Bệnh giun đũa (Ascaris lumbricoides) có nguy hiểm không? Nguyên nhân, triệu chứng và thuốc điều trị

1 Bệnh giun đũa là gì?
Bệnh giun đũa là một loại bệnh do sự nhiễm ký sinh trùng gọi là giun đũa (Ascaris lumbricoides) gây ra, giun ký sinh từ ấu trùng đến khi trưởng thành, sống trong đường tiêu hoá của con người. Trong thời gian đầu khi nhiễm ấu trùng giun đũa, các biểu hiện lâm sàng khá khó nhận biết, do đó đến khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn nghiêm trọng, cần điều trị cả triệu chứng và diệt giun.
Giun đũa gồm 2 cá thể đơn tính, giun đũa đực và giun đũa cái. Khi giun đũa cái đẻ trứng, trứng rơi xuống đất, và khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển thành ấu trùng trong khoảng 2 tuần. Sau đó chúng tiếp tục vòng tuần hoàn phát triển thành giun trưởng thành rồi đẻ trứng. Tuy nhiên ở nhiệt độ trên 60 độ C, trứng giun sẽ bị tiêu diệt.

Bệnh giun đũa khá phổ biến trên toàn cầu, dễ mắc phải hơn so với các loại ký sinh trùng khác, đặc biệt đối tượng trẻ nhỏ sống tại các vùng nhiệt đới, khí hậu ẩm ướt, môi trường sống chất lượng kém có tỷ lệ mắc cao hơn. Cho đến nay, ước tính có khoảng hơn 1 tỷ người đã mắc bệnh giun đũa, tỷ lệ cao nhất tìm thấy tại các quốc gia có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, môi trường sống ô nhiễm, thói quen vệ sinh kém. [1].
Tại nước ta, các tỉnh phía bắc có số ca nhiễm cao hơn các tỉnh phía Nam, vùng đồng bằng cao hơn so với khu vực vùng cao và trẻ sống ở nông thôn nhiễm bệnh nhiều hơn so với trẻ ở đô thị.
2 Đặc điểm hình thể
Giun đũa có hình dạng tương tự như chiếc đũa ăn cơm, nên dễ dàng nhận biết được bằng mắt thường. Chiều dài giun thường từ 15cm-35cm, thân hình màu trắng sữa hoặc vàng nhạt. Cấu trúc cơ thể gồm 3 thành phần chính với đầu giun có miệng rộng, thân giun thẳng và đều và đuôi giun đũa thường nhỏ gọn hơn.
Hầu hết trứng giun đũa có dạng bầu dục hoặc hình cầu, vỏ trứng màu trắng trong, được cấu tạo bởi nhiều lớp Albumin dày và mịn, xếp lớp hình đồng tâm. Cấu trúc chắc chắn của lớp vỏ giúp trứng giun đũa sống lâu hơn ngoài môi trường, tránh được các yếu tố tác hại hoá học hoặc vật lý. Trứng giun có thể chia làm 3 loại chính là trứng chắc, trứng lép và trứng không vỏ, cụ thể:
- Trứng chắc: là những trứng đã được thụ tinh, có kích thước từ 50 đến 75 µm chiều dài và từ 45 đến 60 µm chiều rộng, có lớp albumin dày và đều.
- Trứng lép: là những trứng không thụ tinh, có kích thước lớn hơn so với trứng chắc (từ 88 đến 94 µm chiều dài và từ 39 đến 44 µm chiều rộng), vỏ albumin mỏng hơn và không đồng đều.
- Trứng không vỏ: là những trứng mà vỏ bị mất lớp albumin, trở nên trơn tru.
Các loại hóa chất diệt ký sinh trùng ngoài môi trường như chlor 2% và formol 2% rất khó tiêu diệt trứng giun đũa. Chúng có thể sống trong môi trường đất từ 5-7 năm ở điều kiện nhiệt độ trên 10 độ C và độ ẩm trên 80%.
3 Hình ảnh giun đũa và trứng giun đũa
Bên dưới là một số hình ảnh thực tế về giun đũa và trứng giun đũa:



4 Người bị nhiễm giun đũa khi nào?
Con đường lây nhiễm giun đũa chính là do tiếp xúc với trứng giun đũa và nuốt phải chúng. Giun đũa không lây trực tiếp từ người sang người, một số nguồn nhiễm chính của chúng là:
- Tiếp xúc với đất bẩn: trứng giun đũa có thể tồn tại trong môi trường đất hoặc phân của người nhiễm bệnh. Nếu tiếp xúc với đất bị nhiễm mà không rửa tay trước khi ăn có thể ăn phải trứng giun.
- Uống nước bẩn: nếu nguồn nước không được lọc an toàn, đảm bảo vệ sinh thì trứng giun đũa cũng có thể được đưa vào cơ thể khi uống nước.
- Thực phẩm chưa nấu chín: những thực phẩm ăn sống như trái cây, rau củ mà được chăm bón bởi phân bị nhiễm giun sẽ có chứa nhiều trứng giun trên bề mặt. Nếu không nấu chín hoàn toàn thì người tiêu dùng có thể bị nhiễm ký sinh trùng.
- Không vệ sinh đúng cách: nếu sau khi đi vệ sinh hay tiếp xúc với đất bẩn mà không rửa tay, có thể đưa trứng giun vào miệng khi ăn uống, chạm tay lên miệng.
5 Đối tượng nguy cơ cao
Người có nguy cơ cao bị nhiễm giun đũa thường là những người sống trong các vùng có điều kiện vệ sinh kém và tiếp xúc với đất đai bẩn hoặc nước bẩn. Dưới đây là những đối tượng có nguy cơ nhiễm ấu trùng giun đũa:
- Người sống trong vùng có dịch tễ.
- Trẻ em hay chơi đùa dưới đất, với nguồn đất ở các khu vực nông thôn hoặc vùng có điều kiện vệ sinh kém, nhiễm giun đũa từ phân người.
- Những người tiếp xúc trực tiếp với đất đai và không đảm bảo vệ sinh tay khi làm việc
- Người sống trong điều kiện vệ sinh kém, không có toilet sạch sẽ sử dụng.
- Những người uống nước lã, nước không được xử lý vệ sinh an toàn.
6 Vòng đời của giun đũa
Dưới đây là hình ảnh vòng đời phát triển của giun đũa qua các giai đoạn:[2].

Chú thích các giai đoạn phát triển của giun đũa:
Giai đoạn | Quy trình phát triển |
1 | Giun trưởng thành sống trong lòng ruột non. |
2 | Một con cái có thể đẻ khoảng 200.000 trứng mỗi ngày, được thải ra ngoài cùng với phân. |
3 | Trứng chưa thụ tinh có thể được tiêu thụ nhưng không gây nhiễm trùng. Ấu trùng phát triển thành khả năng gây nhiễm trùng bên trong trứng đã thụ tinh sau 18 ngày đến vài tuần, tùy thuộc vào điều kiện môi trường (tối ưu: đất ẩm, ấm, râm mát). |
4 | Sau khi nuốt phải trứng gây nhiễm trùng. |
5 | Ấu trùng nở ra |
6 | Xâm nhập vào niêm mạc ruột và được mang qua cửa ruột, sau đó tuần hoàn toàn thân đến phổi. |
7 | Ấu trùng trưởng thành hơn nữa trong phổi (10 đến 14 ngày), xâm nhập vào thành phế nang, đi lên cây phế quản đến cổ họng và bị nuốt vào. |
7 Triệu chứng bệnh
Triệu chứng của nhiễm giun đũa có thể biến thiên tùy theo mức độ nhiễm và sức đề kháng của cơ thể. Có thể chia các triệu chứng thành 2 giai đoạn:
7.1 Giai đoạn ấu trùng chu du
Giai đoạn ấu trùng chu du của giun đũa bắt đầu khi trứng nở thành ấu trùng tại ruột non, chúng đi qua các cơ quan khác rồi trở lại chính ruột non ký sinh và phát triển, đẻ trứng. Trong quá trình chu du này, ấu trùng có thể không gây ra biểu hiện gì nhưng cũng có thể bị lạc chỗ, di chuyển đến các cơ quan và gây ra triệu chứng bất thường.
Khi ấu trùng lạc ở phổi, người bệnh có thể gặp các triệu chứng của hội chứng Loeffler. Thông thường số lượng lạc chỗ của ấu trùng thường nhiều thì các biểu hiện sẽ rõ rệt hơn, cụ thể một số dấu hiệu nhận biết như:
- Kích thích đường hô hấp: các triệu chứng ho khan ban đầu, sau đó xuất hiện ho đờm.
- Xét nghiệm máu nhận thấy bạch cầu ái toan tăng cao, giá trị từ 14% đến 40%.
- Khi chụp X-quang phổi sẽ phát hiện các hình ảnh thâm nhiễm, ở phổi và phế quản, tương tự như bệnh lao.
- Các triệu chứng không rầm rộ và có thể giảm dần rồi tự hết từ 1-3 tuần sau đó.
- Một số người có cơ địa dị ứng có thể gặp thêm các dấu hiệu khác trên da như mẩn ngứa, ban da, nổi nốt đỏ.
Như vậy, hội chứng Loeffler nặng hay nhẹ tùy thuộc số lượng ấu trùng giun có trong phổi và tùy thuộc cơ địa mỗi người.

7.2 Giun giai đoạn trưởng thành
Sau khi ấu trùng chu du trở về ruột non, chúng sẽ phát triển thành giun trưởng thành, hút máu và dinh dưỡng tại ruột gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hoá rõ rệt, cụ thể:
- Đau quanh rốn: đặc biệt thường gặp nhất ở trẻ em, cường độ các cơn đau có thể khác nhau có thể đau râm ran, không liên tục nhưng cũng có trường hợp đau nhói, rất dữ dội.
- Tiêu chảy hoặc táo bón: ngoài đau bụng, các rối loạn tiêu hoá khác kèm theo như tiêu chảy, táo bón, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa cũng khá phổ biến. Nếu bị nhiễm giun lâu ngày, trẻ em sẽ có nguy cơ suy dinh dưỡng do giun đã ăn các chất trong ruột trước khi được hấp thu vào cơ thê.
- Tắc ruột: khi số lượng giun nhiều trong ruột, chúng bị cuộn vào nhau gây tắc ruột, lồng ruột. Những biểu hiện đau lúc này thường tăng cao và người nhiễm cần phải nhanh chóng nhập viện điều trị.
- Viêm ruột thừa, viêm tuỵ cấp: khi giun di chuyển vào các cơ quan như ruột thừa, mật gây ra những tổn thương nghiêm trọng như viêm tuỵ cấp, viêm túi mật, tắc ống mật chủ, áp xe gan…
- Ngứa hậu môn, nôn ói ra giun: dấu hiệu này thường gặp khi giun di chuyển xuống hậu môn hoặc lên dạ dày.
Ngoài các triệu chứng hô hấp và tiêu hoá, giun đũa còn tiết ra độc tố gây ra các dấu hiệu co giật, động kinh, viêm màng não.
8 Tác hại
Giun đũa sống trong ruột và gây ra nhiều tác hại cho người nhiễm bệnh, bao gồm:
- Lấy chất dinh dưỡng: Nhiễm giun đũa sử dụng các chất dinh dưỡng từ cơ thể và thức ăn để phát triển, làm cơ thể không được cung cấp đủ vitamin, khoáng chất.
- Miễn dịch bệnh lý: phản ứng của hệ miễn dịch gây ra tình trạng viêm kết mạc, nổi mề đay và lên cơn hen. Nhiễm giun đũa có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm giảm khả năng chống lại các bệnh khác.
- Các bệnh lý đường tiêu hoá: triệu chứng rối loạn tiêu hoá, tắc ruột, đặc biệt ở trẻ nhỏ gây đau đớn, suy dinh dưỡng, cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần và thể chất.
- Tổn thương cơ quan nội tạng: tất cả các cơ quan trong cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng do ấu trùng hoặc giun khi chúng di chuyển tới, gây ra các biến chứng nguy hiểm.
9 Chẩn đoán
Muốn chẩn đoán xác định bệnh giun đũa ta phải xét nghiệm gì? Dưới đây là các xét nghiệm được tiến hành để tìm ra giun và trứng giun:
9.1 Xét nghiệm phân
Xét nghiệm phân sẽ phát hiện sự có mặt của trứng giun và ấu trùng giun. Tuy nhiên trứng giun chỉ xuất hiện từ 1-3 tháng sau khi nhiễm bệnh nên có thể làm sai kết quả chẩn đoán nếu thực hiện phân tích phân trước thời gian này.
9.2 Xét nghiệm máu
Khi cơ thể có sự xâm nhập của kháng nguyên lạ như tình trạng nhiễm giun đũa sẽ gây ra tăng lượng bạch cầu ái toan. Do đó khi đánh giá sự thay đổi của số lượng bạch cầu ái toan trong xét nghiệm máu có thể giúp chẩn đoán bạn có nhiễm giun đũa hay không. Tuy nhiên phương pháp này cũng không phải chẩn đoán chính xác nhất do bạch cầu ái toan cũng tăng cao khi nhiễm các ký sinh trùng khác.
9.3 Kiểm tra hình ảnh
Bác sĩ có thể sẽ chỉ định chụp X-quang, siêu âm, chụp CT hoặc MRI, để phát hiện vị trí giun trong cơ thể. Đồng thời quan sát các phạm vi tổn thương do ký sinh trùng này gây ra.
10 Thuốc trị giun đũa
Việc điều trị giun đũa có thể sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu diệt ký sinh trùng, tuy nhiên nếu số lượng giun quá lớn gây tắc ruột hoặc giun di chuyển lên phổi thì cần thực hiện phẫu thuật. Các tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo khi dùng thuốc trị giun, cần lựa chọn các thuốc ít tác dụng phụ, an toàn và đạt hiệu quả diệt giun cao như: [3].
- Mebendazole (Fugacar): dùng liều uống 300mg/ngày x 2 ngày hoặc một liều duy nhất 500mg. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn sự hấp thu dinh dưỡng của giun từ đó khiến chúng tử vong.
- Albendazole (Zentel): dùng đường uống, liều 400mg x 1 liều duy nhất. Thuốc này có thể diệt cả giun trưởng thành và giun non.
- Ivermectin (Pizar): dùng đường uống, 100 microgam/kg đến 200 microgam/kg x một lần duy nhất. Thường sử dụng trong trường hợp nặng, khi các thuốc Mebendazole và Albendazole không hiệu quả.
- Pyrantel pamoate (Combantrin): dùng liều uống 10 mg/kg x một liều duy nhất. Thuốc gây tê liệt cơ giun, từ đó đào thải chúng dễ dàng qua đường tiêu hoá


20.000₫Còn hàng
Công ty đăng ký | Janssen Cilag Ltd. |
Số đăng ký | VN-11118-10 |
Dạng bào chế | Viên nén |
Quy cách đóng gói | Hộp 1 viên |
Mã sản phẩm | a363 |
Liệu pháp thuốc đa phần sẽ nhắm vào giun trưởng thành, do đó cần lặp lại liều điều trị từ sau 1-3 tháng, lúc này ấu trùng còn trong ruột sẽ phát triển thành giun và dễ tiêu diệt dứt điểm được bệnh.
11 Phương pháp phòng ngừa nhiễm giun đũa
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, cần lưu ý một số điểm bên dưới:
Tẩy giun định kỳ: thực hiện tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng cho bản thân và cả gia đình, để phòng ngừa giun đũa cũng như các bệnh do ký sinh trùng khác.
Vệ sinh cá nhân: tạo thói quen cho bản thân và dạy trẻ nhỏ rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với đất cát.
Nấu chín thực phẩm: không ăn thịt sống, tái, các loại hải sản sống, hoặc rau củ để tránh nguy cơ nhiễm ký sinh trùng từ các nguồn thực phẩm này.
Uống nước sạch: đảm bảo nguồn nước được khử trùng, lọc sạch sẽ hoặc đun sôi để đảm bảo các loại ấu trùng, trứng giun đã bị tiêu diệt.
Vệ sinh môi trường sống: Giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ, đặc biệt là những nơi có đất, bùn đất và rác thải có thể chứa giun đũa.
12 Kết luận
Bệnh giun đũa có thể điều trị khỏi và không gây những biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên bệnh dễ mắc phải, đặc biệt ở trẻ nhỏ, do đó nang cao nhận thức và thực hiện thói quen sống lành mạnh là điều cần thiết để bảo vệ bản thân và cộng đồng thoát khỏi căn bệnh này.
Tài liệu tham khảo
- ^ Chuyên gia CDC, (Ngày đăng 13 tháng 6 năm 2024) About Ascariasis. CDC. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2025
- ^ Chuyên gia CDC (Ngày cập nhật 19 tháng 7 năm 2019) Ascariasis. CDC. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2025
- ^ Tác giả Daniela F. de Lima Corvino; Shawn Horrall. (ngày cập nhật 17 tháng 7 năm 2023) Ascariasis.NIH. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2025