1. Trang chủ
  2. Cơ Xương Khớp
  3. Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Trungtamthuoc.com - Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh đa yếu tố với nguyên nhân chính xác chưa được biết rõ. Tuy nhiên có một số yếu tố di truyền, miễn dịch, nội tiết và môi trường xung quanh có vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh.

1 Lupus ban đỏ hệ thống là gì?

Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) là một bệnh tự miễn, đặc trưng bởi sự hiện diện của tự kháng thể chống lại các kháng nguyên, ảnh hưởng đến đa hệ thống. Bệnh có một số kiểu hình, với các biểu hiện lâm sàng khác nhau ở từng bệnh nhân, từ biểu hiện ở niêm mạc nhẹ đến đa cơ quan như da, thận, khớp, tim... Thậm chí bệnh còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương nghiêm trọng. Hơn 90% trường hợp lupus ban đỏ hệ thống xảy ra ở phụ nữ, và thường bắt đầu ở tuổi sinh đẻ.[1]

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn, ảnh hưởng đến đa cơ quan
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn, ảnh hưởng đến đa cơ quan

2 Cơ chế bệnh sinh

Cơ chế bệnh sinh của bệnh Lupus ban đỏ rất phức tạp, được biết do các bất thường về miễn dịch, cụ thể như sau:

2.1 Các tự kháng thể

Hệ thống miễn dịch có vai trò sản xuất ra kháng thể bảo vệ cơ thể trước các vi sinh vật gây bệnh. Các kháng thể sẽ nhận diện các thành phần lạ hay còn gọi là kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể để huy động phản ứng miễn dịch, tạo phản ứng viêm, tránh sự lây nhiễm. Tuy nhiên, cũng có những lúc các kháng thể này mắc sai lầm, nhận nhầm các protein trong cơ thể là ngoại lai và tấn công, Đó chính là các tự kháng thể. 

Sau đây là các tự kháng thể có thể là căn nguyên gây nên bệnh Lupus:

2.1.1 Kháng thể kháng cấu trúc của nhân

Kháng thể kháng nhân (ANA): kháng thể này nhắm vào các protein bình thường có trong nhân tế bào. Khi làm các xét nghiệm trên các bệnh nhân bị bệnh Lupus, tỷ lệ dương tính với ANA rất cao, lên tới 90% nhưng kết quả này lại có độ đặc hiệu thấp. Bởi vì ANA có thể gặp trong các bệnh khác như xơ cứng bì, viêm đa khớp dạng thấp. Đặc biệt có thể gặp dương tính từ 1- 3% ở những người bình thường, nhất là ở người già.

Kháng thể kháng ADN gồm 3 typ:

  • Typ I: Kháng thể kháng ADN chuỗi kép, tỷ lệ gặp ở bệnh nhân Lupus chiếm đến 60-70%, kháng thể này có độ đặc hiệu cao.
  • Typ II: Kháng thể kháng cả ADN chuỗi đơn và chuỗi kép.
  • Typ III: Kháng thể kháng ADN chuỗi đơn (n-ADN), tỷ lệ gặp loại kháng thể này là 30%.

Kháng thể kháng Histone: kháng thể này gặp trong các trường hợp lupus nguyên nhân do thuốc.

Kháng thể kháng nucleoprotein không hoà tan: Các kháng thể này được phát hiện bằng tế bào Hargraves.

2.1.2 Kháng thể kháng các kháng nguyên hoà tan

Kháng thể kháng Sm (kháng thể này được đặt theo tên của bệnh nhân Smith - bệnh nhân đầu tiên đầu tiên có kháng thể này), tỷ lệ gặp là 30 - 40% ở các bệnh nhân.

Kháng thể kháng RNP (ribonucleo-protein): Kháng thể này có độ nhạy và độ đặc hiệu khá cao. Thông thường hai kháng thể Sm và RNP thường đi kèm với nhau tuy kháng nguyên của chúng khác nhau.

Kháng thể kháng SSA (kháng Ro): Đây cũng là một kháng thể đặc hiệu trong chẩn đoán Lupus bẩm sinh. Có tới 30 % bệnh nhân Lupus ban đỏ hệ thồng dương tính với kháng thể này.

Cơ chế bệnh sinh của bệnh Lupus ban đỏ
Cơ chế bệnh sinh của bệnh Lupus ban đỏ

2.1.3 Kháng thể kháng các tế bào

Kháng thể kháng hồng cầu: Kháng thể này được phát hiện bằng nghiệm pháp Coombs dương tính. Đối với bệnh Lupus, kháng thể này được phát hiện trong 60% các trường hợp.

Kháng thể kháng bạch cầu: Xét nghiệm chỉ ra số lượng bạch cầu ngoại vi giảm, chủ yếu là lympho bào bị tổn thương, một phần nhỏ là bạch cầu đa nhân trung tính.

Kháng thể kháng tiểu cầu: Là các kháng thể kháng lại các kháng nguyên trên bề mặt tiểu cầu, gây biểu hiện giảm tiểu cầu mức độ nhẹ và vừa; có thể gặp xuất huyết giảm tiểu cầu.

Kháng thể kháng phospholipid: Trên lâm sàng được biểu hiện bằng phản ứng giang mai dương tính giả.

2.1.4 Kháng thể kháng vi cơ quan

Kháng thể kháng ribosom: Khi xuất hiện kháng thể này, bệnh nhân thường có biểu hiện tâm thần.

Kháng thể chống bộ máy Golgi: kháng thể này rất ít gặp.

2.2 Các phức hợp miễn dịch

Phức hợp miễn dịch lưu hành: gặp trong hệ tuần hoàn.

Phức hợp lắng đọng: trong các mô, các tổ chức dưới da, màng đáy cầu thận.[2]

3 Nguyên nhân gây lupus ban đỏ hệ thống

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh đa yếu tố vơi nguyên nhân chính xác chưa được biết rõ. Tuy nhiên có một số yếu tố di truyền, miễn dịch, nội tiết và môi trường xung quanh có vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh.[3]

Giới tính nữ và nội tiết tố là một yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đáng kể đến lupus ban đỏ hệ thống. Estrogen và prolactin thúc đẩy khả năng tự miễn dịch và tăng sản xuất yếu tố kích hoạt tế bào B và điều chỉnh kích hoạt tế bào lympho, phức hợp PDC. Việc sử dụng các biện pháp tránh thai có chứa estrogen và liệu pháp thay thế hormone sau mãn kinh có thể gây các đợt bùng phát lupus ban đỏ hệ thống. Đồng thời, ở những bệnh nhân mắc lupus ban đỏ này thấy nồng độ prolactin tăng cao hơn bình thường.

Giới tính nữ và nội tiết tố là một yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đáng kể đến lupus ban đỏ hệ thống
Giới tính nữ và nội tiết tố là một yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đáng kể đến lupus ban đỏ hệ thống

Một số tác nhân môi trường đã được xác định làm tăng nguy cơ mắc luspus ban đỏ hệ thống. Một số thuốc có liên quan đến việc gây hiện tượng giống lupus khử bằng DNA và thay đổi tự kháng nguyên. Có hơn 100 loại thuốc có liên quan đến lupus cho thuốc, trong đó, người ta thấy rằng Procainamide và Hydralazine có tỷ lệ mắc bệnh lupus cao nhất. Tia cực tím và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời làm tăng sự chết tế bào theo chu trình và là một trong những tác nhân phổ biến gây lupus. Một số trường hợp người bệnh nhiễm virus cũng có liên quan đến cơ chế bệnh sinh do bắt chước phân tử. Kháng thể chống lại virus Epstein-Barr (EBV) gặp nhiều hơn ở các đối tượng mắc luspus ban đỏ hệ thống.

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ tiềm ẩn khác gây lupus như thuốc lá, nhiễm silica, virus khác, thiếu vitamin D, mầm cỏ đinh lăng có chứa L-canavanine.

4 Chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống như thế nào?

Một người được cho là mắc lupus ban đỏ hệ thống, khi họ có bất kỳ 4 trong số 11 tiêu chuẩn của Hội Thấp học Mỹ như sau:

Người bệnh phát ban trên má, có các nốt ban đỏ trên mạch máu của mặt, có hình như cánh bướm.

Bệnh nhân có các phát ban dạng đĩa nơi mặt và thân, có thể có sẹo.

Người bệnh nhạy cảm, có phát ban da khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Xuất hiện các vết loét miệng hay mũi họng nhưng thường không thấy đau.

Có bệnh khớp Jaccoud, tức là người bệnh bị đau và viêm khớp nhưng không có hiện tượng ăn mòn chúng.

Có các phản ứng huyết thanh gồm: Viêm màng phổi, đau màng phổi, dính màng phổi, tràn dịch màng phổi hay viêm màng phổi, có hiện thay đổi trên điện tâm đồ, tràn dịch màng ngoài tim.

Hiện tượng rối loạn thận, protein niệu gồm 3+ (10 thông số nước tiểu) hay trên 0,5g/ngày hoặc có tế bào trong nước tiểu.

Rối loạn thần kinh gồm động kinh hoặc tâm thần.

Rối loạn huyết học như thiếu máu tan máu hoặc giảm bạch cầu hoặc giảm tế bào lympho hoặc giảm tiểu cầu.

Rối loạn miễn dịch như có kháng thể kháng DNA hoặc kháng thể chống Sm hoặc kháng thể kháng Phospholipid.

Có kháng thể kháng nhân không do thuốc.[4]

Lupus ban đỏ hệ thống gây ra những triệu chứng gì?

​Các biểu hiện lâm sàng của lupus ban đỏ hệ thống cũng rất đa dạng, và với từng người bệnh sẽ có biểu hiện như sau:

Triệu chứng thể chất: Được nhìn thấy ở trên 90% người bệnh, họ thường có biểu hiện mệt mỏi, giảm cân, sốt không đe dọa đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

Biểu hiện trên thận ảnh hưởng đến khoảng 30% người bệnh mắc lupus ban đỏ hệ thống và là biến chứng nguy hiểm nhất, đe dọa tính mạng. Biểu hiện này thường gặp trong vài năm đầu mắc bệnh, người bệnh có thể xuất hiện protein niệu dẫn đến viêm cầu thận và tổn thương thận mạn tính. Giai đoạn khởi phát, người bệnh có thể tăng huyết áp, protein niệu, phù chi dưới, tăng creatinin. Viêm cầu thận trong lupus gồm các thể viêm trung mô tối thiểu, tăng sinh, khu trú, khuếch tán, màng và xơ cứng tiến triển. Có một số bệnh nhân có thể mắc bệnh lý vi mạch huyết khối, viêm thận kẽ, bệnh mạch máu lupus, viêm mạch máu và xơ cứng động mạch.

Biểu hiện trên hệ thống thần kinh trung ương và ngoại vi có thể thấy ở người bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Biểu hiện trên thần kinh trung ương đặc trừng của những bệnh nhân này là đau đầu khó chữa, động kinh toàn bộ hoặc khu trú. Ngoài ra, người bệnh còn có thể có biểu hiện của viêm màng não vô khuẩn, viêm dây thần kinh thị giác và viêm tủy, rối loạn vận động và nhận thức. Các biểu hiện của hệ thần kinh ngoại biên như hội chứng Guillain-Barré và Myasthenia gravis, rối loạn thần kinh thực vật...

Các triệu chứng liên quan đến da, niêm mạc có thể gặp ở hơn 80% bệnh nhân bị lupus. Người bệnh có thể mắc lupus ban đỏ cấp hay mạn tính loét miệng và mũi cấp tính, thường không đau.

Khoảng 80% đến 90% bệnh nhân mắc lupus ban đỏ hệ thống có triệu chứng liên quan đến cơ xương khớp, có thể từ đau khớp nhẹ đến viêm khớp biến dạng. Viêm khớp lupus thường là viêm đa khớp viêm không ăn mòn, đối xứng, chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp nhỏ ở bàn tay, đầu gối và cổ tay. Bệnh khớp Jaccoud dẫn đến biến dạng không xói mòn ở bàn tay bao gồm lệch xương trụ và co thắt các khớp bàn - ngón tay, có thể bắt chước viêm khớp dạng thấp. Thông thường, những dị tật này có thể giảm được. Hoại tử vô mạch ở tối đa 10% bệnh nhân mắc lupus ban đỏ hệ thống và thường xảy ra hai bên và liên quan đến khớp hông. Một số trong những bệnh nhâ này còn có biểu hiện viêm đa cơ.

Có đến hơn 50% bệnh nhân lupus có biểu hiện thiếu máu, và chủ yếu là thiếu máu mạn tính. Tình trạng thiếu máu này có thể do thiếu Sắt, bất sản hống cầu, tán huyết tự miễn...

Viêm phổi gây đau ngực, ho và khó thở là biểu hiện phổi phổ biến nhất của lupus ban đỏ hệ thống. Người bệnh có thể bị viêm màng phổ, thuyên tắc phổi, tràn dịch màng phổi, bệnh phổi kẽ, tăng huyết áp phổi và xuất huyết...

Viêm phổi gây đau ngực, ho và khó thở là biểu hiện phổi phổ biến nhất của lupus ban đỏ hệ thống
Viêm phổi gây đau ngực, ho và khó thở là biểu hiện phổi phổ biến nhất của lupus ban đỏ hệ thống

Các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa của người bệnh lupus ban đỏ hệ thống, thường đau bụng và khó tiêu. Người bệnh có thể có chứng gan, lách to, rối loạn chức năng thực quản, viêm mạch mạc treo tràng ruột, viêm phúc mạch viêm ruột, tắc tĩnh mạch gan...

Lupus ban đỏ hệ thống có thể có triệu chứng liên quan đến tim mạch như viêm màng ngoài tim, cơ tim, viêm nội tâm mạc hay bệnh động mạch vành...

Ngoài ra có thể gặp một số triệu chứng khác trong bệnh lupus ban đỏ hệ thống như: viêm giác mạc mắt, viêm mạch máu võng mạch, viêm dây thần kinh thị giác, viêm màng bồ đào, viêm xơ cứng, tăng nhãn áp, mất thính giác...

Cần phân biệt lupus ban đỏ hệ thống với bệnh thấp khớp cấp, viêm khớp khác, bệnh lý hệ tạo máu, thận và các cơ quan khác.

5 Phương pháp điều trị lupus ban đỏ hệ thống

Mục tiêu của điều trị trong lupus ban đỏ hệ thống là ngăn ngừa tổn thương nội tạng và đạt được sự thuyên giảm. Trước tiên, người bệnh cần được đánh giá mức độ nặng nhẹ, rồi điều trị tấn công, củng cố và duy trì. Trong quá trình điều trị cho những bệnh nhân này cần xem xét đến tác dụng không mong muốn và tác dụng điều trị của thuốc.

Điều trị lupus ban đỏ hệ thống cần đánh giá mức độ nặng, nhẹ của người bệnh.

5.1 Các thuốc điều trị cụ thể cho bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Với những bệnh nhân bị lupus có đau khớp, sốt và viêm nhẹ nhưng không tổn thương cơ quan lớn thì dùng thuốc chống viêm không steroid. Tuy nhiên, không dùng cho những bệnh nhân lupus mà đang có viêm thận.

Người bệnh lupus ban đỏ hệ thống có ban da, nhạy cảm ánh sáng và có biểu hiện trên khớp có thể dùng Hydroxychloroquine với liều mỗi ngày 200mg. Những người bệnh này cần được đi khám mắt mỗi năm 1 lần.

Khi lupus ban đỏ có biểu hiện thần kinh, hệ máu dẫn đến đe dọa tính mạng hay không đáp ứng với liều trị bảo tồn, dùng Glucocorticoid toàn thân. Người bệnh uống với liều mỗi ngày từ 1 đến 2mg/kg, khi đã kiểm soát được bệnh thì giảm liều Prednisolone 10% cứ 7 - 10 ngày. Những đối tượng có tổn thương thận, thần kinh, tiểu cầu nặng thì dùng Methylprednisolone đường tĩnh mạch 500mg/12 giờ từ 3 đến 5 ngày. Tiếp theo đó, cho người bệnh dùng Coricoid dạng uống rồi giảm liều như trên.

Với bệnh nhân lupus ban đỏ thể nặng nguy hiểm tính mạng có thể điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch gồm: Viêm cầu thận cấp, tổn thương thần kinh nặng, giảm tiểu cầu và thiếu máu huyết tán hay lupus không đáp ứng điều trị trên. Các thuốc này có thể dùng tiêng lẻ hay kết hợp với nhau, hoặc với Corticoid gồm Cyclophosphamide phối hợp với Mesna, Dapsone, Azathioprine, Mycophenolate mofetil, Methotrexate.

Ngoài ra, bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống có thể được điều trị bằng Leflunomide, Bormone, Thalidomide, Immunoglobulin tĩnh mạch…

Thuốc NSAID trị bệnh nhân bị lupus có đau khớp, sốt và viêm nhẹ nhưng không tổn thương cơ quan lớn
Thuốc NSAID trị bệnh nhân bị lupus có đau khớp, sốt và viêm nhẹ nhưng không tổn thương cơ quan lớn

5.2 Điều trị lupus ban đỏ hệ thống không dùng thuốc

Bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống thể nhẹ có thể được điều trị không cần dùng thuốc. Lúc này cho người bệnh nghỉ ngơi, không tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời và đề phòng nhiễm khuẩn. Người bệnh lupus cần được theo dõi định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngược lại, nếu người bệnh lupus mà có những tổn thương suy thận nặng có thể cần điều trị bằng lọc máu hay ghép thận.

Để tránh tái phát, bệnh nhân bị lupus ban đỏ hệ thống cần tránh các tác nhân gây bùng phát như ánh sáng cực tím và ánh nắng mặt trời, thuốc lá.

Đồng thời, người bệnh cần được thay đổi chế độ ăn uống tùy thuộc vào tình trang mỗi người bệnh, đặc biệt phải duy trì chế độ ăn uống cân bằng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có tăng lipid máu thì cần có chế độ ăn giảm ít chất béo, hay người có lượng Vitamin D thấp cần bổ sung thêm vitamin D.

Không những thế, tập thể dục rất quan trọng ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống để tránh mất cơ bắp nhanh chóng, khử khoáng xương và mệt mỏi.

Trên đây là các thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng và điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống, hy vọng sẽ hữu ích với bạn đọc.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Christie M Bartels, MD (Ngày đăng: ngày 4 tháng 8 năm 2021). Systemic Lupus Erythematosus (SLE), MedsCape. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2021.
  2. ^ Tác giả: Jinyoung Choi, Sang Taek Kim và Joe Craft (Ngày đăng: ngày 1 tháng 12 năm 2013). The Pathogenesis of Systemic Lupus Erythematosus – An Update, NCBI. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2021.
  3. ^ Tác giả: Chuyên gia của CDC (Ngày đăng: ngày 17 tháng 10 năm 2018). Systemic Lupus Erythematosus (SLE), CDC. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2021.
  4. ^ Tác giả: GS.TSKH. Nguyễn Năng An. Sách NỘI BỆNH LÝ (2007) Phần dị ứng - Miễn dịch.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    BỆNH LUPUS BAN ĐỎ HỆ THỐNG nguyên nhân do đâu?


    Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống
    NM
    Điểm đánh giá: 5/5

    BỆNH LUPUS BAN ĐỎ HỆ THỐNG đã cung cấp cho tôi rất nhiều thông tin bổ ích. Cảm ơn tác giả.

    Trả lời Cảm ơn (0)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633