Bệnh gout: nguyên nhân, triệu chứng và hướng dẫn điều trị
Trungtamthuoc.com - Các cơn gout thường bắt đầu vào ban đêm hoặc sáng sớm, lúc này người bệnh thường sưng khớp đột ngột, rất đau. Khớp bị viêm thường rất nhạy cảm với áp lực, chúng thường quá nóng và đỏ. Và sau đó từ 6 đến 12 tiếng biểu hiện sưng và các triệu chứng khác thường ở mức tồi tệ nhất.
1 Bệnh gout là gì?
Gout là một rối loạn chuyển hóa gây viêm khớp. Trong các đợt cấp tính, một số khớp của người bệnh có thể sưng lên chỉ trong vài giờ và rất đau đớn. Tình trạng viêm này thường do các tinh thể axit uric hình kim nhỏ, chủ yếu tích tụ trong các khớp nếu người bệnh có quá nhiều axit uric trong cơ thể. Người bệnh có thể tự hết viêm sau một đến hai tuần.
Hầu hết những bệnh nhân gout đều có các đợt cấp tính mỗi giờ và sau đó là hàng tháng hoặc hàng năm nhưng chúng cũng có thể diễn ra thường xuyên.
2 Nguyên nhân gây ra bệnh gout
Bệnh gout có thể phát sinh do quá nhiều axit uric trong máu. Người ta ước tính rằng có khoảng một trong ba người có nồng độ axit uric cao sẽ phát triển bệnh gout.
Axit uric sản phẩm của purin, là thành phần của axit nucleic có vai trò quan trọng trong cơ thể chúng ta.
Thông thường, thận thường loại bỏ một lượng axit uric nhất định qua nước tiểu. Nhưng ở một số người, thận không loại bỏ đủ axit uric làm nồng độ axit uric trong cơ thể tăng lên. Và khi đó, axit uric có thể bắt đầu hình thành các tinh thể tích tụ trong mô cơ thể, đặc biệt là trong khớp, và gây bệnh gout.[1]
Ngoài ra một số tình trạng bệnh lý cũng góp phần tích tụ quá nhiều axit uric, bao gồm một số rối loạn về máu hoặc ung thư cụ thể như bệnh bạch cầu. Trong một số ít trường hợp, bệnh gout xảy ra do cơ thể sản xuất quá nhiều axit uric. Điều này có thể xảy ra do một bệnh di truyền ảnh hưởng đến hoạt động của các enzyme cụ thể liên quan đến chuyển hóa axit uric.
Bên cạnh việc tăng nồng độ axit uric, các yếu tố khác liên quan đến hình thành bệnh gout đó là sự cân bằng của chất lỏng trong khớp. Quá ít dịch khớp có thể làm tăng nguy cơ tinh thể axit uric hình thành ở đó. Mức độ axit (pH) của chất lỏng khớp và nhiệt độ của khớp cũng có thể gây ảnh hưởng đến khớp dẫn đến bệnh gout.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh gout:
- Bất cứ điều gì làm tăng nồng độ axit uric cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout, người đã từng có cơn gout có nguy cơ bị bệnh tái lại cao hơn.
- Người bệnh gout có thể mắc bệnh do dùng các loại thuốc làm tăng nồng độ axit uric bao gồm: thuốc lợi tiểu và axit acetylsalicylic, thuốc ức chế miễn dịch sử dụng sau khi cấy ghép nội tạng. Levodopa, thuốc điều trị Parkinson và thuốc trị ung thư cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
- Nguy cơ mắc bệnh gout do sử dụng quá dư thừa thịt, cá và hải sản: Những thực phẩm này chứa rất nhiều purin, nếu chúng được ăn với số lượng lớn, chúng sẽ làm tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh gout.
- Đồ uống có cồn làm tăng sản xuất axit uric và có tác dụng lợi tiểu. Rượu cũng khiến thận ít giải phóng axit uric hơn bình thường và bia chứa một lượng purin tương đối cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bia và rượu có nồng độ cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
- Các đồ uống có chứa nhiều đường (Fructose) cũng có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh gout như coca, nước uống trái cây.
- Những người thừa cân hay có chỉ số khối cơ thể BMI cao hơn bình thường có nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn.
3 Chẩn đoán bệnh gout như thế nào?
3.1 Triệu chứng của bệnh gout
Các cơn gout thường bắt đầu vào ban đêm hoặc sáng sớm, lúc này người bệnh thường sưng khớp đột ngột, rất đau. Khớp bị viêm thường rất nhạy cảm với áp lực, chúng thường quá nóng và đỏ. Và sau đó từ 6 đến 12 tiếng biểu hiện sưng và các triệu chứng khác thường ở mức tồi tệ nhất. Khớp thường nhạy cảm đến mức ngay cả trọng lượng của một tấm chăn dày cũng không thể chịu được. Sau vài ngày người bệnh giảm triệu chứng sưng thì các vùng da quanh khớp có thể bắt đầu bong tróc.
Thông thường ban đầu, người bệnh thường chỉ bị ảnh hưởng đến một khớp, thường là gốc ngón chân cái. Sau đó, các khớp giữa bàn chân và mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay, cổ tay và đốt ngón tay cũng có thể bị viêm. Rất hiếm khi có người bệnh bị gout vai hoặc hông.
Với người bệnh gout mãn tính, các khớp sẽ luôn bị viêm nhẹ và sau thời gian dài chúng có thể bị biến dạng làm việc cử động trở nên khó khăn hơn.[2]
3.2 Chẩn đoán xác định bệnh gout
Dựa vào tiêu chuẩn Bennet và Wood chúng ta có thể chẩn đoán bệnh gút như sau:
Người bệnh có tinh thể natri urat trong dịch khớp hoặc trong hạt tôphi.
Hoặc bệnh nhân có ít nhất 2 trong các tiêu chuẩn sau đây:
- Hiện tại hoặc trước đó người bệnh có ít nhất 2 đợt sưng đau một khớp khởi phát đột ngột, đau dữ dội, và hồi phục hoàn toàn trong vòng 2 tuần.
- Thời điểm hiện tại hoặc trước đó người bệnh có sưng đau khớp bàn ngón chân cái cũng khởi phát đột ngột như trên.
- Người bệnh xuất hiện các hạt tôphi.
- Trước đó hoặc hiện tại người bệnh có hiệu quả giảm viêm, giảm đau trong 48 giờ bằng Colchicin.
Dựa vào tiêu chuẩn của ILAR và Omeract chúng ta có thể chẩn đoán bệnh gout như sau:
Có sự xuất hiện của các tinh thể urate đặc trưng trong dịch khớp.
Hoặc là có sự xuất hiện của các hạt tophi được chứng minh có chứa tinh thể urat bằng phương pháp hóa học hoặc kính hiển vi ánh sáng phân cực.
Hoặc là có sự xuất hiện của 6 hoặc nhiều hơn các kết quả lâm sàng, xét nghiệm hoặc X-quang sau đây:
- Người bệnh bị sưng không đối xứng trong một khớp dựa theo kết quả X-quang.
- Người bệnh bị viêm khớp đơn thuần.
- Trong quá trình viêm khớp khi nuôi cấy dịch khớp âm tính với vi sinh vật trong quá trình viêm khớp
- Người bệnh bị viêm tiến triển tối đa trong vòng một ngày.
- Xét nghiệm axid uric trong máu cho kết quả tăng lên.
- Các khớp của bệnh nhân bị đỏ.
- Các cuộc viêm khớp cấp tính xuất hiện nhiều hơn.
- Đau hoặc đỏ ở khớp xương đốt bàn chân cái.
- U nang dưới vỏ không có xói mòn trên X quang.
- Nghi ngờ có sự xuất hiện của các hạt tophi.
- Có các cuộc tấn công đơn phương đầu tiên liên quan đến khớp xương đốt bàn chân.
- Có các cuộc tấn công đơn phương liên quan đến khớp cổ chân.
4 Phương pháp điều trị bệnh gout
Trong điều trị bệnh gout cấp cần xử lý các cơn viêm khớp. Đồng thời đề phòng tái phát cơn gout, lắng đọng urat và điều trị hội chứng tăng acid uric máu.
4.1 Chế độ ăn uống - sinh hoạt trong điều trị bệnh gout
Không sử dụng chất có nhiều purin như nội tạng động vật, thịt, cá, tôm,... Người bệnh vẫn được ăn trứng, hoa quả. Lượng thịt mỗi ngày không được vượt quá 150g. Đối với bệnh nhân bị béo phì, cần giảm lượng calo đưa vào và duy trì trọng lượng cơ thể cân đối.
Người bệnh gout cần lưu ý không uống rượu, tập luyện thể dục với cường độ phù hợp thường xuyên…
Bệnh nhân cần tăng uống nước, đảm bảo 2 - 4 lít mỗi ngày, đặc biệt là nước khoáng có kiềm hoặc nước kiềm 14 ‰. sẽ giúp tăng nước tiểu, hạn chế lắng đọng urat.
Bệnh nhân không nên sử dụng thuốc làm tăng acid uric máu,và các yếu tố làm khởi phát cơn gout cấp như stress, chấn thương…
4.2 Phương pháp điều trị nội khoa bệnh gout
Người bệnh gout được sử dụng các thuốc chống viêm như:
- Colchicin với liều dùng để điều trị cơn gout cấp hoặc đợt cấp của gout mạn tính là 1mg/lần, ngày đầu tiên sử dụng 3 liều như vậy. Sang đến ngày thứ 2 sử dụng 2 liều tương tự và từ ngày thứ 3 trở đi chỉ sử dụng 1mg. Thông thường các triệu chứng viêm khớp đó sẽ giảm nhanh sau 24 - 48 giờ. Người bệnh được đề phòng tái phát bằng cách uống liều 0,5 - 2 mg, mỗi ngày sử dụng từ 1 đến 2 lần, liều trung bình mỗi ngày là 1mg kéo dài tối thiểu 6 tháng.
- Hoặc bệnh nhân có thể sử dụng một số thuốc kháng viêm giảm đau không steroid như: Indometacin, Naproxen, Ibuprofen, Ketoprofen, Piroxicam, Diclofenac…
- Nếu các thuốc trên không có hiệu quả người bệnh có thể được sử dụng corticoid toàn thân.
Thuốc giảm axit uric máu cho bệnh nhân bệnh gout:
- Các thuốc ức chế tổng hợp axit uric như Allopurinol với liều khởi đầu 100mg/ngày trong 1 tuần, nếu nồng độ acid uric của bệnh nhân vẫn cao thì tăng liều lên. Hoặc sử dụng thuốc Febuxostat với liều mỗi ngày từ 40 đến 80 mg.
Các thuốc tăng thải axit uric được sử dụng như:
- Probenecid với liều mỗi ngày từ 250mg đến 3g.
- Sunfinpyrazol với liều mỗi ngày từ 100 - 800mg.[3]
4.3 Chỉ định điều trị ngoại khoa cho người bệnh gout
Nếu bệnh nhân gout có các biến chứng như loét, nhiễm khuẩn hạt tophi, kích thước các hạt tophi lớn cần phải phẫu thuật do chúng ảnh hưởng đến vận động. Khi phẫu thuật có tránh khởi phát các cơn gout cấp bằng cách cho bệnh nhân dùng Colchicin.
Hy vọng, thông qua bài viết này sẽ giúp các bạn phát hiện và điều trị bệnh gout kịp thời.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: chuyên gia y tế Cleveland Clinic (Ngày đăng: ngày 15 tháng 11 năm 2020). Gout, Cleveland Clinic. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Gaafar Ragab, Mohsen Elshahaly và Thomas Bardin (Ngày đăng: tháng 9 năm 2017). Gout: An old disease in new perspective – A review, NCBI. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Robert G. Smith (Ngày đăng: năm 2009). The Diagnosis and Treatment of Gout, Medscape. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2021.