Bệnh hạ cam: nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Trungtamthuoc.com - Bệnh hạ cam là một bệnh lý cấp tính có đường lây truyền chủ yếu là qua sinh hoạt tình dục. Cùng tìm hiểu về bệnh hạ cam ngay qua bài viết dưới đây!
1 Bệnh hạ cam là gì?
Hạ cam là bệnh lý cấp tính có tính chất gần giống với bệnh giang mai và herpes sinh dục, nhưng thời gian ủ bệnh ngắn hơn, chỉ khoảng 2-5 ngày.
Bệnh hạ cam có đồng yếu tố nguy cơ với HIV, người mắc bệnh này có khả năng lây truyền HIV cao hơn bình thường từ 5-9 lần.
Bệnh hạ cam thường gặp nhiều ở các nước đang phát triển, đặc biệt nhiều ở các nước châu Phi. Tỉ lệ nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới.
2 Tác nhân gây bệnh hạ cam
Tác nhân gây bệnh hạ cam là vi khuẩn Gram(-) được đặt tên là Haemophilus ducreyi. [1]
Bệnh lây truyền từ người này sang người khác qua đường tình dục khi quan hệ không có biện pháp bảo hộ. Ngoài ra, nó còn có thể lây nhiễm từ những thương tổn trên vùng da và niêm mạc khi người bệnh và người lành tiếp xúc với nhau.
3 Chẩn đoán bệnh hạ cam
3.1 Triệu chứng lâm sàng
Bệnh hạ cam có một số biểu hiện đặc trưng ở nam và nữ như sau:
Nam giới thường xuất hiện các nốt nhỏ màu đỏ quanh bộ phận sinh dục, chúng dần phát triển thành các vết loét chỉ trong một đến hai ngày.
Nữ giới thường có biểu hiện là xuất hiện các nốt rõ ở môi lớn, giữa môi lớn và hậu môn hoặc ở đùi. Những nốt đỏ này khi bị loét ra sẽ có cảm giác đau rát, đặc biệt là khi đi đi vệ sinh.
Các vết loét thường gặp ở cả nam và nữ đều có đặc điểm là mềm và gây đau. Bờ vết loét rõ, nền phủ bởi dịch tiết mủ có màu vàng hoặc xám, phía dưới là tổ chức mủ hạt. Các vết loét này rất dễ chảy máu. Kích thước vùng loét là từ 2-10mm. Xung quanh vùng tổn thương có thể bị phù nề.
Một số triệu chứng khác có thể gặp là vùng háng bị sưng, có hạch bẹn to, sốt nhẹ, người mệt mỏi.
3.2 Xét nghiệm cận lâm sàng
Lấy bệnh phẩm lấy ở đáy vết loét và thực hiện các xét nghiệm sau:
Nhuộm Gram: Trực khuẩn gây bệnh mắt màu G(-).
Nuôi cấy bệnh phẩm: môi trường nuôi cấy là thạch giàu dinh dưỡng có chứa hemoglobin và huyết thanh. Thời gian nuôi cấy là từ 2-4 ngày.
Kỹ thuật PCR: đây là phương pháp xét nghiệm mới có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.
Từ những triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra kết quả và cách điều trị bệnh phù hợp cho bệnh nhân.
4 Điều trị bệnh hạ cam
Thuốc sử dụng trong điều trị hạ cam là kháng sinh. Tuy nhiên, loại trực khuẩn gây bệnh hạ cam hiện nay đã kháng lại khá nhiều thuốc như Ampicillin, sulfonamides, tetraxyclin,... Các loại kháng sinh được khuyến cáo sử dụng hiện nay là:
Tiêm bắp một liều duy nhất 250mg ceftriaxone hoặc 1g Azithromycin hoặc 2g Spectinomycin.
Uống liên tục 7 ngày Erythromycin 500mg với 4 lần mỗi ngày, mỗi lần 1 viên.
Sau khi sử dụng thuốc bệnh thường đỡ sau 2 đến 3 ngày và khỏi hẳn sau một tuần.
Nếu hạch bẹn bị sưng thì thời gian khỏi bệnh sẽ lâu hơn. Một số trường hợp có thể phải chọc hút mủ qua da bằng kim để giảm tình trạng sưng, đau và làm vết loét nhanh lành hơn. Tuy nhiên cách này có khả năng cao sẽ để lại sẹo.
Trước khi điều trị cần xét nghiệm HIV và giang mai. Nếu âm tính cần xét nghiệm lại sau 3 tháng.
5 Cách phòng ngừa bệnh hạ cam
Thực hiện đúng chế độ 1 vợ 1 chồng. Nếu quan hệ ngoài luồng cần sử dụng các biện pháp bảo hộ.
Không giấu bệnh, nên đi khám và điều trị bệnh sớm nhất có thể.
Nếu quan hệ với người nhiễm bệnh mà không sử dụng bao Cao Su, cần điều trị dự phòng bằng azithromycin.
Vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục.
Tài liệu tham khảo
- ^ Malawi Med J. (Ngày đăng tháng 3 năm 2004). Diagnosis and Management of Chancroid in Nigeria, NCBI. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2021