1. Trang chủ
  2. Truyền Nhiễm
  3. Bệnh sốt vàng: nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và vắc xin điều trị

Bệnh sốt vàng: nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và vắc xin điều trị

Bệnh sốt vàng: nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và vắc xin điều trị

Trungtamthuoc.com - Bệnh sốt vàng là một trong những bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh lây lan qua đường vật chủ trung gian thường là muỗi. Biện pháp phòng  ngừa bệnh tốt nhất hiện nay là tiêm vắc xin sốt vàng. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) cùng tìm hiểu về nguyên nhân, các triệu chứng và biện pháp điều trị bệnh sốt vàng trong bài viết dưới đây.

1 Sốt vàng là bệnh gì?

Sốt vàng là một bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc xuất phát từ châu Phi và Nam Mỹ. Bệnh có biểu hiện nhanh chóng, cấp tính gây tổn hại đến các cơ quan nội tạng như gan, thận, phổi, đặc biệt gây vàng da. Khi chuyển biến nặng có thể gặp truỵ tim mạch, sốc nhiễm khuẩn và tử vong.

Dịch tễ của bệnh sốt vàng
Dịch tễ của bệnh sốt vàng

Bệnh có thể nhầm lẫn với những bệnh nhiễm khuẩn khác như sốt rét, sốt xuất huyết nên ngoài dựa vào triệu chứng lâm sàng cần phải thực hiện các xét nghiệm, khai thác dịch tễ để chẩn đoán chính xác nhất. Biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin được đánh giá mang lại hiệu quả cao, có hiệu lực kéo dài nên những đối tượng dễ tổn thương như trẻ nhỏ, người cao tuổi nên tiêm phòng trước khi tiếp xúc khu vực có dịch tễ cao.

Tác nhân truyền bệnh là loài muỗi vằn Aedes, sinh sống ở những khu vực có nhiệt độ ẩm cao, nơi ao tù, nước đọng…Vì vậy cần dọn dẹp vệ sinh môi trường sống là điều cần thiết để phòng bệnh.

Ước tính mỗi năm có khoảng 200.000 ca mắc bệnh sốt vàng, trong đó tỷ lệ tử vong lên tới 30.000 người, một tỷ lệ tử vong cao trong nhóm bệnh truyền nhiễm. Và tại nước ta, dù chưa phát hiện ca bệnh sốt vàng nào nhưng vẫn cần tuyên truyền và giáo dục người dân về biểu hiện và cách phòng tránh bệnh.

2 Nguyên nhân của bệnh sốt vàng

Bệnh sốt vàng là một bệnh truyền nhiễm do virus sốt vàng gây ra. Đây là loại virus có cấu trúc ARN, kích thước nhỏ, cấu trúc vỏ có lớp màng chắc chắn gồm lipoprotein 2 lớp màng và nucleocapsid. Đặc điểm sống của virus này ngoài môi trường khá kém, dễ dàng bị diệt bởi hóa chất thông thường như chất tẩy, xà phòng. Tác nhân nhiệt trên 56 độ, ánh nắng mặt trời và tia UV có thể diệt được virus.  

Khi muỗi mang mầm bệnh được lấy từ động vật nhiễm virus này, nếu đốt người lành thì sẽ truyền chúng vào cơ thể bằng đường máu. Trong cơ thể muỗi virus nhân lên và phát triển mạnh nhưng không gây hại cho muỗi. Vì vậy muỗi Aedes được coi là ổ chứa mầm bệnh sốt vàng. 

Muỗi là vật chủ truyền bệnh sốt vàng
Muỗi là vật chủ truyền bệnh sốt vàng

Người bệnh không thể truyền bệnh cho người lành thông qua đường hô hấp, vật dụng thường ngày nhưng có thể lây truyền bằng tiếp xúc trực tiếp đường máu như dùng kim tiêm chung.

Ngoài muỗi cũng có những loài động vật khác có mang mầm bệnh, cụ thể:

  • Tại khu vực có dịch tễ cao như vùng núi Nam Mỹ, Châu Phi thì virus còn có trong một số loài khỉ, những loài muỗi hút máu người khác nhóm muỗi Aedes trong rừng cũng phát hiện có chứa virus này.
  • Tạo khu vực nông thôn, thành thị thì loài muỗi là tác nhân chính truyền bệnh, chủ yếu là loài Ae. aegypti, và hiếm gặp ở một vài muỗi Aedes khác. 

Bệnh thương xuất hiện nhiều vào mùa mưa vì đây cũng là thời điểm muỗi sinh sôi và phát triển mạnh nhất. Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc phải bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ và người suy giảm miễn dịch, tình trạng bệnh càng chuyển biến nặng hơn.

3 Triệu chứng bệnh sốt vàng

Sốt vàng có biểu hiện đặc trưng nhất là sốt và vàng da. Nguyên nhân là do biến chứng tổn thương gan nghiêm trọng làm bilirubin tồn đọng trong cơ thể. Đa số khi mới nhiễm bệnh sẽ không có triệu chứng rõ rệt nào, phải từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 các triệu chứng mới cụ thể hơn. Bệnh sốt vàng chia làm 3 giai đoạn triệu chứng, bao gồm:

Thời gian ủ bệnh: sau khi nhiễm phải virus sốt vàng, thì tuỳ bệnh nhân thời gian ủ bệnh sẽ kéo dài từ 3 đến 6 ngày. Thông thường trong lúc ủ bệnh sẽ không có triệu chứng gì, các dấu hiệu chưa rõ rệt.

Thời gian phát bệnh: bệnh nhân có các dấu hiệu như sốt, rét , đau cơ, mạch yếu như những bệnh sốt virus khác. Giai đoạn này có thể chia làm 2 thời kỳ với các biểu hiện nhẹ ban đầu và thời kỳ chuyển biến nghiêm trọng chiếm khoảng 15% trường hợp mắc bệnh.

  • Giai đoạn 1: bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng nhẹ bao gồm sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau lưng, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, và nôn…
  • Giai đoạn 2: có một số triệu chứng nghiêm trọng hơn như sốt tái phát, vàng da do tổn thương gan, đau bụng, chảy máu miệng, mắt, và Đường tiêu hóa, suy thận, nấc cục, và mê sảng.

Giai đoạn độc hại: Các bệnh nhân trong trường hợp này có khả năng tử vong cao tới khoảng 20-50%. Bệnh nhân bị tổn thương nhiều nội tạng trong cơ thể, có thế gặp sốc nhiễm khuẩn. Nếu sống sót qua giai đoạn này được thì sẽ được cung cấp miễn dịch suốt đời.

Triệu chứng bệnh sốt vàng
Triệu chứng bệnh sốt vàng

4 Biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt vàng

Người bệnh có thể điều trị khỏi bệnh sốt vàng nhưng vì tác động tổn thương của virus này lên các cơ quan trên cơ thể là quá lớn, nên các biến chứng có thể gặp ở bệnh sốt vàng thường gặp như:

  • Vàng da và mắt: bộ phận bị virus này tấn công mạnh nhất và gây tổn thương nghiêm trọng là gan. Biểu hiện gan bị viêm là vàng da, mắt nên cần thời gian để gan phục hồi và sẽ giảm vàng da dần.
  • Chảy máu từ miệng, mắt, mũi: do gan tham gia vào quá trình đông máu trong cơ thể nên khi bị tổn thương quá nặng, gây rối loạn đông máu, dẫn đến chảy máu. Thậm chí khi xuất huyết đường tiêu hoá sẽ gặp tình trạng phân có màu hoặc nôn ra máu
  • Suy thận, mê sảng: các biến chứng này trong giai đoạn nặng của bệnh, khi có sự bội nhiễm của sốt vàng.

Các biến chứng sẽ phục hồi dần từ vài tuần đến vài tháng sau khi điều trị xong sốt vàng.

5 Bệnh sốt vàng được chẩn đoán như thế nào?

5.1 Chẩn đoán lâm sàng

Bệnh sốt vàng có triệu chứng ban đầu tương tự như những loại bệnh sốt do virus khác như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm gan virus nên dẫn đến nhiều tình trạng chẩn đoán và điều trị sai, gây nguy hiểm với người bệnh.

Khi thăm khám tại bệnh viện bác sĩ sẽ khai thác tiền sử du lịch của người bệnh, sau đó xem xét triệu chứng để thực hiện những xét nghiệm phù hợp. 

5.2 Chẩn đoán phân biệt

Bệnh sốt xuất huyết dengue: có những vết xuất huyết trên da, biểu hiện vàng da vàng mắt không rõ rệt như sốt vàng. Ở thể nặng mới gặp tình trạng suy thận và vàng da.

Bệnh sốt Ebola và Marburg: bệnh có biểu hiện xuất huyết nặng, gan lách sưng to và có rối loạn tâm thần và tổn thương các nội tạng trong cơ thể.

Bệnh sốt Tây sông Nin: biểu hiện đặc trưng ở thể viêm não, có suy gan gây vàng da

Bệnh sốt rét: sốt cao đột ngột và rét run từng cơn có chu kỳ cố định, thể nặng gây vàng da.

5.3 Xét nghiệm

Các xét nghiệm thực hiện để chẩn đoán bệnh sốt vàng, bao gồm:

  • Xét nghiệm huyết thanh học: đây là phương pháp sử dụng kỹ thuật ELISA nhằm phát hiện kháng thể đặc hiệu với IgM. Khi nhận thấy giá trị này tăng thì có ý nghĩa trong việc chẩn đoán, tuy nhiên vẫn có gặp một vài hạn chế về khả năng dương tính chéo với các loài virus khác, hoặc người bệnh đã tiêm vắc xin phòng ngừa sốt vàng.
  • Xét nghiệm PCR RNA virus: lấy mẫu máu hoặc các mô cơ quan, tìm ra vật chất di truyền của virus. Phương pháp này rất chính xác nhưng chi phí cao vì cần những kỹ thuật hiện đại.
  • Nuôi cấy và phân lập virus: lấy các chủng virus này rồi nuôi cấy vào cơ thể vật chủ, ở đây là muỗi hoặc khỉ… tuy nhiên kết quả lâu và yêu cầu nhiều máy móc hiện đại, phức tạp.

6 Điều trị bệnh sốt vàng 

Bệnh sốt vàng có thể diễn biến nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời. Khi phát hiện có nguy cơ bị bệnh cần tới bệnh viện càng sớm càng tốt để tăng khả năng sống sót. Cho đến hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh này, điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và hỗ trợ bù nước, điện giải. Trong tình huống bệnh bội nhiễm thì có thể chỉ định dùng thêm kháng sinh. Vào thời gian điều trị bệnh, bệnh nhân hạn chế ra ngoài, giảm nguy cơ muỗi đốt làm phát tán bệnh cũng như lây sang người lành.

Điều trị bệnh sốt vàng
Điều trị bệnh sốt vàng

Các biện pháp điều trị triệu chứng và hỗ trợ bao gồm: hạ sốt trong trường hợp sốt cao bằng cách dùng Paracetamol 10 – 15 mg/kg/ lần. Sử dụng hạ sốt lặp lại liều từ 4- 6 tiếng không lạm dụng dùng quá nhiều gây tổn thương gan nặng nề hơn. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc giải độc gan hoặc các thuốc chuyển hoá qua gan sẽ làm tăng tác dụng phụ nguy hiểm của các thuốc này.  Cung cấp đủ điện giải, nước đảm bảo hoạt động bình thường của hệ thống tuần hoàn. Khi gặp tình trạng suy hô hấp, suy thận cần có các biện pháp hỗ trợ ngay lập tức. Cần truyền dinh dưỡng khi bệnh nhân không thể ăn uống. Các chỉ định truyền máu, chỉ định kháng sinh cũng có thể được thực hiện tuỳ thuộc tình trạng người bệnh. Trong trường hợp nặng, cần hỗ trợ điều trị tại phòng tích cực, tăng tỷ lệ sống sót cho người bệnh.

Liệu pháp kháng virus: là một phương pháp điều trị đang được nghiên cứu. Sử dụng Ribavirin nồng độ cao để chống lại virus. Tuy nhiên nghiên cứu này trên lâm sàng chưa có kết quả và cần thời gian nghiên cứu thêm.

7 Phương pháp phòng chống bệnh sốt vàng

Biện pháp phòng ngừa bệnh sốt vàng tốt nhất là tiêm chủng, ngoài ra có thể áp dụng thêm các cách chống muỗi, kiểm dịch nghiêm ngặt và thói quen sống sinh hoạt lành mạnh cũng sẽ hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh sốt vàng.

7.1 Tiêm phòng

Tiêm chủng là phương pháp tốt nhất và mang lại kết quả cao trong phòng ngừa bệnh sốt vàng. Tỷ lệ dân số phải chiếm tỷ lệ rất cao mới giảm được khả năng bùng phát thành dịch bệnh. Các loại vắc xin sốt vàng thường là dạng virus sống. Cụ thể là nuôi cấy chủng 17D của virus này rồi làm giảm độc lực chủng trước khi tiêm vào cơ thể. Vắc xin an toàn, giá cả hợp lý, đa phần chỉ sử dụng một liều duy nhất có thể bảo vệ suốt đời.

Loại vắc xin được phê duyệt sử dụng phòng bệnh sốt vàng là Stamaril (Pháp). Đây là loại vắc xin chỉ cần sử dụng 1 liều duy nhất, an toàn, ít gặp tác dụng phụ, dùng được cho cả trẻ nhỏ từ 9 tháng tuổi và người cao tuổi.

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh cần phải tiêm phòng như:

  • Di chuyển đến khu vực đang có bùng phát dịch sốt vàng.
  • Nhập cảnh vào các quốc gia cần có Giấy chứng nhận Tiêm chủng Quốc tế tiêm phòng vắc xin phòng bệnh sốt vàng.
  • Tính chất công việc cần tiếp xúc với bệnh sốt vàng.

Bên cạnh đó, một số nhóm đối tượng không được tiêm loại vắc xin này, gồm:

  • Phụ nữ mang thai
  • Bà mẹ đang cho con bú.
  • Những  người có tiền sử dị ứng các thành phần có trong vắc xin.
  • Người bị suy giảm, rối loạn chứng năng tuyến ức.
  • Người bị suy giảm hệ miễn dịch, người nhiễm HIV.
  • Bệnh nhân ung thư, đang xạ trị.

Tác dụng phụ của vắc xin hầu như chỉ tại chỗ tiêm như sưng, đau, và các tác dụng toàn thân hầu như hiếm gặp.

=> Đọc thêm về vắc-xin sốt vàng da: Vắc xin sốt vàng - Dược thư Quốc gia Việt Nam năm 2022

7.2 Chống muỗi, hạn chế muỗi đốt

Để tránh để muỗi đốt, nên hạn chế vui chơi ngoài trời vào buổi tối và mặc đồ dài tay, quần dài vào các khu vực có nguy cơ nhiều muỗi. Khi đi ngủ cần sử dụng mùng, nên dọn dẹp không gian sống sạch sẽ, loại bỏ hết các xô, thùng, chứa nước tù giảm muỗi sinh sôi.

Ngoài ra, có thể sử dụng các thuốc chống muỗi để giảm bị muỗi đốt. Các thuốc thường dùng có chứa  permethrin thì không dùng trên da, chỉ nên xịt lên quần áo, các dụng cụ bên ngoài môi trường. Còn các hoạt chất DEET, IR3535 , picaridin có thể dùng trên da khoảng một thời gian nhất định. Nhưng cần đọc kỹ hướng dẫn của từng loại thuốc do các thành phần này có thể gây độc cho cơ thể khi dùng thời gian dài.

7.3 Tăng cường kiểm dịch y tế

Cho tới hiện nay, dù chưa ghi nhận ca mắc sốt vàng nào ở Việt Nam nhưng biện pháp phòng dịch luôn được chuẩn bị cẩn thận. Một trong những bước đầu tiên quan trọng nhất là kiểm tra nghiêm ngặt tại biên giới, phát hiện sớm, cách ly kịp thời, không cho bệnh bùng phát thành dịch. Nếu có nghi ngờ ca mắc bệnh sốt vàng, người dân cần báo ngay tới cơ sở y tế gần nhất, nhanh chóng khoang vùng, hạn chế lây lan.

Bên cạnh đó, người từ khu vực có dịch hoặc những nơi nguy cơ cao nên tự giác cách ly tại nhà, nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần báo với cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

7.4 Thói quen sinh hoạt

Những thói quen tốt cũng sẽ hạn chế được những tiên biến xấu khi bị mắc phải bệnh sốt vàng.

Duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế căng thẳng, cân bằng cuộc sống để cơ thể luôn ở trạng thái tốt, tăng cường sức đề kháng chống lại tác nhân virus.

Hạn chế sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn, rượu bia, giúp cải thiện sức khỏe toàn diện, đặc biệt bảo vệ gan khỏi sự tác động của các chất này.

Uống đủ nước mỗi ngày, có thể sử dụng thêm các loại thực phẩm hỗ trợ, trà thảo dược cải thiện chức năng các bộ phận như gan, thận. Tuy nhiên cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng nếu đang điều trị sốt vàng.

8 Một số câu hỏi khác về bệnh sốt vàng

8.1 Tiêm vắc xin sốt vàng ở đâu?

Hiện nay, vắc xin sốt vàng có thể tìm thấy chủ yếu ở các cơ sở Trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc. Ngoài ra, tại TP.HCM có Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế (40 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận) có tiêm chủng vắc xin này.

8.2 Giá tiêm vắc xin sốt vàng bao nhiêu?

Vắc xin sốt vàng có giá khá phải chăng, khoảng 580.000 đồng. Giá cả có thể thay đổi tuỳ thời điểm và địa điểm tiêm.

8.3 Vắc xin sốt vang có hiệu lực bao lâu?

Miễn dịch thu được sau tiêm vắc xin sốt vàng tồn tại rất lâu, thương kéo dài suốt đời. Nếu người bệnh đã bị sốt vàng và khỏi thì sẽ có kháng thể tự nhiên lâu dài. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi có thể nhận được miễn dịch từ mẹ.

9 Kết luận

Bệnh sốt vàng là bệnh cấp tính nguy hiểm, cần điều trị kịp thời nhằm hạn chế những biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh. Những đối tượng có nguy cơ cao bị sốt vàng nên đi tiêm phòng vắc xin. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích và cần thiết cho người đọc về bệnh sốt vàng.

10 Tài liệu tham khảo

  1. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) who.int. Yellow fever. World Health Organization. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2024.
  2. Chuyên gia CDC.org (Ngày đăng 15 tháng 3 năm 2024) Treatment and Prevention of Yellow Fever. CDC. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2024.
  3. Chuyên gia CDC.org (Ngày đăng 15 tháng 3 năm 2024) Clinical Features and Diagnosis of Yellow Fever. CDC. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2024.
  4. Tác giả Leslie V. Simon; Muhammad F. Hashmi; Klaus D. Torp.(Ngày 7 tháng 8 năm 2023) Yellow Fever. Pubmed. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2024.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    vắc xin này có nằm trong tiêm chủng mở rộng?


    Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Bệnh sốt vàng: nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và vắc xin điều trị 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Bệnh sốt vàng: nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và vắc xin điều trị
    T
    Điểm đánh giá: 5/5

    kiến thức hay, chi tiết, cảm ơn tác giả

    Trả lời Cảm ơn (0)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633