1. Trang chủ
  2. Da Liễu
  3. Tổ đỉa là bệnh gì? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách chữa bệnh tổ đỉa

Tổ đỉa là bệnh gì? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách chữa bệnh tổ đỉa

Tổ đỉa là bệnh gì? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách chữa bệnh tổ đỉa

Trungtamthuoc.com - bệnh tổ đỉa hay chàm tổ đỉa là bệnh viêm da cấp tính với biểu hiện nổi mụn nước trên lòng bàn tay, lòng bàn chân kèm theo ngứa ngáy khó chịu cho người bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh này ở nam nữ như nhau và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh dai dẳng, dễ tái phát đi tái phát lại nếu không được điều trị sớm và đúng cách. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh và thuốc điều trị bệnh trong bài viết dưới đây nhé.

1 Tổ đỉa là gì? Dấu hiệu và nguyên nhân gây bệnh chàm tổ đỉa

Tổ đỉa là bệnh viêm da cơ địa đặc biệt với những tổn thương điển hình với những mụn nước li ti ở lòng bàn tay, lòng bàn chân gây ngứa ngáy, khó chịu. Bệnh thường không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ cũng như sinh hoạt của người bệnh. Do đó cần tìm hiểu nguyên nhân cũng như nhận biết triệu chứng để điều trị bệnh kịp thời, giảm được những biến chứng về sau. [1]

Các dấu hiệu đặc trưng để nhận biết bệnh tổ đỉa:

  • Trên bề mặt da tay, da chân xuất hiện các mụn nước li ti khoảng 2-3 mm hoặc có thể nhỏ hơn. Các mụn nước ẩn dưới da hoặc nổi hẳn lên bề mặt da kèm theo ngứa ngày và khó chịu. Bệnh trở nên nghiêm trọng hơn khi tiếp xúc với các loại hóa chất tẩy rửa.
  • Ở một số trường hợp bệnh nhân chỉ nối mụn nước không kèm theo ngứa ngáy, nhưng tần suất nồi dày đặc ảnh hưởng tâm lý người bị. Khi mụn nước vỡ ra kèm theo dịch, loại dịch này sẽ làm da bong tróc, nứt nẻ, đau rát. 
  • Những trường hợp bị nhiễm khuẩn sẽ có triệu chứng sốt, nóng vùng da tổn thương, các vết mụn trở nên đục, sưng đỏ. Có thể kèm sưng hạch bạch huyết có hoặc không.

Nguyên nhân gây bệnh chàm tổ đỉa

Hiện nay nguyên nhân gây ra bệnh tổ đỉa chưa được tìm ra, tuy nhiên các yếu tố  sau đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Cơ địa dị ứng: hơn 50% bệnh nhân bị bệnh tổ đỉa là do bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh như mề đay, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm phế quản, hen phế quản…
  • Yếu tố di truyền: nếu trong gia đình có người đã bị bệnh tổ đỉa hoặc đã từng bị mắc các bệnh do cơ địa dị ứng thì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tổ đỉa hơn những người khác.
  • Do hàng ngày tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa: nếu như hàng ngày phải tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa mà không sử dụng đồ bảo hộ thì khả năng bị cũng cao hơn
  • Do căng thẳng, stress kéo dài hoặc lạm dụng 1 số loại thuốc quá mức như thuốc tránh thai, thuốc corticoid  thì cũng làm hệ miễn dịch suy giảm, tăng nguy cơ mắc bệnh tổ đỉa
  • Người bị rối loạn thần kinh giao cảm: khiến lòng bàn tay, bàn chân thường xuyên đổ mồ hôi thì cũng làm bệnh nặng lên.
 Dấu hiệu bệnh chàm tổ đỉa
 Dấu hiệu bệnh chàm tổ đỉa

2 Đặc trưng các giai đoạn bệnh tổ đỉa

Triệu chứng bệnh tổ đỉa trải qua 4 giai đoạn, dưới đây là đặc trưng của từng giai đoạn

Giai đoạn khởi phát: trên lòng bàn tay, lòng bàn chân xuất hiện những nốt mẩn đỏ, có nhân li ti như tấm trong hạt mụn, cảm giác ngứa ngáy kèm theo.

Giai đoạn mụn nước: mụn nước xuất hiện ngày 1 dày hơn, mụn tổ đỉa không vỡ mà càng ngày càng to ra và teo dần xuống, phải can thiệp rạch mụn sớm. Nếu để tự teo các mầm bệnh vẫn ở dưới da, dễ tái phát.

Giai đoạn da non: Sau khi điều giảm viêm và chảy dịch thì các mụn nước sẽ khô lại, da sẽ phục hồi và mọc lớn da mới màu hồng. Giai đoạn này người bệnh sẽ có thể cảm thấy ngứa nhưng tuyệt đối không gãi.

Giai đoạn lichen hoá: bệnh tổ đỉa có đặc trưng tái phát nhiều lần nên vùng da bị sẽ thô ráp chai sạn, các vết hằn trên da như lichen hoá

3 Phương pháp chẩn đoán bệnh tổ đỉa

Các thể lâm sàng

  • Tổ đỉa thể giản đơn: các mụn nước sâu dưới da ở lòng bàn tay hoặc bàn chân
  • Tổ đỉa nhiễm khuẩn: những mụn nước có mụn mủ, sưng viêm và loét
  • Tổ đỉa thế khô: có đám đỏ róc vẩy trong lòng bàn tay, bàn chân

Chẩn đoán lâm sàng: các mụn nước có kích thước từ 1-2 mm, nằm sâu chìm dưới da. Chúng phân bố rải rác hoặc thành cụm ở lòng bàn tay, lòng bàn chân mà không tự vỡ ra

Chẩn đoán phân biệt

Ghẻ:

  • Vị trí thường ở kẽ ngón tay với các mụn nước đường hang
  • Hay ngứa nhiều về đêm và có thể bắt được cái ghẻ
  • Bệnh có thể lây 

Eczema bàn tay chân

  • Thường ở trên mu bàn tay, bàn chân
  • Xuất hiện các đám mụn nhỏ, màu đỏ, nông và tự vỡ ra
  • Khu vực tổn thương chảy dịch, lâu ngày thành các vết liken hoá dày
Chẩn đoán phân biệt bệnh tổ đỉa ghẻ eczema
Chẩn đoán phân biệt bệnh tổ đỉa ghẻ eczema

4 Hình ảnh tổ đỉa ở tay và ở chân

Hình ảnh chàm tổ đỉa ở tay

Hình ảnh chàm tổ đỉa ở tay
Hình ảnh chàm tổ đỉa ở tay

HÌnh ảnh chàm tổ đỉa ở chân

HÌnh ảnh chàm tổ đỉa ở chân
HÌnh ảnh chàm tổ đỉa ở chân

5 Các thuốc trị chàm tổ đỉa 

5.1 Thuốc điều trị tại chỗ

Căn cứ vào tình hình mụn nước, tổn thương lựa chọn những loại thuốc phù hợp. Nguyên tắc là điều trị mụn nước và chống bội nhiễm. Đối với mụn nước thông thường dùng đắp gạc có Dung dịch sát khuẩn như bạc nitrat 0.5% còn trong trường hợp các mụn  nước có mủ bội nhiễm thì sử dụng Milian, tím methyl 1%...

5.1.1 Bạc nitrate 0.5%

Bạc nitrat 0.5% có vai trò sát khuẩn nhẹ tại chỗ nên dùng khi mụn nước nhẹ ở các kẽ tay, kẽ chân hiệu quả. Ngoài ra thành phần còn làm dịu da và giảm tổn thương mới cũng như ngăn ngừa viêm lan rộng.

5.1.2 Milian

Thành phần chính của milian có xanh methylen và tím gentian kết hợp tăng khả năng sát khuẩn chống bội nhiễm. Dùng trong trường hợp da chân tay lên mụn nước, lở loét. Ngoài ra thuốc còn dùng trong các bệnh da liễu khác trên da như viêm da tiếp xúc, chốc lở, nhiễm herpes da, thuỷ đậu.. Bôi thuốc lên vùng da bị tổ đỉa trong 3-5 ngày, mỗi ngày khoảng  2-3 lần/ngày. Nếu có bóng nước, nên chích vỡ bóng rồi bôi thuốc 

5.1.3 Tím methyl 1%

Hay còn gọi là thuốc tím với tỷ lệ pha loãng 1/10.000 dùng sát khuẩn, khử trùng tại các vết thương lở loét, mụn vỡ tránh bội nhiễm.

Thời gian đầu khi mới khởi phát bệnh, nên ngâm trong thuốc tím 1-2 lần trong ngày

Trường hợp da có tổn thương, có chảy dịch mủ, bọng nước thì nên rạch mủ và thoa trực tiếp dung dịch này lên da từ 1-2 lần trong ngày.

Lưu ý không được băng kín vết thương sau khi dùng thuốc

Thuốc trị chàm tổ đỉa
Thuốc trị chàm tổ đỉa

5.1.4 Dung dịch castellani

Thuốc có tính sát khuẩn, kháng viêm, nên mang lại hiệu quả điều trị chốc lở, tổ đỉa khá tốt. Dạng bào chế dạng dung dịch bôi ngoài da, nên trước khi dùng phải rửa sạch vùng da bị tổn thương. Không nên chấm trực tiếp vào tâm vết thương mà bôi từ ngoài vào trong hạn chế vết thương lan rộng. 

Thận trọng khi dùng thuốc cho đối tượng phụ nữ có thai hoặc bà mẹ đang cho con bú , trẻ em. Không bôi lên vết thương hở hay khu vực da nhạy cảm như mắt, miệng.

5.1.5 Kem bôi corticoid

Nhóm thuốc corticoid có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, và ức chế miễn dịch. Giảm nhanh triệu chứng ngứa ngày khó chịu, tạo điều kiện cho vết tổn thương trên da chóng lành. Không chỉ bệnh tổ đỉa, các bệnh da liễu khác như viêm da dị ứng, viêm nang lông thuốc cũng mang lại tác dụng nhanh, mạnh. Tuy nhiên khi dùng lâu dài thuốc có thể làm mỏng da, teo da, giãn mao mạch, suy giảm sức đề kháng. Đối với trẻ nhỏ cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ vì thuốc làm chậm phát triển, còi xương ở đối tượng này. Sử dụng thời gian dài gây ra nhiều tác dụng phụ khác trên chuyển hoá, suy thận..

Liều lượng số ngày sử dụng nên được hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa. Đa số không nên vượt quá 14 ngày

Thuốc bôi tổ đỉa thường kết hợp cả corticoid và axit salicylic hoặc các hoạt chất kháng nấm, kháng sinh giúp tăng hiệu quả điều trị, chống khả năng bội nhiễm.

Lưu ý không dùng khi da bị phù nề, mụn nước chảy dịch.

Một số kem bôi thường dùng như: Flucinar (Fluocinolone), Dermovate (Clobetasol), Tempovate (Clobetasol)...

Kem bôi corticoid
Kem bôi corticoid

5.1.6 Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ

Calcineurin là một loại Canxi và một calmodulin có tác dụng kích hoạt tế bào lympho T của hệ thống miễn dịch, nên thuốc ức chế chất này dùng để điều hoà miễn dịch, giảm sản xuất các chất trung gian gây chàm, ngứa, bệnh tổ đỉa.[2]

Thuốc thường được dùng là Tacrolimus có hàm lượng 0.03% và 0.1%, thuốc kê đơn nên sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ, nên bôi đến khi ổn định. Thuốc kèm theo nhiều tác dụng phụ nên chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết. 

Liều lượng bôi thường 2 lần mỗi ngày, dùng Tacrolimus 0.03% với trẻ nhỏ 2-15 tuổi và Tacrolimus 0.1% cho người lớn.

Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ
Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ

5.1.7 Thuốc bôi kháng nấm, kháng vi khuẩn

Các thuốc bôi có tác dụng tại chỗ, ngăn ngừa lây lan của vi khuẩn, nấm hoặc chống bội nhiễm khi bị mụn nước nặng, vỡ nhiều. Đặc điểm của bệnh tổ đỉa lại hay khu trú tại các ngón tay, kẽ tay chân nên khả năng bị bội nhiễm càng cao, do thường xuyên tiếp xúc với môi trường.

Các loại thuốc kháng sinh, kháng nấm  hay được bác sĩ kê đơn như:Decocort (Hydrocortison + Miconazole Nitrate),  Bactroban (Mupirocin), Tyrosur gel (Tyrothricin), Nirozal (Ketoconazole)...

5.2 Thuốc điều trị toàn thân

.Khi bị ngứa ngày nhiều, có bội nhiễm và cơ địa dị ứng, sự kết hợp cả thuốc bôi và thuốc uống có thể được bác sĩ chỉ định. Các loại thuốc uống tác dụng mạnh hơn và trên toàn thân nên các tác dụng phụ kèm theo cũng sẽ nhiều, chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết và theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

5.2.1 Thuốc kháng Histamin H1

Thuốc ức chế dị ứng bằng cách đối kháng cạnh tranh với thụ thể histamin tại tế bào đích, làm histamin không gắn được, từ đó các chất trung gian hoá học gây phản ứng dị ứng không giải phóng được ra ngoài.[3]

Thuốc có 2 thế hệ. Với thế hệ thứ 1 qua được hàng rào máu não, tác dụng mạnh hơn, độ an toàn cao nhưng gây tác dụng phụ nhiều như gây buồn ngủ, khô miệng, mất tập trung, người lái xe hay vận hành máy móc nên cẩn trọng khi sử dụng. Với thế hệ 2 thì giảm được được hầu hết các tác dụng không mong muốn của thế hệ 1 trên hệ thần kinh nhưng trên hệ tim mạch vẫn còn. 

Các thuốc nhóm này như Clorpheniramin, Loratadin, Cetirizin, Fexofenadine…

Thuốc kháng Histamin H1
Thuốc kháng Histamin H1

5.2.2 Thuốc kháng sinh

Được sử dụng phòng và chữa trị bội nhiễm khuẩn khi bị tổ đỉa. Các vi khuẩn thường mắc trong bệnh da mô mềm là tụ cầu vàng nên kháng sinh nhóm penicillin được ưu tiên dùng.

Nhưng ngày nay tình trạng kháng thuốc nhóm này rất lớn nên nếu bệnh nhân có bệnh nền và bị kháng thì có thể dùng Vancomycin trong điều trị.

Những đối tượng bị dị ứng nhóm Beta-lactam có thể thay thế nhóm Macrolid  (Erythromycin, Clarithromycin…). Tuyệt đối không tự ý dùng nhóm Quinolon khi chưa có chỉ định đặc biệt cho trẻ em. Thời gian dùng kháng sinh kéo dài từ 7-10 ngày hoặc dài hơn tuỳ vào tình trạng bệnh của bệnh nhân. Không sử dụng quá liều cũng như tự ý dừng thuốc có thể làm gia tăng tỷ lệ tái phát nhiều lần và nặng hơn.

Thuốc kháng sinh trị tổ đỉa
Thuốc kháng sinh trị tổ đỉa

5.2.3  Thuốc kháng nấm

Trường hợp được chẩn đoán có bội nhiễm nấm, bệnh nhân cần sử dụng thuốc trị nấm toàn thân. Các thuốc nấm có khả năng ức chế enzym cytochrom P450 đặc hiệu trên màng tế bào nấm, từ đó giảm tổng hợp ergosterol, các chất bên trong tế bào thoát ra ngoài, tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của vi nấm.

Liều lượng thuốc được kê đơn theo hướng dẫn bác sĩ chuyên khoa dựa trên tình trạng bệnh. Nhóm thuốc này thường gây các tác dụng phụ trên gan, thận. Nên hạn chế sử dụng các chất kích thích, rượu bia trong quá trình điều trị và báo cáo tới cơ sở y tế gần nhất các bất thường gặp phải khi dùng.

Các thuốc chống nấm hay dùng điều trị tổ đỉa như Griseofulvin, Ketoconazol, Fluconazol…

5.2.4 Thuốc corticoid đường uống

Giảm triệu chứng ngứa ngáy nhanh và mạnh, ngoài ra còn tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch của cơ thể. Thuốc thường được kê đơn khi tình trạng bệnh nặng, có sưng viêm, nhiều mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân.

Thời gian dùng dưới 10 ngày hoặc dài hơn tùy từng trường hợp bệnh. Thuốc có nhiều tác dụng phụ trên hệ tiêu hoá, tim mạch, tuyến thượng thận, gây suy giảm miễn dịch, tăng đường huyết, teo cơ, loãng xương…nên người dùng cần tuyệt đối tuân thủ liều lượng và thời gian uống thuốc tránh biến chứng nghiêm trọng.

Các thuốc đường uống hay gặp như: Prednisolon, Betamethason….

Thuốc corticoid đường uống
Thuốc corticoid đường uống

5.2.5 Các thuốc khác

Các vitamin đường uống có thể được chỉ định kèm như Vitamin A, Vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng, thúc đẩy tái tạo da, mau lành vết tổn thương.

Nếu có đau nhức, sốt đi kèm, có thể sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt để giảm triệu chứng.

6 Biện pháp phòng ngừa bệnh tổ đỉa tại nhà

Các thuốc điều trị bệnh tổ đỉa giúp giảm triệu chứng và sự khó chịu cho người bệnh nhanh chóng nhưng không nên lạm đụng thuốc tăng các tác dụng phụ.

Vì vậy nên có biện pháp phòng ngừa ngay tại nhà hạn chế tần suất tái phát của bệnh, bao gồm:

  • Giữ vệ sinh sạch sẽ vùng da chân da tay và toàn bộ cơ thể, giảm sự xâm nhập của vi khuẩn gây viêm nhiễm, tăng mức độ ngứa ngày
  • Hạn chế tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa có độ pH cao mà không mang theo đồ bảo hộ. Không chà xát lên, gãi mạnh lên vùng mụn nước, có thể làm dịch vỡ ra, tăng nguy cơ bội nhiễm và sẹo trên da sau này.
  • Có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh, ngủ đủ giấc, sống khoa học, tăng sức đề kháng toàn bộ cơ thể. 
  • Kiểm soát tinh thần, hạn chế căng thẳng stress kéo dài, nên tập thể dục thường xuyên, cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi.
  • Hạn chế đeo giày bí, thấm hút kém, hay tiếp xúc với bùn đất mà không đeo giày, dép sẽ làm tăng nguy cơ bị tổ đỉa và nhiều bệnh nguy hiểm khác.

7 Các câu hỏi về bệnh chàm tổ đỉa

7.1 Bệnh tổ đỉa có lây không? 

Biểu hiện ngoài da của bệnh tổ đỉa có kèm theo các mụn nước, chảy dịch ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Khiến người xung quanh có tâm lý né tránh, e ngại làm ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh.

Tuy nhiên y học đã chứng minh bệnh không do yếu tố gây lây nhiễm nào như vi khuẩn hay virus nên bệnh không lây truyền từ người này sang người khác. Do đó người xung quanh có thể sinh hoạt  và tiếp xúc bình thường với người bệnh mà không phải quan ngại về vấn đề này.

7.2 Chàm tổ đỉa có nguy hiểm không?

Bệnh tổ đỉa không nguy hiểm tới tính mạng nhưng nếu không vệ sinh và điều trị đúng cách sẽ gây ra  những nguy cơ sau đây:

Bội nhiễm da: bệnh tổ đỉa sẽ gây ngứa ngáy khó chịu, người bệnh khi gãi quá nhiều sẽ càng kích thích càng gãi càng ngứa xuất hiện các vết xước trên da. Vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào gây bệnh viêm mô tế bào, nhiễm trùng da, viêm hạch bạch huyết nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra bệnh này liên quan đến yếu tố cơ địa, hệ thống miễn dịch của cơ thể do đó bệnh dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần nên tìm chính xác nguyên nhân, gốc rễ của bệnh vô cùng quan trọng, có thể giúp tránh tái phát trong thời gian dài.

7.3 Bệnh tổ đỉa kiêng ăn gì?

Để hạn chế sự tái phát của tổ đỉa, chế độ sinh hoạt vô cùng quan trọng và chúng ta cần lưu ý những kiêng những đồ ăn thức uống sau:

Hạn chế sử dụng các chất kích thích hoặc thực phẩm ăn uống có tính chất gây dị ứng như hải sản , tôm cua, thịt gà…

Không nên ăn những thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ hay đồ ăn quá ngọt

Tăng cường sử dụng nhóm thực phẩm giàu Kẽm, khoáng chất như các loại ngũ cốc, các loại đậu, các loại trái cây chứa nhiều vitamin, ăn nhiều rau xanh.

7.4 Bệnh tổ đỉa có điều trị dứt điểm được không?

Bệnh tổ đỉa là bệnh viêm da dai dẳng kéo dài, tái phát 1 đợt từ 10-20 ngày rồi lặn và sau đó có thể tái phát liên tục trở lại. Chính vì vậy tổ đỉa rất khó kiểm soát và điều trị dứt điểm. Tuy nhiên nếu điều trị đúng cách đúng phương pháp kết hợp kiêng khem và không tiếp xúc các hoá chất có thể điều trị khỏi dứt điểm

8 Kết luận

Bệnh tổ đỉa không phải bệnh nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng đến sinh hoạt và tâm lý của người bệnh. Cần tìm ra nguyên nhân và hướng điều trị phù hợp để hạn chế tái phát bệnh nhiều lần. Sử dụng thuốc đang là phương pháp hiệu quả, được dùng nhiều nhất hiện nay, nhưng đa số là thuốc kê đơn nên cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Mong rằng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích đến quý bạn đọc.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả Niels K Veien (Ngày đăng tháng 7 năm 2009), Acute and recurrent vesicular hand dermatitis. PubMed. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2024
  2. ^ Tác giả Omar A. Safarini và cộng sự ( Ngày đăng 12 tháng 11 năm 2023) Calcineurin Inhibitors. Pubmed. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2024
  3. ^ Tác giả Fusun Kalpaklioglu, Ayse Baccioglu (Ngày đăng tháng 11 năm 2012), Efficacy and safety of H1-antihistamines: an update. Pubmed.Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2024

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    bệnh có khỏi hẳn được không?


    Thích (0) Trả lời 1
    • Dạ nếu điều trị đúng cách đúng phương pháp kết hợp kiêng khem và không tiếp xúc các hoá chất có thể điều trị khỏi dứt điểm ạ

      Quản trị viên: Dược sĩ Hoàng Mai vào


      Thích (0) Trả lời
  • 0 Thích

    tổ đỉa này có phải là bệnh chàm không?


    Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Tổ đỉa là bệnh gì? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách chữa bệnh tổ đỉa 4/ 5 1
5
0%
4
100%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Tổ đỉa là bệnh gì? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách chữa bệnh tổ đỉa
    A
    Điểm đánh giá: 4/5

    bác sĩ có kê cho mình những thuốc như trên đã khỏi nhưng không biết có tái phát .lại không

    Trả lời Cảm ơn (0)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633