Giun xoắn (Trichinella Spiralis) gây bệnh gì?Lây qua đường nào? Triệu chứng và phác đồ điều trị

1 Nhiễm giun xoắn là gì?
Bệnh giun xoắn là tình trạng nhiễm ký sinh trùng, cụ thể là loài giun tròn thuộc giống Trichinella. Loài ký sinh trùng này chủ yếu ký sinh trong cơ thể các loài động vật hoang dã như lợn, động vật ăn thịt hoặc ăn tạp khác. Trong số đó, loài giun xoắn Trichinella spiralis là loài phổ biến nhất, ngoài ra một số loài khác cũng có khả năng gây bệnh như T. pseudospiralis, có thể lây nhiễm cho cả động vật có vú và chim ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới; T. nativa, thường được tìm thấy ở các loài gấu Bắc Cực; T. nelsoni ở Châu Phi, T. britovi ở Châu Âu và Tây Á; T. papuae ở Thái Lan. [1]
Khi ăn phải những loại thịt của các loài động vật có chứa ấu trùng giun xoắn do chưa nấu chín sẽ nhiễm bệnh. Ấu trùng giun sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tới đường tiêu hoá sinh trưởng và phát triển thành giun trưởng thành trong khoảng vài tuần. Chúng tiếp tục vòng đời sinh sản, tạo ra các ấu trùng và những ấu trùng này sẽ di chuyển khắp cơ thể, gây ra phản ứng viêm và các triệu chứng lâm sàng khác nhau. Các triệu chứng này cũng phụ thuộc vào số lượng ấu trùng. Nếu ở thể nhẹ các biểu hiện rất khó nhận dạng, thậm chí không có triệu chứng. Do đó việc chủ động thực hiện các biện pháp xét nghiệm chuyên sâu để phát hiện sớm bệnh là điều rất quan trọng, đặc biệt với người sống trong khu vực có dịch tễ và có tập quán ăn thịt sống, thịt tái.

2 Giun xoắn tên khoa học là gì? Đặc điểm hình thể
Giun xoắn tên khoa học Trichinella Spiralis, và cho đến nay đã ghi nhận có 8 loại giun xoắn. So với các loại giun ký sinh khác, giun xoắn có kích thước nhỏ hơn, đến mức khó quan sát bằng mắt thường. Kích thước con cái có chiều dài dao động từ 3 đến 4 milimét, với đường kính cơ thể khoảng 0,06 milimét, con đực có thân hình nhỏ hơn, chỉ dài khoảng từ 1,4 đến 1,6 milimét và đường kính vào khoảng 0,04 milimét. Phần đuôi của con đực cong đặc trưng, đây là dấu hiệu nổi bật để phân biệt chúng. [2].
Giun cái không sinh ra trứng, mà đẻ ra ấu trùng. Trứng giun xoắn nằm trong tử cung, có kích thước xấp xỉ khoảng 20 micromet, những ấu trùng mới sinh ra có hình dạng thon dài, chiều dài từ 90 đến 100 micromet và bề ngang khoảng 60 micromet. Các ấu trùng di chuyển và cư trú nhiều ở cơ vân, sau đó cuộn tròn như lò xo trong một nang tạo thành các kén bảo vệ. Thông thường, mỗi nang chỉ chứa một ấu trùng duy nhất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, người ta cũng ghi nhận sự hiện diện của hai hoặc vài ấu trùng trong kén.
3 Hình ảnh giun xoắn và ấu trùng


4 Giun xoắn ký sinh ở đâu?
Giun xoắn gây bệnh ở cả người và động vật, và khi chúng vào cơ thể sẽ ký sinh ở nhiều vị trí khác nhau, tuỳ theo giai đoạn phát triển, cụ thể:
- Ruột non: Giun trưởng thành ký sinh tại lớp niêm mạc ruột non, từ tá tràng đến manh tràng, sau đó con cái đẻ ra ấu trùng.
- Hệ tuần hoàn: Ấu trùng không phát triển tiếp trong ruột mà chui vào hệ bạch huyết, rồi đi vào mạch máu và theo dòng máu lan khắp cơ thể.
- Các mô cơ vân: giun xoắn đến các cơ vân như cơ hoành, cơ liên sườn, cơ nhai… cuộn lại và hình thành các nang kén bảo vệ. Trong mô cơ, các nang chứa ấu trùng có thể tồn tại tới 20 năm.
5 Đường lây nhiễm giun
Giun xoắn không lây trực tiếp từ người sang người qua tiếp xúc mà con đường lây lan chính là thông qua việc ăn uống thực phẩm có chứa ấu trùng loài này. Bệnh giun xoắn xuất hiện tại nhiều quốc gia, nhưng cao hơn ở các nước đang phát triển, nơi có tập quán sinh hoạt, ăn uống chưa đảm bảo, vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế.
Tại nước ta, nguồn lây nhiễm chính từ thịt heo, đặc biệt là thịt heo không được kiểm định hoặc không đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các vùng nông thôn và địa phương còn giữ phong tục ăn các món chưa nấu chín như ăn lòng sống, tiết canh… dẫn đến nguy cơ bùng phát các bệnh ký sinh trùng.
6 Chu trình phát triển
Khi con người hoặc động vật ăn thịt tiêu thụ các loài động vật có nhiễm giun xoắn, sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh. Giun xoắn nằm trong nang kén khi qua dạ dày, dưới tác động của acid và enzyme tiêu hóa lớp nang này sẽ bị phá vỡ và giải phóng ấu trùng. Sau đó ấu trùng này nhanh chóng di chuyển xuống ruột non và thực hiện chu trình phát triển.
Tại ruột non, sau khoảng 24 giờ, chúng sẽ lột xác trở thành giun xoắn trưởng thành, rồi xâm nhập vào niêm mạc ruột, ký sinh dọc theo đường tiêu hoá và diễn ra quá trình sinh sản. Con đực sau khi thu tinh xong sẽ chết và bị đào thải ra khỏi cơ thể cùng phân, con cái tiếp tục sinh sản và đẻ ra ấu trùng mới. Những ấu trùng này theo hệ tuần hoàn phân tán đến khắp các cơ quan trong cơ thể. Khi đến mô cơ như cơ hoành, cơ liên sườn… ấu trùng cuộn thành dạng xoắn lò xo và hình thành kén bảo vệ trong khoảng 10-15 ngày. Từ đó chúng có khả năng lây nhiễm sang vật chủ khác nếu bị ăn phải.
Các ấu trùng trong kén có thể tồn tại lên đến 20 năm, có sức đề kháng cao với điều kiện môi trường bên ngoài như khô hạn hay hoá chất, tuy nhiên nếu ở nhiệt độ từ 45-70 độ C, có thể tiêu diệt phần lớn các ấu trùng này.
Hình ảnh vòng đời của giun xoắn:

Chú thích các giai đoạn phát triển của giun xoắn:
Giai đoạn | Quá trình phát triển |
1 | Bệnh giun xoắn là do ăn phải thịt chưa nấu chín có chứa ấu trùng đóng nang (trừ T. pseudospiralis và T. papuae , không đóng nang) của loài Trichinella. |
2 | Sau khi tiếp xúc với axit dạ dày và pepsin, ấu trùng được giải phóng khỏi nang. |
3 | Xâm nhập vào niêm mạc ruột non, nơi chúng phát triển thành giun trưởng thành. |
4 | Con cái dài 2,2 mm; con đực dài 1,2 mm. Tuổi thọ trong ruột non là khoảng bốn tuần. Sau 1 tuần, con cái giải phóng ấu trùng. |
5 | Di chuyển đến các cơ vân, nơi chúng đóng nang. |
7 Dịch tễ
Giun xoắn có thể được phát hiện ở mọi nơi trên thế giới, tuy nhiên mức độ lây nhiễm lại không đồng đều ở các khu vực. Ở Châu Âu, Đức được coi là quốc gia có tỷ lệ nhiễm giun xoắn cao trước đây. Ở châu Mỹ, bệnh phổ biến hơn ở các nước thuộc khu vực Trung Mỹ và Nam Mỹ. Tại Châu Phi, Algeria, Ai Cập và các nước vùng Đông Phi phổ biến hơn cả. Còn tại châu Á, bệnh đã được ghi nhận tại nhiều nước như Trung Quốc, Philippines và Việt Nam.
Tại nước ta, ca nhiễm đầu tiên ghi nhận vào năm 1968 tại một tỉnh miền núi khu vực Tây Bắc. Từ đó đến nay, nhiều ca bệnh ở người và động vật đã được phát hiện rải rác ở nhiều nơi trên cả nước. Tỷ lệ người mắc bệnh lại phụ thuộc chặt chẽ vào thói quen ăn uống, nơi tiêu thụ các món thịt sống, chưa nấu chín như thịt tái, tiết canh.
8 Triệu chứng
Biểu hiện lâm sàng của bệnh nhiễm giun xoắn có thể được nhận biết qua một số triệu chứng sau:[3].

8.1 Phù mi mắt
Phù mi mắt là một dấu hiệu đặc trưng để nhận biết nhiễm giun xoắn. Thông thường hiện tượng sưng phù bắt đầu từ vùng mí mắt, sau đó lan dần toàn bộ khuôn mặt, xuống cổ, thậm chí cả hai cánh tay. Phù mi có thể đi kèm với xuất huyết dưới giác mạc và trong võng mạc, ảnh hưởng lớn đến thị lực.
8.2 Đau và cứng cơ
Cảm giác đau và căng cơ cũng rất thường gặp, nhất là sau khi thực hiện các hoạt động như nhai, nuốt, di chuyển, ăn uống. Do các ấu trùng thường cư trú tại cơ nhai, cơ hoành, cơ vận động. Các cơn đau kéo dài âm ỉ, tăng khi vận động nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
8.3 Sốt
Ban đầu, người bệnh có thể chỉ bị sốt nhẹ, nhưng sau 2–3 ngày, nhiệt độ cơ thể thường tăng cao, có thể lên tới 39–40°C, kèm theo cảm giác mệt mỏi, vã mồ hôi.
8.4 Các biến chứng về tim mạch và thần kinh
Đây là những biến chứng nguy hiểm nhất khi nhiễm giun xoắn, thường gặp ở tình trạng nặng nhiễm phải lượng lớn ấu trùng. Bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng suy cơ tim, dẫn đến tử vong chỉ sau một tuần hoặc hai tuần kể từ khi nhiễm bệnh. Sau đó một loạt các biến chứng khác xuất hiện bao gồm viêm cơ, viêm phổi, hoặc tổn thương thần kinh khác. Theo các báo cáo lâm sàng, tỷ lệ tử vong do giun xoắn dao động từ 6% đến 30%, tăng cao ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp phải một số biểu hiện toàn thân khác như tiêu chảy, ớn lạnh, khát nước kéo dài.
9 Chẩn đoán
Ngoài các triệu chứng lâm sàng, để chẩn đoán bệnh được chính xác nhất cần phải dựa vào các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm phân: Trong giai đoạn sớm của bệnh, xét nghiệm phân có thể giúp phát hiện sự hiện diện của giun xoắn trưởng thành.
- Sinh thiết cơ: các cơ khu vực bị ảnh hưởng nhiều như cơ nhai, cơ liên sườn hoặc cơ hoành, việc lấy mẫu sinh thiết tại các vùng cơ sưng giúp phát hiện các ấu trùng nằm bên trong. Tỷ lệ phát hiện được khá cao sau khoảng 6 tuần nhiễm giun.
- Chẩn đoán huyết thanh: Các kỹ thuật như ngưng kết hồng cầu gián tiếp và Xét nghiệm miễn dịch enzym (ELISA) có thể phát hiện kháng thể đặc hiệu chống lại giun xoắn trong máu người bệnh.
- Xét nghiệm máu: trong trường hợp nhiễm giun xoắn có sự gia tăng đáng kể số lượng bạch cầu ái toan.
10 Điều trị
Việc điều trị bệnh giun xoắn không chỉ cần diệt hoàn toàn ký sinh trùng mà còn cần hỗ trợ cải thiện triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh trong suốt quá trình trị liệu:[4].
10.1 Điều trị triệu chứng
Đây là phương pháp điều trị cần ưu tiên khi mới phát hiện nhiễm giun xoắn giai đoạn đầu. Vừa ngăn ngừa các triệu chứng khó chịu, đồng thời giảm nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra, một số thuốc có thể được chỉ định bởi bác sĩ như:
- Thuốc giảm đau: giúp giảm đau cơ hoặc đau đầu
- Thuốc chống dị ứng hoặc corticoid: nhằm giảm các phản ứng viêm và quá mẫn.
- Thuốc chống nôn: giúp giảm triệu chứng buồn nôn, khó chịu tiêu hóa khi cần thiết.
10.2 Điều trị đặc hiệu
Đây là phương pháp giúp tiêu diệt hoàn toàn ấu trùng giun ký sinh trong cơ thể, một số loại thuốc có thể được chỉ định như:
- Albendazole (Zentel)
- Mebendazole (Fugarca)
- Praziquantel ( Distocide)
Lưu ý sử dụng các loại thuốc điều trị giun xoắn cần tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng hướng dẫn, phác đồ và thời gian điều trị được bác sĩ chỉ định.


65.000₫Còn hàng
Công ty đăng ký | Glaxo Smith Kline |
Số đăng ký | GC-0182-12 |
Dạng bào chế | Viên nén bao phim |
Quy cách đóng gói | Hộp 1 vỉ x 2 viên |
Mã sản phẩm | a869 |
11 Phòng bệnh
Bệnh giun xoắn lây qua đường tiêu hoá, nên biện pháp phòng bệnh là yếu tố then chốt bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và cá nhân:
- Ăn chín, uống sôi: Tuyệt đối không ăn các món tái, sống như nem chua, tiết canh, lòng trần, gỏi sống, do đây là nguồn lây nhiễm phổ biến.
- Kiểm soát và kiểm dịch thực phẩm: Không sử dụng thịt từ những con vật đã chết, nghi mắc bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, mua thịt từ các cơ sở uy tín, có dấu kiểm định.
- Vệ sinh cá nhân: Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi chế biến thịt sống, trước khi ăn uống.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm: Để riêng biệt các dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín, không để thịt sống tiếp xúc với đồ ăn đã nấu.
- Tuyên truyền và giáo dục cộng đồng: Các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng có tập tục ăn uống truyền thống như ăn sống, ăn tái… cần được tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh giun xoắn và cách phòng ngừa.
12 Kết luận
Bệnh giun xoắn là một bệnh ký sinh trùng nguy hiểm, dù bệnh không lây từ người sang người, nhưng lại dễ dàng lan truyền qua con đường ăn uống, và có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, việc nâng cao ý thức phòng bệnh bằng cách ăn chín, uống sôi, lựa chọn thực phẩm an toàn và tuân thủ quy định kiểm dịch là vô cùng cần thiết
Tài liệu tham khảo
- ^ Chuyên gia CDC (ngày đăng 7 tháng 6 năm 2024) Trichinellosis. Truy cập ngày 24 tháng 2 năm 2025
- ^ Tác giả Makedonka Mitreva and Douglas P. Jasmer (ngày đăng 23 tháng 11 năm 2006) Biology and genome of Trichinella spiralis. NIH. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2025
- ^ Tác giả Prashanth Rawla; Sandeep Sharma (ngày cập nhật 1 tháng 8 năm 2023) Trichinella spiralis Infection. NIH. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2025
- ^ Chuyên gia CDC (ngày đăng 21 tháng 3 năm 2024) Clinical Care of Trichinellosis. CDC. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2025