1. Trang chủ
  2. Truyền Nhiễm
  3. Bệnh giun kim (Enterobius vermicularis) lây qua đường nào? Cách điều trị ở người lớn và trẻ em

Bệnh giun kim (Enterobius vermicularis) lây qua đường nào? Cách điều trị ở người lớn và trẻ em

Bệnh giun kim (Enterobius vermicularis) lây qua đường nào? Cách điều trị ở người lớn và trẻ em

1 Bệnh giun kim là gì?

Bệnh giun kim là một loại nhiễm ký sinh trùng đường ruột phổ biến, do giun kim có tên khoa học là Enterobius vermicularis.  Chúng có hình dạng giống sợi chỉ nhỏ, với chiều dài khoảng 8-13mm ở giun cái và 2-5mm ở giun đực. Giun kim chủ yếu ký sinh ở ruột non và ruột già, sau đó di chuyển ra hậu môn đẻ trứng và gây ra các triệu chứng điển hình như ngứa hậu môn, khó ngủ.[1].

Bệnh có ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt những khu vực vệ sinh không đảm bảo, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất nhưng người lớn cũng có thể mắc. Ở nước ta, tỷ lệ nhiễm giun kim dao động từ 18,5% đến 47%, trẻ nhỏ độ tuổi từ 1-5 chiếm phần lớn, đa số các trẻ em ở nông thôn, sống trong môi trường tập thể có tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn. 

Bệnh giun kim phổ biến ở trẻ nhỏ
Bệnh giun kim phổ biến ở trẻ nhỏ

2 Đặc điểm hình thể

Giun kim có kích thước tương đối nhỏ, thân có màu trắng đục như sợi chỉ nên có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Cấu trúc đầu giun hơi phình to, xung quanh miệng có 3 môi nhỏ thụt vào trong, cấu tạo này sẽ giúp chúng bám vào niêm mạc ruột của vật chủ chắc chắn hơn. Dọc hai bên thân của giun kim có khía của 2 mép chạy dọc theo hình lăng trụ do sự dày lên của lớp vỏ ngoài. Đặc điểm này giúp nhận biết dễ dàng giun kim khi soi dưới tiêu bản cắt ngang.

Về hình thái, giun đực có kích thước ngắn hơn giun cái và phần đuôi cong đặc trưng giống lưỡi câu và có chứa gai giao phối. Con cái có kích thước lớn hơn đáng kể và thân to, đuôi thẳng thon nhọn.

Trứng giun có hình bầu dục, vỏ trơn nhẵn và bị lép ở một đầu-đây là đặc điểm để phân biệt với các loại ký sinh trùng khác. Kích thước trứng có chiều dài khoảng 50–60 micromet về chiều dài và 30–32 micromet về chiều ngang. Ngay sau khi được đẻ ra, trứng thường đã có sẵn ấu trùng bên trong, do đó giun kim dễ lây lan và tái nhiễm trong cộng đồng.

3 Hình ảnh giun kim và trứng giun kim

3.1 Hình ảnh giun kim ở trẻ em

Hình ảnh giun kim
Hình ảnh giun kim

3.2 Hình ảnh trứng giun

Hình ảnh trứng giun kim
Hình ảnh trứng giun kim

4 Phương thức lây truyền

Có nhiều phương thức nhiễm giun kim, một số con đường thường gặp như:

  • Người bệnh cảm thấy ngứa vùng hậu môn, thường vào ban đêm, sau đó vô thức gãi và tay dính phải trứng giun. Nếu không rửa tay sạch sẽ, trứng giun sẽ theo đường tiêu hoá và đi vào cơ thể người. Phương thức lây truyền này thường gặp nhất ở trẻ nhỏ.[2].
  • Trứng giun phát tán trong không khí, bám vào các hạt bụi nhỏ, và nếu hít phải hạt bụi này sẽ bị nhiễm giun. 
  • Trứng giun có thể tồn tại trên mọi đồ vật, bề mặt các các vật dụng sinh hoạt hằng ngày như chăn, chiếu, đồ chơi của người bệnh. Vì vậy bệnh giun kim thường có phạm vi lây lan trong môi trường tập thể như nhà trẻ, khu nội trú.

5 Chu kỳ phát triển

Hình ảnh về vòng đời của giun kim trong môi trường và cơ thể người:[3].

Vòng đời phát triển của giun kim
Vòng đời phát triển của giun kim

Chú thích các giai đoạn phát triển của giun kim:

Giai đoạnChu kỳ phát triển
1Con cái trưởng thành có thai Enterobius vermicularis đẻ trứng ở các nếp gấp quanh hậu môn.
2Nhiễm trứng vào miệng bằng tay đã gãi vùng quanh hậu môn hoặc thông qua tiếp xúc với trứng trong môi trường (ví dụ như bề mặt bị ô nhiễm, quần áo, khăn trải giường,).
3Sau khi ăn phải trứng nhiễm trùng, ấu trùng nở trong ruột non.
4Con trưởng thành định cư trong ruột, thường là ở manh tràng. 
5Khoảng thời gian từ khi ăn phải trứng nhiễm trùng đến khi con cái trưởng thành đẻ trứng là khoảng một tháng. Con cái có thai di chuyển ra ngoài hậu môn vào ban đêm và đẻ trứng trong trên da vùng quanh hậu môn.

6 Triệu chứng

Đa số nhiễm giun kim thường sẽ không có triệu chứng lâm sàng ở người lớn và trẻ em khi số lượng nhiễm thấp. Nhưng nếu giun phát triển ngày càng nhiều, sẽ gặp một số biểu hiện cụ thể như:[4].

6.1 Ngứa hậu môn

Ngứa quanh hậu môn là triệu chứng phổ biến nhất, thường xảy ra vào ban đêm do đây là thời gian giun hoạt động mạnh nhất trong ngày. Thời điểm này, giun cái sẽ di chuyển ra ngoài các nếp gấp hậu môn đẻ trứng, làm người bệnh ngứa ngáy dữ dội. 

6.2 Bồn chồn và khó ngủ

Trẻ bị nhiễm giun kim có thể gặp các triệu chứng liên quan đến kích thích thần kinh như khó ngủ, bồn chồn, trẻ nhỏ sẽ quấy khóc về đêm. Nếu không điều trị sớm, số lượng giun nhiều sẽ dẫn đến mê sảng, động kinh. Ngoài ra do ngứa ngáy và ban đêm khiến trẻ tỉnh giấc, trằn trọc, ngủ không yên giấc.

Triệu chứng nhiễm giun kim
Triệu chứng nhiễm giun kim

6.3 Rối loạn tiêu hoá

Một số người có thể bị đau bụng nhẹ, buồn nôn, ăn kém, đầy hơi, hoặc tiêu chảy nhẹ, tuy nhiên triệu chứng không phổ biến như ngứa quanh hậu môn. Nếu nhiễm kéo dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, trẻ nhỏ chậm lớn do không hấp thu đủ dinh dưỡng.

6.4 Viêm nhiễm bộ phận sinh dục nữ

Ở bé gái, nếu giun kim ở hậu môn di chuyển sang âm đạo rồi vào tử cung và buồng trứng có thể gây viêm nhiễm, ngứa và ra khí hư hoặc tiểu buốt. 

6.5 Nhìn thấy giun trong phân và quanh hậu môn

Giun kim trưởng thành có thể nhìn thấy bằng mắt thường, màu trắng, nhỏ như sợi chỉ, dài khoảng 1cm. Chúng có ở trong phân, quanh hậu môn hoặc trên giường.

7 Chẩn đoán

Ở trẻ em việc chẩn đoán giun kim thường chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng đặc trưng như ngứa hậu môn về đêm, tìm thấy giun tại hậu môn.

Biện pháp xét nghiệm phân để tìm trứng giun như các loài ký sinh trùng khác thường không mang lại hiệu quả chẩn đoán cao, do trứng được đẻ ở bên ngoài ống tiêu hoá. Để có chẩn đoán chính xác nhất nên áp dụng một trong số các kỹ thuật sau:

  • Phương pháp Graham: cách làm đơn giản nhưng mang lại hiệu quả khá cao, người làm chỉ cần dùng một miếng băng keo trong có dán sẵn gôm Arabic dán trực tiếp vào hậu môn trẻ vào buổi tối. Sau đó, sáng mai sẽ lấy miếng băng kéo và áp lên phiến kính sạch rồi soi dưới kính hiển vi để tìm trứng giun.
  • Phương pháp giấy bóng kính của Đặng Văn Ngữ: sử dụng một mảnh giấy bóng kính kích thước khoảng 22 x 32mm, được phết một lớp hồ dính. Trước khi sử dụng, lớp hồ được làm mềm bằng cách thấm nhẹ nước, sau đó dùng giấy này lau kỹ vùng hậu môn của trẻ. Sau đó, dán lên phiến kính và soi dưới kính hiển vi.
  • Phương pháp Scriabin: sử dụng tăm bông vô trùng được làm ẩm bằng nước muối sinh lý, sau đó dùng chúng quệt vào các nếp gấp khu vực xung quanh hậu môn. Sau đó, tăm bông được rửa trong Dung dịch nước muối và ly tâm để thu cặn lắng. Cặn này sẽ được làm tiêu bản để soi kính hiển vi tìm trứng.

8 Thuốc điều trị

Các thuốc điều trị giun kim có hiệu quả cao khi dùng đúng liều, dưới đây là các thuốc thường được chỉ định bởi bác sĩ:

  • Mebendazole (Vermox, Fugacar): người lớn và trẻ em trên 1 tuổi dùng liều uống duy nhất 1 viên 500mg. 
  • Albendazole (Zentel): trẻ em từ 1-2 tuổi dùng liều 200mg x 1 lần duy nhất, người lớn và trẻ trên 2 tuổi uống liều 400mg x 1 lần duy nhất.

Cách dùng: Có thể uống bất cứ thời điểm nào trong ngày, người dùng không cần nhịn ăn trước đó. Nên nhai viên thuốc trước khi uống, với trẻ nhỏ nên nghiền viên thuốc rồi pha với nước. 

Lưu ý khi điều trị:

  • Cần điều trị cho toàn bộ người trong gia đình, kể cả khi không có triệu chứng.
  • Kết hợp với vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường sạch sẽ để ngăn tái nhiễm.
  • Phụ nữ mang thai và trẻ dưới 1 tuổi cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc tẩy giun.

Fugacar
fugacar 1 E1382 130x130Xem tất cả ảnh
Fugacar

20.000Còn hàng

Công ty đăng kýJanssen Cilag Ltd.
Số đăng kýVN-11118-10
Dạng bào chếViên nén
Quy cách đóng góiHộp 1 viên
Mã sản phẩma363

9 Tác hại của giun kim

Một số tác hại gặp phải nếu nhiễm giun kim:

  • Gây ngứa ngáy và mất ngủ: Khi giun cái bò ra ngoài hậu môn vào ban đêm để đẻ trứng, chúng gây cảm giác ngứa dữ dội, khiến người bệnh mệt mỏi, cáu gắt.
  • Suy giảm dinh dưỡng, chán ăn, sút cân: Giun ký sinh trong ruột sẽ hấp thụ một phần chất dinh dưỡng từ thức ăn, khiến trẻ nhỏ chậm lớn, kém ăn, mệt mỏi, da xanh xao.
  • Gây rối loạn tiêu hóa: có thể gặp tình trạng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc chướng bụng, thậm chí viêm ruột thừa nếu giun xâm nhập vào bộ phận này.

10 Cách bắt giun kim tại nhà

10.1 Bắt giun kim ở hậu môn bằng nước ấm

Đây là cách bắt giun kim thủ công, khá đơn giản tại nhà giúp loại bỏ giun trực tiếp, giảm sự khó chịu cho bé. Cách thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị nước muối ấm: Đầu tiên, bố mẹ cần pha một chậu nước muối loãng với nhiệt độ vừa phải, đảm bảo nước không quá nóng để tránh làm tổn thương da nhạy cảm của trẻ, nên để ở nhiệt độ tương đương với nhiệt độ cơ thể.
  • Ngâm hậu môn bé: Đặt trẻ ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái và cho vùng hậu môn của bé ngâm trong nước muối ấm từ khoảng 5 đến 7 phút.
  • Soi và lấy giun: Sau khi ngâm, dùng khăn mềm, sạch nhẹ nhàng lau khô vùng hậu môn cho bé. Đặt bé nằm sấp và bố mẹ từ từ vạch hai bên mông để lộ rõ vùng hậu môn. Dùng đèn pin soi và bắt giun, có thể dùng một tăm bông ngoáy tai tẩm nước muối và lấy giun ra khỏi hậu môn.

Lưu ý trước và sau khi bắt giun, bố mẹ cần rửa tay sạch bằng xà phòng để đảm bảo vệ sinh. Đây chỉ là cách hỗ trợ điều trị giun, không thay thế thuốc tẩy giun, cần đưa trẻ đi khám để được tư vấn dùng thuốc điều trị phù hợp và an toàn theo chỉ định của bác sĩ.

10.2 Dùng lá trầu không 

Trầu Không nổi tiếng với tính kháng khuẩn, kháng nấm tự nhiên, thường được sử dụng trong các bài thuốc dân gian để vệ sinh và làm sạch da. Do đó việc sử dụng hỗ trợ trong điều trị giun kim cũng đem lại hiệu quả.

Cách thực hiện: 

  • Lấy từ 2 đến 3 lá trầu không tươi, rửa sạch kỹ để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất.
  • Giã nát hoặc vò nhẹ lá, sau đó cho vào chén nước sôi cùng với một ít phèn chua.
  • Đợi cho nước nguội bớt rồi dùng dung dịch này để rửa nhẹ nhàng vùng hậu môn cho trẻ hoặc người bệnh.
  • Thực hiện 1–2 lần/ngày, giúp làm sạch trứng giun còn sót lại ở các nếp gấp quanh hậu môn và ngăn chúng phát triển tiếp.

10.3 Trị giun bằng tỏi

Tỏi có tác dụng kháng khuẩn, kháng vi rút rất tốt, nên được sử dụng như một liệu pháp bổ trợ tiêu diệt các loại giun, ký sinh trùng.

Cách thực hiện:

  • Ăn sống tỏi: Người bệnh có thể ăn trực tiếp một vài tép tỏi sống mỗi ngày. Tuy nhiên, cách này không phù hợp với trẻ nhỏ hoặc người có vấn đề về dạ dày.
  • Thêm vào bữa ăn: Dùng tỏi băm nhỏ cho vào món ăn hàng ngày cũng giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ làm sạch đường ruột.
  • Bôi tỏi ngoài da: Trộn tỏi băm nhuyễn với một lượng nhỏ Vaseline, sau đó bôi quanh vùng hậu môn. Không nên thực hiện ở người đang bị trĩ, hoặc vùng da hậu môn bị tổn thương.

11 Biện pháp phòng ngừa

Biện pháp phòng ngừa giun kim
Biện pháp phòng ngừa giun kim

Giun kim rất dễ lây lan, do đó việc phòng ngừa đóng vai trò quan trong, dưới đây là một số biện pháp có thể thực hiện:

  • Tẩy giun định kỳ: uống thuốc tẩy giun mỗi năm 2 lần (nên vào ngày 1/ 6 và ngày 6/ 1), kể cả khi không có triệu chứng.
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, cắt móng tay ngắn, tắm rửa hàng ngày để loại bỏ nguy cơ có trứng giun trên cơ thể.
  • Vệ sinh môi trường sống: Thay đồ lót và vệ sinh ga giường hàng ngày, sấy khô đồ ở nhiệt độ cao để diệt trứng giun. 
  • Phòng ngừa lây nhiễm trứng giun: Không cho trẻ ngậm tay, mút đồ chơi, cắn móng tay, hạn chế gãi ngứa vùng hậu môn hoặc cần rửa tay sạch khi chạm vào..
  • Tăng sức đề kháng: Uống đủ nước, cho trẻ ăn đủ chất, nhiều rau xanh, trái cây tươi.

12 Một số câu hỏi thường gặp khác

12.1 Uống thuốc tẩy giun mà vẫn còn giun phải làm sao?

Các loại thuốc tẩy giun thường chỉ tiêu diệt được giun trưởng thành, không diệt trứng giun, do đó nếu trứng có thể nở và phát triển lại, ngoài ra không thực hiện vệ sinh sạch sẽ cũng làm tái nhiễm giun nhanh chóng. Do đó nên uống nhắc lại thuốc tẩy giun lần thứ 2 sau 1 tháng kể từ lần đầu, hoặc theo lộ trình hướng dẫn của bác sĩ.

12.2 Giun kim chui vào âm hộ thì làm thế nào?

Khi giun kim xâm nhập vào cơ quan sinh dục của trẻ, có thể gây ra các triệu chứng đau, rát khi đi tiểu, đỏ tấy vùng âm hộ-âm đạo, ngứa vùng kín và ra khí hư bất thường. Thậm chí ảnh hưởng đến kinh nguyệt và chức năng sinh sản sản sau này của trẻ nếu không điều trị kịp thời.

Trong trường hợp này, cha mẹ nên đưa con đi khám tại bác sĩ ngay, không tự ý bôi thuốc hoặc đặt các loại thuốc âm đạo nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ. Thông thường, bác sĩ sẽ kiểm tra và có thể chỉ định thuốc tẩy giun uống kết hợp với thuốc vệ sinh âm đạo nếu có viêm nhiễm. 

12.3 Giun kim sống bao lâu?

Giun kim có tuổi thọ trung bình khoảng 1-2 tháng trong cơ thể, thông thường sau khi đẻ hết trứng, giun kim cái chết. 

13 Kết luận 

Bệnh giun kim rất phổ biến ở trẻ nhỏ và gây ra nhiều tác hại nếu không chữa trị sớm. Tuy nhiên bệnh không quá khó điều trị và có thể phòng tránh được nếu thực hiện các biện pháp phù hợp. Mong rằng bài viết đã cung cấp thông tin hữu ích cho người đọc về các triệu chứng nhận biết cũng như thuốc điều trị giun kim. 

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Chuyên gia CDC (ngày đăng 9 tháng 8 năm 2024) About Pinworm Infection. CDC. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2025
  2. ^ Tác giả Sebastian Wendt, Henning Trawinski và cộng sự (ngày đăng 29 tháng 3 năm 2019) The Diagnosis and Treatment of Pinworm Infection. NIH. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2025
  3. ^ Chuyên gia CDC (ngày đăng 5 tháng 8 năm 2019) Enterobiasis. CDC. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2025
  4. ^ Tác giả Prashanth Rawla; Sandeep Sharma (ngày cập nhật 1 tháng 8 năm 2023) Enterobius Vermicularis. Pubmed. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2025

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      0927.42.6789