Bệnh than: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Bệnh than là một bệnh truyền nhiễm hiếm gặp nhưng tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh có thể lên tới hơn 80%. Đầu năm 2023, nước ta đã ghi nhận 13 trường hợp mắc bệnh than. Đây là dấu hiệu cảnh báo về sự trở lại của một dịch bệnh nguy hiểm. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về bệnh than
1 Bệnh than là gì?
Bệnh than (Anthrax) là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do vi khuẩn sinh bào tử có tên là Bacillus anthracis (gram dương, hình que) gây ra. Tên của loại vi khuẩn này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là than đá, do các vết loét trên da của người mắc bệnh có màu sắc như than đá. Bệnh thường ảnh hưởng đến các loại động vật nhai lại (như bò, cừu và dê) và có khả năng lây truyền từ động vật sang người.[1]
Vi khuẩn này thường cư trú trong đất, chúng tạo ra độc tố cực mạnh gây ra các triệu chứng nặng, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Con người có thể mắc bệnh từ động vật bị nhiễm bệnh hoặc thông qua các sản phẩm động vật bị ô nhiễm.
Bào tử vi khuẩn gây bệnh than có thể tồn tại trong môi trường hàng chục năm và có khả năng kháng thuốc tốt khiến cho việc kiểm soát hoặc điều trị bệnh trở nên khó khăn. Bệnh lưu hành ở một số khu vực trên thế giới, bao gồm cả miền nam và miền đông Châu Âu. Nhưng hiện nay, bệnh than có xu hướng lây lan ở Châu Á, điển hình ở Việt Nam đã phát hiện một số ca mắc bệnh than.
Bệnh than được biết đến rộng rãi vào năm 2001 khi nó được sử dụng làm vũ khí sinh học. Khi đó, các bảo tử bệnh than dạng bột mịn đã được gửi qua các bức thư ở Hoa Kỳ. Cuộc tấn công bằng vũ khí sinh học này đã khiến 5 người chết và 17 người mắc bệnh, khiến nó trở thành một trong những cuộc tấn công sinh học tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
2 Ai có nguy cơ mắc bệnh than?
Bệnh than khá hiếm gặp và hầu như không lây nhiễm từ người sang người. Vì thế đối tượng nguy cơ của bệnh than cũng khá đặc biệt. Một số người có nguy cơ phơi nhiễm cao hơn với bệnh than bao gồm:
- Nhân viên phòng thí nghiệm
Người làm việc trong pòng thí nghiệm, đặc biệt là nghiên cứu về bệnh than hoặc các loài động vật liên quan, có thể có nguy cơ phơi nhiễm với vi khuẩn than nếu không tuân thủ các biện pháp bảo hộ thích hợp.
- Người xử lý các sản phẩm động vật
Mặc dù hiếm gặp, nhưng con người có thể mắc bệnh than sau khi tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hoặc các sản phẩm của chúng. Chẳng hạn như lông, da sống hoặc xương. Vì thế một số ngành nghề nhất định (ví dụ như bác sĩ thú y, nông dân, người chăn nuôi gia súc, người giết mổ gia súc,...) có thể có nguy cơ phơi nhiễm với vi khuẩn than cao hơn.
- Nhân viên thư báo hoặc quân nhân
Trong trường hợp bị tấn công khủng bố sinh học bằng bào tử bệnh than, những nhân viên thư báo (nếu bào tử được gửi qua thư), nhân viên thực thi pháp luật, nhân viên y tế,... có khả năng cao hít phải bào tử gây bệnh.
- Khách du lịch
Vi khuẩn hoặc bào tử bệnh than có thể được tìm thấy tự nhiên trong đất và thường gây bệnh cho động vật hoang dã hoặc vật nuôi trên toàn cầu. Tuy nhiên, bệnh than phổ biến hơn ở các vùng nông nghiệp Trung và Nam Mỹ, Châu Phi cận Sahara, Trung và Tây Nam Á, Nam và Đông Âu và Ca-ri-bê. Vì vậy, khi đến những khu vực này, du khách cần chú ý trước những món ăn hoặc quà lưu niệm. Tốt hơn, nrrn tránh ăn thịt sống, tránh tiếp xúc với gia súc hoặc các sản phẩm từ động vật.
3 Nguyên nhân bệnh than là gì?
Bệnh than thường không lây lan trực tiếp từ động vật sang động vật hoặc từ người sang người. Khi các bào tử bệnh than được ăn, hít phải hoặc xâm nhập vào cơ thể qua vết trầy xước hoặc vết cắt trên da, chúng có thể nảy mầm, nhân lên, lây lan và tạo ra độc tố.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh than ở người xảy ra do tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hoặc thịt hoặc da của chúng. Tại Hoa Kỳ, một số người đã mắc bệnh than khi làm trống truyền thống của châu Phi từ da của những con vật bị nhiễm bệnh.
Vì máu của động vật bị nhiễm bệnh đôi khi không đông lại và có thể rò rỉ từ các lỗ trên cơ thể. Khi đó, côn trùng có thể truyền vi khuẩn giữa các loài động vật.[2]
Thức ăn chăn nuôi có thể bị nhiễm bệnh than nếu nó chứa bột xương của động vật bị nhiễm bệnh. Và con người có thể bị nhiễm bệnh nếu họ xử lý hoặc tham gia vào việc giết mổ động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với các sản phẩm động vật bị ô nhiễm. Ngoài ra, sự lây nhiễm bệnh than cũng có thể xảy ra trong các tai nạn ở phòng thí nghiệm.
Nhìn chung, bệnh than không dễ lây lan giống như bệnh cúm hay covid nhưng tác động của chúng với sức khỏe là khá nghiêm trọng.
Vậy, bệnh than lây qua đường nào? Con đường lây truyền bệnh than chính bao gồm:
3.1 Động vật
- Con người có thể mắc bệnh than thông qua:
- Tiếp xúc với gia súc hoặc động vật hoang dã bị nhiễm bệnh
- Tiếp xúc với các sản phẩm từ động vật bị nhiễm bệnh (da hoặc lông của động vật nhiễm bệnh)
- Hít phải bào tử vi khuẩn, chẳng hạn như trong quá trình chế biến các sản phẩm từ động vật bị nhiễm bệnh.
- Tiêu thụ thịt chưa nấu chín từ động vật bị nhiễm bệnh
3.2 Tiêm chích ma túy
Một số trường hợp lây nhiễm bệnh than do tiêm chích ma túy đã được phát hiện ở Bắc Âu.
3.3 Vũ khí sinh học
Bệnh than đã từng được sử dụng để làm vũ khí sinh học trong một cuộc tấn công ở Hoa Kỳ năm 2001.[3]
4 Triệu chứng bệnh than là gì?
Biểu hiện của bệnh than phụ thuộc vào con đường lây nhiễm của vi khuẩn gây bệnh. Cụ thể, có 4 dạng bệnh than ở người liên quan đến 4 hình thức lây bệnh khác nhau[4]:
4.1 Lây nhiễm qua da
Đây là hình thức lây nhiễm phổ biến và ít nghiêm trọng nhất của vi khuẩn gây bệnh than. Nó thường xảy ra khi một người có vết thương hở ở da (chẳng hạn như vết cắt hoặc trầy xước) tiếp xúc trực tiếp với bào tử vi khuẩn gây bệnh than. Các triệu chứng bao gồm:
- Xuất hiện các vết phồng rộp hoặc mẩn ngứa
- Vết thương nhanh chóng sưng lên
- Sau đó hình thành vết loét với nhân màu đen, không đau tại vị trí của các nốt phồng rộp
- Một số người sau đó có biểu hiện đau đầu, đau cơ, sốt và nôn mửa.
Trường hợp vi khuẩn lây nhiễm qua da, các triệu chứng thường phát triển trong vòng 1 tuần sau khi bị phơi nhiễm. Nếu không được phát hiện và điều trị, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 20%. Ngược lại, nếu được điều trị tích cực, thì tỷ lệ sống sót gần như tuyệt đối.
4.2 Lây nhiễm qua đường hô hấp
Đây là dạng hiếm gặp nhưng cũng là dạng nghiêm trọng nhất của bệnh than ở người, có thể được gọi là bệnh than phổi. Dạng bệnh này xảy ra khi một người tiếp xúc trực tiếp với một lượng lớn bào tử vi khuẩn gây bệnh than lơ lửng trong không khí và hít phải chúng. Đó có thể là những người thường xuyên tiếp xúc với lông động vật, làm việc ở nhà máy len, lò mổ và nhà máy thuộc da.
Vi khuẩn than lây nhiễm qua đường hô hấp chủ yếu bắt đầu cư trú tại các hạch bạch huyết ở ngực sau đó lan ra khắp các bộ phận của cơ thể. Kết quả là gây ra các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến đường hô hấp. Các triệu chứng bao gồm:
- Triệu chứng giống như cảm lạnh: Sốt, ớn lạnh, đau họng, ho, đau mỏi cơ bắp, chóng mặt, đau đầu…. Tuy nhiên, các triệu chứng diễn ra nhanh và khó kiểm soát hơn.
- Sưng các hạch ở cổ
- Buồn nôn, nôn ói và đau bụng
- Khó thở, tức ngực,hụt hơi
- Đổ nhiều mồ hôi
- Đau nhức toàn thân
- Sốc tuần hoàn
- Viêm màng não
Trường hợp vi khuẩn than lây truyền qua đường hô hấp, các triệu chứng sẽ phát triển trong khoảng 7 ngày sau khi bị phơi nhiễm. Một số trường hợp phải mất tới 2 tháng để biểu hiện các triệu chứng. Nếu được điều trị tích cực, khoảng 50-55% bệnh nhân sống sót. Ngược lại, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 85-90%.
4.3 Lây nhiễm qua đường tiêu hóa
Vi khuẩn than từ thịt động vật có thể đi vào đường tiêu hóa nếu một người ăn thịt của động vật bị nhiễm bệnh nếu còn sống hoặc chưa được nấu chín kỹ. Sau khi nuốt vào
Khi một người ăn thịt sống hoặc thịt chưa được nấu chín kỹ từ một động vật bị nhiễm bệnh
than, họ có thể mắc bệnh than nhiễm qua đường tiêu hóa. Khi đã được nuốt vào trong cơ thể, vi khuẩn sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa trên (cổ họng và thực quản) sau đó phát triển các triệu chứng như:
- Sốt và ớn lạnh
- Sưng các hạch ở cổ
- Đau họng, khó nuốt, khàn tiếng
- Buồn nôn, nôn ói và có thể nôn ra máu
- Tiêu chảy, thậm chí đi ngoài ra máu
- Đau đầu
- Nóng bừng mặt, đỏ mắt
- Đau bụng, sưng bụng
- Suy nhược
Người nhiễm vi khuẩn than qua đường tiêu hóa có thể phát triển các triệu chứng tương tự như ngộ độc thực phẩm, nhưng có phần trầm trọng hơn. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 1 tuần từ khi bị phơi nhiễm. Tỷ lệ tử vong nếu không được điều trị lên đến 50% số bệnh nhân. Ngược lại, nếu được điều trị tích cực, khoảng 60% bệnh nhân sẽ sống sót.
4.4 Lây nhiễm qua đường kim tiêm
Một số trường hợp đã được báo cáo ở Châu u về nguy cơ lây nhiễm bệnh than qua việc tiêm chích heroin bất hợp pháp. Các triệu chứng bao gồm:
- Sưng đỏ ở vị trí tiêm
- Sốc tuần hoàn
- Suy đa cơ quan
- Viêm màng não
Các triệu chứng gần như tương tự với trường hợp lây nhiễm bệnh than qua da. Tuy nhiên, do mũi tiêm chích vào sâu bên trong nên có thể có hiện tượng nhiễm trùng sâu dưới da hoặc trong cơ. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy, vi khuẩn gây bệnh than lây nhiễm qua đường kim tiêm có khả năng lây lan ra khắp cơ thể nhanh hơn, khó phát hiện hơn và việc điều trị cũng trở nên khó khăn hơn.
5 Biến chứng của bệnh than
Các biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh than bao gồm:
- Bội nhiễm, nhiễm trùng huyết
- Viêm màng não, xuất huyết não dẫn đến tử vong
6 Bệnh than có nguy hiểm không?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết, bệnh than luôn đứng trong danh sách những tác nhân có khả năng nhất được sử dụng trong một cuộc tấn công sinh học. Điều này là do mầm bệnh rất dễ phát tán và nguy cơ tử vong khi mắc bệnh là rất cao. Một số lý do khác khiến bệnh than trở thành một tác nhân hiệu quả cho một cuộc tấn công khủng bố sinh học như:
- Mầm bệnh có thể được tìm thấy trong tự nhiên
- Mầm bệnh có thể được sản xuất trong phòng thí nghiệm
- Bào tử gây bệnh có thể tồn tại trong một khoảng thời gian dài mà không cần điều kiện bảo quản nghiêm ngặt
- Mầm bệnh có thể được phân tán ở dạng bột hoặc dạng xịt mà không gây quá nhiều sự chú ý
- Các bào tử bệnh thạn rất nhỏ đến mức vị giác, khứu giác hoặc thị giác không nhận biết được.
Chính vì vậy, vào năm 2001, một cuộc tấn công khủng bố bệnh than đã xảy ra ở Hoa Kỳ. Khi đó, bào tử bệnh than được bào chế ở dạng bột và được gửi theo những bức thư. Kết quả khiến 5 người trong số những người bị nhiễm bệnh đã tử vong.
7 Chẩn đoán bệnh than như thế nào?
Các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán bệnh than bao gồm:
- Xét nghiệm máu
- Kiểm tra các tổn thương trên da
- Phân tích mẫu phân
- Chọc dò tủy sống
- Chụp X-quang ngực
- Chụp CT
- Nội soi thực quản hoặc ruột
8 Điều trị bệnh than như thế nào?
Tất cả các trường hợp mắc bệnh than ở người đều phải nhập viện để điều trị. Ngoài ra, những người có khả năng tiếp xúc với bào tử bệnh than có thể được điều trị dự phòng. Nhìn chung, bệnh than đáp ứng tốt với thuốc kháng sinh.
Việc điều trị bệnh than cũng phụ thuộc vào đặc điểm các triệu chứng của bệnh nhân.
- Nếu bệnh nhân tiếp xúc với mầm bệnh than nhưng không có triệu chứng, các bác sĩ sẽ bắt đầu điều trị theo hướng phòng ngừa. Điều trị dự phòng bệnh than thường bao gồm thuốc kháng sinh và vacxin.
- Nếu bệnh nhân tiếp xúc với mầm bệnh than có kèm theo các triệu chứng, các bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc kháng sinh trong vòng 60-100 ngày. Một số loại kháng sinh điển hình như Ciprofloxacin (Cipro), Doxycyclin (Doryx, Monodox).
- Hiện nay có một số phương pháp điều trị thử nghiệm đang được nghiên cứu, bao gồm liệu pháp kháng độc giúp loại bỏ độc tố của vi khuẩn than thay vì tấn công trực tiếp vào chúng.
Bệnh than có thể được điều trị khỏi nếu phát hiện sớm và tích cực điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp tìm đến sự can thiệp y tế khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong do bệnh than là rất cao.
9 Phòng ngừa bệnh than như thế nào?
Trường hợp tiếp xúc với mầm bệnh nhưng chưa phát triển triệu chứng, các biện pháp phòng ngừa là rất cần thiết. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khuyến cáo:
- Điều trị 60 ngày bằng kháng sinh: Ciprofloxacin, Doxycycline và Levofloxacin được chấp thuận cho người lớn và trẻ em.
- Tiêm 3 liều vacxin phòng ngừa bệnh than. Tuy nhiên, vacxin ngừa bệnh than chủ yếu được sử dụng cho quân nhân, nhân viên y tế hoặc các nhà khoa học làm việc trực tiếp với bệnh than. Vacxin bệnh than có thể gây ra một số tác dụng phụ, từ đau nhức tại chỗ tiêm cho đến các phản ứng dị ứng nghiêm trọng hơn.
- Nếu bạn sống hoặc đi du lịch ở một quốc gia nơi có bệnh than lưu hành hoặc đàn gia súc không được tiêm phòng thường xuyên, hãy hạn chế tiếp xúc với gia súc hoặc các sản phẩm sống từ động vật.
Ngay cả với những nước phát triển, thì việc xử lý động vật chết, xử lý da sống, lông thú hoặc len nhập khẩu cũng cần thận trọng để giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh than.[5]
Để phòng chống lây nhiễm bệnh than, cần áp dụng các nguyên tắc sau[6]
- Các cơ sở chế biến nguyên liệu động vật thô hoặc có nguy cơ lây lan bệnh than cần: Vệ sinh sạch sẽ bụi bẩn, đảm bảo không gian thông thoáng và định kỳ kiểm tra sức khỏe cho công nhân (đặc biệt chăm sóc những vết thương hở hoặc nghi ngờ nhiễm khuẩn). Trang bị đồ bảo hộ, nhà tắm để giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh. Dùng hơi focmaldehyt để tiệt khuẩn giai đoạn cuối cùng ở những nhà máy bị nhiễm B. anthracis. Đảm bảo nguồn nước thải và chất thải không có mầm bệnh.
- Đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật: Nên rửa sạch, tiệt khuẩn cẩn thận (đặc biệt là phần lông, da và xương) trước khi chế biến.
- Đối với gia súc bị nhiễm bệnh than: Không tiêu thụ hoặc phân phối bất kỳ sản phẩm nào liên quan.
- Nếu nghi ngờ gia súc nhiễm bệnh than: Không mổ xác để tránh phát tán mầm bệnh. Nên lấy mẫu máu vô khuẩn ở cổ để nuôi cấy vi khuẩn.
- Nếu sơ xuất mổ xác súc vật nhiễm bệnh than: Cần tiệt khuẩn và tiêu hủy tất cả các dụng cụ và vật dùng. Cần chôn sâu xác chết, không được đốt ở ngoài trời. Xác súc vật phải được phủ một lớp vôi bột trước khi chôn. Tẩy uế nơi có xác chết và chất thải của gia súc bằng dung dịch kiềm 5%, oxit Canxi (vôi bột).
10 Giải đáp các thắc mắc về bệnh than
10.1 Có thể bị nhiễm bệnh than từ người khác không?
Đối với con đường lây nhiễm bệnh than qua da, nguy cơ lây nhiễm trực tiếp từ các vết thương hở trên cơ thể người bệnh là rất nhỏ. Bên cạnh đó, bệnh than không thể lây truyền từ người sang người thông qua đường hô hấp. Bởi nó chỉ có thể lây nhiễm khi chúng ta hít phải các bào tử của vi khuẩn than.
Tóm lại, nguy cơ lây truyền bệnh than từ người sang người là rất thấp.
10.2 Có vacxin phòng bệnh than không?
Hiện nay đã có vacxin phòng bệnh than cho cả gia súc và con người. Tuy nhiên, vacxin bệnh than dành cho con người không được cung cấp rộng rãi. Thay vào đó, những vacxin này thường được sử dụng để bảo vệ những ca nhân có nguy cơ cao mắc bệnh than, chẳng hạn như nhân viên y tế.
Theo FDA, vacxin bệnh than có hiệu quả lên đến 92,5%.
10.3 Nếu vật nuôi bị bệnh hoặc mới chết, có nên sử dụng thịt và da của chúng không?
Không nên sử dụng bất kỳ sản phẩm bào của động vật khi chúng bị bệnh, có hành vi kỳ lạ hoặc chết đột ngột. Vì có thể chúng đã mắc một số bệnh truyền nhiễm, trong đó bao gồm cả bệnh than.
Ngoài ra, cần đảm bảo tuân thủ các quy định của nhà nước về kiểm tra thú y trước khi giết mổ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo an toàn cho người thực hiện giết mổ.
Đối với những động vật đã chết vì bệnh than, cần báo cáo với cơ quan chức năng để có cách xử lý an toàn.
10.4 Tình hình bệnh than ở Việt Nam
Bệnh than rất hiếm khi được ghi nhận ở Việt Nam. Nhưng thời gian gần đây đã có thông tin về một số người dân mắc bệnh than do ăn thịt gia súc bị bệnh đã chết. Cụ thể:
- Tháng 10/2014: phát hiện 9 bệnh nhân tại tỉnh Hà Giang mắc bệnh than do ăn thịt gia súc bị bệnh đã chết.
- Tháng 05/2023: Tỉnh Điện Biên ghi nhận 13 trường hợp có các triệu chứng của bệnh than sau khi giết mổ và ăn thịt trâu bò.
- Tháng 06/2023: Tình Điện Biên tiếp tục báo cáo về một trường hợp trẻ nhỏ 2 tuổi nghi ngờ mắc bệnh than. Tuy nhiên, khai thác tiền sử cho thấy, bệnh nhân và gia đình không ăn thịt trâu bò và trong vùng không có gia súc mắc bệnh than.
Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp tử vong từ các ổ dịch trên, nhưng đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo về sự bùng phát của bệnh than. Theo thông tin từ Bộ Y tế, các tỉnh miền núi phía bắc của nước ta (bao gồm Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang) là khu vực lưu hành bệnh than. Mặc dù các ca được ghi nhận không đáng kể, tuy nhiên bệnh than đang có dấu hiệu gia tăng và nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rất cao. Vì thế người dân cần thận trọng trong việc chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gia súc.
>>>Xem thêm: Virus Marburg - Lời cảnh báo về một bệnh dịch nguy hiểm mới
Tài liệu tham khảo
- ^ WHO (Ngày đăng: Ngày 18 tháng 11 năm 2016). Anthrax, WHO. Ngày truy cập: Ngày 06 tháng 06 năm 2023
- ^ WOAH. Anthrax, WOAH. Ngày truy cập: Ngày 06 tháng 06 năm 2023
- ^ Daniel Murrell (Ngày đăng: ngày 02 tháng 02 năm 2019). Anthrax, Healthline. Ngày truy cập: Ngày 06 tháng 06 năm 2023
- ^ CDC (Ngày đăng: Ngày 15 tháng 03 năm 2022). Symptoms of Anthrax, CDC. Ngày truy cập: Ngày 06 tháng 06 năm 2023
- ^ Mayo Clinic Staff (Ngày đăng: Ngày 11 tháng 05 năm 2022). Anthrax, Mayo Clinic. Ngày truy cập: ngày 06 tháng 06 năm 2023
- ^ Cục Y tế dự phòng (Ngày đăng: Ngày 01 tháng 07 năm 2016). BỆNH THAN (Anthrax), VNCDC. Ngày truy cập: ngày 06 tháng 06 năm 2023