Bị ong đốt bôi gì? Mẹo chữa ong đốt hết sưng hiệu quả tại nhà
Trungtamthuoc.com - Ong đốt là tai nạn thường gặp trong cuộc sống, và những vết ong đốt gây đau đớn, sưng nhức, khó chịu, thậm chí với một số loài ong sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Đa số những vết thương có thể khắc phục tại nhà, tuy nhiên nếu xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng cần nhập viện ngay lập tức. Như vậy khi bị ong chích phải bôi thuốc gì? Xử trí vết đốt như thế nào? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1 Tổng quan về các loài ong
1.1 Đặc điểm sinh học
Ong là loài động vật không xương sống, ngành chân đốt, bộ cánh màng, cụ thể được phân loại như bảng sau:
Họ cánh màng | Apidae (ong mật) | Vespidae (ong vò vẽ) | Formicide (kiến) | |
Phân họ | Apidae | Vespinae | Politinae | |
Loài | Ong nghệ (bầu) Ong đục gỗ Ong mật (Honey bee) | Ong bắp cày Ong vàng | Ong vò vẽ | Kiến lửa |
Ong thường sống theo đàn, mỗi đàn ong có thể có vài chục, vài trăm con như ong đất, ong vò vẽ, thậm chí vài ngàn con như ong mật. Trong một đàn ong sẽ có ong chúa, ong đực và ong thợ. Ong chúa thường to nhất đàn, có cánh dài và bụng to vì có chức năng sinh sản. Ong đực có vai trò thụ tinh cho trứng, số lượng ong đực trong tổ cũng khá ít. Ong có nhiệm vụ quan trọng nhất là ong thợ, đây là những con ong cái nhưng không có khả năng sinh sản, vai trò chính của chúng là xây tổ, kiếm thức ăn, nuôi ấu trùng. Đây cũng là loài tấn công người và động vật để bảo vệ tổ.
1.2 Một số loài phổ biến
Những loài ong thường gặp trong cuộc sống hàng ngày như:
Ong mật: đây là loài ong phổ biến nhất, chúng có hình dáng mảnh khảnh, có lông và thân màu đen, có sọc vàng nhạt. Kích thước nhỏ hơn ong đất và thường làm tổ trên cành cây. Chúng thường tấn công khi tổ bị chọc phá, hoặc gặp nguy hiểm.
Ong vò vẽ (wasps): đặc điểm nhận dạng loài này là có khoang đen xen kẽ màu vàng trên thân và bụng. Ong vò vẽ ăn những loài côn trùng và làm tổ trong gỗ. Ong chỉ tấn công người và động vật khi tổ của chúng bị phá bỏ hoặc đe doạ. Ong thường bị thu hút bởi màu sắc sặc sỡ, hương thơm hoặc khi phá tổ của chúng rồi bỏ chạy.
Ong đất (hornets): còn gọi là ong bắp cày. Hình dáng của côn trùng bầu dục, có lông, thân chủ yếu màu đen và chấm vàng ở cuối bụng. Chiều dài khoảng 1,5 cm- 2,5 cm. Loài ong này bay chậm, sống trong các bụi cây, sát mặt đất.
Ong bầu (bumblebees): có hình dáng to tròn, bay khá chậm và khi bay sẽ nghe thấy tiếng ồn. Ong to tròn, có lông, bay chậm và phát ra tiếng ồn âm.
Ong vàng (Yellow jackets): có màu đen với các dải màu vàng tươi dẫn đến ngòi của chúng. Loài này có thể tấn công người một cách tự nhiên.
Những loài ong sống đơn lẻ ong mỏ hôi(sweat bees), ong đục gỗ (carpenter bees) sẽ không gây nguy hiểm khi đốt vì lượng nọc độc xâm nhập vào cơ thể thấp, nhưng đối với các loài sống theo đàn khi tấn công sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều.
2 Bị ong đốt nguy hiểm ra sao?
Ong thường làm tổ nhiều ở bụi cây, cây khô nên khi đi chơi dã ngoại hoặc phát quang bụi rậm thường dễ bị ong tấn công. Khi bị ong đốt sẽ không quá nguy hiểm, nạn nhân cần giữ bình tĩnh, đặc biệt với trẻ nhỏ cần an ủi động viên tinh thần trẻ để xử lý vết đốt đúng cách nhất.
Khi bị ong đốt, nạn nhân thường chỉ quan tâm bôi gì nhanh khỏi, uống thuốc gì giải độc ong đốt mà chủ quan với những biến chứng nguy hiểm như phản ứng dị ứng quá mẫn, bội nhiễm… có thể liên quan trực tiếp đến tính mạng nếu không cấp cứu kịp thời.
Tuỳ vào loài ong đốt, số vết đốt để đánh giá mức độ nhẹ hay nặng của bệnh. Nhìn chung, nọc độc của những loài ong chủ yếu gặp các chất độc sau:
- Melittin: chất này chiếm tới hơn 40% trong nọc độc ong mật. Đây là chất hoá học có khả năng gây ngưng kết tập tiểu cầu, phá huỷ tế bào gây đau đớn, sưng ngứa. Ngoài ra, khi các vết đốt quá nhiều sẽ làm giãn mạch, hạ huyết áp.
- Men phospholipase A2: tác nhân này gây ra các phản ứng dị ứng do thúc đẩy Melittin tiêu huỷ tế bào.
- Peptide: chất này làm thoái hoá các bạch cầu ưa kiềm, tác động đến tế bào mast, làm giải phóng histamin. Từ đó sẽ gặp các phản ứng như ngứa, đỏ đa, hoặc sốc phản vệ.
- Men hyaluronidase: men này gây phá huỷ acid hyaluronic thuộc tổ chức liên kết mô, nên sẽ làm nọc độc của ong thấm nhanh vào tế bào và lan rộng khắp cơ thể, vì vậy đây cũng là tác nhân làm mở rộng phản ứng phản vệ.
- Chất apamine : chất độc này chỉ gặp ở ong mật, có tác động mạnh lên hệ thần kinh và tủy sống, gây các phản ứng tăng kích thích, co thắt.
- Chất histamin, serotonin, catecholamine, kinin: gây ra đau đớn, sưng viêm tại vết đốt.
Biểu hiện ban đầu khi ong đốt thường chỉ nóng, sưng, nhức, ngứa, nhưng sau đó có thể nặng dần với triệu chứng phù, nhức nhối. Các trường hợp ong đốt thường nhẹ, có thể hết sau vài ngày đến vài tuần.
3 Triệu chứng khi bị ong đốt
Mỗi loài ong sẽ gây ra các phản ứng khác nhau, biểu hiện có thể từ nhẹ đến nặng. Nạn nhân không nên chủ quan khi bị ong chích, vì nhiều trường hợp đã gặp các phản ứng sốc phản vệ nguy hiểm.
3.1 Phản ứng tại chỗ
Sưng, nóng, đỏ, đau tại chỗ: đây là các biểu hiện đầu tiên và thường gặp nhất, xuất hiện xung quanh vết đốt. Một số trường hợp hiếm sẽ xảy ra bội nhiễm tại vết đốt.
Sẩn ngứa, mề đay: trong vòng vài tiếng sau khi bị ong đốt, cảm giác đau bớt dần thì sẽ thường gặp ngứa và nổi mề đay.
Phù nề, đỏ da: nhiều đối tượng gặp tình trạng đỏ vùng da bị đốt và phù nề trong khoảng 10cm, khác với phù toàn thân khi gặp phản ứng quá mẫn.
Các trường hợp nếu bị ong đốt vào thanh quản, cổ có thể gặp phải hiện tượng phù nề đường thở gây tắc nghẽn, khó thở và nguy cơ chết nhanh hơn.
Nếu ong đốt vào mắt có thể gây đục màng tinh thể, rối loạn thị giác, viêm mống mắt…còn đốt vào dây thần kinh có thể gây liệt dây thần kinh ngoại biên, liệt dây thần kinh mặt.
3.2 Phản ứng toàn thân
Sốc phản vệ: Sốc phản vệ cấp tính có thể gặp trong vài phút còn sốc phản vệ muộn có thể gặp vào ngày thứ 3 sau khi đốt. Dù là khi nào thì tình trạng này vô cùng nguy hiểm, cần phải có sự hỗ trợ y tế càng sớm càng tốt.
Nhiễm độc toàn thân: xảy ra khi một lượng lớn độc tố phóng ra từ nọc độc ong xâm nhập các cơ quan trong cơ thể. Triệu chứng thông thường bắt đầu từ các rối loạn tiêu hoá như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng. Một số biểu hiện nhiễm độc của các cơ quan khác như:
- Gan: suy tế bào gan.
- Thận: suy thận cấp.
- Máu: rối loạn đông máu, rối loạn tan huyết.
4 Xử trí sơ cứu ong đốt đúng cách tại nhà
Các bước tiến hành sơ cứu và chăm sóc người bệnh bị ong đốt tại nhà hiệu quả:
- Loại bỏ nọc độc của ong: sau khi bị ong đốt cần loại bỏ ngay kim đâm chứa nọc độc ong ra khỏi cơ thể. Không nên dùng tay nặn độc ra ngoài mà hãy sử dụng thẻ cứng hoặc bìa giấy cứng để nặn. Nên loại bỏ độc tố càng nhanh càng tốt, tránh để chúng khuếch tán sâu hơn vào cơ thể nạn nhân.
- Rửa vết đốt với xà phòng và nước nhằm làm sạch vết thương và rửa trôi nọc độc bám trên da.
- Chườm lạnh tại vị trí ong đốt: sau khi đã loại bỏ được kim đâm, tiếp tục sơ cứu bằng cách chườm lạnh khoảng 20 phút/giờ. Cách này sẽ giảm triệu chứng đau, sưng đáng kể. Chú ý không sử dụng đá đặt trực tiếp nên vết đốt mà nên dùng một miếng vải giữa da và đá.
- Sử dụng thuốc: sử dụng các loại thuốc bôi kháng sinh dạng thuốc mỡ trên vết đốt, phòng chống bội nhiễm và uống thuốc chống dị ứng kháng histamin H1 (Diphenhydramine hoặc Loratadine) giúp giảm ngứa và sưng phù. Ngoài ra có thể dùng thêm thuốc giảm đau Acetaminophen hoặc Ibuprofen khi cần.
- Nạn nhân cũng có thể dùng kem bôi chứa kháng viêm Hydrocortisone để giảm triệu chứng sưng, ngứa ngáy, tấy đỏ nhiều.
- Chú ý tiêm phòng uốn ván nếu lần tiêm cuối cùng đã hơn 10 năm trở lên.
- Nên theo dõi sức khoẻ tại nhà, phòng ngừa sốc phản vệ muộn có thể xảy ra.
5 Các trường hợp bị ong đốt cần đưa cấp cứu ngay lập tức
Những trường hợp bị ong đốt cần phải đưa đi bệnh viện ngay lập tức bao gồm:
Có nhiều vết ong đốt trên cơ thể, nhất là khu vực nhạy cảm như mắt, mặt, thái dương, cổ, đầu.
Bị ong bắp cày, ong vò vẽ đốt vì nếu độc tố loài này không được loại bỏ sớm sẽ gây nguy hiểm đến các cơ quan trong cơ thể.
Nạn nhân có biểu hiện dị ứng mạnh như khó thở, phù mạch, rối loạn tiêu hoá, nôn mửa.
Các cấp độ phản ứng dị ứng của mỗi người thường khác nhau, có thể dựa vào các biểu hiện để chẩn đoán bệnh nhân có cần cấp cứu không. Dưới đây là cách phân biệt tham khảo để có cách điều trị kịp thời.
- Cấp độ 1: phản ứng tại chỗ, có dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, ngứa tại vết đốt nhưng giảm dần sau vài giờ thì không cần nhập viện điều trị.
- Cấp độ 2: Phù mạch,nổi mề đay toàn thân. Ở mức độ này trẻ em không có chỉ định điều trị giải độc nhưng người lớn cần sử dụng thuốc điều trị.
- Mức độ 3: Co thắt phế quản. Cần phải cấp cứu ngay.
- Mức độ 4: Sốc phản vệ, hạ huyết áp, tổn thương nhiều cơ quan. Cần cấp cứu và điều trị hồi sức tích cực tại bệnh viện.
Với những người bị sốc phản vệ khi ong đốt sẽ được khuyến cáo mang thuốc chống sốc bên mình khi làm việc gần khu vực có nguy cơ bị ong đốt.
Tham khảo điều trị phản ứng toàn thân với vết đốt bộ cánh màng tại bệnh viện cho nhân viên khối ngành y tế.
Dạng phản ứng | Thuốc và liều | Ghi chú |
Mề đay nhẹ | Kháng histamin uống, tĩnh mạch | Theo dõi ít nhật 60 phút |
Mề đay, phù mạch | Sử dụng kháng histamin uống hoặc truyền tĩnh mạch. Corticosteroid uống hoặc truyền tĩnh mạch. Trong trường hợp chuyển nặng thì sử dụng epinephrine(1 mg/ml ) 0,3-0,5 TB . | Bệnh nhân phải được theo dõi sát cho đến khi các triệu chứng hoàn toàn biến mất |
Phù thanh quản | Epinephrine hít và tiêm bắp | Đặt NKQ, mở KQ hoặc sụn nhẫn giáp nếu cần. |
Co thắt phế quản | Nhẹ và trung bình: Đồng vận beta 2 dạng hít như albuterol, terbutaline Nặng: Epinephrine hít, đồng vận beta 2 0,25-0,5mg IV. | Tất cả bệnh nhân bị triệu chứng hô hấp dai dẳng cần nhập viện. Trường hợp phù thanh quản nặng cần điều trị hồi sức tích cực. |
Sốc phản vệ | Epinephrine (Img/ml) 0,3-0,5mg IM, lập lại sau 5-15ph đến khi HA ổn. Đặt tư thế đầu thấp mạch để nâng HA. Oxy hỗ trợ, đảm bảo thông khí. Kiếm tra M.HA, lập đường truyền, bù dịch tích cực(20-30mlkg LR or NaCl 0.9% trong 30 phút, nhắc lại khi cần) | Khuyến cáo điều trị đầu tiên trong phản ứng dị ứng nặng là kết hợp histamin H1, H2 corticosteroid thuốc vận mạch để nâng HA, đồng vận beta giãn phế quản. |
Một số phương pháp điều trị hỗ trợ khác
- Chống suy thận: sử dụng thuốc Lasix, bù dịch tích cực nhằm duy trì lượng nước tiểu 150ml/ giờ.
- Chạy thận nhân tạo khi có chỉ định.
6 Mẹo dân gian chữa ong đốt hết sưng nhanh nhất
Trong dân gian có nhiều mẹo chữa ong đốt rất hiệu quả, bạn có thể tham khảo để sử dụng với những tổn thương nhỏ.
Phương pháp chườm đá
Chườm đá là một cách sơ cứu ban đầu khi bị ong chích, đặc biệt mang lại nhiều lợi ích với vết thương chảy máu và sưng tấy lớn. Phương pháp này được ứng dụng từ lâu đời trong dân gian điều trị vết côn trùng cắn, ong chích. Nên đặt miếng đá trên khăn rồi chườm trong khoảng 20 phút.
Dầu oải hương
Dầu Oải Hương có chứa thành phần sát khuẩn nhẹ và làm dịu da, khi sử dụng tinh dầu tươi lên vết sưng do ong đốt sẽ mang lại hiệu quả giảm sưng đáng kể. Ngoài ra các dưỡng chất trong tinh dầu cũng sẽ chăm sóc da nhanh liền, mờ đỏ, thâm về sau. Có thể sử dụng trực tiếp hoặc pha loãng trung tính để dùng.
Kem đánh răng
Một trong những biện pháp dân gian được áp dụng nhiều nhất mỗi lần ong đốt. Cách này giúp giảm đau và sưng ngay tức thời do kem đánh răng thường mát lạnh. Bên cạnh đó, các thành phần trong kem có thể trung hòa độc tố từ nọc độc nhanh, giảm sự xâm nhập vào các tế bào sâu hơn, ngăn chặn tình trạng lan rộng tổn thương. Hãy bôi kem đánh răng trong khoảng 30 phút để cảm nhận được hiệu quả tốt nhất.
Mật ong
Mật Ong được gọi là thần dược trong Đông y với nhiều chất chống viêm, kháng khuẩn và dưỡng chất chứa bên trong. Khi sử dụng đắp lên vết ong đốt sẽ giúp giảm đau nhanh chóng.. Hãy thoa một lớp mỏng và giữ trong khoảng 30 phút nhé.
Tỏi nghiền
Tỏi có chứa nhiều kháng sinh tự nhiên và chất chống viêm tiêu sưng, nên khi đắp lên vết ong chích sẽ làm hết sưng nhanh chóng. Nên đập dập tỏi hoặc dùng tỏi nghiền để kích hoạt những chất bên trong tỏi hoạt động tốt nhất. Hãy đặp tỏi khoảng 30 phút bạn sẽ thấy cảm giác dễ chịu hơn trên vết chích.
Lá chuối
Dân gian thường dùng lá chuối nghiền nát hoặc giã ra để lấy nước đắp lên vùng da bị ong đốt. Các thành phần trong lá chuối sẽ giúp giảm đau và kích thích liền vết thương nhanh hơn.
Các mẹo dân gian chỉ nên dùng tham khảo và với những tổn thương nhỏ. Bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất cứ mẹo nào ở nhà, nếu gặp triệu chứng bất thường nào thì nên báo cáo với cơ sở y tế gần nhất để được kịp thời cứu chữa.
7 Một số câu hỏi thường gặp về ong đốt
7.1 Bị ong đốt bao lâu thì hết sưng?
Các vết ong đốt thường giảm triệu chứng sưng trong vòng vài giờ với những vết đốt ít, hoặc từ ong không có nhiều độc tố. Một số loài ong độc hơn, hoặc cơ địa nạn nhân phản ứng quá mạnh hơn thì sẽ gặp các triệu chứng đỏ, sưng to dần và phải mất khoảng 1 tuần mới hết sưng hoàn toàn.
7.2 Bị ong đốt vào mắt phải làm sao?
Khi bị ong đốt vào mắt, nạn nhân cần bình tĩnh xử lý như sau lần lượt như sau:
- Ra khỏi khu vực có ong để hạn chế bị đốt tiếp.
- Nghỉ ngơi, hạn chế chớp mắt, dịu mắt.
- Vệ sinh mắt thật sạch bằng nước nhỏ mắt sinh lý.
- Chườm lạnh cho mắt.
- Đến cơ sở y tế cấp cứu
7.3 Ong có chết sau khi đốt không?
Con ong mật chết sau khi đốt. Điều này xảy ra vì ngòi của ong mật bị kẹt trong da và chúng không thể tách ngòi ra khỏi phần còn lại của cơ thể. Kết quả là bụng và ngòi của ong tách ra khỏi phần còn lại của cơ thể, khiến ong chết. Không phải tất cả ong đều chết sau khi đốt. Trong một số trường hợp, ong có thể đốt nhiều hơn một lần và gây nguy hiểm.
8 Kết luận
Bị ong đốt là tình huống thường gặp trong cuộc sống và đối tượng nào cũng có thể gặp phải. Đa số các tai nạn này đều nhẹ nên làm người bệnh chủ quan, tuy nhiên với một vài loài ong thì nọc độc của chúng rất nguy hiểm. Vì vậy cần nắm bắt được các phương pháp sơ cứu tại nhà, các triệu chứng quá mẫn của cơ thể để phòng tránh được những hệ lụy nghiêm trọng cho bạn và người thân. Mong rằng bài viết trên đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho người đọc.
9 Tài liệu tham khảo
Tác giả PGS. Phạm Thị Ngọc Thảo, Bệnh viện Chợ Rẫy, Ong đốt. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2024.
Tác giả Faizan Arif; Mollie Williams (Ngày đăng 20 tháng 8 năm 2023) Hymenoptera Stings. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2024.
Tác giả Adolfo R de Roodt 1, Oscar D Salomón và cộng sự (Ngày đăng tháng 5 năm 2005) [Poisoning by bee sting]. PubMed. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2024.