Bệnh tả: nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
Trungtamthuoc.com - Sau thời gian ủ bệnh từ 24 đến 48 giờ, các triệu chứng bệnh tả xuất hiện đột ngột gồm tiêu chảy không đau và thường bị nôn. Bệnh nhân có thể kèm theo chuột rút bụng, có thể do sự xáo trộn của vòng ruột nhỏ do khối lượng lớn của dịch tiết ruột. Thông thường, người bệnh tả không có triệu chứng sốt thường.
1 Bệnh tả là gì?
Bệnh tả là bệnh tiêu chảy cấp tính do vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra. Ước tính chúng gây ra 2,9 triệu trường hợp mỗi năm trên toàn thế giới.
Hầu hết những người bị nhiễm V. cholerae không phát triển bất kỳ triệu chứng nào, mặc dù vi khuẩn có trong phân của họ từ 1-10 ngày sau khi nhiễm và được thải ra môi trường, có khả năng lây nhiễm sang người khác.[1] Có khoảng 1/10 người bị bệnh tả sẽ xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như tiêu chảy ra nước, nôn mửa và chuột rút ở chân. Ở những người này, cơ thể mất nước nhanh chóng dẫn đến mất nước và sốc. Nếu không điều trị, tử vong có thể xảy ra trong vòng vài giờ. [2]
Không giống như nhiều bệnh truyền nhiễm khác, bệnh tả hiện vẫn là mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới. Ngày nay, dịch tả đang xảy ra ở các khu vực trên thế giới với các điều kiện vệ sinh không sạch và các khu vực nhiều thiên tai...
2 Nguyên nhân gây bệnh tả
Các chủng Vibrio cholerae sản sinh độc tố gây ra các triệu chứng của bệnh tả.
V-cholerae là một loại vi khuẩn gram âm có hình dấu phẩy rất linh hoạt. Nó có hàng trăm nhóm huyết thanh bao gồm các chủng gây bệnh và không gây bệnh.Căn bệnh này chỉ do 2 trong số các kiểu huyết thanh này, Inaba và Ogawa, và 2 kiểu gen, cổ điển và El Tor, thuộc nhóm huyết thanh độc tố O1. Gần đây, người ta thấy có vai trò của các nhóm huyết thanh không phải O1 và O139 có thể là một yếu tố gây tiêu chảy và viêm dạ dày ruột. [3] [4]
Bệnh tả lây qua đường nào? Dịch tả được truyền qua nước bị ô nhiễm, thực phẩm bẩn, đặc biệt là nơi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, chiến tranh và nạn đói.
Con người là vật chủ tự nhiên của V-cholerae, và lây truyền qua đường phân-miệng. V-cholerae cũng được tìm thấy trong nước lợ và có thể tồn tại trong nước ngọt, nước mặn, đó là lý do của bệnh nhiễm trùng qua động vật giáp xác.
3 Phương pháp chẩn đoán bệnh tả
3.1 Triệu chứng bệnh tả
Tiêu chảy cấp tính biểu hiện bệnh tả nghiêm trọng có thể gây tử vong do mất nước trong vòng 6 đến 12 giờ kể từ khi có triệu chứng lâm sàng.
Sau thời gian ủ bệnh từ 24 đến 48 giờ, các triệu chứng xuất hiện đột ngột gồm tiêu chảy không đau và thường bị nôn. Bệnh nhân có thể kèm theo chuột rút bụng, có thể do sự xáo trộn của vòng ruột nhỏ do khối lượng lớn của dịch tiết ruột. Thông thường, người bệnh tả không có triệu chứng sốt thường.
Hầu hết các bệnh nhiễm khuẩn Vibrio cholerae đều không có triệu chứng và tiêu chảy nhẹ đến trung bình khó phân biệt với nguyên nhân khác.
Nên nghi ngờ bệnh tả khi bệnh nhân lớn hơn 5 tuổi bị mất nước nghiêm trọng do tiêu chảy cấp, nặng, chảy nước thường không nôn. Hoặc ở bất kỳ bệnh nhân nào lớn hơn 2 tuổi bị tiêu chảy cấp tính và đang ở trong khu vực có dịch tả bùng phát xảy ra cũng nên nghi ngờ.
Bệnh nhân mắc bệnh nặng có thể có thể tích phân trên 250 mL/kg trọng lượng cơ thể trong khoảng thời gian 24 giờ. Do khối lượng tiêu chảy lớn, bệnh nhân mắc bệnh tả có tăng nhu động ruột thường xuyên và không kiểm soát được. Người bệnh có thể có tình trạng sống phân. Phân dịch tả đặc trưng là một chất lỏng màu trắng đục không gây dị ứng và thường có thể chất như nước gạo.
Không phải bệnh nhân tả nào cũng có biểu hiện nôn. Trong giai đoạn đầu của bệnh, nôn là do giảm nhu động dạ dày và ruột, sau đó nhiều khả năng là hậu quả của nhiễm toan máu.
Nếu không được điều trị, tiêu chảy và nôn mửa dẫn đến mất nước nghiêm trọng, có thể dẫn đến hoại tử ống thận cấp và suy thận. Ở những bệnh nhân mắc bệnh nặng có thể có trụy mạch, sốc và tử vong. Mất nước có thể xảy ra nhanh chóng trong vòng vài giờ sau khi xuất hiện triệu chứng.
3.2 Xét nghiệm cận lâm sàng
Xét nghiệm huyết học ở người bệnh tả: Các rối loạn huyết học chính ở bệnh nhân mắc bệnh tả xuất phát từ sự thay đổi về thể tích nội mạch và nồng độ điện giải. Hematocrit, huyết thanh và protein huyết thanh tăng cao ở những bệnh nhân bị mất nước do hậu quả là sự cô đặc. Khi người bệnh được quan sát lần đầu, thường thấy bị tăng bạch cầu mà không có dịch chuyển trái. Người bệnh có thể có giảm Na+, K+, tăng đường huyết, ure máu và creatinin tăng cao, NaHCO3 giảm xuống dưới 15 mmol/L.
Xét nghiệm phân ở những bệnh nhân này tìm thấy Vibrio cholerae. Người bệnh nghi ngờ nhiễm tả có thể được chẩn đoán dựa vào soi kính hiển vi, PCR, phương pháp miễn dịch huỳnh quang...
Cần phân biệt bệnh tả với bệnh do nhiễm Escherichia Coli, viêm dạ dày ở trẻ nhỏ, nhiễm Rotavirus.
4 Người bệnh tả có thể xảy ra biến chứng gì?
Biến chứng phổ biến nhất và đe dọa tính mạng của V-cholerae là sự suy giảm thể tích nghiêm trọng dẫn đến sốc và nhiễm toan chuyển hóa. Dịch tả được đặc trưng bởi sự mất nước nhiều qua tiêu chảy, đạt tới 1 lít mỗi giờ ở người lớn và 20 ml/kg mỗi giờ ở trẻ em.
5 Nguyên tắc điều trị bệnh tả
5.1 Bồi phụ nước và điện giải
Việc bù nước là ưu tiên hàng đầu trong điều trị bệnh tả. Việc bù nước được thực hiện theo 2 giai đoạn bù nước và duy trì.
Mục tiêu của giai đoạn bù nước là khôi phục trạng thái hydrat hóa bình thường, sẽ mất không quá 4 giờ. Đặt tốc độ truyền tĩnh mạch ở bệnh nhân mất nước nghiêm trọng ở mức 50 - 100 mL/kg/giờ. Dung dịch Ringer Lactated được lựa chọn nhiều hơn dung dịch Natri clorid đẳng trương vì nước muối không điều chỉnh nhiễm toan chuyển hóa.
Mục tiêu của giai đoạn duy trì là duy trì trạng thái hydrat hóa bình thường bằng cách thay thế các tổn thất đang diễn ra. Đường uống được ưu tiên và nên sử dụng dung dịch bù nước đường uống (ORS) với tốc độ 500-1000 mL/giờ.
Với người bệnh mất nước nghiêm trọng, cần truyền tĩnh mạch ngay để bù dịch, sử dụng dung dịch Ringer lactat hoặc NaCl đẳng trương. Đến khi người bệnh có thể uống, bắt đầu cho uống dung dịch ORS và cần theo dõi thường xuyên trong quá trình bù dịch.
Bệnh nhân không có dấu hiệu mất nước hoặc mất nước nhẹ có thể bổ sung dịch theo đường uống tại nhà bằng ORS luôn.
5.2 Điều trị kháng sinh
Thuốc kháng sinh được coi là phương pháp điều trị bổ trợ cho V-cholerae. Thuốc kháng sinh điều trị thường được sử dụng một khi tình trạng thiếu hụt thể tích ban đầu được khắc phục và không còn nôn mửa. Kháng sinh giúp cải thiện đáng kể kết quả lâm sàng và vi sinh bằng cách rút ngắn thời gian tiêu chảy trung bình, giảm tổng lượng phân. Không những thế, điều trị này còn giúp người bệnh tả giảm lượng dịch mất đi và giảm bài tiết vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Các loại kháng sinh chính được sử dụng bao gồm tetracycline, macrolide và fluoroquinolones. Tetracyclines là loại kháng sinh được nghiên cứu và sử dụng nhiều nhất. Trong các nghiên cứu so sánh, Tetracycline và azithromycine có thể có lợi thế hơn các loại kháng sinh khác khi so sánh thời gian tiêu chảy. Kháng sinh nhóm fluoroquinolones dùng cho người bệnh tả bao gồm ciprofloxacin, norfloxacin, ofloxacin.
Đối với trẻ sơ sinh, việc cho con bú kết hợp với ORS và khuyến cáo nên bổ sung Kẽm. Ngoài ra, bổ sung Vitamin A đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi.
Các chất chống nôn và giảm nhu động ruột không có lợi ích và thực sự có thể cản trở trị liệu ORS, có thể làm cho việc điều trị tồi tệ hơn.
5.3 Dinh dưỡng cho người bệnh tả
Tiếp tục cho người bệnh tả ăn với chế độ ăn bình thường hoặc bú mẹ khi nôn đã ngừng. Tuy nhiên, nên cho họ ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu hơn.
6 Làm sao để phòng ngừa bệnh tả
Phòng ngừa dịch tả phụ thuộc vào việc sử dụng nước an toàn, vệ sinh đầy đủ và đáp ứng các nhu cầu vệ sinh cơ bản.
Tất cả mọi người trong các khu vực xảy ra dịch tả cần làm theo năm bước phòng ngừa bệnh tả cơ bản để bảo vệ bản thân và gia đình:
Uống nước và sử dụng nước an toàn như nước uống đóng chai, nước đun sôi, nước sinh hoạt đã khử khuẩn bằng clo theo hướng dẫn.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước an toàn như trước và trong khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, sau khi vệ sinh nhà cửa...
Sử dụng nhà vệ sinh an toàn để tránh tình trạng phân lưu truyền ra ngoài môi trường gây thành dịch bệnh.
Cần sử dụng đồ ăn đã nấu chín kĩ, giữ kín với rau quả và trái cây khi ăn cần gọt vỏ.
Tổng vệ sinh nhà cửa, đặc biệt là nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, cách xa nguồn nước để nấu ăn, uống.
Ngoài ra, có thể phòng ngừa bệnh tả bằng cách tiêm phòng vacxin.
Trên đây là các thông tin cơ bản về bệnh dịch tả, hy vọng sẽ hữu ích với bạn đọc.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia của WHO, Cholera, WHO. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của CDC, Cholera - Vibrio cholerae infection, CDC. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2021
- ^ Tác giả: Jafet A. Ojeda Rodriguez ; Chadi I. Kahwaji, Vibrio Cholerae, NCBI. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2021
- ^ Tác giả: Dutta D, Chowdhury G, Pazhani GP, Guin S, Dutta S, Ghosh S, Rajendran K, Nandy RK, Mukhopadhyay AK, Bhattacharya MK, Mitra U, Takeda Y, Nair GB, Ramamurthy T. Vibrio cholerae non-O1, non-O139 serogroups and cholera-like diarrhea, Kolkata, India. Emerg Infect Dis., Pubmed. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2021