. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng đau đớn hoặc khó chịu kéo dài sau quá trình bọc răng sứ, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn để được tư vấn và điều trị.

3 Quy trình bọc răng sứ như thế nào?

Với những người chỉ thực hiện bọc sứ từ 2 - 3 chiếc răng, thì thường chỉ mất khoảng 3-4 ngày. Tuy nhiên với những trường hợp bọc nhiều hơn, có thể sẽ kéo dài hơn, từ 5 - 7 ngày (tùy vào tình trạng răng của từng người). Trong thời gian đó nha sĩ sẽ thực hiện các bước như thăm khám, mài răng, lấy dấu răng và bọc sứ. Một quy trình bọc răng sứ chuẩn bao gồm:

  • Bước 1: Thăm khám sức khỏe răng miệng

Trước khi thực hiện bọc răng sứ, bạn sẽ được các nha sĩ kiểm tra sức khỏe răng miệng. Việc làm này để hỗ trợ cho quá trình bọc răng sứ diễn ra an toàn và hiệu quả. Khi thăm khám, nếu phát hiện ra các vấn đề nha khoa như viêm nhiễm, sâu răng,... nha sĩ sẽ yêu cầu điều trị dứt điểm bệnh lý đó rồi mới tiến hành bọc sứ.

  • Bước 2: Gây tê và thực hiện mài cùi răng 

Răng thật sẽ được mài mỏng đi để dễ dàng cho việc đặt mão răng. Trước khi tiến hành mài, bạn sẽ được tiêm tê để giảm cảm giác đau nhức hay tê buốt. Quá trình mài răng sẽ phụ thuộc vào độ dày mỏng và tình trạng răng của mỗi người. Răng được mài cần có tỷ lệ đúng vì khi quá dày hay quá mỏng đều ảnh hưởng đến chất lượng răng sứ về sau và có khi còn làm hỏng răng thật.

  • Bước 3: Lấy dấu hàm cần bọc để gửi đến phòng Labo

Sau khi mài răng, các nha sĩ sẽ tiến hành lấy dấu răng của khách hàng để gửi về phòng Labo. Việc làm này sẽ giúp cho răng sứ được tạo ra với kích thước phù hợp để lắp cho khách hàng đạt độ chính xác và thẩm mỹ tốt nhất.

  • Bước 4: Kiểm tra răng sứ đã làm, so sánh với răng thật và gắn cố định

Răng sứ nhận được từ phòng Labo sẽ được bác sĩ gắn thử vào răng thật để đảm bảo các tiêu chí về khớp cắn, thẩm mỹ,… Sau khi đảm bảo về tính thẩm mỹ và tính chính xác, các nha sĩ mới dùng chất kết dính chuyên biệt để gắn cố định vào răng thật.

4 Có những loại răng sứ nào?

Tại các phòng khám nha khoa ở Việt Nam, có 4 loại răng sứ phổ biến. Đó là răng sứ thường, răng sứ titan, răng sứ toàn sứ (răng sứ nguyên khối) và răng sứ kim loại quý. Mỗi loại lại có những ưu và nhược điểm khác nhau.

4.1 Răng sứ thường

Răng sứ bằng kim loại thường có phần lõi làm từ hợp kim Ni – Cr hoặc Co – Cr và được phủ một lớp sứ trắng bên ngoài. Đây là loại răng sứ thông dụng và có chi phí rẻ nhất hiện nay. 

4.1.1 Ưu điểm

  • Độ cứng và độ chịu lực khá tốt.
  • Chi phí thấp

4.1.2 Nhược điểm

  • Dễ bị xỉn màu và đen dần ở chân răng do tác động của axit trong khoang miệng.
  • Khi có ánh sáng chiếu vào có thể thấy rõ màu đen của phần lõi kim loại gây mất thẩm mỹ.
  • Thời hạn sử dụng ngắn: khoảng 5-7 năm

4.2 Răng sứ kim loại Titan

Khác với răng sứ thường, Răng sứ kim loại Titan có phần lõi răng được làm bằng hợp kim Titan. Chất liệu Titanium là một trong những vật liệu tốt và được ứng dụng nhiều trong y khoa.

4.2.1 Ưu điểm

  • Trọng lượng nhẹ hơn răng sứ kim loại thường
  • Độ bền và độ chịu lực tốt
  • Ít gây kích ứng hay viêm nhiễm mô nướu
  • Phù hợp với những người có buồng tủy lớn không thể sử dụng răng sứ toàn sứ để bọc răng
  • Giá thành vừa phải, tuổi thọ tương đối cao, từ 7 - 10 năm.

4.2.2 Nhược điểm

  • Nếu nhìn kỹ có thể thấy hơi xỉn màu và không được trắng sáng tự nhiên như răng toàn sứ.
  • Sau một thời gian sử dụng vẫn có thể gây ra hiện tượng đen viền nướu, mất thẩm mỹ.

4.3 Răng sứ toàn sứ

Răng sứ toàn sứ được làm từ sứ nguyên khối, không có phần lõi kim loại. Loại răng sứ này khắc phục được nhiều nhược điểm của răng sứ kim loại nhưng quá trình sản xuất phức tạp hơn. Một số cái tên phổ biến của dòng răng sứ này là Nacera, DDBio HT, Zirconia, Cercon, Zolid

4.3.1 Ưu điểm

  • Độ bền cao, có thể sử dụng trong thời dài mà không gây đen viền nướu.
  • Màu sắc tự nhiên như răng thật, không bị đổi màu do môi trường axit trong khoang miệng.
  • Không gây hại hoặc kích ứng các mô nướu

4.3.2 Nhược điểm

  • Chi phí khá cao, thuộc hàng cao cấp trong các loại răng sứ.
  • Công nghệ thiết kế và chế tạo răng toàn sứ rất  phức tạp và yêu cầu máy móc hiện đại.
  • Nha sĩ thực hiện cần có tay nghề cao vì các khâu thực hiện rất phức tạp và tỉ mỉ.

4.4 Răng sứ kim loại quý

Đây là một trong những dòng răng sứ đắt nhất do phần lõi được làm từ một loại kim loại quý hoặc hỗn hợp kim loại quý như vàng, bạc, platin hay palladium,… Sau đó được phủ bên ngoài bởi một lớp sứ mỏng.

4.4.1 Ưu điểm

  • Sử dụng được trong thời gian rất dài (trên 15 năm)
  • Độ bền cao, không bị đen viền răng sau nhiều năm sử dụng.
  • Ít gây kích ứng hoặc viêm nướu
  • Kim loại vàng có tính sát khuẩn, nên răng sứ loại này có thể ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm tại răng và nướu.

4.4.2 Nhược điểm

  • Yêu cầu kỹ thuật cao trong quá trình thực hiện nên nha sĩ cần có kỹ thuật tốt
  • Có thể nhìn thấy màu sắc của phần lõi nên răng sứ trông không tự nhiên.
  • Chi phí dao động lớn và đắt hơn nhiều so với các loại răng sứ khác.
Các loại răng sứ rất đa dạng
Các loại răng sứ rất đa dạng

5 Phân loại bọc răng sứ

Hiện nay, với công nghệ tiên tiến, phương pháp bọc răng sứ trở nên phát triển và đa dạng. Theo tính chất của răng bị hư tổn, có nhiều loại bọc răng sứ bao gồm:

5.1 Bọc sứ trực tiếp

Bọc sứ trực tiếp lên trên răng bị hư tổn là phương pháp được dùng trong các trường hợp răng bị hư tổn nhẹ như chỉ bị sứt mẻ, sâu răng mà vẫn giữ được chân răng. Để tiến hành, bác sĩ sẽ mài phần xung quanh của chiếc răng gốc sau đó mới tiến hành bọc răng sứ lên phía trên. [2]

5.2 Làm cầu răng sứ

Làm cầu răng sứ là một phương pháp để thay thế các răng bị mất bằng cách sử dụng các răng còn lại làm trụ để gắn các răng sứ vào. Với những răng đã mất hoàn toàn sẽ phải bọc răng sứ gián tiếp bằng cách làm cầu răng sứ.

Theo đó, 2 răng còn lại bên cạnh chỗ trống sẽ được mài nhỏ để tạo ra một nền móng vững chắc để gắn các răng sứ. Sau đó, các răng sứ được tạo ra để có kích thước, màu sắc và hình dạng phù hợp với các răng còn lại và được gắn vào trụ. Cầu răng sứ không chỉ giúp tái tạo lại hàm răng đầy đủ mà còn cải thiện chức năng nhai và giúp giảm áp lực trên các răng còn lại.

5.3 Dán răng sứ Veneers 

Dán răng sứ Veneers là một phương pháp điều trị răng miệng để cải thiện hình dáng, màu sắc và sự thẩm mỹ của răng. Veneers là một lớp mỏng (từ 0,3 đến 0,5mm) được làm bằng sứ hoặc composite và được dán lên mặt răng bằng keo đặc biệt.

Dán răng sứ Veneers được sử dụng cho trường hợp răng bị thưa, xỉn màu, răng bị nứt, mọc lệch mức độ nhẹ hoặc răng. Phương pháp này có ưu điểm ở chỗ là chỉ cần mài một phần nhỏ của răng thật và cũng không cần lấy tủy nên bảo tồn răng hoàn toàn. 

Dán răng sứ Veneers không làm ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống và sinh hoạt hằng ngày của chúng ta. Tuổi thọ của phương pháp này có thể dao động từ 7-15 năm tùy vào vật liệu và kỹ thuật dán. 

5.4 Bọc răng sứ Implant

Bọc răng sứ Implant là một phương pháp thay thế răng bị mất bằng cách sử dụng một loại chân răng nhân tạo được gọi là Implant. Implant được đặt sâu vào xương hàm, sau đó được tạo hình và gắn thêm răng sứ lên trên trụ Implant để tạo ra một răng giả trông giống như răng thật.

Đây là một trong những phương pháp được sử dụng nhiều nhất cho những người bị mất chân răng. Các này có ưu điểm là không cần mài răng thật, chiếc răng giả rất chắc chắn và có thể sử dụng được vĩnh viễn.

6 Có nên bọc răng sứ không?

Bọc răng sứ đang là dịch vụ nha khoa được nhiều người quan tâm bởi những ưu điểm nổi trội của nó. Cụ thể, bọc răng sứ có thể:

  • Tăng tính thẩm mỹ cho hàm răng: Bọc răng sứ có thể giúp cải thiện hình dáng, màu sắc và vị trí của răng. Nó là giải pháp hiệu quả để làm cho răng trở nên đều và đẹp hơn.
  • Bảo vệ răng: Nếu răng của bạn bị sứt mẻ, bị ăn mòn hoặc bị hư hỏng, thì bọc răng sứ có thể bảo vệ chúng khỏi các tác động bên ngoài như khi nhai thực phẩm hay khi vệ sinh răng. Ngoài ra, răng sứ có thể bảo vệ răng thật khỏi quá trình ăn mòn hoặc sâu răng. 
  • Tăng cường chức năng nhai: Nếu bạn bị mất răng hoặc răng của bạn bị suy yếu, bọc răng sứ có thể giúp bạn nhai tốt hơn và tăng cường chức năng nhai.
  • Giảm nhạy cảm: Nếu bạn có răng nhạy cảm với nhiệt độ hoặc độ ẩm, bọc răng sứ có thể giảm thiểu tình trạng này
  • Độ bền cao: Răng sứ có độ bền cao và có thể sử dụng trong nhiều năm nếu được chăm sóc đúng cách.
  • Không gây kích ứng: Với những người bị dị ứng với hợp kim, bọc răng sứ là giải pháp tốt để tránh các phản ứng dị ứng.

7 Cảnh báo về hậu quả bọc răng sứ

Mặc dù bọc răng sứ mang lại nhiều lợi ích về mặt thẩm mỹ và sức khỏe. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn tồn tại một số rủi ro khi thực hiện. Một số người sau khi bọc răng sứ đã gặp phải tình trạng đau nhức, kích ứng nướu, hao mòn răng, mất hoặc gãy răng. Cụ thể là: 

  • Đau nhức kéo dài

Nếu mài răng quá mỏng và xâm phạm vào phần tủy của răng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trong khoang miệng, gây viêm xương hàm và viêm lợi từ đó xuất hiện tính trạng đau nhức kéo dài. Ngoài ra, điều chỉnh sai khớp cắn làm cho lực nhai dồn quá nhiều lên chân răng sứ làm cho khớp cắn bị lệch và gây đau nhức kéo dài sau khi bọc răng sứ.

  • Bị hôi miệng

Răng sứ có thể bị vênh và sinh ra khe hở giữa mão sứ với răng thật do kỹ thuật hoặc kích thước răng sứ không phù hợp. Khe hở này khiến cho thức ăn bị giắt vào khiến việc vệ sinh sạch sẽ gặp khó khăn. Từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn gây mùi phát triển gây ra hôi miệng. 

  • Bị viêm nướu và tụt lợi

Nếu sử dụng loại răng sứ không có nguồn gốc rõ ràng dần dần sẽ làm cho nướu bị viêm với triệu chứng sưng đỏ, không bám chắc vào răng, có mùi hôi và đau nhức. Điều này kết hợp với việc vệ sinh răng miệng kém, điều trị bệnh lý răng miệng không dứt điểm sẽ giúp vi khuẩn tồn tại trong khoang miệng sinh ra tình trạng tụt lợi, viêm nướu.

>>>Xem thêm: Bệnh trụt nướu răng: nguyên nhân gây bệnh và điều trị

  • Cấu trúc hàm bị lệch

Thao tác gắn mão răng được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề yếu có thể khiến răng sứ bị vênh và kết quả là khớp cắn lệch khiến quá trình nhai gặp khó khăn.

  • Nứt, vỡ răng sứ

Nếu bọc răng sứ kém chất lượng thì sau một thời gian ngắn sẽ bị xỉn màu, nứt, vỡ,... Kết quả là khiến răng bên trong không được bảo vệ tốt sẽ bị viêm và lung lay.

Kỹ thuật của nha sĩ không tốt có thể khiến răng sứ bị lệch
Kỹ thuật của nha sĩ không tốt có thể khiến răng sứ bị lệch

Nguyên nhân gây ra các tình trạng trên có thể bao gồm: 

  • Kỹ thuật của nha sĩ không tốt 

Bác sĩ tay nghề kém có thể thực hiện kỹ thuật mài răng và lắp răng sứ không đúng. Kết quả làm ảnh hưởng đến sức khỏe của răng thật, giảm tuổi thọ của răng sứ và gây khó khăn trong quá trình vệ sinh.

  • Chất lượng răng sứ không đảm bảo

Nếu sử dụng loại răng sứ không rõ nguồn gốc hoặc chất lượng kém thì theo thời gian phần sứ sẽ bị oxy hóa, nhanh xỉn màu và làm cho khoang miệng có mùi hôi. Răng sứ kém chất lượng có thời hạn sử dụng ngắn, có thể bị vỡ hoặc hở trong quá trình sử dụng. 

  • Vệ sinh răng miệng hoặc ăn uống sai cách

Sau khi bọc răng sứ, việc vệ sinh răng miệng và chế độ ăn cần được chú ý nhiều hơn. Bạn không nên chà xát quá mạnh vào răng, không ăn các thực phẩm quá cứng hoặc dai và không nên dùng răng để cạy đồ vật. 

8 Bọc răng sứ có thể dùng được bao lâu?

Tuổi thọ trung bình của mão răng là từ 5 đến 15 năm. Nếu bạn nhận thấy răng bị mòn, nứt hoặc hư hỏng, thì đã đến lúc thay thế mão răng.

Trong quá trình đó, bạn cần chăm sóc hàm răng cẩn thận:

  • Đánh răng ít nhất hai lần một ngày bằng kem đánh răng có chất fluoride và bàn chải đánh răng có lông mềm
  • Dùng chỉ nha khoa giữa các răng của bạn một lần mỗi ngày.
  • Sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn để loại bỏ mảng bám răng và vi khuẩn có hại.
  • Tránh thức ăn cực kỳ cứng, giòn hoặc dai.
  • Nếu bạn nghiến răng khi ngủ, hãy hỏi nha sĩ của bạn về việc đeo dụng cụ bảo vệ răng.
  • Định kỳ đến phòng khám để kiểm tra sức khỏe răng.

9 Chi phí làm răng sứ có đắt không?

Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm khi muốn bọc răng sứ. Hiện tại, bảng giá bọc răng sứ khá đa dạng, phụ thuộc vào chất lượng răng sứ, tình trạng răng thật, số răng cần bọc và dịch vụ tại nơi thực hiện bọc răng. 

Chi phí cho việc bọc 1 chiếc răng sứ có thể dao động từ 600.000 - 4.000.000 VND (như loại răng sứ Titan hoặc Zirconia), nhưng cũng có loại chi phí lên tới 7.000.000 - 9.000.000 cho 1 chiếc răng sứ (như loại răng sứ Cercon HT, Nacera Pearl). Trong đó, răng sứ kim loại sẽ có giá thành thấp hơn so với răng sứ nguyên khối. Tuy nhiên, răng sứ kim loại chỉ có tuổi thọ khoảng 5-7 năm, trong khi răng sứ nguyên khối có thể được sử dụng đến 15 năm. 

Vì thế trước khi lựa chọn bọc răng sứ, bạn nên tìm hiểu kỹ về mức giá cũng như đặc điểm của các loại răng sứ trên thị trường hiện nay.

10 Sau khi bọc răng sứ có thể ăn uống bình thường không?

Sau khi bọc răng sứ, bạn có thể ăn uống bình thường, nhưng cần lưu ý một số điều để đảm bảo răng sứ của bạn được bảo vệ và bền lâu. Bạn cũng có thể bị đau nhức hoặc nhạy cảm ở nướu xung quanh răng được điều trị. Những tác dụng phụ này là bình thường và sẽ biến mất sau vài ngày. Bạn có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn (như Acetaminophen hoặc Ibuprofen ) để giảm bớt sự khó chịu.

Trong 24 giờ đầu tiên sau khi bọc răng sứ, bạn nên tránh ăn những thực phẩm cứng, dẻo và nóng quá, vì đây là thời gian cần thiết cho keo dán chắc chắn trên răng sứ. Thay vào đó, bạn có thể ăn những thực phẩm mềm, như súp, cháo, hoặc thức ăn dễ ăn nhai như cá hoặc trứng.

Sau khi bọc răng sứ nên tránh những thực phẩm nào?
Sau khi bọc răng sứ nên tránh những thực phẩm nào?

Sau khi đã trải qua 24 giờ đầu tiên, bạn có thể ăn những thực phẩm cứng và dẻo hơn, nhưng vẫn nên tránh những thực phẩm quá cứng và những thực phẩm có khả năng làm răng sứ bị vỡ hoặc bị hỏng. Ví dụ như các loại thực phẩm như kẹo Cao Su, kẹo cứng, đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh, thức ăn có chiết xuất đậu nành, cà phê, rượu, thuốc lá, và các chất gây mòn như axit hoặc đường.

Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến việc vệ sinh răng miệng thường xuyên để bảo vệ răng sứ. Hãy đánh răng và sử dụng chỉ nha khoa một cách cẩn thận và đúng cách để tránh làm hư hại răng sứ của bạn.

Tóm lại, bọc răng sứ là phương pháp tăng tính thẩm mỹ và hỗ trợ cho hàm răng chắc khỏe. Bài viết trên đã cung cấp những thông tin đầy đủ nhất về phương pháp bọc răng sứ. Bạn cần tìm hiểu hoặc trao đổi với nha sĩ thật kỹ trước khi quyết định thực hiện trồng răng sứ. 

>>> Xem thêm: Khi nào nên nhổ răng khôn (răng số 8) bị mọc lệch

Tài liệu tham khảo

  1. ^  Canadian Agency for Drugs and Technologies in Health (Ngày đăng tháng 5 năm 2015). Porcelain-Fused-to-Metal Crowns versus All-ceramic Crowns: A Review of the Clinical and Cost-Effectiveness, PubMed. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2023
  2. ^ Tác giả Jennifer Archibald và cộng sự (Ngày đăng tháng 10 năm 2019). Everything You Need to Know About Getting a Dental Crown, Healthline. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2023

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633