1. Trang chủ
  2. Mắt
  3. Bị hoa mắt là bệnh gì? Hoa mắt cảnh báo tổn thương tai nghiêm trọng

Bị hoa mắt là bệnh gì? Hoa mắt cảnh báo tổn thương tai nghiêm trọng

Bị hoa mắt là bệnh gì? Hoa mắt cảnh báo tổn thương tai nghiêm trọng

Bạn có thường xuyên bị hoa mắt, xây xẩm mặt mày không? Đừng phớt lờ nó vì hoa mắt có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý cực kỳ nghiêm trọng. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về chứng hoa mắt. 

1 Hoa mắt là gì?

Hoa mắt là cụm từ để chỉ cảm giác quay cuồng, xây xẩm giống như môi trường xung quanh bị nhòe đi và đang quay hoặc nghiêng, khiến bạn đứng không vững. Hoa mắt thường kèm theo triệu chứng chóng mặt, mất thăng bằng và khó khăn trong di chuyển khiến bạn dễ bị ngã. 

Tình trạng hoa mắt có thể chỉ xảy ra trong vài giây nhưng cũng có thể kéo dài đến vài phút và thường xuất hiện khi thay đổi tư thế. Cảm giác này thường giảm bớt hoặc biến mất khi bạn ngồi hoặc nằm xuống. Nhưng đôi khi tình trạng này có thể trở nên tồi tệ dẫn đến buồn nôn, choáng hoặc ngất xỉu.

Hoa mắt chóng mặt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường phổ biến hơn ở nhóm người cao tuổi. Bên cạnh đó, tình trạng hoa mắt ở người lớn tuổi có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. [1]

2 Nguyên nhân bị hoa mắt là gì?

Tình trạng hoa mắt đầu óc quay cuồng thường xảy ra trong các trường hợp như: đột ngột đứng dậy, nhìn xuống từ độ cao lớn. Nguyên nhân gây hoa mắt rất đa dạng, bao gồm:

  • Hạ huyết áp do thay đổi tư thế đột ngột: Chẳng hạn như việc đứng dậy đột ngột khi đang ngồi khiến lưu lượng máu tới não đột ngột, gây hoa mắt, tối sầm mặt mày. 
Bị hoa mắt khi ngồi dậy đột ngột
Bị hoa mắt khi ngồi dậy đột ngột 
  • Thiếu máu do mất máu: Trong một số trường hợp, như chấn thương, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu nội tạng, thì việc mất máu quá nhiều gây giảm lưu lượng tuần hoàn và giảm lưu thông máu lên não. Trong trường hợp này bệnh nhân có thể bị hoa mắt kèm theo các triệu chứng như choáng váng, đứng không vững, ngất xỉu,...
  • Thiếu máu do thiếu dinh dưỡng: Người bị thiếu máu, suy nhược hay bị hoa mắt chóng mặt do thiếu máu lên não. Các triệu chứng của tình trạng thiếu máu do thiếu dinh dưỡng thường bao gồm: da dẻ nhợt nhạt, tóc và móng tay giòn dễ gãy, hoa mắt chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi,...
  • Các nguyên nhân khác: Một số trường hợp, dấu hiệu hoa mắt có thể do bị dị ứng, cảm cúm, cơ thể bị mất nước, sốt, tiêu chảy, nôn ói, stress, chấn thương tai hoặc đầu, chứng đau nửa đầu, sử dụng thuốc lá, rượu bia hoặc các chất gây ảo giác,... Trong một số tình trạng hiếm gặp, hoa mắt có thể là dấu hiệu cảnh báo có vấn đề trong não (chẳng hạn như khối u não, tắc mạch máu não), nhịp tim bất thường hoặc có bệnh tim mạch. [2]

3 Bị hoa mắt là bệnh gì?

Hoa mắt là triệu chứng khá phổ biến, chắc hẳn ai cũng từng bị hoa mắt một lần trong đời. Tuy nhiên, triệu chứng này thường không phải là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm. Trong nhiều trường hợp, hoa mắt chỉ là một trạng thái thoáng qua và không có ý nghĩa nhiều về mặt bệnh lý. Tuy nhiên, nếu hoa mắt đi kèm với những triệu chứng khác, chẳng hạn như chóng mặt, thì bạn không nên bỏ qua chúng. Bị hoa mắt chóng mặt có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý sau:

  • Viêm thần kinh tiền đình
  • Rối loạn chức năng tai trong
  • Chấn thương tai
  • Chứng đau nửa đầu
  • Chấn thương đầu
  • Có khối u trong não hoặc ung thư di căn

Có thể bạn chưa biết, một trong những nguyên nhân gây hoa mắt chóng mặt phổ biến là các vấn đề ở tai trong. Tai trong chứa các cấu trúc như ống bán khuyên, túi và ống thông, cho phép cơ thể cảm nhận vị trí và điều phối các chuyển động giúp giữ thăng bằng. Thông tin từ các cấu trúc này được gửi đến não thông qua dây thần kinh tiền đình ốc tai (dây thần kinh sọ thứ 8, cũng liên quan đến thính giác). Thông tin này được xử lý trong thân não (giúp điều chỉnh tư thế) và tiểu não (giúp điều phối các chuyển động) để mang lại cảm giác cân bằng. Vì thế rối loạn ở bất kỳ cấu trúc nào trong con đường này đều có thể gây ra triệu chứng chóng mặt, hoa mắt,... Tổn thương tai gây hoa mắt chóng mặt thường kèm theo triệu chứng ù tai, giảm thính lực,... [3]

4 Bị hoa mắt thì phải làm sao?

Hoa mắt thường không quá nghiêm trọng, nhưng nếu bạn thường xuyên bị hoa mắt, trước tiên hãy xem xét lại chế độ dinh dưỡng và lối sống của bản thân. Để phòng tránh và giảm thiểu triệu chứng hoa mắt, bạn cần áp dụng các phương pháp sau:

4.1 Thực hiện chế độ ăn uống khoa học

Đa số các trường hợp bị hoa mắt là do thiếu máu do suy nhược cơ thể. Vì vậy, một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng là cần thiết để cải thiện triệu chứng này. 

  • Uống đủ nước mỗi ngày: Bổ sung đủ lượng nước mà cơ thể cần giúp duy trì lưu lượng tuần hoàn máu, tăng cường hấp thu chất dinh dưỡng và hỗ trợ loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Hãy uống thêm nhiều nước khi phải lao động nặng, luyện tập khi trời nóng hoặc vận động thể thao.
Uống đủ nước mỗi ngày để tránh bị hoa mắt
Uống đủ nước mỗi ngày để tránh bị hoa mắt
  • Tránh các loại thức ăn, đồ uống quá ngọt hoặc quá mặn: Những loại thực phẩm này có thể hút nước và làm tăng lượng dịch của tai trong khiến con đường dẫn truyền và gây hoa mắt, mất thăng bằng. 
  • Tránh sử dụng cà phê, bia rượu hoặc các chất kích thích
  • Tránh ăn các thực phẩm có chứa axit amin tyramine: Các thực phẩm giàu tyramine bao gồm: Rượu vang đỏ, thịt xông khói, gan gà, chocolate, sữa chua, các loại hạt,… Lượng tyramine trong các thực phẩm này có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng đau nửa đầu với các dấu hiệu là hoa mắt, choáng váng, đau đầu,...

4.2 Tránh sử dụng thuốc hoặc các chất gây rối loạn tiền đình

Một số loại thuốc có thể có tác dụng không mong muốn gây rối loạn chức năng tai trong, rối loạn tiền đình, tăng huyết áp,... Chẳng hạn như nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Aspirin có thể gây ù tai, Ibuprofen gây giữ nước và rối loạn điện giải,...

Bên cạnh đó, các chất nicotine, có trong khói thuốc lá, là một trong những nguyên nhân khiến mạch máu bị teo hẹp lại gây tăng huyết áp và giảm lượng máu đến vùng tai trong,... Vì thế, người hút thuốc nhiều có nguy cơ cao gặp phải các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt, mất thăng bằng, choáng váng,...

4.3 Tránh thay đổi tư thế đột ngột.

Đột ngột đứng dậy khi đang nằm hoặc đang ngồi khiến máu không kịp lưu thông lên não gây hoa mắt chóng mặt. Vì thế, hãy thay đổi tư thế một cách từ từ. Một số mẹo sau đây có thể giúp bạn tránh được tình trạng hoa mắt khi thay đổi tư thế:

  • Nếu bạn muốn đứng dậy khi đang nằm, hãy từ từ ngồi dậy trước và giữ trạng thái ngồi trong vài phút rồi từ từ đứng dậy. 
  • Không nên nhìn xuống mặt đất hay xoay đầu lại khi đứng lên. Cố gắng nhìn thẳng về phía trước. 
  • Tránh tiếp xúc với ánh sáng mạnh hoặc đột ngột sau khi đứng dậy. Ánh sáng chói có thể làm trầm trọng hơn trạng thái hoa mắt, chóng mặt
  • Ngồi hoặc nằm xuống ngay khi bạn cảm thấy đầu óc quay cuồng hoặc đứng không vững. 
  • Người dễ bị hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế cần tránh leo cầu thang hoặc điều khiển máy móc để hạn chế chấn thương. 
Đứng dậy từ từ để tránh bị hoa mắt, chóng mặt
Đứng dậy từ từ để tránh bị hoa mắt, chóng mặt

4.4 Thực hiện các bài tập phục hồi chức năng

Trong trường hợp, hoa mắt là triệu chứng của các rối loạn tiền đình, thì các bài tập phục hồi chức năng là rất cần thiết. Các bài vận động thường được thiết kế với mục đích giúp giảm tái phát hoa mắt và lấy lại cảm giác thăng bằng. 

Bạn có thể tìm đến các trung tâm phục hồi chức năng hoặc liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn tập. Lưu ý rằng, sau khi tập xong hãy nằm nghỉ khoảng 15 phút, không nên vận động nhiều hoặc tự lái xe. [4]

5 Bị hoa mắt khi nào nên đi khám bác sĩ?

Nếu bạn bị hoa mắt nhiều lần hoặc kèm theo các triệu chứng sau đây, bạn cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được kiểm tra:

  • Đau đầu hoặc đau vùng cổ
  • Khó khăn trong việc giữ thăng bằng hoặc di chuyển
  • Ngất xỉu hoặc ngã quỵ
  • Các triệu chứng thần kinh khác: suy giảm chức năng nghe-nói-nhìn, khó nuốt hoặc khó điều khiển tay hoặc chân
  • Nôn ói 

Bởi những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Việc chủ quan hoặc bỏ qua chúng có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe. 

6 Tại sao người già hay bị hoa mắt?

Trên thực tế, tình trạng hoa mắt xảy ra nhiều hơn ở người già, bởi khi tuổi cao, các yếu tố nguy cơ gây ra hoa mắt sẽ tăng lên. Cụ thể là:

  • Các cơ quan điều phối sự cân bằng, đặc biệt là cấu trúc của tai trong, hoạt động kém hiệu quả hơn. 
  • Thị lực giảm sút, đặc biệt là trong ánh sáng mờ. 
  • Cơ chế kiểm soát huyết áp của cơ thể phản ứng chậm hơn (ví dụ như khi đứng lên đột ngột)
  • Người lớn tuổi thường mắc nhiều bệnh và sử dụng nhiều loại thuốc. Trong đó, có thể có các thuốc có tác dụng phụ gây hoa mắt. 

Hoa mắt ở người lớn tuổi khá nghiêm trọng, vì nó có thể khiến họ bị ngã gây chấn thương nặng. Vì thế, người già thường xuyên bị hoa mắt cần được quan tâm và chú ý nhiều hơn. Đặc biệt, các bài tập vật lý trị liệu có thể có ích cho người già trong việc duy trì sự thăng bằng. [5]

7 Bị hoa mắt chóng mặt nên ăn gì?

Tình trạng hoa mắt có mối liên hệ khá mật thiết với chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Để cải thiện tình trạng hoa mắt, bạn cần thêm những thực phẩm sau đây vào bữa ăn:

7.1 Thực phẩm giàu vitamin C

Tiêu thụ thực phẩm giàu Vitamin C có thể làm giảm tình trạng hoa mắt, chóng mặt một cách hiệu quả, đây là nhận định của các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Y khoa Hiroshima (Nhật Bản). 

Một thử nghiệm trên 22 bệnh nhân tình nguyện đã được thực hiện như sau: sử dụng 600mg vitamin C và 300mg Glutathione (chất chống ôxy hóa mạnh) hàng ngày, liên tục trong 2 tháng.  Kết quả cho thấy, 21 bệnh nhân cho biết, các triệu chứng chóng mặt, hoa mắt đã giảm hẳn. 

Vì vậy, người thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt nên bổ sung thêm thực phẩm giàu vitamin C vào bữa ăn. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: các loại trái cây có múi, ổi, dâu tây, kiwi, Đu Đủ, các loại rau xanh, cà chua, củ cải,...

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C khi bị hoa mắt
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C khi bị hoa mắt

7.2 Thực phẩm giàu vitamin B

Một số thử nghiệm đã chỉ ra rằng, vitamin B có khả năng cải thiện triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn,... Đó là vì vitamin B tham gia vào các quá trình chuyển hóa dinh dưỡng, tạo máu, dẫn truyền thần kinh và các phản ứng miễn dịch. Thực phẩm dồi dào Vitamin B6 bao gồm: thịt lợn, thịt gà, cá béo, bơ, ngũ cốc, các loại đậu, chuối, cải bó xôi,...

7.3 Củ gừng

Gừng không chỉ là một loại gia vị mà nó còn được biết đến là một thảo dược quý. Các nhà khoa học thuộc trường đại học Y tế trung tâm Maryland (Mỹ) cho biết, gừng có thể hỗ trợ điều trị chứng hoa mắt chóng mặt rất hiệu quả. Thực tế, gừng thường được sử dụng để khắc phục tình trạng choáng váng, xây xẩm mặt mày hoặc say tàu xe. Vì thế, một cốc trà gừng có thể giúp bạn cảm thấy ổn định hơn. 

Tóm lại, hoa mắt có thể chỉ là cảm giác choáng khi thay đổi tư thế nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tiền đình hoặc tổn thương liên quan đến tai trong. Nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường khác, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. 

>>>Xem thêm: Chóng mặt: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị đúng cách

Tài liệu tham khảo

  1. ^  David M. Kaylie (Ngày đăng: Tháng 12 năm 2022). Dizziness and Vertigo, MSD Manual. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 05 năm 2023
  2. ^ Sức khỏe & Đời sống (Ngày đăng: Ngày 03 tháng 05 năm 2022). Hoa mắt, chóng mặt: Nhận biết nguyên nhân để xử trí và phòng ngừa, Sức khỏe & Đời sống. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 05 năm 2023
  3. ^  Cleveland Clinic (Ngày đăng: Ngày 14 tháng 07 năm 2021). Ear Injuries and Trauma, Cleveland Clinic. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 05 năm 2023
  4. ^ Sức khỏe & Đời sống (Ngày đăng: Ngày 03 tháng 05 năm 2022). Hoa mắt, chóng mặt: Nhận biết nguyên nhân để xử trí và phòng ngừa, Sức khỏe & Đời sống. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 05 năm 2023
  5. ^ Sức khỏe & Đời sống (Ngày đăng: Ngày 03 tháng 05 năm 2022). Hoa mắt, chóng mặt: Nhận biết nguyên nhân để xử trí và phòng ngừa, Sức khỏe & Đời sống. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 05 năm 2023

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      hotline
      0868 552 633
      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633