Cách nhận biết và điều trị sớm bệnh Lyme
Trungtamthuoc.com - Bệnh Lyme là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua vết cắn của bọ ve bị nhiễm một loại vi khuẩn có tên là Borrelia burgdorferi. Nếu điều trị hợp lý những nốt ban đỏ trên da của bệnh Lyme rất nhanh lặn, nhưng nếu không điều trị trong nhiều tuần, nhiều tháng bệnh có thể biến chứng thành viêm khớp mạn tính và tổn thương thần kinh.
1 Bệnh Lyme là gì?
Bệnh Lyme là một bệnh viêm nhiễm lây truyền từ động vật sang người (do ve đốt) gây thương tổn chủ yếu ở da, hệ thần kinh, tim và khớp. Bệnh thường gặp những người hay sống và hoạt động ở vùng đồng cỏ nơi có nhiều cây cối.
Bệnh hay xuất hiện nhất ở khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh.
Bệnh Lyme có nguy hiểm không? Nếu điều trị hợp lý những nốt ban đỏ trên da của bệnh Lyme rất nhanh lặn, nhưng nếu không điều trị trong nhiều tuần, nhiều tháng bệnh có thể biến chứng thành viêm khớp mạn tính và tổn thương thần kinh.
2 Tác nhân gây bệnh Lyme
Lyme chủ yếu do xoắn khuẩn Borelia Burgdorferi và hiếm gặp là vi khuẩn Borrelia mayonii gây ra. Bọ ve thường nhiễm vi khuẩn bằng cách cắn động vật bị nhiễm bệnh, như hươu và chuột. Chúng có thể bám vào bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể người nhưng thường xuất hiện ở những vùng khó nhìn như bẹn, nách, da đầu. Cơ hội lây nhiễm bệnh càng tăng khi bọ chét bám vào cơ thể lâu hơn. Nhưng hầu hết những người bị ve cắn không bị bệnh Lyme, và không phải tất cả các loài ve đều bị nhiễm. Khi ve đốt, vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào da qua vết cắn và đi vào máu trong vòng 36-48 giờ sẽ bắt đầu biểu hiện bệnh. Nếu phát hiện và loại bỏ bọ ve sớm khi vừa bị đốt hoặc trong vòng 2 ngày thì sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh Lyme. [1]
Kích thước của xoắn khuẩn dài từ 10- 30 mm, rộng từ 0,2- 0,25 mm, sinh sản trong 7-20 giờ ở nhiệt độ thuận lợi từ 30-34 độ C.
3 Triệu chứng bệnh và chẩn đoán
3.1 Biểu hiện lâm sàng
Bệnh lyme được chia thành 3 thời kì, nhưng các thời kì này thường không tách biệt rõ ràng.
3.1.1 Thời kì 1: Giai đoạn khu trú
Bắt đầu sau khi nhiễm Borelia burgdorferi vài tuần tới vài tháng.
Vết ve đốt nổi mẩn đỏ nóng, ngứa hoặc không ngứa, có hình tròn đồng tâm, có thể có một chấm trắng ở giữa.
Các nốt phát ban này mở rộng từ từ qua nhiều ngày và có thể lan rộng tới 30cm.
Thời điểm này bệnh nhân thường có biểu hiện giống cảm cúm thông thường như sốt, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ,...
Khoảng 60% người bệnh sẽ thấy tình trạng phát ban này. [2]
3.1.2 Thời kỳ 2: Giai đoạn lan rộng
Giai đoạn này bệnh bắt đầu ảnh hưởng tới tim mạch và thần kinh.
- Tim: block nhĩ thất, rối loạn nhịp tom, viêm màng tim, suy tim,...
- Thần kinh: viêm màng não, viêm rễ thần kinh, viêm dây thần kinh sọ não, viêm đám rối thần kinh,... Trẻ em thường bị viêm màng não. Ở châu Âu thường gặp hội chứng Bannwarth đặc trưng bởi tăng lymphô bào ở trong dịch não tuỷ và đau rễ dây thần kinh.
Trên da biểu hiện chủ yến là nổi các cục u mẩn đỏ - xanh.
Một số người có hiện tượng bị đau khớp, tổn thương ở mắt, viêm gan,...
3.1.3 Thời kỳ 3: Giai đoạn muộn
Sau nhiều tháng hoặc nhiều năm bị nhiễm Borelia burgdorferi mà không điều trị bệnh sẽ tiến triển đến giai đoạn muộn khiến người bệnh bị đau nhiều khớp, đặc biệt là các khớp lớn như khớp gối.
Ở mặt duỗi của các đầu chi bị nề màu đỏ- xanh và dần biến thành teo- nhăn da. Có thể xuất hiện nút dạng xơ ở cạnh khớp.
3.2 Cận lâm sàng
Việc nuôi cấy Borelia Burgdorferi khó thực hiện bởi vậy người ta thường sử dụng huyết thanh để chẩn đoán.
Tiêu bản nhuộm bạc và kĩ thuật miễn dịch-tổ chức có thể tìm thấy xoắn khuẩn.
Có thể sử dụng kĩ thuật ELISA hoặc IFA hoặc Western Blot để chẩn đoán.
3.3 Chẩn đoán bệnh Lyme
Chẩn đoán bệnh căn cứ vào các biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng.
Chẩn đoán phân biệt với bệnh ban đỏ đa tạng và các bệnh lý thần kinh, khớp, tim mạch,... do nguyên nhân khác.
4 Điều trị bệnh Lyme
Lyme là bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây ra, do đó kháng sinh là thuốc để chữa bệnh lyme.
4.1 Thời kỳ sớm (thời kỳ 1, 2 chưa có tổn thương nặng):
Giai đoạn này, bệnh nhân thường được chỉ định sử dụng kháng sinh đường uống.
Người lớn:
- Amoxilline 500mg, ngày 4 lần, mỗi lần 1 viên trong 10-30 ngày.
- Tetracyclin 250mg, ngày 4 lần, mỗi lần 1 viên trong 10- 30 ngày.
- Doxycyclin 100mg, ngày 2 viên chia làm 2 lần trong 10-30 ngày.
Trẻ em dưới 8 tuổi thì sử dụng Amoxilline hoặc Penicilline 250mg ngày 3 lần trong ngày hoặc 20 mg/kg/ngày.
4.2 Giai đoạn có tổn thương trên thần kinh, khớp, tim,...
Sử dụng kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch trong 14 ngày hoặc lâu hơn (do bác sĩ chỉ định)
Cụ thể như:
- Ceftriaxone ngày 1 lần, mỗi lần 2g
- Penicilline G ngày 6 lần, mỗi lần 3 triệu đơn vị.
Kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch có thể khiến người bệnh gặp một số tác dụng không mong muốn như giảm bạch cầu, tiêu chảy, nhiễm khuẩn một số loại vi khuẩn khác,...
5 Phòng ngừa bệnh Lyme
Bọ ve đốt là nguyên nhân truyền bệnh chính bởi vậy phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tránh để bị chúng đốt bằng các biện pháp như sau:
- Mặc quần áo dài khi đến những vùng nhiều cây cối, đồng cỏ,...
- Giữ vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, đặc biệt chú ý dọn dẹp thường xuyên những vị trí mà bọ ve có thể sinh sống. Nơi ở và sinh hoạt là những yếu tố nguy cơ chủ yếu gây bệnh Lyme ở trẻ nhỏ và người lớn.
- Dùng thuốc diệt côn trùng định kì.
- Nếu nuôi động vật nhiều lông như chó mèo phải thường xuyên tắm rửa và diệt côn trùng bám trên lông của chúng.
Tài liệu tham khảo
- ^ By CDC Staff, Lyme Disease, CDC. Truy cập ngày 08 tháng 09 năm 2021.
- ^ By Neha Pathak, MD - Lyme Disease, WebMD. Truy cập ngày 08 tháng 09 năm 2021.