1. Trang chủ
  2. Tiêu hóa - Gan Mật Tụy
  3. Bệnh trĩ, dấu hiệu bệnh và cách chữa bệnh trĩ tại nhà

Bệnh trĩ, dấu hiệu bệnh và cách chữa bệnh trĩ tại nhà

Bệnh trĩ, dấu hiệu bệnh và cách chữa bệnh trĩ tại nhà

Trungtamthuoc.com - Bệnh trĩ là căn bệnh khá phổ biến ở Việt Nam và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Bệnh trĩ cũng là căn bệnh khó nói, nhiều bệnh nhân hay e ngại mà không điều trị kịp thời gây ra biến chứng nặng nề. Bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy xin cung cấp kiến thức từ A-Z về bệnh trĩ cho bạn đọc, giúp mọi người có kiến thức tổng quan và chủ động điều trị căn bệnh này của mình. 

1 Bệnh trĩ (Hemorrhoids) là gì?

1.1 Định nghĩa

Bệnh trĩ tiếng anh có tên gọi là Hemorrhoids, đây là nhóm bệnh có tỷ lệ người mắc khá cao trên thế giới. 

Bệnh được xếp vào nhóm bệnh hậu môn - trực tràng, dân gian thường gọi với cái tên như lòi dom, sa trĩ, lòi trĩ. Đôi khi có những búi trĩ bị sa ra ngoài hậu môn nhiều người mới biết mình bị trĩ, lúc này điều trị bệnh cần kiên trì hơn. 

Bệnh chiếm tỷ lệ khá lớn, gần 3 trong số 4 người bị mắc trĩ [1] và gặp ở đại đa số mọi người, những người càng lớn tuổi càng có nguy cơ cao mắc trĩ do cấu trúc mô nâng đỡ liên kết tĩnh mạch bị suy yếu. Phụ nữ mang thai, phụ nữ trải qua quá trình sinh nở cũng có nguy cơ cao mắc trĩ. 

Bệnh trĩ
Bệnh trĩ

1.2 Phân độ bệnh trĩ

Phân độ bệnh trĩ là sự phân loại bệnh theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ, các bác sĩ đã chia bệnh trĩ thành các mức độ bệnh khác nhau, do đó cũng có những hướng điều trị khác nhau. Bệnh trĩ được phân độ như sau:

Bệnh trĩ độ 1: Búi trĩ bị tổn thương nhưng vẫn nằm hoàn toàn trong ống hậu môn, triệu chứng điển hình là chảy máu khi đi cầu. Bệnh lúc này đang còn ở thể nhẹ, tuy nhiên nếu không tìm hiểu và điều trị kịp thời thì dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn .

Bệnh trĩ độ 2: Ở mức độ này, bệnh trĩ tiến triển nặng hơn. Khi bình thường, búi trĩ nằm gọn trong hậu môn. Nhưng khi có lực tác động như đi ngoài, ngồi xổm thời gian dài, búi trĩ mới bị sa xuống, có thể xuất hiện máu tươi khi đại tiện. Sau đó, khi đứng dậy búi trĩ lại tự động thụt vào trong. Do đó, nhiều người đôi khi cũng không biết rõ mình đang bị trĩ để điều trị. 

Bệnh trĩ độ 3: Búi trĩ sa xuống khi người bệnh đi ngoài, ngồi xổm, làm việc nặng. Trĩ độ 3 không tự thụt vào khi đứng lên như độ 2, lúc này bệnh nhân phải dùng tay đẩy nhẹ vào thì búi trĩ mới co vào trong, tình trạng xuất hiện máu khi đi cầu cũng thường gặp. 

Bệnh trĩ độ 4: Là tình trạng bị trĩ nặng nhất, búi trĩ nằm ngoài ống hậu môn và không thể co vào trong khi nghỉ ngơi hay dùng tay đẩy nhẹ. Búi trĩ luôn ở bên ngoài gây nên tình trạng đau nhức khó chịu, khó khăn trong việc đi lại. 

Phân độ bệnh trĩ
Phân độ bệnh trĩ

Ngoài thang chia này, bệnh trĩ còn được phân biệt thành 2 loại là trĩ nội và trĩ ngoại. Một người có thể cùng lúc bị cả trĩ nội và trĩ ngoại, lúc này được kết luận là bị trĩ hỗn hợp, thường gặp khi thấy tình trạng bệnh đã ở mức trĩ độ 3 và độ 4.

Cả trĩ nội và trĩ ngoại đều bị sa ra ngoài khi bệnh nặng, do vậy mà việc chẩn đoán mình đang bị trĩ nội, trĩ ngoại hay trĩ hỗn hợp không thể dựa vào búi trĩ có sa ra ngoài hay không mà phải dựa vào việc chẩn đoán của bác sĩ điều trị.

1.3 Bệnh trĩ nội ( internal hemorrhoids)

Trĩ nội là căn bệnh xuất hiện do nguyên nhân các búi tĩnh mạch phía bên trong trực tràng bị tổn thương. 

Bờ lược hậu môn là điểm đánh giá bạn đang bị trĩ nội hay trĩ ngoại, khi đám rối tĩnh mạch bên trên bờ lược hậu môn bị sa xuống sẽ gây ra tình trạng trĩ nội.

Trĩ nội nhẹ thì búi trĩ ở bên trong hậu môn, trường hợp nặng nó có thể bị sa ra ngoài gây đau và ngứa rát khó chịu.

Hình ảnh vị trí của trĩ nội và trĩ ngoại
Hình ảnh vị trí của trĩ nội và trĩ ngoại

1.4 Bệnh trĩ ngoại ( external hemorrhoids) 

Là trường hợp búi trĩ xuất phát từ phía dưới đường lược, trĩ ngoại thường sẽ bị sa ra ngoài, do đó người bị trĩ ngoại thường dễ nhận biết căn bệnh của mình. 

1.5 Sa trĩ, lòi dom là gì?

Đây là cách gọi của dân gian, khi khoa học chưa phát triển và chưa có khái niệm trĩ nội hay trĩ ngoại. Thường là khi thấy xuất hiện các cục thịt bị lòi ra ngoài nhiều người mới biết mình bị trĩ. 

Sa trĩ hay lòi dom có trong từ điển bệnh học dân gian từ lâu, đôi khi các thầy thuốc đông y cũng thường gọi cái tên này. Thực chất đây cũng là tên gọi của bệnh trĩ chứ không phải là một bệnh mới.

2 Dấu hiệu bệnh trĩ

Bệnh trĩ là căn bệnh gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh, đôi khi người bị trĩ nhẹ độ 1, độ 2 thấy gặp các biểu hiện bất thường nhưng lại không quá để tâm, lâu ngày dẫn đến trường hợp trĩ nặng. 

Do vậy, việc tìm đọc về dấu hiệu của bệnh trĩ là vô cùng quan trọng để sớm nhận biết được bệnh. Dưới đây là các biểu hiện khi một người bị bệnh trĩ thường gặp.

2.1 Dấu hiệu bệnh trĩ hay bị bỏ qua - ngứa hậu môn

Đây không phải là triệu chứng đặc trưng của bệnh trĩ, đôi khi còn gây hiểu lầm với tình trạng nhiễm giun kim, giun tóc,...

Búi trĩ xuất hiện làm hẹp hậu môn, khiến cho các chất thải bị ứ đọng không thải ra ngoài hết khi đi cầu, gây nên tình trạng ngứa hậu môn nghiêm trọng. [2] 

Khi thấy ngứa mọi người thường gãi, cọ sát để làm giảm ngứa, thường sau khi gãi sẽ thấy hết cảm giác khó chịu này. Nếu người bệnh cứ duy trì thói quen này có thể khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn, do lớp niêm mạc hậu môn cũng nhạy cảm, việc gãi nhiều có thể khiến lớp niêm mạc này tổn thương, chảy máu, dẫn đến tình trạng trĩ nặng hơn.

Cách giảm ngứa hiệu quả nhất đó là bạn nên ngâm rửa nhẹ hậu môn bằng nước muối ấm, nên rửa hàng ngày trước khi đi ngủ. Bên cạnh đó, việc dùng giấy vệ sinh loại nào cũng rất quan trọng, bạn nên đầu tư loại giấy mềm mịn để dùng, giúp cho lớp da hậu môn không bị rát và cũng làm giảm kích ứng gây ngứa.

Biểu hiện của bệnh trĩ thường gặp - đi ngoài ra máu
Biểu hiện của bệnh trĩ thường gặp - đi ngoài ra máu

2.2 Biểu hiện của bệnh trĩ thường gặp - đi ngoài ra máu

Đây cũng là biểu hiện thường gặp của trĩ, máu xuất hiện trong quá trình lau chùi khi đi đại tiện nếu bệnh nhẹ. Khi bệnh nặng thì máu chảy dạng nhỏ giọt ra nhiều hơn. 

Nguyên nhân là khi đi đại tiện, lượng phân được thải ra ngoài chèn ép vào thành các búi trĩ này gây nên hiện tượng chảy máu. Đặc biệt khi người bệnh bị táo bón, phân trở nên rắn hơn, ma sát vào thành búi trĩ lớn càng làm chảy máu nhiều và có chảy dạng nhỏ giọt. 

Tình trạng này xảy ra thường xuyên người bệnh nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kịp thời.

2.3 Dấu hiệu bệnh trĩ hay gặp- táo bón

Táo bón vừa là nguyên nhân vừa là triệu chứng của bệnh trĩ. Táo bón cũng gây khó chịu cho người bệnh, phân cứng và rắn làm kích thích niêm mạc hậu môn gây nên tình trạng đau rát, chảy máu khi đi cầu. 

Táo bón là dấu hiệu thường gặp khi bị bệnh trĩ
Táo bón là dấu hiệu thường gặp khi bị bệnh trĩ

2.4 Bệnh trĩ gây nên đi đại tiện không hết 

Búi trĩ trong lòng hậu môn gây nên tình trạng hẹp hậu môn, điều này khiến phân không thể ra được hết mà bị kẹt lại chỗ xuất hiện búi trĩ. Do đó làm xuất hiện cảm giác đi đại tiện không hết và thấy vướng víu.

2.5 Sưng đau hậu môn ở người bị bệnh trĩ 

Cảm giác này xuất hiện khi bạn đang cố để đại tiện. Khuôn phân rắn và to khiến nhiều bệnh nhân càng căng thẳng kèm theo đó họ thường rặn để có lực đẩy phân ra nhanh gây sưng đau hậu môn, đôi khi các búi trĩ cũng lòi ra ngoài và không thể tự co lên được. 

2.6 Xuất hiện búi trĩ ngoài hậu môn

Khi thấy xuất hiện búi trĩ là bạn đang bị trĩ nặng. Một búi nhỏ dạng thịt bị lòi ra ngoài gây đau, ngứa, khó chịu khi đi lại hay hoạt động. Đây cũng là dấu hiệu đặc trưng của người bị bệnh trĩ độ 3 và độ 4. 

3 Nguyên nhân gây bệnh trĩ

Bệnh trĩ thường hay gặp ở những người tuổi trung niên. Nhưng những năm gần đây, độ tuổi mắc bệnh trĩ đang có xu hướng trẻ hóa. Những người tuổi 25-35 mắc bệnh ngày càng nhiều hơn. 

3.1 Chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt

Ngồi tại chỗ quá nhiều như nhân viên văn phòng, lái xe,... khiến hậu môn phải gánh nhiều áp lực, các đám tĩnh mạch khó lưu thông máu, bị giãn và sưng thành búi trĩ.

Những người ăn ít rau xanh, thiếu chất xơ khiến hệ tiêu hóa làm việc vất vả hơn, phân khô cứng, thường phải rặn mạnh khi đi đại tiện, hậu môn lâu dần sẽ hoạt động kém đi và gây bệnh trĩ.

Uống ít nước khiến hệ tiêu hóa, tuần hoàn và bài tiết hoạt động không ổn định. Cung cấp đủ nước khiến phân mềm và việc đại tiện dễ dàng hơn.

Táo bón hoặc tiêu chảy trong thời gian dài bởi đi vệ sinh liên tục sẽ khiến thành ruột co thắt nhiều, áp lực cho đám tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng tăng cao dễ hình thành các búi trĩ.

3.2 Căng thẳng, stress

Căng thẳng kéo dài là nguyên nhân gây áp lực lên toàn bộ cơ thể, hệ tiêu hóa cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Điều này gây ra nhiều bệnh trên hệ thống tiêu hóa trong đó có bệnh trĩ.

3.3 Phụ nữ mang thai và đẻ con

Phụ nữ là đối tượng mắc bệnh trĩ nhiều hơn nam giới, dấu hiệu thường gặp nhất đó là đau quanh vùng hậu môn, ngứa rát khi đi tiêu, chảy máu vùng hậu môn. Nguyên nhân chính khiến phụ nữ mắc căn bệnh này là do quá trình mang thai và đẻ con. 

Phụ nữ trong quá trình mang thai hay mắc trĩ, nguyên nhân là do tử cung mở rộng và gây áp lực lên các tĩnh mạch bên dưới. Bên cạnh đó, việc bổ sung SắtCanxi cũng làm các mẹ hay gặp tình trạng táo bón, lâu dần gây nên tình trạng bị trĩ. 

Tuy nhiên, các mẹ không cần quá lo lắng, bị trĩ khi mang thai không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, điều mẹ nên làm đó là nên ăn nhiều rau và chất xơ để giúp đi đại tiện dễ hơn. 

Trong quá trình chuyển dạ, khi mẹ cố rặn để tạo lực đẩy giúp con ra ngoài thì đồng thời lực này cũng tác động lên hậu môn, làm sa các búi trĩ, và làm tình trạng trĩ nặng hơn. Bị trĩ sau sinh một phần cũng do nguyên nhân này. 

Ngoài ra, những người béo phì, mang thai, tuổi tác, viêm đại tràng mạn tính,... cũng là các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao hơn.

4 Biến chứng của bệnh trĩ

Bệnh trĩ không chỉ gây khó chịu cho người bệnh mà còn có thể gây nên nhiều biến chứng như:

Thiếu máu, mất máu: do tình trạng chảy máu mạn tính mỗi khi đi vệ sinh. Các búi trĩ bị chảy máu liên tục nên gây ra đau và rát. Nặng hơn là nhiễm trùng máu.

Chức năng hậu môn bị rối loạn do các búi trĩ chèn ép khiến việc đào thải phân và độc tố ra ngoài cơ thể khó kiểm soát hơn.

Nghẹt búi trĩ: trường hợp búi trĩ bị sa và nghẹt khiến cho tĩnh mạch lưu thông bị tắc gây nên đau, máu bị đông. Các búi trĩ nội sa xuống cửa hậu môn cũng khiến việc đại tiện khó khăn hơn, đau đớn khi bệnh nhân bước đi hoặc ngồi xuống. Viêm nhiễm và hoại tử búi trĩ do các búi trĩ này tiết dịch liên tục khiến vùng hậu môn ngứa và ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm dễ dàng phát triển và gây viêm.

Tắc mạch: xuất hiện cục máu đông bên trong các tĩnh mạch gây nên tình trạng tắc mạch. Tắc mạch gây nên đau và ngứa rát, khó chịu khi đi lại hay đứng ngồi, lâu dần không được chữa trĩ gây nhiễm khuẩn, sưng đỏ hậu môn. 

Viêm phụ khoa ở bệnh nhân là nữ do hậu môn và cơ quan sinh dục nữ rất gần nhau. Khi vùng hậu môn bị viêm nhiễm thì rất dễ lây lan sang vùng kín nếu không đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.

Viêm da lở loét xung quanh hậu môn gây đau, ngứa rát, sưng đỏ vùng hậu môn. 

5 Chẩn đoán bệnh trĩ

Việc chẩn đoán và phân loại bệnh trĩ thường dựa vào soi hậu môn trực tràng bằng bằng ống soi hậu môn.

Việc soi này sẽ giúp xác định số lượng búi trĩ, vị trí búi trĩ để phân loại trĩ nội ay trĩ ngoại và phân độ trĩ. Ngoài ra, cũng có thể tìm kiếm và xác định được biến chứng của bệnh.

Xét nghiệm máu cũng được thực hiện để kiểm tra xem bệnh nhân có bị thiếu máu do chảy máu kéo dài vì trĩ hay không.

Ngoài ra, việc chẩn đoán bệnh trĩ cùng cần được chẩn đoán phân biệt với một số bệnh có triệu chứng gần giống như: ung thư ống hậu môn, sa trực tràng,...

6 Điều trị bệnh trĩ

Bệnh trĩ hiện nay được điều trị bằng 2 phương pháp là sử dụng thuốc và can thiệp ngoại khoa. Việc lựa chọn cách nào trong điều trị sẽ được các bác sĩ xem xét dựa trên tình hình sức khỏe và mức độ bệnh cụ thể của từng bệnh nhân.

6.1 Điều trị bệnh trĩ bằng thuốc

Sử dụng thuốc chỉ áp dụng cho trường hợp mắc bệnh trĩ ở giai đoạn đầu.

Các thuốc thường dùng là thuốc có tác dụng tăng cường hệ tĩnh mạch, tăng sức bền mạch máu, hỗ trợ tuần hoàn tĩnh mạch như Daflon, Ginkor Fort,... Dạng dùng là thuốc bôi hoặc đặt tại chỗ. Có thể sử dụng thuốc bổ sung thêm thành phần kháng sinh, giảm đau.

6.2 Điều trị can thiệp ngoại khoa

Một số phương pháp can thiệp điều trị trĩ hiện nay là:

Thủ thuật thắt búi trĩ bằng vòng Cao Su để gây sự thiếu máu cục bộ, khiến các búi trĩ tự teo lại, xơ và rụng đi.

Cắt bỏ búi trĩ nếu bệnh có kèm các biến chứng huyết khối.

Chích xơ được áp dụng với trĩ độ I,II. Không chỉ định trong người hợp trĩ ngoại, trĩ kèm huyết khối, trĩ nội có viêm loét, hoại tử.

Điều trị ngoại khoa được chỉ định khi bệnh nhân bị chảy máu nhiều, trĩ ngoại hoặc nội ngoại kết hợp, có biến chứng hoặc điều trị bằng thuốc không hiệu quả.

Có thể kết hợp điều trị nội khoa và ngoại khoa.

7 Cách chữa bệnh trĩ hiệu quả tại nhà

Với triệu chứng ngứa và đau nhẹ, bạn có thể ngâm mình trong nước ấm 15 phút, hoặc bạn có thể ngâm với nước đun các lá cây như lá trầu không, lá dấp cá với một chút muối. Làm như vậy ngày 2 – 3 lần sẽ rất nhanh hồi phục vết thương bị chảy máu và hạn chế được sự nhiễm khuẩn. 

7.1 Lá trầu không ngâm trĩ

Sử dụng lá trầu không: Theo nhiều nghiên cứu trên lá Trầu Không cho thấy, các thành phần chính có trong lá trầu không có đặc tính kháng sinh mạnh, kháng nấm, gây ức chế nhiều chủng vi khuẩn như tụ cầu khuẩn, trực khuẩn Coli, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn… Vì vậy, lá trầu không được áp dụng để làm các liều thuốc cho những bệnh nhân nhằm: làm giảm đau, tăng cảm giác đói, chữa các bệnh về đường răng miệng, chữa viêm phế quản, đặc biệt là chữa trị bệnh trĩ rất hiệu quả.

Hình ảnh lá trầu không
Lá trầu không ngâm trĩ

Lá trầu không nên chọn lá già và bản to, tầm 20 lá đem rửa sạch, sau đó đun nước sôi tầm 3 lít nước đủ để bạn có thể ngâm vùng hậu môn, thêm khoảng 3 thìa muối nhỏ để tạo dung dịch muối loãng, tăng tính sát khuẩn. Bạn nên ngâm ít nhất 1 lần/ngày, nếu có điều kiện nên thực hiện 2 – 3 lần/ngày, búi trĩ sẽ nhanh chóng lành vết thương và co lại. [3]

Cách trị bệnh trĩ dân gian này đã được nhiều người sử dụng và kết quả rất khả quan, vì vậy bạn nên chịu khó thực hiện để loại bỏ trĩ càng sớm càng tốt. 

7.2 Sử dụng lá diếp cá

Theo Đông y, rau Diếp Cá có vị cay, tính hơi lạnh, có tác dụng thanh nhiệt giải độc cho cơ thể, giúp lợi tiểu, sát trùng. Nhiều người cứu đã chỉ ra hiệu quả giả nhiệt, sát khuẩn rất tốt. [4]

7.2.1 Khi các búi trĩ ra ngoài hậu môn

Rửa sạch lá diếp cá với nước muối pha loãng, sau đó giã nhỏ và đắp vào búi trĩ, lấy gạc sạch băng lại. kiến trì thực hiện mỗi ngày một lần. Không những giúp búi trĩ không bị sa xuống àm nó còn giúp sát khuẩn, làm chậm tiến triển của bệnh.

Sử dụng lá diếp cá chữa trĩ
Sử dụng lá diếp cá chữa trĩ

7.2.2 Trĩ sưng đau

Khi bị trĩ sưng đau, hãy xông trực tiếp hậu môn với nồi nước rau diếp cá, khi nước đã ấm hơn thì lấy bã lá đắp vào vết thương. Nếu trĩ ra máu, phơi khô lá diếp cá và bạch cập, sau đó tán thành bột. Ngày uống 6 - 12 gr, chia làm 2 - 3 lần.

Ngoài ra nước hãm từ rau diếp cá có tác dụng hỗ trợ giảm thiểu tình trạng táo bón. Nếu dùng mỗi ngày, hiệu quả sẽ trông thấy rõ.

“Bệnh từ miệng mà ra”, bệnh trĩ cũng vậy. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ như táo bón, ỉa chảy, mót rặn, nhưng nguyên nhân phổ biến nhất vẫn là táo bón lâu ngày dẫn đến trĩ. Vì vậy giảm thiểu tình trạng táo bón, ăn uống bổ sung lành mạnh giúp giảm thiểu bệnh trĩ. Vậy nên ăn uống như thế nào và ăn kiêng những gì để giúp đẩy lùi bệnh trĩ?

8 Bệnh trĩ nên ăn gì?

Bệnh trĩ nên ăn gì? Đây là thắc mắc của hầu hết những bệnh nhân và người chăm sóc. Vậy nên ăn uống như thế nào để phòng ngừa bệnh trĩ và giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn.

Những thực phẩm có lợi cho người bị bệnh trĩ:

8.1 Ăn thức ăn có nhiều chất xơ và tác dụng nhuận tràng

Chất xơ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày của chúng ta, và với bệnh nhân mắc bệnh trĩ cũng vậy. Chất xơ tham gia trữ nước đáng kể trong ruột, làm phân dễ bở ra, do đó giúp giảm thiểu nguy cư táo bón.

Nguồn thực phẩm giàu chất xơ
Nguồn thực phẩm giàu chất xơ

Nguồn thực phẩm giàu chất xơ có thể kể đến như: các loại rau củ, ngũ cốc, hoa quả (cam, quýt, dâu tây), đậu phụ, ...

Nguồn thực phẩm (rau, quả) có tác dụng nhuận tràng cũng hỗ trợ rất tốt cho người bị trĩ. Người ta chứng minh được rằng, thường xuyên ăn các loại rau quả này (2-3 lần/tuần ), người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, không còn những ám ảnh mỗi lần đi vệ sinh. Một số loại rau nhuận tràng tốt như rau lang, rau mồng tơi, rau đay, rau diếp cá, rau dền...

Tác dụng nhuận tràng của chuối cũng rất tốt, ngoài ra còn có dưa hấu, khoai lang. Kết hợp các loại củ quả trong bữa ăn giúp phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trĩ. [5]

8.2 Người bị trĩ nên uống nhiều nước hơn

Nước giúp tuần hoàn trong cơ thể, đồng thời nó giúp phân mềm ra, do đó người bệnh trĩ nên uống đủ nước trong mọi trường hợp, có thể nước lọc, nước canh, nước giải khát...

Mỗi ngày nên uống từ 1,5 -2 l nước, nên uống nhiều nước trái cây, những loại nước có tính mát như nước diếp cá, Rau Má...Nên chia nhỏ để uống nhiều lần trong ngày, không nên uống một lúc nhiều vì thừa nước cũng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bệnh nhân có thể uống nước lạnh vào mỗi sáng để kích thích tiêu hóa, giúp đi đại tiện dễ dàng hơn.

8.3 Các loại thức ăn lỏng dễ tiêu hóa

Người bệnh trĩ, tiêu hóa kém hơn những người khác, do đó nên ăn các thức ăn lỏng để hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.

8.4 Thực phẩm giàu sắt

Ngoài ra người bệnh trĩ hay chảy máu, nguy cơ mất máu, do đó nên cung cấp nguồn thực phẩm giàu sắt như thịt bò, gan, các loại hạt, đậu...hoặc cũng có thể bổ dung sắt và Vitamin B12 bằng đường uống.

Nguồn thực phẩm bổ sung sắt
Nguồn thực phẩm bổ sung sắt

Bên cạnh chế độ ăn uống phù hợp, bệnh nhân nên thường xuyên vận động, không nên ngồi một chỗ quá lâu, cần kết hợp tập thể dục hàng ngày để cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng. Bệnh nhân có thể dùng thêm sản phẩm giúp tăng sức bền thành mạch, bảo vệ mạch máu giúp giảm chảy máu ở người bị trĩ.

9 Người bị trĩ nên kiêng gì?

Những người bệnh trĩ nên kiêng ăn những đồ cay nóng như ớt, tiêu, hành,... những chất gây kích ứng niêm mạc dẫn đến khó khăn trong việc đi đại tiện.

Hạn chế ăn các loại hoa quả có tính nóng như xoài, chôm chôm...

Những đồ ăn nhiều dầu mỡ, vì những đồ ăn này khiến hệ tiêu hóa khó hấp thu, ngoài ra còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe toàn thận.

Các đồ ăn ngọt và socola vì chúng kích thích gây ngứa và tăng khả năng bị táo bón.

Tránh ăn quá no một lúc vì sẽ gây tăng áp lực cho ruột, gây tổn thương cho hệ tiêu hóa.

Không dùng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá...[6]

Hình ảnh thực phẩm cay nóng
Hình ảnh thực phẩm cay nóng

Bệnh trĩ là một bệnh mạn tính, không nên sau khi điều trị thấy đỡ thì không để ý đến nó, hãy rèn luyện thói quen ăn uống và sinh hoạt hợp lý, không những giúp đẩy lùi trĩ mà còn cho bạn một cơ thể khỏe mạnh.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Mayoclinic ( Ngày đăng 12 tháng 5 năm 2021), Hemorrhoids, Mayoclinic. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2021
  2. ^ Tác giả  Arefa Cassoobhoy, MD, MPH (Ngày đăng 5 tháng 1 năm 2021), Hemorrhoids, Healthline. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2021
  3. ^ Tác giả Đỗ Tất Lợi (Xuất bản năm 2006). Sách Cây thuốc và Động vật làm thuốc ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2021
  4. ^ Tác giả Đỗ Tất Lợi (Xuất bản năm 2006). Sách Cây thuốc và Động vật làm thuốc ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2021
  5. ^  Minesh Khatri, MD (Ngày đăng 18 tháng 9 năm 2020). Best and Worst Foods for Hemorrhoids, WebMD. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2021
  6. ^  Minesh Khatri, MD (Ngày đăng 18 tháng 9 năm 2020). Best and Worst Foods for Hemorrhoids, WebMD. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 1 Thích

    Liều dùng của Daflon như thế nào?


    Thích (1) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Bệnh trĩ, dấu hiệu bệnh và cách chữa bệnh trĩ tại nhà 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Bệnh trĩ, dấu hiệu bệnh và cách chữa bệnh trĩ tại nhà
    PA
    Điểm đánh giá: 5/5

    Cảm ơn dược sĩ nhà thuốc đã tư vấn nhiệt tình giúp mình.

    Trả lời Cảm ơn (1)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633