Block nhĩ thất: Chẩn đoán và hướng dẫn điều trị kịp thời
Trungtamthuoc.com - Block nhĩ thất là tình trạng tim đập chậm hơn hoặc có nhịp bất thường. Nguyên nhân là do các xung điện điều khiển nhịp đập của tim bạn gặp vấn đề. [1]
1 Bloc nhĩ thất là gì?
Block nhĩ thất (AV) là sự gián đoạn hoặc chậm dẫn truyền điện từ tâm nhĩ đến tâm thất. Tình trạng này xảy ra do bất thường hệ thống dẫn trong nút AV hoặc hệ thống His-Purkinje. Chậm dẫn truyền có thể là nguyên nhân sinh lý nếu tốc độ nhĩ nhanh bất thường hoặc bệnh lý ở tốc độ nhĩ bình thường. Bloc nhĩ thất thường được xác định dựa trên nhịp nhĩ thông thường. Nói chung, có ba cấp độ block nhĩ thất là độ I, độ II và độ III.
2 Tại sao block nhĩ thất xảy ra?
Trái tim có bốn ngăn cùng hoạt động, hợp tác để bơm máu đi nuôi cơ thể. Một tín hiệu điện bắt đầu ở một điểm được gọi là nút xoang nhĩ (SA). Nó còn được gọi là máy tạo nhịp tim tự nhiên của cơ thể.
Dòng điện đi xuống một nhóm tế bào được gọi là nút nhĩ thất (AV). "Trạm chuyển tiếp" này làm chậm dòng điện trước khi nó đi đến tâm thất. Sau đó, trái tim bóp lại. Khi bạn nghỉ ngơi, điều này thường xảy ra khoảng 60-100 lần mỗi phút.
Khi bạn bị tắc nghẽn tim, tín hiệu điện từ buồng tim phía trên bị chậm lại hoặc bị gián đoạn trên đường đến các buồng phía dưới. [2]
3 Nguyên nhân gây block nhĩ thất
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng bloc nhĩ thất, trong đó có thể do ảnh hưởng của sử dụng một số loại thuốc như : Digoxin, thuốc chặn beta giao cảm, thuốc chống loạn nhịp tim…
Block nhĩ thất có thể xảy ra do sử dụng một số loại thuốc.
Block nhĩ thất xảy ra ở những người mắc bệnh tim như: nhồi máu cơ tim cấp tính hay mắc bệnh mạch vành mạn tính, bệnh van tim, bệnh cơ tim, bệnh Lenegre, bệnh tim bẩm sinh, viêm cơ tim do nhiễm trùng…
Bệnh cũng có thể xảy ra do mắc phải một số bệnh nội tiết như Addison, rối loạn chuyển hóa, bệnh khối u...
Bloc nhĩ thất xảy ra sau các chấn thương như mổ tim, dùng phóng xạ, thông tim và can thiệp ở tim…
Ngoài ra, bệnh còn có thể xảy ra ở những người có hội chứng xoang cảnh, cường phế vị gây ngất, rối loạn thần kinh cơ.
4 Phân loại block nhĩ thất
4.1 Block nhĩ thất độ I
Là tình trạng dẫn truyền chậm trễ từ tâm nhĩ xuống tâm thất, với đoạn PQ (PR) kéo dài khi điện tâm đồ trên 0,20 giây. Block tim cấp độ một có thể không cần điều trị dưới bất kỳ hình thức nào. [3]
4.2 Block nhĩ thất độ II
Kiểu Mobitz I hay chu kỳ Wenckebach với đoạn PQ (PR) trên điện tâm đồ bị giãn dần ra và rồi sẽ chỉ còn sóng p mà không có phức bộ QRS kèm theo. Sau đó chu kỳ lại lặp lại như vậy. Bloc nhĩ thất cấp II kiểu chu kỳ Wenckebach thường gặp ở người tổn thương ở nút nhĩ thất như nhồi máu cơ tim, thấp tim cấp, ngộ độc digoxin… Các rối loạn nhịp này chỉ tạm thời, và hồi phục về nhịp xoang bình thường dễ dàng, hiếm khi gây bloc nhĩ thất hoàn toàn.
Kiểu Mobitz II với các nhát bóp của tim bị bloc đan xen vớHeart Block
i nhát bóp nhịp xoang bình thường, độ bloc có thể là 2/1, 3/1...
Bloc nhĩ thất cấp III chính là bloc nhĩ thất hoàn toàn thì đường dẫn truyền từ nhĩ xuống thất bị tắc nghẽn hẳn, nhĩ và thất đập nhịp riêng biệt nhau
5 Các triệu chứng của block nhĩ thất
5.1 Các biểu hiện cơ năng và thực thể
Tùy thuộc vào nhịp tim chậm và sự dung nạp của từng người bệnh mà có biểu hiện khác nhau.
Nếu bloc nhĩ thất cấp I, hoặc bloc nhĩ thất cấp II, cấp III mà nhịp thất ít chậm, người bệnh có thể không có biểu hiện gì.
Còn ở người có nhịp tim chậm nhiều, lúc này máu từ tim đến các cơ quan, bao gồm cả não bị suy giảm. Vì vậy, người bệnh có thể bị choáng váng , mất thăng bằng, đôi khi bị xỉu, hoặc ngất. Khi có cơn ngất, người bệnh không còn ý thức, tay chân co quắp, sùi bọt mép.
Những người bloc nhĩ thất cấp III có thể thấy nhịp tim chậm (30 - 40 chu kỳ/phút) và đều. Một số trường hợp nghe thấy “tiếng đại bác” do có sự trùng hợp đi gần nhau giữa co bóp nhĩ và thất.
Huyết áp tối đa thường tăng và huyết áp tối thiểu thường giảm ở những bệnh nhân này.
5.2 Biểu hiện trên điện tâm đồ
Block nhĩ thất độ I có thời gian PQ (PR) trên 0,20 giây. Mỗi sóng P đều đi kèm phức bộ QRS. Khoảng PQ (PR) có khoảng 0,20 đến 0,40 giây. Có một số trường hợp PR có thể đến 0,60 giây hoặc hơn và thậm chí chồng lên sóng T của thất đồ trước.
Block nhĩ thất độ II Mobitz I thì một chu kỳ có thể có 3, 4, 5 nhát bóp. Và ở mỗi chu kỳ thời gian PR dài dần rồi 1 sóng bị bloc. Trong mỗi chu kỳ thì thời gian RR sẽ ngắn dần đến lúc sóng P bị bloc. Thời gian RR sóng P bị bloc ngắn hơn 2 RR.
Block nhĩ thất độ II Mobitz II thì một số xung động từ trên nhĩ không truyền được xuống thất, đó là một số sóng P không có QRS kèm theo. Hoặc cứ 1, 2, 3 nhát bóp có đủ P cùng với QRS thì có một sóng P không kèm theo QRS. Thời gian PQ ở nhát bóp dẫn truyền được từ nhĩ xuống thất đều bằng nhau. Nếu người bệnh gắng sức hoặc dùng thuốc làm tăng tần số xoang có thể làm mức bloc nghiêm trọng hơn.
Block nhĩ thất độ III thì nhịp thất đa phần rất chậm 30 - 50ck/p theo vị trí ổ chủ nhịp chỉ huy thất đập. Các phức bộ QRS thường đều nhau.
6 Phương pháp điều trị bloc nhĩ thất
Người bệnh block nhĩ thất độ I hoặc bloc nhĩ thất độ II Mobitz I đa phần không cần điều trị gì đặc hiệu. Còn trường hợp block nhĩ thất độ cao hơn, dai dẳng thì phải cấy máy tạo nhịp tim.
6.1 Thuốc dùng với người bệnh block nhĩ thất
Chủ yếu dùng với người bệnh cần cấp cứu, đặc biệt nếu người bệnh bị ngất hoặc xỉu. Thuốc chỉ có tác dụng tạm thời khi chờ cấy máy tạo nhịp hoặc lúc nguy cấp của một số bệnh chờ hồi phục.
Atropin là thuốc thường dùng đầu tiên, tiêm tĩnh mạch 4 ống 1/4mg, nếu có đáp ứng tiếp tục tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.
Dopamin truyền tĩnh mạch khởi đầu 5mcg/kg/phút ở người có triệu chứng huyết áp thấp kèm theo.
Adrenalin truyền tĩnh mạch liều 1 - 2mcg/phút cho người bệnh có biểu hiện rất nghiêm trọng.
Isoproterenol hydrochlorid, truyền tĩnh mạch ban đầu liều 2mcg/kg/phút, điều chỉnh tăng dần đến 10mcg/kg/phút căn cứ đáp ứng của người bệnh hoặc viên ngày uống 8 - 12 viên.
6.2 Cấy máy tạo nhịp tim cho người bloc nhĩ thất
Máy tạo nhịp qua da rất có hiệu quả với những người bệnh này nhưng thường gây đau. Các máy này là máy xách tay di động, gắn với hệ thống phá rung cấp cứu. Những người bệnh ngất cần kịp thời đặt tạo nhịp tạm thời khi đang vận chuyển người bệnh đến bệnh viện.
Trường hợp cấp cứu thì dùng máy tạo nhịp áp thành qua da để chờ đặt máy tạo nhịp tạm thời bằng đường tĩnh mạch.
Cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn nếu bị bloc nhĩ thất mắc phải không do nhồi máu cơ tim
Những người bắt buộc cấy máy tạo nhịp nếu:
Bị block nhĩ thất cấp III kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng. Rối loạn nhịp tim và các bệnh nội khoa phải sử dụng các thuốc gây ra nhịp chậm. Người bệnh ngừng tim trên 3,0 giây và tần số tim dưới 40ck/ph lúc thức.
Sau triệt bỏ nút nhĩ thất bằng sóng vô tuyến.
Bloc nhĩ thất sau phẫu thuật tim rất khó hồi phục hay người mắc bệnh thần kinh cơ. Hoặc bloc nhĩ thất cấp II có triệu chứng bởi nhịp chậm.
Những trường hợp nên cấy máy tạo nhịp bao gồm:
- Block nhĩ thất cấp III không triệu chứng, tần số tim khi tỉnh trên 40ck/ph, đặc biệt nếu tim to và thất trái suy yếu.
- Block nhĩ thất cấp II nói chung không triệu chứng, vị trí bloc ở trong hoặc dưới His.
- Block nhĩ thất cấp I có triệu chứng, cải thiện được triệu chứng khi tạo nhịp tạm
Những trường hợp có thể cấy máy tạo nhịp bao gồm:
- Block nhĩ thất cấp I với PR > 0,3s với người bệnh suy chức năng thất trái và biểu hiện suy tim ứ trệ mà có thời gian PR ngắn hơn sẽ cải thiện được chức năng tim.
- Bệnh thần kinh cơ có bloc nhĩ thất không phụ thuộc mức độ.
Những trường hợp không nên cấy máy tạo nhịp bao gồm:
- Block nhĩ thất độ I không triệu chứng.
- Block nhĩ thất cấp II mobitz I ở nút nhĩ thất, không triệu chứng.
- Block nhĩ thất có thể hồi phục.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia của NHS.UK, Heart block, NHS.UK. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của WebMD, What Is Atrioventricular (AV) Block?, WebMD. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Mayoclinic, Heart Block, Hopskinmedicine. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2021