Bệnh nứt hậu môn: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Trungtamthuoc.com - Thông thường các vết nứt hậu môn cấp tính sẽ tự lành sau 4-6 tuần hoặc khi điều trị bằng ác biện pháp đơn giản như thay đổi chế độ ăn, cải thiện tình trạng táo bón,... Nếu tình trạng cấp tính không được cải thiện trong 2 - 3 tháng, nứt hậu môn sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính với các vết nứt sâu hơn, rộng hơn, cơn đau thắt khó chịu, kéo dài,...
1 Nứt hậu môn là gì?
Nứt hậu môn hay nứt kẽ hậu môn là tình trạng ống hậu môn có những vết rách gây đau và chảy máu trong và sau khi đi đại tiện. Nứt hậu môn là một bệnh lý khá điển hình hay gặp ở những người bị táo bón hoặc phân quá cứng.
Nứt hậu môn thường có hai giai đoạn là cấp tính với các vết nứt nông nhỏ, gây đau khi đi vệ sinh và hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm. Thông thường các vết nứt hậu môn cấp tính sẽ tự lành sau 4-6 tuần hoặc khi điều trị bằng ác biện pháp đơn giản như thay đổi chế độ ăn, cải thiện tình trạng táo bón,... Nếu tình trạng cấp tính không được cải thiện trong 2 - 3 tháng, nứt hậu môn sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính với các vết nứt sâu hơn, rộng hơn, cơn đau thắt khó chịu, kéo dài hơn và phải điều trị bằng phẫu thuật.
Nứt hậu môn thường gặp ở những người trung tuổi và thiếu niên, tuy ít nhưng vẫn có thể gặp ở trẻ nhỏ và người già.
2 Nguyên nhân gây nứt hậu môn
Có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta gặp phải tình trạng nứt hậu môn như:
Chấn thương ống hậu môn ra phân cứng và khối quá to, táo bón kéo dài.
Mắc bệnh lý viêm nhiễm vùng hậu môn, viêm đại trực tràng.
Phẫu thuật vùng hậu môn gây biến chứng.
Quan hệ tình dục ngả hậu môn.
Bệnh lao, bệnh giang mai.
Ung thư hậu môn - trực tràng. [1]
3 Triệu chứng bệnh nứt hậu môn
Các triệu chứng nứt hậu môn điển hình dễ nhận biết là:
Hậu môn ngứa và xuất hiện nhiều dịch nên luôn cảm thấy ẩm ướt khó chịu.
Có máu khi đi đại tiện hoặc thậm chí là không đi đại tiện vẫn ra máu.
Đau rát hậu môn khi đi đại tiện, sau khi đi vẫn đau rát trong thời gian dài.
Da quanh hậu môn bị nứt và có những mẩu da thừa gần vết nứt hậu môn. [2]
4 Chẩn đoán nứt hậu môn
Các tiêu chuẩn áp dụng trong chẩn đoán bệnh nứt hậu môn:
Bệnh nhân bị táo bón.
Có cảm giác đau trong và sau khi đi cầu.
Đi cầu ra máu tươi dính theo phân hoặc giấy vệ sinh.
Thăm khám vùng hậu môn thấy có đường nứt ở ống hậu môn, có thể kèm theo da thừa và u nhú phì đại quanh vết nứt.
5 Điều trị nứt hậu môn
5.1 Điều trị nội khoa
Với nứt hậu môn cấp tính, người bệnh được chỉ định điều trị bằng cách dùng thuốc và chay đổi chế độ ăn nhiều chất xơ hơn, uống nhiều nước hơn để làm mềm phân, giảm áp lực khi đi cầu.
Tùy vào tình trạng đau của bệnh nhân, bác sĩ có thể kê thêm các thuốc giảm đau, kháng viêm đường uống hoặc đặt hậu môn.
Cho bệnh nhân uống thuốc nhuận tràng để cải thiện tình trạng táo bón.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể ngâm hậu môn với nước ấm sạch khoảng 6 lần mỗi ngày, mỗi lần 10-15 phút, nhất là sau khi đi đại tiện để làm dịu cơn đau thắt hậu môn.
Dùng kem bôi Nitroglycerin giúp làm giãn mạch và tăng lượng máu tới vết nứt để vết nứt mau lành lại.
Tim Botox vào cơ vòng hậu môn để gây liệt và làm giãn cơ thắt hậu môn.
5.2 Điều trị phẫu thuật
Nứt hậu môn mạn tính không điều trị được bằng phương pháp dùng thuốc và thay đổi lối sóng thì cần được phẫu thuật để trị dứt điểm.
Trước khi phẫu thuật cần làm sạch phân trong đại tràng bằng cách nhịn ăn vào sáng ngày phẫu thuật, bơm 1 tupe Fleet enema để đi cầu ra hết phân.
Các thủ thuật thường áp dụng là:
- Nong hậu môn.
- Cắt bỏ vết nứt rồi khâu lại.
- Mở cơ thắt trong.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được chăm sóc cẩn thận:
Ngâm hậu môn với NaCl 0,9% 3-4 lần mỗi ngày và sau khi đi vệ sinh để làm sạch và ngăn ngừa nhiểm trùng vết mổ.
Không sử dụng giấy vệ sinh mà nên rửa bằng nước ấm sau khi đi cầu.
Dùng thuốc giảm đau và nhuận tràng để giảm táo bón.
Tránh để bệnh nhân ngồi hoặc đứng 1 chỗ quá lâu (trên 1 giờ).
Nhắc bệnh nhân uống thuốc đúng giờ và tái khám sau 1 tuần, nếu có dấu hiệu lạ cần báo ngay với bác sĩ phụ trách.
Cho người bệnh ăn nhiều trái cây, rau xanh và uống nhiều nước để tránh táo bón. [3]
6 Phòng bệnh nứt hậu môn và ngăn ngừa tái phát
Bổ sung nhiều chất xơ, đặc biệt từ trái cây, hoa quả.
Uống đủ nước.
Vận động thể dục thể thao.
Không nhịn đi đại tiện.
Thực hành thói quen đi tiêu lành mạnh như:
- Khi sử dụng phòng tắm, hãy dành đủ thời gian để đi tiêu một cách thoải mái. Nhưng đừng ngồi trên bồn cầu quá lâu.
- Đừng căng thẳng khi đi tiêu.
- Giữ vùng hậu môn khô ráo.
- Nhẹ nhàng làm sạch bản thân sau mỗi lần đi tiêu.
- Sử dụng giấy vệ sinh hoặc khăn lau mềm, không nhuộm và không có mùi thơm.
- Điều trị tiêu chảy đang diễn ra. [4]
Tài liệu tham khảo
- ^ Chuyên gia của Mayo Clinic (Ngày đăng 17 tháng 11 năm 2020). Anal fissure, Mayo Clinic. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả Rose Kivi (Ngày đăng 30 tháng 9 năm 2021). Anal Fissure, Healthline. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2021
- ^ Chuyên gia của NHS (Ngày đăng 09 tháng 11 năm 2021). Anal fissure, NHS. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2021
- ^ Neha Pathak, MD (Ngày đăng 17 tháng 9 năm 2021). Anal Fissures: Causes and Prevention, WebMD. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2021