1. Trang chủ
  2. Mắt
  3. Bệnh đau mắt hột: triệu chứng và cách điều trị

Bệnh đau mắt hột: triệu chứng và cách điều trị

Bệnh đau mắt hột: triệu chứng và cách điều trị

Trungtamthuoc.com - Bệnh đau mắt hột (tên tiếng anh là Trachoma) là bệnh nhiễm trùng gây viêm kết - giác mạc. Bệnh xuất hiện do tác nhân gây bệnh là Chlamydia trachomatis. Bệnh tiến triển mạn tính, lây lan nhanh, dễ thành dịch.  

1 Bệnh đau mắt hột là bệnh gì?

Bệnh đau mắt hột (tên tiếng anh là Trachoma) là bệnh nhiễm trùng gây viêm kết - giác mạc. Bệnh xuất hiện do tác nhân gây bệnh là Chlamydia trachomatis. Bệnh tiến triển mạn tính, lây lan nhanh, dễ thành dịch.  [1] 

đau mắt hột có thể lây lan qua tiếp xúc với mắt, dịch tiết mắt, mũi, cổ họng… của người bệnh. Những người trong cùng gia đình có nguy cơ cao nhiễm bệnh khi một thành viên mắc bệnh đau mắt hột.  

Bệnh trong giai đoạn hoạt tính, có biểu hiện đặc trưng là sự có mặt của hột trong mắt, kèm theo tăng sản nhú gai, phì đại nhú ở kết mạc, mí mắt sưng, chảy mủ... Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến mù lòa.

Đối tượng bệnh nhân bị đau mắt hột có thể ở tất cả mọi độ tuổi, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em là cao nhất. 

Bệnh đau mắt hột xảy ra có liên quan chặt chẽ với điều kiện vệ sinh cá nhân và môi trường sinh sống. Do đó, bệnh thường gặp ở những vùng nông thôn nghèo, vệ sinh kém, đặc biệt hay xảy ra ở các khu vực nghèo của Châu Phi. 

Bệnh đau mắt hột
Bệnh đau mắt hột

2 Nguyên nhân gây bệnh đau mắt hột

2.1 Nguyên nhân chính

Tác nhân gây nên bệnh đau mắt hột là Chlamydia trachomatis, có các đặc tính: 

Có 2 axit nhân ADN và ARN, có màng bọc tế bào, sinh sản theo cơ chế phân đôi.

Ký sinh bắt buộc trong tế bào biểu mô dưới dạng thể vùi.

Kích thước rất nhỏ, qua được màng lọc tế bào.

Chịu tác dụng của một số kháng sinh và sulfamid.

Chlamydia trachomatis có nhiều type huyết thanh khác nhau như: A, B, C, D, E, K, F, G, H, I, J.

Chlamydia trachomatis type huyết thanh A, B hoặc C: Lây truyền theo đường từ mắt sang mắt qua tiếp xúc với dịch nước mắt, dịch mũi họng của bệnh nhân đang bị đau mắt hột. 

Chlamydia trachomatis type huyết thanh D, E, K, F, G, H, I: Lây truyền bằng đường quan hệ tình dục hoặc lây từ mẹ sang con khi sinh nở. 

2.2 Yếu tố rủi ro

Quá trình tiến triển của bệnh đau mắt hột khá phức tạp. Ở những nơi điều kiện vệ sinh môi trường kém bệnh đau mắt hột trầm trọng và dễ lây lan hơn. Bệnh cũng có thể bị tái phát lại nên những người đã khỏi bệnh cũng vẫn có thể bị tái nhiễm. Các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau mắt hột bao gồm:

Vệ sinh môi trường kém, khu vực sinh sống nghèo nàn, đông đúc dân cư. 

  • Trẻ em độ tuổi từ 4 - 6 tuổi dễ mắc bệnh.
  • Quan hệ tình dục không an toàn.
  • Điều kiện sống đông đúc. Những người sống trong tiếp xúc gần có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao hơn.
  • Vệ sinh kém. Điều kiện vệ sinh kém, không đủ nước tiếp cận và thiếu vệ sinh, chẳng hạn như mặt hoặc tay không sạch sẽ giúp lây lan bệnh.
  • Nhiều ruồi: ruồi cũng là một tác nhân truyền bệnh cần lưu ý quan tâm. [2] 

3 Triệu chứng đau mắt hột

3.1 Triệu chứng lâm sàng

Các triệu chứng của bệnh đau mắt hột thường ảnh hưởng ở cả hai mắt, có thể bao gồm:

Ngứa nhẹ mắt, kích ứng mắt, chảy nhiều nước mắt.

Có chảy cả mủ mắt. 

Mí mắt sưng.

Nhạy cảm với ánh sáng. giảm thị lực.

Đau mắt- đây là triệu chứng đặc trưng khi bị đau mắt hột. 

Khi thấy các triệu chứng trên, bạn cần đi khám càng sớm các tốt để giúp ngăn ngừa các hậu quả mù lòa đáng tiếc xảy ra. 

3.2 Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh mắt hột trên lâm sàng  

Thẩm lậu: kết mạc phù và dày đục.

Sẹo điển hình trên kết mạc sụn mi trên. Sẹo có thể là những đoạn xơ trắng nhỏ, hình hoa khế hay hình sao, hoặc hình dạng lưới.

Hột: là những tổ chức có hình tròn, nổi lên trên bề mặt kết mạc, hoặc rìa giác mạc ở phía sụn mi trên. Hột màu trắng xám, có mạch máu vây quanh trên bề mặt hột. Hột ở vùng góc mắt không có giá trị chẩn đoán, hột bờ trên sụn cần lưu ý nghi ngờ. 

Nhú gai: màng máu ở vùng rìa trên giác mạc. Các tổ chức nhú gai là do sự giãn mạch, tăng sinh các mao mạch tụ lại thành khối có màu hồng.

Các tiêu chuẩn trên đây khi chẩn đoán bệnh đau mắt hột cần có 2 trên 4 tiêu chuẩn chẩn đoán. Ở những vùng có tỷ lệ cao mắc bệnh đau mắt hột chỉ cần 1 trong 4 tiêu chuẩn.

Chẩn đoán đau mắt hột
Chẩn đoán đau mắt hột

Phân loại bệnh mắt hột theo Tổ chức Y tế thế giới (1987) 

Bệnh mắt hột có hột TF: có ít nhất 5 hột trên kết mạc sụn mi trên. Đường kính của hột phải từ 0,5 mm trở lên. 

Bệnh mắt hột viêm nặng TI: kết mạc sụn mi trên thâm nhiễm, dày đỏ (thẩm lậu), sưng mí mắt.

Sẹo kết mạc do bệnh đau mắt hột TS: các đoạn xơ trắng nhỏ, dải sẹo, hình sao, hình mạng lưới trên kết mạc sụn mi trên.          

Lông xiêu, lông quặm mắt hột TT: có ít nhất 1 lông mi mọc xiên, mọc ngược cọ vào nhãn cầu. Hoặc hỏi bệnh người bệnh mới nhổ lông xiêu. Lông mi này gây chà xát và trầy xước bề mặt mắt. 

Sẹo đục giác mạc do mắt hột CO: có xuất hiện sẹo đục trên giác mạc che lấp một phần hay toàn bộ đồng tử.  

Giai đoạn bệnh TF, TI: Là giai đoạn mắt hột hoạt tính, nói lên sự lây lan trong cộng đồng.

Giai đoạn TS, TT, CO: Là giai đoạn mắt hột di chứng, nói lên biến chứng gây mù trong cộng đồng. [3] 

3.3 Cận lâm sàng

Chẩn đoán tế bào học: Chích hột hoặc nạo nhẹ ở kết mạc sụn mi trên làm tế bào học bằng cách nhuộm Giemsa tìm thể vùi trong tế bào.

Nuôi cấy Chlamydia mắt hột: Có thể nuôi cấy trong lòng đỏ trứng hoặc cấy vào các tế bào tìm Chlamydia.

4 Điều trị bệnh đau mắt hột

4.1 Kháng sinh

Chỉ dùng trong giai đoạn đầu bệnh mắt hột hoạt tính.

Cần điều trị cho cả người bệnh và cả gia đình người bệnh.

Thuốc tra mắt: Thuốc mỡ tra mắt Tetracyclin 1%, bôi liên tục trong 6 tuần, thời điểm bôi thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Thuốc uống: uống kháng sinh Azithromycin. Uống theo chỉ định của bác sĩ. Lưu ý, thuốc này chống chỉ định cho phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ dưới 1 tuổi và cân nặng dưới 8 kg. Người chức năng gan suy giảm và người suy thận nặng.

4.2 Điều trị các biến chứng

Bệnh đau mắt hột có thể gây viêm kết mạc, bờ mi.

Viêm loét giác mạc.

Viêm mủ túi lệ làm tắc lệ đạo: mổ nối thông lệ mũi.

Khô mắt: tra nước mắt nhân tạo. Bổ sung thực phẩm bổ dưỡng cho mắt.

Mổ quặm: để đề phòng mù lòa do bệnh mắt hột. 

Dự phòng bệnh đau mắt hột
Dự phòng bệnh đau mắt hột

5 Cách phòng tránh bệnh đau mắt hột

Theo tổ chức y tế thế giới: Cách phòng tránh bệnh đau mắt hột theo chiến lược SAFE.

  • S (Surgery): mổ quặm sớm, do đây là nguyên nhân gây mù mắt. 
  • A (Antibiotic): điều trị kháng sinh nhằm tiêu diệt ổ nhiễm khuẩn và hạn chế lây lan. Hai loại kháng sinh được dùng phổ biến hiện này là mỡ tra mắt Tetracycline, và thuốc uống azythromycin đã nói ở trên.
  • F (Face Washing): rửa mặt hàng ngày bằng nước sạch, khăn mặt riêng chỉ dùng một mình. 
  • E (Enviroment Improvements): cải thiện vệ sinh môi trường.

Hãy thực hành vệ sinh tốt để giảm khả năng lây lan dịch bằng cách:

Không dụi mắt.

Rửa tay thường xuyên với nước và xà phòng.

Không dùng chung khăn với người khác.

Không nên dùng mascara quá 6 tháng sau khi mở nắp.

Không dùng chung đồ mỹ phẩm mắt của người khác.

Ngừng đeo kính áp tròng.

Nếu bản thân bạn đang bị nhiễm bệnh, hãy hạn chế tiếp xúc với người khác khi không cần thiết. [4] 

Tài liệu tham khảo

  1. ^ WHO (Ngày đăng 9 tháng 5 năm 2021). Trachoma, WHO. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021
  2. ^  Mayo Clinic (Ngày đăng 21 tháng 10 năm 2020). Trachoma, Mayo Clinic. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021
  3. ^  Satasuk Joy Bhosai , MPH, a Robin L. Bailey , Tiến sĩ, FRCP, b Bruce D. Gaynor , MD, a và Thomas M. Loiman (Ngày đăng 3 tháng 4 năm 2016). Trachoma: An Update on Prevention, Diagnosis, and Treatment, NCBI. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021
  4. ^ WHO (Ngày đăng 9 tháng 5 năm 2021). Trachoma, WHO. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 1 Thích

    liều dùng của kháng sinh khi điều trị bệnh đau mắt hột?


    Thích (1) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
0/ 5 0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
    vui lòng chờ tin đang tải lên

    Vui lòng đợi xử lý......

    0 SẢN PHẨM
    ĐANG MUA
    hotline
    1900 888 633