Bệnh nhổ tóc (Trichotillosis/Trichotillomania): nguyên nhân, biểu hiện, chẩn đoán và điều trị
Trungtamthuoc.com - Bệnh nhổ tóc (Trichotillosis/Trichotillomania) là thuật ngữ dùng để mô tả sự rối loạn một thói quen/hành vi không cưỡng được do nhiều lý do khác nhau, dẫn dến “nghiện” nhổ tóc hay lông ở các vùng trên cơ thể. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về nguyên nhân, biểu hiện lâm sàng, cách chẩn đoán và điều trị bệnh này.
Chương 3. BỆNH DA HIẾM GẶP DO RỐI LOẠN THẦN KINH/TÂM THẦN, BỆNH NHỔ TÓC (Trichotillosis/Trichotillomania), trang 50-55, Sách BỆNH DA HIẾM GẶP
Nhà xuất bản Y học Hà Nội - 2024
Chủ biên: Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu Khang - Giảng viên Cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội
Tải bản PDF TẠI ĐÂY
1 ĐẠI CƯƠNG
Bệnh nhổ tóc (Trichotillosis/Trichotillomania) là thuật ngữ dùng để mô tả sự rối loạn một thói quen/hành vi không cưỡng được do nhiều lý do khác nhau, dẫn dến “nghiện” nhổ tóc hay lông ở các vùng trên cơ thể. Trichotillomania bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, (trich: tóc/lông, till: nhổ giật và manina: rối loạn tâm/ tinh thần), do nhà Da liễu học người Pháp Francois Henri Hallopeau đặt tên năm 1889. Năm 1987, Hội tâm thần Mỹ (American Psychiatric Association) công nhận Trichotillomania là một bệnh do rối loạn tâm, tinh thần (mental disorders). Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay xuất hiện ở trẻ em gái từ 7 - 15 tuổi. Người bệnh không kiểm soát được hành vi của mình nên tự nhổ tóc, gây các hậu quả, biến chứng như: rụng tóc từng mảng, trụi lông mi, lông mày, lông nách, nhiễm trùng, nấm, virus... Đặc biệt, sự rối loạn tâm lý càng nặng do các biến chứng này gây ra, làm cho bệnh trầm trọng và khó điều trị hơn. Hậu quả là người bệnh bị trầm cảm, tự kỷ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, thói quen hay “tật” này cũng được coi là một bệnh (Trichotillosis).
2 NGUYÊN NHÂN VÀ SINH BỆNH HỌC
2.1 Nguyên nhân
Mặc dù được biết đến từ lâu, song cho đến nay nguyên nhân gây bệnh nhổ tóc vẫn chưa sáng tỏ. Tuy nhiên, dựa trên các yếu tố gia đình, tiền sử bệnh và đặc biệt là nghiên cứu tâm thần, tinh thần người bệnh, người ta đưa ra các yếu tố có liên quan đến căn bệnh này như sau:
- Di truyền: bệnh có yếu tố di truyền, đặc biệt những người bị bệnh rối loạn cưỡng bức ám ảnh (Obsessive compulsive disorder - OPD) hoặc thói quen cưỡng bước (Compulsive habits) hay bị bệnh này.
- Thay đổi hormon, vì vậy bệnh hay gặp ở tuổi dậy thì.
- Rối loạn tín hiệu từ não (neurotransmitters) khiến người bệnh không kiểm soát được hành vi của mình.
- Căng thẳng, lo âu, hồi hộp.
- Bị stress liên tục.
Một số yếu tố thuận lợi:
- Tuổi, giới: trẻ em, trong đó trẻ gái hay bị hơn, đặc biệt từ 7 - 15 tuổi. Người lớn có tỷ lệ như nhau ở hai giới.
- Người có bệnh mạn tính, hệ thống.
- Thói quen, lối sống: bệnh hay gặp ở những bé, những người hay cắn móng tay, liếm môi, cào gãi, rửa tay, chân liên tục...
- Người sống cô độc, ít giao tiếp xã hội.
- Gia đình có người bị bệnh trầm cảm, tâm thần...
2.2 Sinh bệnh học
Sự rối loạn tâm/tinh thần do một số nguyên nhân kết hợp với lối sống, hoàn cảnh đặc biệt, thúc giục người bệnh muốn giải tỏa bằng một hành động nào đó như nhổ, giật hay cạo tóc, lông, ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể. Sau khi thực hiện hành động này họ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm và cân bằng hơn. Chính vì vậy hành vi này cứ lặp đi lặp lại thành "nghiện" (addiction) nếu không được can thiệp hay điều trị kịp thời. Một số bệnh nhân cảm thấy da đầu bị đau, ngứa hay kích thích nên họ phải can thiệp để loại bỏ các triệu chứng này. Trong khi đó, một số được cho là bị rối loạn kiểm soát hành động xung đột (impulsive control disorders) nên thôi thúc họ làm bất cứ việc gì để giải tỏa tâm lý. Tuy nhiên, đa số người bệnh hành động một cách vô thức, thậm chí một số sau khi nhổ tóc họ cho vào miệng và nhai hoặc nuốt cả búi tóc.
3 BIỂU HIỆN LÂM SÀNG
- Rụng tóc/lông:
+ Tóc rụng từng vùng (areata) loang lổ hay rụng trụi cả đầu.
+ Sợi tóc đứt, gãy từng đoạn dài ngắn khác nhau, hay bị trụi sát da đầu.
+ Lông mi, lông mày, lông ở vùng nách, sinh dục cũng có thể bị trụi, rụng từng phần hoặc toàn bộ.
+ Vùng rụng tóc hay gặp ở trẻ em là đỉnh đầu và hai bên thái dương.
- Da đầu có thể bị xây xát, nhiễm trùng, nhiễm nấm.
- Quan sát bệnh nhân có thể thấy hành động nhổ tóc/lông một cách vô thức, không cảm thấy gì đặc biệt. Đa số các trường hợp sau khi nhổ cảm thấy thoải mái, vui và dễ chịu hơn.
- Bệnh nhân có thể kèm theo các biểu hiện khác như: cắn móng tay, liếm môi, ăn tóc, cọ xát da...
- Khám chuyên khoa thần kinh/tâm thần: đa số bệnh nhân có biểu hiện của rối loạn ý thức, trầm cảm hay mệt mỏi, căng thẳng, lo âu...
4 CÁC THỂ LÂM SÀNG
Tùy theo mức độ bệnh, các biểu hiện rối loạn tâm/tinh thần nặng nhẹ mà bệnh nhân có các hành động khác nhau như: nhổ, giật tóc/lông, chà xát da đầu hay cắt tóc cạo tóc lông theo các kiểu đặc biệt.
4.1 Nhổ tóc (Trichotillomania)
Đây là thể hay gặp nhất, đặc biệt ở trẻ gái từ 7 - 15 tuổi.
4.2 Xén, cắt tóc bất thường (Trichotemnomania)
Hay gặp ở thanh niên, nam giới từ 18-35 tuổi.
4.3 Chà xát làm gãy tóc (Trichoteiromania)
Bệnh nhân hay có cảm giác bất thường như kích thích, khó chịu ở vùng da đầu nên họ dùng các vật dụng chà xát thường xuyên làm tóc gãy, rụng từng đám lớn và da đầu bị xây xước, nhiễm trùng.
5 CHẨN ĐOÁN
5.1 Chẩn đoán xác định
- Cần phối hợp với các chuyên gia tâm thần: khám, làm các xét nghiệm đặc trưng để chẩn đoán bệnh.
- Soi tóc (Dermoscopy, Trichoscopy) để phân biệt với các loại rụng tóc khác.
- Test kéo tóc.
- Sinh thiết nếu cần thiết khi chẩn đoán khó.
Chẩn đoán dựa vào lâm sàng đặc trưng của rụng tóc do giật/nhổ phối hợp với các biểu hiện rối loạn tinh thần, tâm lý của người bệnh.
5.2 Chẩn đoán phân biệt
Cần phân biệt với các thể rụng tóc khác:
- Rụng tóc từng mảng (alopecia areata): rụng tóc từng vùng nhưng không có hiện tường gãy, đứt tóc, trạng thái tâm lý bình thường.
- Rụng tóc toàn bộ (alopecia totalis): rụng tóc toàn bộ da đầu.
- Rụng tóc toàn thể (alopecia universalis): rụng tóc toàn bộ da đầu và rụng lông ở nhiều vùng như lông mi, lông mày, lông nách, sinh dục...
- Không có thói quen nhổ tóc.
6 ĐIỀU TRỊ
Cần phối hợp với chuyên khoa tâm thần để đưa ra các phương pháp điều trị hiệu quả. Phương pháp điều trị hành vi nhận biết (cognitive behavioural therapy - CBT) đã được áp dụng từ lâu.
Quan trọng nhất là tư vấn, giải thích làm cho người bệnh hiểu được những hành động có hại của mình, cụ thể:
- Giáo dục y tế giúp người bệnh bỏ thói quen có hại này.
- Thể dục liệu pháp hàng ngày.
- Đội mũ hay quấn khăn chặt vào đầu.
- Cắt tóc ngắn.
- Tạo các trò chơi: nặn đồ vật, bóp bóng, ép bóng...
- Lắp các ống Nhựa vào đầu ngón tay.
- Tránh các yếu tố kích thích, giảm stress.
Thuốc:
- Các thuốc kích thích mọc tóc.
- Cần điều trị nhiễm trùng da đầu, viêm chân tóc, nhiễm nấm nếu có.
- Hội chẩn với các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần. Các thuốc có thể dùng:
+ Thuốc hướng thần: chống trầm cảm, lo âu: Escitalopram.
+ Thuốc chống rối loạn tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực: quetiapin.
+ Thuốc chống loạn thần: olanzapin.
Chú ý: những trường hợp khó điều trị, hay tái phát, cần thay đổi môi trường làm việc, môi trường sống, hoặc nghỉ ngơi tĩnh dưỡng trong một thời gian...
Mời bạn đọc tìm hiểu thêm về hiện tượng Mồ hôi máu (Hematohidrosis) TẠI ĐÂY