Bệnh SARS: nguyên nhân, cách thức lây lan, chẩn đoán và điều trị
Trungtamthuoc.com - Trong giai đoạn toàn phát, người bệnh SARS có hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc với biểu hiện sốt cao liên tục 39 độ C. Triệu chứng sốt ở những bệnh nhân này thường diễn ra trong 7 - 10 ngày, trường hợp nghiêm trọng có thể diễn ra 2 tuần hoặc hơn. Cùng với đó người bệnh có những cơn rét không rõ chu ký, đau mỏi cơ và khớp khắp cơ thể.
1 SARS và nguyên nhân gây bệnh
SARS là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do chủng virus coronavirus mới còn gọi là SARS-CoV gây ra. Chúng là biến chủng của Coronavirus động vật và có độc lực rất cao, có thể sống ở ngoài môi trường nhiều giờ. Cụ thể, SARS-CoV có thể sống trong phân và nước tiểu ở nhiệt độ phòng tối thiểu 1-2 ngày, có thể lên tới 4 ngày và 3 tuần ở nhiệt độ 0 độ C. Nhờ đó mà loài virus này có thể lây lan giữa người với người và gây ra dịch bệnh. Tuy nhiên SARS-CoV có thể bị bất hoạt bởi Clo trong 5 phút, mất hoạt tính gây bệnh sau khi tiếp xúc các thuốc diệt khuẩn thông thường và chết ở 56 độ C.
Nguồn gây dịch bệnh là những người mang bệnh và người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh như nhân viên y tế, người nhà...
Đường lây của bệnh SARS gồm:
- Lây trực tiếp hoặc gián tiếp qua không khí, qua dịch hô hấp khi hắt hơi, giọt bắn nước bọt, hay dụng cụ có chứa dịch của người bệnh...
- Theo nghiên cứu, virus SARS xuất hiện ở các tuyến mồ hôi và ruột non, do đó bệnh có thể lây qua nước thải, thực phẩm, những cái bắt tay nữa.
- Đặc biệt SARS-CoV được tìm thấy ở nhiều tạng và mô như dạ dày, ruột non, ống lượn xa, các tuyến nội tiết, gan và não.[1]
2 Biểu hiện lâm sàng của bệnh SARS
Những bệnh nhân này thường ủ bệnh từ 2 - 7 ngày, có một số trường hợp có thể kéo dài đến 10 ngày, thậm chí lâu hơn.
Khi bệnh khởi phát người bệnh thường sốt cao, có lúc rét run, đau đầu, nhức mỏi toàn thân. Khoảng 1 đến 2 ngày sau, người bệnh bắt đầu ho khan, khó thở, có trường hợp đại tiện lỏng.
Trong giai đoạn toàn phát, người bệnh mắc SARS-CoV có hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc với biểu hiện sốt cao liên tục 39 độ C. Triệu chứng sốt ở những bệnh nhân này thường diễn ra trong 7 - 10 ngày, trường hợp nghiêm trọng có thể diễn ra 2 tuần hoặc hơn. Cùng với đó người bệnh có những cơn rét không rõ chu ký, đau mỏi cơ và khớp khắp cơ thể.
Hội chứng hô hấp có thể gặp ở những bệnh nhân này là ho khan, sau đó có thể có đờm trắng, thậm chí là có máu. Người bệnh có hiện tượng thở nông và nhanh, sau khó thở tăng dần, và đau tức ngực, phổi có tiếng râm ran ở cả hai bên.
Ngoài ra, người bệnh mắc SARS-CoV có thể bị tiêu lỏng, buồn nôn và nôn ở vài ngày đầu trong thời kỳ toàn phát của bệnh.[2]
Khi xét nghiệm máu ở những bệnh nhân này thấy hồng cầu bình thường, có thể tăng nhẹ, trong khi bạch cầu, tiểu cầu bình thường hoặc giảm. Khi có bội nhiễm vi khuẩn số lượng bạch cầu tăng lên, bạch cầu đa nhân trung tính tăng, công thức bạch cầu chuyển trái. Có thể phát hiện tổn thương phổi, thường là viêm phổi kẽ, nghiêm trong có thể mờ toàn bộ hai bên phổi ở những bệnh nhân mắc SARS-CoV.
Bệnh nhân SARS điển hình khi phát hiện, cách ly và điều trị kịp thời sẽ lui bệnh và hồi phục sau 2 - 4 tuần. Lúc này, người bệnh không còn sốt nữa, đỡ mệt và đau ngực, giảm và hết ho còn kéo dài trong 2 - 3 tuần mới ngừng hẳn.
Các thể khác của bệnh SARS bao gồm:
- Thể không điển hình: Chỉ gặp trong vụ dịch. Phần lớn là những người tiếp xúc. Bệnh nhân chỉ có sốt nhẹ và thoáng qua, ho ít. Diễn biến lành tính. Tuy nhiên đây là nguồn lây bệnh quan trọng.
- Thể nhẹ: Thường gặp ở những người có sức đề kháng tốt, tuy số lượng không nhiều trong 1 vụ dịch. Bệnh nhân có đầy đủ triệu chứng nhưng đều diễn biến nhẹ và nhanh, không để lại hậu quả gì nghiêm trọng.
- Thể nặng và rất nặng: Thường gặp ở những người có sức đề kháng kém hoặc mẫn cảm với virut. Bệnh diễn biến rầm rộ, thường kết thúc nhanh trong vài ngày với biểu hiện suy hô hấp cấp và nặng.
Lưu ý, cần phân biệt SARS bệnh cúm H5N1, viêm đường hô hấp khác như viêm phổi thùy, viêm phổi kẽ, viêm não, viêm mũi họng...
Bệnh SARS nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, viêm ruột hoại tử...[3]
3 Phương pháp điều trị bệnh SARS
3.1 Nguyên tắc điều trị
Tất cả các bệnh nhân mắc SARS - COV được phát hiện bệnh đều phải điều trị nội trú và cách ly hoàn toàn. Thực tế, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh SARS mà đa phần chỉ điều trị triệu chứng và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp.
3.2 Điều trị nguyên nhân
Hầu hết bệnh nhân nếu được điều trị sớm bằng thuốc kháng virus và steroids đều có thể hồi phục.
Theo Bộ Y tế Việt Nam, người bệnh SARS dùng các thuốc như sau:
- Thuốc kháng virus cho người bệnh SARS là Ribavirin với liều mỗi ngày 800mg, chia đều thành 3, 4 lần, uống cùng bữa ăn và không được dùng quá 1200 mg/ngày. Duy trì như vậy đến khi hết sốt được 2 ngày, thường từ 7-10 ngày. Không sử dụng Ribavirin với người dị ứng với thuốc, phụ nữ mang thai hay đang cho con bú, người suy tim, gan, thận, các bệnh huyết sắc tố. Nếu phụ nữ dùng Ribavirin thì không được mang thai trong vòng 4 tháng kể từ khi ngừng thuốc.
- Sử dụng kháng sinh phổ rộng nhóm Cephalosporin thế hệ 3 hoặc Quinolone mới, có thể phối hợp một số Aminoside để điều trị bội nhiễm phế quản, phổi.
3.3 Điều trị theo cơ chế bệnh sinh
Người bệnh SARS - COV ho khán nhiều nên sử dụng thuốc giảm ho và nhỏ mũi bằng thuốc nhỏ mũi thông thường. Nếu người bệnh SARS có thân nhiệt cao trên 38,5ºC thì sử dụng Paracetamol ngày 4 lần theo liều hạ sốt thông thường.
Đảm bảo người bệnh SARS phải đủ dinh dưỡng, bổ sung nhiều nước hoa quả. Tùy theo diễn biến lâm sàng và điện giải đồ mà truyền cho người bệnh natri Chlorua 0,9%, Glucose 5%, Ringerlactat, có thể dùng các dung dịch axit amin.
Nếu bệnh nhân có tình trạng suy hô hấp, nhiễm độc nặng thì tiêm tĩnh mạch Methylprednisolone với liều 1 mg/kg/ngày. Dùng duy trì như vậy cho đến khi các triệu chứng này thuyên giảm nhưng không nên quá 5 ngày. Người bệnh SARS có thể truyền tĩnh mạch Gammaglobulin một lần duy nhất liều 200- 400 mg/kg hoặc albumin.
Hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân SARS qua thở oxy bằng ống thông, mặt nạ, đặt nội khí quản hoặc máy thở.
Nếu bệnh nhân hết sốt tối thiểu 5 ngày không cần dùng thuốc, không còn ho, ăn ngủ bình thường, chỉ số bình thường chuyển sang khu đệm. Sau 7 ngày ở khu đệm, nếu người bệnh vẫn ổn định thì xuất hiện nhưng phải tái khám hàng tuần đến khi phổi trở về bình thường. Đồng thời, trong thời gian này, bệnh nhân SARS phải nghỉ tại nhà, không đến nơi công cộng, theo dõi thân nhiệt mỗi 12 giờ.
4 Đề phòng mắc bệnh SARS - cần làm gì?
Người bệnh SARS cần được cách ly theo chế độ đặc biệt, ở khu vực riêng biệt với các khu vực khác, thành 3 loại tương ứng tình trạng bệnh:
- Khu vực nguy cơ cao giành cho người bệnh SARS và những người nghi ngờ mắc SARS. Khu vực này phải có biển ghi "Khu vực cách ly đặc biệt" và có hướng dẫn chi tiết ở nơi đi vào. Khu vực này để biển màu đỏ, cũng chia làm 4 phần riêng biệt là nơi khám, theo dõi người nghi ngờ mắc SARS, nơi điều trị và khu đệm.
- Khu vực có nguy cơ là nơi có nhiều người bệnh nghi ngờ hay có nguy cơ SARS đến khám và điều trị ban đầu. Khu vực này cần có hướng dẫn chi tiết ở lối ra vào, để biển màu vàng.
- Khu vực khả năng có nguy cơ là nơi có người bệnh khác, để bảng màu xanh.
Bệnh nhân SARS nên đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên, không dùng chung đồ dùng các nhân và đồ trải giường với những người tiếp xúc.
Những người tiếp xúc với bệnh nhân SARS cần có bảo hộ và vệ sinh tay sạch sẽ, không dùng chung đồ với người bệnh.
Tích cực giám sát các người bệnh hoặc người nghi ngờ nhiễm bệnh SARS. Nếu bệnh SARS tái phát thì những người bị nghi nhiễm sẽ được cách ly tại bệnh viện đến 10 ngày sau khi hết bệnh, cả những người tiếp xúc với họ.
Phòng đặc hiệu bệnh SARs bằng cách sử dụng vacxin.
Hy vọng, qua bài viết này, bạn đọc biết cách điều trị và dự phòng hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia của CDC (Ngày đăng: Ngày 6 tháng 12 năm 2017). Severe Acute Respiratory Syndrome (SARS), CDC. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Denis Hadjiliadis, MD, MHS (Ngày đăng: Ngày 1 tháng 2 năm 2021). Severe Acute Respiratory Syndrome (SARS), Medline Plus. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: David SC Hui và Alimuddin Zumla (Ngày đăng: Ngày 25 tháng 10 năm 2019). Severe Acute Respiratory Syndrome, NCBI. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2021.