1. Trang chủ
  2. Da Liễu
  3. Bệnh nhão da (Cutis laxa): Cơ chế bệnh sinh, triệu chứng, cách chẩn đoán

Bệnh nhão da (Cutis laxa): Cơ chế bệnh sinh, triệu chứng, cách chẩn đoán

Bệnh nhão da (Cutis laxa): Cơ chế bệnh sinh, triệu chứng, cách chẩn đoán

Trungtamthuoc.com - Nhão da (Cutis laxa) là thuật ngữ dùng để mô tả một nhóm bệnh chủ yếu do di truyền, rất hiếm gặp. Bệnh xuất hiện với các biểu hiện da mất tính đàn hồi, tạo thành những nếp chảy xệ, lão hoá. Sau đây, hãy cùng Trung tâm thuốc Central Pharmacy tìm hiểu căn nguyên, biểu hiện, cách chẩn đoán và điều trị tình trạng bệnh này.

Chương 4. BỆNH DA HIẾM GẶP DO DI TRUYỀN, BỆNH NHÃO DA (Cutis laxa), trang 115-122, Sách BỆNH DA HIẾM GẶP

Nhà xuất bản Y học Hà Nội - 2024

Chủ biên: Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu Khang - Giảng viên Cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội

Tải bản PDF TẠI ĐÂY

1 ĐẠI CƯƠNG

Nhão da (Cutis laxa) là một thuật ngữ dùng để mô tả một nhóm bệnh chủ yếu do di truyền, rất hiếm gặp. Bệnh xuất hiện với các biểu hiện da mất tính đàn hồi, tạo thành những nếp chảy xệ, lão hoá. Nhão da liên quan trực tiếp đến thoái hoá, giảm hoặc mất sợi chun elastin. Cutis laxa còn được gọi bằng nhiều tên khác như: Chalazoderma, Dermatochalasia, Dermatolysis, Dermatomegaly, Generalized elastolysis, Generalized elastorrhexis và Pachydermatocele.

Cơ chế bệnh sinh của Cutis laxa rất phức tạp. Đột biến gen và một số ít nguyên nhân mắc phải ảnh hưởng tới sự tổng hợp, thoái hoá sợi chun của da hoặc các cơ quan nội tạng như tim, phổi, mạch máu, khớp... Cho tới nay vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh hiệu quả hoàn toàn.

2 DỊCH TỄ

Nhão da là một bệnh hiếm gặp, cho tới nay y văn thế giới chỉ ghi nhận khoảng 400 gia đình có người bị mắc Cutis laxa. Bệnh có thể gặp ở mọi chủng tộc với tỷ lệ mắc của nam, nữ như nhau. Theo một số y văn, tỷ lệ ước tính bị bệnh này là khoảng 1:1.000.000 người.

Tuổi khởi phát bệnh phụ thuộc thể bệnh bẩm sinh hay mắc phải.

3 CĂN NGUYÊN VÀ SINH BỆNH HỌC

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do di truyền. Tuy nhiên, người ta thường để cập đến các yếu tố sau đây có liên quan đến sự tổng hợp và tổn thương sợi elastin:

- Rối loạn chuyển hóa đồng, thiếu đồng.

Đồng tham gia tổng hợp co-enzyme của Lysyl oxidase, enzyme quan trọng trong sinh tổng hợp sợi Elastin và gắn kết với sợi collagen.

- Giảm chất ức chế elastase nên tăng hủy sợi elastin.

- Giảm hoạt độ enzyme lysyl oxidase.

- Tăng hủy sợi chun sau viêm nhiễm hoặc nhiễm độc.

- Huỷ sợi chun do các bệnh tự miễn.

Hầu hết các trường hợp nhão da đều xảy ra do tình trạng đột biến các gen mã hoá tổng hợp elastin nên cơ thể không tổng hợp đủ số lượng hoặc tổng hợp các protein elastin thiếu hụt về chức năng, dẫn đến tình trạng giảm đàn hồi của da. Cho đến nay người ta đã phát hiện được nhiều gen đột biến gây bệnh, như: ELN, ATP6V0A2, ATP7A, FBLN4, FBLN5, và PYCR1 liên quan đến hội chứng neurocutaneous, đột biến trong ALDH18A1 gen P5CS aka5.

Ngoài ra, tình trạng thoái hoá các sợi elastin do một số yếu tố khác cũng góp phần vào cơ chế gây tình trạng da lỏng lẻo, chảy xệ. Hệ thống sợi chun ở các cơ quan nội tạng như hô hấp, tim mạch cũng bị ảnh hưởng. Tình trạng viêm và các chất trung gian hóa học cũng có thể làm hư hại các sợi chun sau đó sẽ bị thực bào.

4 PHÂN LOẠI BỆNH

4.1 Nhão da do di truyền

Hầu hết các trường hợp nhão da là do di truyền và xuất hiện sớm, sau sinh.

Dựa trên phương thức di truyền, nhão da được chia làm 3 nhóm chính:

Nhão da do:

  • Di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường (autosomal dominant cutis laxa - ADCL).
  • Di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường (autosomal recessive cutis laxa - ARCL).
  • Di truyền lặn liên quan đến NST giới tính X (X-link recessive cutis laxa - XRCL).

4.2 Nhão da do mắc phải

Thể này ít gặp hơn, thường khởi phát muộn (tuổi trưởng thành).

Biểu hiện bệnh có thể toàn thân hoặc khu trú. Căn nguyên chưa rõ ràng, có thể xuất hiện sau tình trạng viêm làm thoái hoá các sợi đàn hồi.

Nhiều tác giả cũng đề cập đến các bệnh lý khác kèm theo cutis laxa như: mày đay, bệnh collagen, bệnh tế bào mast, u tủy, u lympho, bệnh vảy cá, các bệnh tự miễn, các bệnh nhiễm trùng, dị ứng...

5 TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

5.1 Thương tổn da

- Da nhão, lỏng lẻo, mất đàn hồi.

Triệu chứng này có thể xuất hiện sớm từ khi mới sinh ở các thể di truyền hoặc muộn hơn ở thể mắc phải.

- Da nhão, mất đàn hồi tăng dần theo thời gian tạo nhiều nếp gấp, chảy xệ, trông già trước tuổi.

- Da giảm đàn hồi khi kéo căng, dễ bị tổn thương và xây xát...

Thương tổn da có thể xuất hiện bất cứ vị trí nào của cơ thể, nhưng những vùng da hay bị ảnh hưởng hơn là da mặt (nhất là quanh mắt), vùng cổ, vai và đùi, bụng, quanh rốn.

Những đứa trẻ bị nhão da sớm thường có khuôn mặt buồn tẻ, mũi khoằm.

Hình 4.27. (1, 2) Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương với tổn thương da vùng cổ bị chảy xệ (Nguồn: tác giả)
Hình 4.27. (1, 2) Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương với tổn thương da vùng cổ bị chảy xệ (Nguồn: tác giả)

5.2 Đường tiêu hóa

Thương tổn thường gặp nhất là thoát vị đường tiêu hoá và xuất hiện các túi thừa đại tràng, ruột non, hoặc sa trực tràng.

5.3 Hệ hô hấp

Trong bệnh nhão da mắc phải do mất nhiều sợi chun trong mô nâng đỡ, bệnh nhân thường bị giãn phế quản, khí phế thũng, tâm phế mạn...

Suy hô hấp tiến triển dần dần, gây ra bởi sự phân giải các sợi đàn hồi trong đường tiểu phế quản.

5.4 Tim mạch

Có thể có các triệu chứng: suy tim ứ huyết, tâm phế mạn, phình động mạch chủ, tim to...

5.5 Cơ, xương, khớp

  • Loãng xương, trật khớp...
  • Các khớp lỏng lẻo (tăng tầm vận động) do dây chằng và gân lỏng lẻo.
  • Với thể di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường có thể có tình trạng thiểu năng trí tuệ và lỏng khớp.

5.6 Hệ tiết niệu sinh dục

Thường gặp nhất là sa sinh dục.

5.7 Biểu hiện lâm sàng đặc trưng của các thể nhão da di truyền

Các thể nhão da do di truyền

Đặc điểm lâm sàng

Thể di truyền lặn liên quan NST X

Da lỏng lẻo, chậm phát triển trí tuệ

Các khớp lỏng lẻo, mạch máu thương tổn

Các bất thường về xương như mũi khoằm

Thể di truyền trội trên NST thường

Thay đổi da có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi

Da nhão, lỏng lẻo có thể là đặc điểm duy nhất

Thay đổi biểu hiện khuôn mặt là chủ yếu

Ít có tổn thương cơ quan nội tạng

Thể di truyền lặn trên NST thường (Type 1 và 2)

Các triệu chứng bắt đầu từ trẻ sơ sinh:

- Da lỏng lẻo, bất thường xương, khí phế thũng

- Túi thừa thực quản, tá tràng và bàng quang

- Phình động mạch chủ

Loại I: thường nghiêm trọng, xuất hiện khi mới sinh Khí phế thũng sớm

Loại II: phát triển chậm, trật khớp hông Biểu hiện nặng ở tay, chân và bụng

6 MÔ BỆNH HỌC

Mật độ các sợi elastin giảm, thưa thớt và rời rạc. Cấu trúc của sợi elastin bị phân mảnh không đều với sự tích tụ của các vật chất dạng hạt (kiểm tra bằng kính hiển vi điện tử). Các sợi microfibrils bị tiêu, giảm ở lớp hạ bì. Ngoài ra có thể thấy hình ảnh các tế bào khổng lồ đang thực bào các sợi elastin.

Những thay đổi của sợi Collagen có thể xuất hiện cùng các bất thường của sợi elastin.

Các thể mắc phải thường có thâm nhiễm các tế bào viêm.

Trong một số trường hợp di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường, khởi phát muộn, mật độ các elastin có thể bình thường.

Hình 4.28. Hình ảnh mô bệnh học với sự giảm, thoái hoá sợi chun (Nguồn: tác giả)
Hình 4.28. Hình ảnh mô bệnh học với sự giảm, thoái hoá sợi chun (Nguồn: tác giả)

7 CHẨN ĐOÁN

7.1 Chẩn đoán xác định

- Chủ yếu dựa vào lâm sàng, trường hợp khó, không điển hình cần sinh thiết để xem hình mô bệnh học.

- Cần đánh giá tổn thương các cơ quan khác (tim mạch, hô hấp, tiêu hoá, xương khớp...) thông qua một số xét nghiệm như siêu âm tim, chụp X-quang phổi để phát hiện sớm các biến chứng như khí phế thũng, tim to, suy tim...

- Phân tích gen để xác định thể bệnh.

- Xét nghiệm di truyền để sàng lọc trước sinh với những gia đình có nhiều yếu tố nguy cơ.

7.2 Chẩn đoán phân biệt

Cần phân biệt Cutis laxa với một số bệnh sau đây:

- Anetoderma (macular atrophy).

+ Mất tổ chức đàn hồi khu trú, hình tròn hoặc hình bầu dục.

+ Mô bệnh học: sợi elastin biến mất có giới hạn rõ ràng, các sợi đàn hồi bình thường đôi khi được thay thế bằng các sợi rất mỏng, không đều.

- Pseudoxanthoma elasticum (Giả u vàng sợi chun).

+ Da có nhiều các mảng màu vàng nhạt, trên đó có các sần rời rạc sắp xếp thành đường, nhìn rõ trên bề mặt da. Các mảng này khu trú ở cổ, vai, nách và các nếp của gáy. Da phía trên có tính đàn hồi. Ngoài ra còn có:

+ Tổn thương mạch máu: hình thành các túi phình.

+ Tổn thương đường tiêu hoá: giới hạn ở sự rách đột ngột phần cao của ống tiêu hoá.

+ Mỡ máu tăng.

+ Hội chứng Ehlers - Danlos.

+ Da bàn tay chắc như Cao Su là một đặc trưng.

+ Da "mịn như nhung” có thể giãn khi kéo, để lại một nếp bất thường biến mất chậm, khác với Cutis laxa.

+ Khớp tăng vận động.

- Phân biệt với một số tình trạng bệnh lý khác như:

+ Lão hoá da thông thường ở người già.

+ Hội chứng Costello.

+ Hội chứng Hutchinson - Gilford Progeria.

+ Hội chứng Ehlers - Danlos.

8 ĐIỀU TRỊ

- Hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Điều trị chủ yếu kiểm soát biến chứng (da, phổi, mạch máu, nội tạng, sa trực tràng...).

- Phẫu thuật xương, khớp nếu cần.

- Các biểu hiện trên da không thể cải thiện một cách tự nhiên. Chúng có thể được điều trị bằng phẫu thuật thẩm mỹ, mang lại sự cải thiện đáng kể. Phẫu thuật thẩm mỹ để làm giảm các nếp gấp da dư thừa nhưng chỉ có tác dụng tạm thời và khả năng tái phát rất cao.

- Tế bào gốc hoặc sản phẩm tế bào gốc.

- Botulinum toxin được sử dụng cho các thể mắc phải và thể khu trú.

- Có thể dùng Dapson để chống viêm.

- Sự xuất hiện của tổn thương các cơ quan nội tạng đòi hỏi sự can thiệp và phối hợp của những chuyên khoa sâu hơn.

- Điều trị các bệnh kèm theo như: mày đay, bệnh tế bào vón, các bệnh nội khoa, ung thư....).

- Tư vấn di truyền và hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân và gia đình là một việc quan trọng và cần thiết đối với các cá nhân có yếu tố di truyền.

9 TIÊN LƯỢNG

Những bệnh nhân chỉ bị tổn thương ngoài da có tiên lượng tốt và tuổi thọ thường bình thường.

Bệnh nhân ngoài tổn thương da còn có tổn thương các cơ quan nội tạng, đặc biệt là thương tổn phổi tiên lượng thường xấu hơn.

Bệnh nhão da di truyền lặn trên NST thường là thể nặng nhất

Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin về Hội chứng Waardenburg (Waardenburg syndrome) TẠI ĐÂY


* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900.888.633