1. Trang chủ
  2. Da Liễu
  3. Biểu hiện, chẩn đoán, điều trị Viêm tuyến mồ hôi mủ (Hidradenitis suppurativa)

Biểu hiện, chẩn đoán, điều trị Viêm tuyến mồ hôi mủ (Hidradenitis suppurativa)

Biểu hiện, chẩn đoán, điều trị Viêm tuyến mồ hôi mủ (Hidradenitis suppurativa)

Trungtamthuoc.com - Viêm tuyến mồ hôi mủ là bệnh lý của tuyến mồ hôi dầu đặc trưng bởi các sần, nốt mủ, áp xe, đường rò, sẹo... Bệnh tiến triển dai dẳng, rất khó điều trị, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người bệnh.

Chương 6. BỆNH DA HIẾM GẶP KHÔNG RÕ NGUYÊN NHÂN, VIÊM TUYẾN MỒ HÔI MỦ (Hidradenitis suppurativa), trang 186-188, Sách BỆNH DA HIẾM GẶP

Nhà xuất bản Y học Hà Nội - 2024

Chủ biên: Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu Khang - Giảng viên Cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội

Tải bản PDF TẠI ĐÂY

1 ĐẠI CƯƠNG

Các tuyến mồ hôi đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng nội môi, điều hòa thân nhiệt, kháng khuẩn, bài tiết và tạo mùi cơ thể. Tuyến mồ hôi nước (eccrine) khu trú ở khắp nơi trên bề mặt da, trong khi đó tuyến mồ hôi dầu (apocrine) chỉ hiện diện ở các nếp gấp như nách, vùng hậu môn sinh dục, núm vú và xung quanh quầng núm vú. Sự thay đổi cấu trúc hay nhiễm trùng các tuyến này có thể gây những bệnh lý khác nhau. Viêm tuyến mồ hôi mủ là bệnh lý của tuyến mồ hôi dầu đặc trưng bởi các sần, nốt mủ, áp xe, đường rò, sẹo... Bệnh tiến triển dai dẳng, rất khó điều trị, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người bệnh.

2 CĂN NGUYÊN

Căn nguyên của bệnh cho đến nay vẫn chưa biết rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều yếu tố có liên quan đến bệnh đã được báo cáo từ lâu, đó là:

- Di truyền: người ta đã xác định được một số gen liên quan đến sinh bệnh học của bệnh.

- Tuổi: lứa tuổi hay bị nhất là 20 - 30.

- Giới: nữ hay bị nhiều hơn nam giới.

- Béo phì.

- Nghiện thuốc lá.

3 CƠ CHẾ BỆNH SINH

- Người ta đã phát hiện ra các gen NCSTN, PSENEN và PSENEN1 có liên quan đến bệnh. Các gen này có vai trò tổng hợp một số protein đặc biệt (là thành phần của phức hợp lamda-secretase), liên quan đến đột biến và rối loạn phân chia tế bào nang lông, làm giảm sự biệt hoá tuyến bã.

- Thuốc lá chứa nhiều chất hóa học có thể gây viêm và oxy hóa. Các thành phần này cùng với nicotin hoạt hóa tế bào sừng dẫn tới hiện tượng tăng sinh biểu mô phễu nang lông và sừng hóa quá mức gây tắc ống tuyến. Chính vì vậy những người nghiện thuốc lá có nguy cơ cao bị bệnh này.

- Quá trình bít tắc ống tuyến do sừng hóa phễu nang lông sẽ hình thành các nang, làm tăng áp lực, vỡ nang lông, gây đáp ứng viêm tại chỗ, hình thành áp xe, lỗ rò, sẹo...

4 BIỂU HIỆN LÂM SÀNG

- Thể điển hình: thể này hay gặp nhất. Thương tổn cơ bản là sần, nốt mủ, áp xe, đường rò, sẹo khu trú tại các nếp như nách, bẹn, hậu môn, sinh dục núm vú, xung quanh núm vú.

- Thể nhọt: hay gặp ở người béo phì. Ngoài những thương tổn điển hình còn có các nốt sần và áp xe ở vùng ma sát như bụng, đùi, mông.

- Thể viêm nang lông sẹo: thương tổn là các mụn mủ, nang, nốt nông, sẹo lõm khu trú ở các nếp gấp, vùng chậu. Thể này hay gặp ở người béo phì, nghiện thuốc lá.

Hình 6.3. (1, 2) Hình ảnh viêm tuyến mồ hôi mủ ở bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương (Nguồn: tác giả)
Hình 6.3. (1, 2) Hình ảnh viêm tuyến mồ hôi mủ ở bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương (Nguồn: tác giả)

5 CHẨN ĐOÁN

Chủ yếu dựa vào hình ảnh lâm sàng.

- 3 tiêu chuẩn chính:

+ Tổn thương điển hình: sần viêm, áp xe, đường rò, cầu sẹo, vi nhân mụn hai đầu.

+ Thương tổn khu trú ít nhất ở một trong các vị trí sau: nách, bẹn, vùng đáy chậu, mông, nếp giữa và đuôi vú.

+ Có ít nhất hai lần tái phát trong vòng 6 tháng.

- Tiêu chuẩn phụ:

+ Tiền sử gia đình có người bị bệnh này.

+ Mẫu phết bệnh phẩm âm tính hay chỉ có vi khuẩn thường khu trú ở da.

6 ĐIỀU TRỊ

Dựa trên mức độ, giai đoạn bệnh để có chỉ định phù hợp

- Tại chỗ:

+ Bôi các thuốc sát khuẩn povidin iod 1%, nước oxy già, castellani.

+ Các thuốc diệt khuẩn: Clindamycin 1%, Erythromycin 4%.

+ Đối với các thương tổn dai dẳng, sần cứng: tiêm corticoid tại thương tổn.

- Toàn thân:

+ Kháng sinh nhóm cyclin: clindamycin.

+ Corticoid: trường hợp phản ứng nặng có thể uống prednisolon uống với liều 0,5 - 0,7 mg/kg/ngày trong 7 - 10 ngày.

+ Thuốc khác: cyclosporin, dapson, thuốc sinh học.

- Ngoại khoa:

+ Dẫn lưu trong giai đoạn cấp tính (mở nắp).

+ Mạn tính: loại bỏ sẹo, dẫn lưu rò.

- Laser: có thể sử dụng laser CO2, Nd:YAG xung dài trong các trường hợp dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần.

Chú ý: để nâng cao hiệu quả điều trị, tránh tái phát bệnh, cần tư vấn, giáo dục y tế cho người bệnh có chế độ tập luyện, sinh hoạt, ăn uống hợp lý, bỏ thuốc lá và bia rượu.

Mời bạn đọc tìm hiểu về Bệnh Bowen (Bowen disease) TẠI ĐÂY


* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633