1. Trang chủ
  2. Truyền Nhiễm
  3. Giun móc (Ancylostoma) gây ra bệnh gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng ngừa lây nhiễm

Giun móc (Ancylostoma) gây ra bệnh gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng ngừa lây nhiễm

Giun móc (Ancylostoma) gây ra bệnh gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng ngừa lây nhiễm

1 Bệnh giun móc là gì?

Bệnh giun móc là một bệnh nhiễm ký sinh trùng do loài giun tròn gây ra, chúng hút máu và dinh dưỡng trong cơ thể người bằng cách sử dụng hai đầu có móc để bám chặt vào niêm mạc ruột. 

Mỗi con giun móc hút trung bình khoảng 0,2 đến 0,34 ml máu mỗi ngày, vì vậy khi tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến thiếu máu mạn tính. Ngoài ra các triệu chứng khác khi bị nhiễm như phát ban, ngứa ngáy, rối loạn hô hấp, rối loạn tiêu hoá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ nếu không được điều trị kịp thời. [1].

Tác nhân gây bệnh giun móc chủ yếu từ hai loài Ancylostoma duodenale và Necator americanus. Ngoài ra một số loài giun móc ký sinh ở chó/mèo như Ancylostoma caninum, áu trùng của chúng cũng có thể xâm nhập vào cơ thể người và phát triển trong ruột gây viêm ruột và tăng bạch cầu ái toan, nhưng chúng không phát triển thành giun trưởng thành và sinh sản được.

Mọi đối tượng đều có thể nhiễm giun móc, đặc biệt trẻ em độ tuổi đi học thường dễ nhiễm bệnh hơn do thói quen sinh hoạt và vui chơi. Nhiễm giun móc gây thiếu máu và thiết hụt protein nghiêm trọng, nếu trẻ nhỏ bị nhiễm nhiều lần và kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về cả trí tuệ và khả năng học tập của trẻ.

2 Hình thể giun

2.1 Hình ảnh giun

Giun móc trưởng thành có màu trắng sữa, thân hình mảnh, nhỏ, miệng có răng chắc nhọn có thể bám chặt và lớp niêm mạc ruột của cơ thể để hút máu và dinh dưỡng. Đặc điểm cụ thể của 2 loài giun móc phổ biến:

  • Giun Ancylostoma duodenale: kích thước tương đối lớn hơn các loài khác với chiều dài từ 7mm-11mm ở con đực và con cái thường dài hơn. Tuổi thọ trung bình của giun cái khoảng 6 năm, mỗi ngày chúng có thể đẻ được 10 nghìn đến 35 nghìn trứng. Phần đuôi của con cái có dạng cùn, đây là dấu hiệu để phân biệt giới tính của chúng.
  • Giun Necator americanus: kích thước thường nhỏ hơn so với loài Ancylostoma duodenale, tuổi thọ của giun cái kéo dài từ 5-15 năm và mỗi ngày chúng có thể đẻ từ 5 nghìn đến 20 nghìn trứng.
Hình ảnh các loài giun móc phổ biến
Hình ảnh các loài giun móc phổ biến

2.2 Trứng giun dưới kính hiển vi

Trứng giun móc có hình bầu dục, trong suốt, lớp vỏ ngoài mỏng, chiều dài khoảng 60 đến 70 micromet. Dưới đây là hình ảnh trứng dưới kính hiển vi:

Hình ảnh trứng giun móc
Hình ảnh trứng giun móc

3 Phân bố

Ước tính tới nay trên thế giới có khoảng 740 triệu ca mắc bệnh giun móc, trong đó phổ biến nhất ở các nước thuộc khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt là ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, khí hậu nóng ẩm, chất lượng cuộc sống thấp, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất. Người dân khu vực nông thôn, khu vực sản xuất nông nghiệp, trồng trọt thường có tỷ lệ mắc cao hơn so với người sống khu vực đô thị.[2].

Về mặt địa lý, hai loài phổ biến nhất là Necator americanus và Ancylostoma duodenale được tìm thấy tại nhiều khu vực ở Châu Phi, Châu Á, Úc và Châu Mỹ. Tại Nam Ấn Độ tìm thấy chủ yếu là loài giun móc Necator americanus, còn khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Bắc Ấn Độ chỉ có loài giun móc A. duodenale.

Ở nước ta, tỷ lệ nhiễm giun móc có sự khác biệt giữa các vùng miền. Khu vực ở miền Bắc có tỷ lệ nhiễm cao từ 70-80% là các tỉnh vùng đồng bằng không ngập nước, nơi chuyên canh các loại cây ăn trái, hoa màu do sử dụng phân bón trong trồng trọt. Trong khi đó, các khu vực trồng lúa ngập nước hoặc miền núi lại ghi nhận tỷ lệ nhiễm thấp hơn đáng kể. Ở miền Nam, tỷ lệ nhiễm dao động từ 10% đến 50%, đặc biệt cao ở những khu vực canh tác nương rẫy, trồng cây công nghiệp.

4 Giun móc lây qua đường nào?

Nguồn truyền nhiễm chính của giun móc là đất nhiễm ấu trùng giun móc, do chúng được thải ra ngoài theo phân sau đó lây nhiễm vào đất, nở thành ấu trùng trong điều kiện thích hợp và có thể sống sót kéo dài từ 3-4 tuần. Một số phương thức lây truyền chính của giun móc: 

Ấu trùng giun móc có thể chui qua da
Ấu trùng giun móc có thể chui qua da
  • Qua da: khi da tiếp xúc trực tiếp với đất bị nhiễm giun móc do đi chân đất, nghịch đất, đào đất mà không có đồ bảo hộ.
  • Đường ăn uống: ấu trùng cũng có thể xâm nhập thông qua đường miệng, nếu ăn các loại ra xanh, trái cây được bón phân có nhiễm ấu trùng mà không được rửa sạch đúng cách có thể nhiễm bệnh.
  • Nhiễm giun móc từ động vật: giun móc có thể ký sinh trong chó, mèo, một số loài động vật nên chúng có thể xâm nhập qua da người hoặc qua đường miệng nếu chưa chế biến thực phẩm chín.

5 Chu kỳ phát triển

Vòng đời của giun móc được phát triển qua các giai đoạn:[3].

Vòng đời của giun móc
Vòng đời của giun móc

Chú thích các giai đoạn phát triển của giun móc:

Giai đoạnQuá trình phát triển
1Trứng được thải ra trong phân.
2Trong điều kiện thuận lợi (ẩm, ấm, bóng râm), ấu trùng nở trong 1 đến 2 ngày và sống tự do trong đất bị ô nhiễm. Những ấu trùng rhabditiform được giải phóng này phát triển trong phân và/hoặc đất.
3Sau 5 đến 10 ngày (và hai lần lột xác), chúng trở thành ấu trùng dạng sợi (giai đoạn thứ ba) có khả năng gây nhiễm. 
4Những ấu trùng gây nhiễm này có thể sống sót trong 3 đến 4 tuần trong điều kiện môi trường thuận lợi. Khi tiếp xúc với vật chủ là người, ấu trùng xâm nhập vào da và vào máu mạch máu đến tim và sau đó đến phổi. 
5Ấu trùng đến hỗng tràng của ruột non, nơi chúng cư trú và trưởng thành thành giun trưởng thành. Giun trưởng thành sống trong lòng ruột non, thường là hỗng tràng xa, nơi chúng bám vào thành ruột và gây mất máu cho vật chủ.

6 Biểu hiện rõ nhất khi nhiễm giun móc

Các biểu hiện lâm sàng khi bị nhiễm giun móc có thể chia thành 3 giai đoạn chính:

6.1 Giai đoạn ấu trùng xuyên qua da

Ngứa tại vị trí ấu trùng xâm nhập là biểu hiện đầu tiên xuất hiện, mức độ ngứa của mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào số lượng ấu trùng chui qua da. Ngứa dai dẳng và kéo dài gây khó chịu cho người bệnh, nên hạn chế gãi nhiều vì có thể gây trầy xước và bội nhiễm vi khuẩn trên da. Các tổn thương trên da thường là mụn nước nhỏ hoặc nốt sần đỏ trên da ngón tay, ngón chân hoặc mu bàn chân. 

6.2 Giai đoạn ấu trùng di chuyển qua phổi

Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể xuất hiện các biểu hiện như ho, khó thở, khò khè, dễ nhầm lẫn với hen suyễn hoặc viêm phế quản. Một số trường hợp còn có hội chứng Loeffler tương tự với nhiễm giun đũa, do tăng bạch cầu ái toan.

6.3 Giai đoạn ký sinh ở ruột non

Giun móc ký sinh tại ruột, bám vào thành và hút máu nên gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hoá, buồn nôn, đau bụng âm ỉ, cơ thể mệt mỏi, xanh xao, thiếu máu, thậm chí tử vong trong một số trường hợp nặng ở trẻ nhỏ. Sự mất máu này không chỉ do hút máu trực tiếp mà còn do giun tiết ra các chất chống đông tại nơi bám, làm chảy máu kéo dài. Những tình trạng nhiễm giun mạn tính sẽ gây ra thiếu máu, thiếu sắt, phù chân, bóng tim to, chậm phát triển thể chất và trí não.

7 Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ khai thác tiền sử và các dấu hiệu lâm sàng của người bệnh nhằm đánh giá nguy cơ tiếp xúc với môi trường đất ô nhiễm, thói quen ăn uống, sinh hoạt để có định hướng thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn.

Một số xét nghiệm cận lâm sàng có thể được chỉ định thêm như:

  • Xét nghiệm phân: phương pháp này nhằm tìm trứng giun móc trong phân của bệnh nhân bằng cách soi dưới kính hiển vi.
  • Xét nghiệm công thức máu: phương pháp này nhằm đánh giá nguy cơ thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc và tăng bạch cầu ái toan khi nhiễm giun móc.

8 Điều trị

Việc điều trị cần kết hợp giữa diệt giun và bổ sung Sắt để bù đắp lượng sắt đã mất, đồng thời cải thiện chế độ dinh dưỡng nhằm phục hồi sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân. Một số phác đồ điều trị được cân nhắc chỉ định bởi bác sĩ bao gồm: [4].

Thuốc Albendazol điều trị giun móc
Thuốc Albendazol điều trị giun móc

8.1 Thuốc tẩy giun Albendazol (Zentel)

Liều dùng khuyến cáo ở trẻ em trên 2 tuổi là 400mg mỗi ngày x 3 ngày và uống sau ăn.

Liều dùng khuyến cáo ở người trưởng thành là 400mg mỗi ngày x 3 -7 ngày, tuỳ mức độ nhiễm bệnh và uống sau ăn.

Lưu ý thuốc không sử dụng cho đối tượng có tiền sử độc tuỷ xương, phụ nữ mang thai hoặc bà mẹ đang cho con bú, hay người dị ứng với các thành phần của thuốc.

Zentel 200mg
thuocdietgiunsanzentel200mg Q6166 130x130Xem tất cả ảnh
Zentel 200mg

65.000Còn hàng

Công ty đăng kýGlaxo Smith Kline
Số đăng kýGC-0182-12
Dạng bào chếViên nén bao phim
Quy cách đóng góiHộp 1 vỉ x 2 viên
Mã sản phẩma869

8.2 Thuốc ivermectin (Pizar)

Thuốc được khuyến cáo dùng cho trẻ trên 15kg và người lớn với liều theo cân nặng là 0,2 mg/kg, uống một liều duy nhất vào buổi sáng, nên cách bữa ăn khoảng 2 giờ.

Lưu ý khi không dùng thuốc cho bệnh nhân đang bị bệnh có kèm rối loạn hàng rào máu não, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, phụ nữ cho con bú, trẻ dưới 15kg hoặc người mẫn cảm với bất cứ thành phần nào bên trong thuốc.

9 Tác hại

Bệnh giun móc gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời:

  • Thiếu máu do thiếu sắt: giun móc trưởng thành bám vào niêm mạc ruột và hút máu liên tục dẫn đến tình trạng thiếu máu nhược sắc, hồng cầu nhỏ.
  • Mất protein: Tổn thương niêm mạc ruột kéo dài gây mất protein qua Đường tiêu hóa, có thể khiến người bệnh phù nhẹ do thiếu protein huyết tương, đồng thời suy nhược, gầy yếu, dễ mắc nhiễm trùng cơ hội do hệ miễn dịch suy giảm.
  • Tổn thương da: viêm da do ấu trùng xuyên qua da, nếu gãi nhiều do ngứa dữ dọi có thể gây trầy xước và nhiễm trùng thứ phát.
  • Tổn thương đường hô hấp: nguy cơ viêm phổi, khó thở, nổi mề đay toàn thân, hội chứng Loeffler khi giun di chuyển đến phổi.
  • Rối loạn tiêu hoá: Giun móc gây tổn thương niêm mạc ruột, dẫn đến đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, phân có thể lẫn máu trong trường hợp nặng.
  • Rối loạn thần kinh và tâm thần: hoa mắt, chóng mặt, mất tập trung, trẻ nhỏ học kém, chậm phát triển trí tuệ do thiếu máu, protein trầm trọng.
  • Tử vong: trong trường hợp suy nhược nặng hoặc suy tim do thiếu máu có thể gây tử vong, các đối tượng nguy cơ cao là trẻ em và người suy dinh dưỡng.

10 Biện pháp phòng ngừa nhiễm giun móc

Để phòng ngừa nhiễm giun móc, dưới đây là một số biện pháp có thể tham khảo:

Tạo thói quen vệ sinh cá nhân sạch sẽ: rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh, ăn uống, không để móng tay dài tránh trứng giun bám vào móng. Mang dép hoặc giày khi đi ra ngoài, không đi chân đất, đặc biệt ở những vùng ẩm ướt, ruộng vườn, khu vực trồng trọt có sử dụng phân bón.

Vệ sinh môi trường: sử dụng nhà vệ sinh đảm bảo an toàn vệ sinh, không phóng uế bừa bãi trên đất hoặc xuống nước sông suối, vì nguy cơ lây lan trứng giun. 

Phòng ngừa trong sản xuất nông nghiệp: mang dụng cụ bảo hộ lao động như găng tay, ủng khi làm vườn, cày bừa, nhặt cỏ. Tuyệt đối không cho trẻ nhỏ nghịch đất vì nguy cơ lây ấu trùng giun qua da.

Đảm bảo ăn chín, uống sôi: rửa sạch rau củ, trái cây trước khi ăn, tốt nhất ngâm với nước muối đúng tiêu chuẩn nếu ăn sống, ưu tiên nấu chín thực phẩm để tiêu diệt hoàn toàn trứng và ấu trùng giun nếu có.

Tẩy giun định kỳ: tẩy giun cho toàn bộ gia đình mỗi 6 tháng/lần, đặc biệt là trẻ nhỏ độ tuổi đi học, và sử dụng các thuốc được khuyến cáo của Bộ Y tế như Albendazole 400mg.

Tuyên truyền và giáo dục sức khoẻ: nâng cao ý thức của cộng đồng về tác hại và cách phòng bệnh giun móc, các nội dung về phòng chống giun sán nên được đưa vào trường học, các khu vực vùng núi cao, nông thôn.

Tẩy giun chó mèo: nếu nuôi chó mèo cần thực hiện tẩy giun định kỳ, để tránh nguy cơ ấu trùng chui vào da.

Nâng cao hệ miễn dịch: bổ sung các thực phẩm bồi bổ cơ thể, tập thể dụng và sinh hoạt điều độ để duy trì sức khỏe tốt nhất.

11 Một số câu hỏi khác thường gặp

11.1 Thức ăn của giun móc là gì?

Thức ăn của giun móc chủ yếu là máu của vật chủ, có thể người hoặc động vật, ngoài ra chúng cũng có thể hấp thu một lượng nhỏ các dịch ruột chứa dinh dưỡng.

11.2 Sau khi uống thuốc tẩy giun, bao lâu thì giun móc chết?

Tuỳ vào loại thuốc sử dụng và hàm lượng thuốc, thời gian giun chết có thể từ 1-3 ngày. Xác giun sẽ được đào thải qua phân và cần xét nghiệm phân lại sau 2 tuần để xác định chính xác đã diệt hết giun. Nên ăn uống thực phẩm dễ tiêu, uống nhiều nước trong 1-2 ngày đầu sau uống thuốc để thuốc hấp thu và phát huy hiệu quả tốt hơn.

12 Kết luận

Bệnh giun móc là một trong những bệnh ký sinh trùng phổ biến tại khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, và bệnh gây ra nhiều hệ lụy với sức khoẻ nếu không điều trị kịp thời. Tuyên truyền và giáo dục mọi người nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân, cải thiện điều kiện môi trường sống, tẩy giun định kỳ và đảm bảo an toàn thực phẩm là những giải pháp hiệu quả, đơn giản nhưng mang lại lợi ích lâu dài.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả Simon Brooker, Jeffrey Bethony, Peter J. Hotez (Ngày đăng năm 2004) Human Hookworm Infection in the 21st Century. Sciencedirect. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2025
  2. ^ Tác giả Richard Bungiro 1, Michael Cappello (Ngày đăng tháng 10 năm 2024) Hookworm infection: new developments and prospects for control. Pubmed. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2025
  3. ^ Chuyên gia CDC (ngày đăng 17 tháng 9 năm 2019) Hookworm (Intestinal). CDC. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2025
  4. ^ Chuyên gia CDC (Ngày đăng 21 tháng 2 năm 2024) Clinical Care of Zoonotic Hookworm. CDC. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2025

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      0927.42.6789