Bệnh giun đầu gai (Gnathostoma) có nguy hiểm không? Tác hại và phác đồ điều trị của Bộ Y tế

1 Bệnh giun đầu gai là gì?
Bệnh giun đầu gai (Gnathostomiasis) là một bệnh ký sinh trùng do giun đầu gai (Gnathostomas) gây ra, loài gây bệnh phổ biến nhất là Gnathostoma spinigerum. Bệnh được phát hiện nhiều ở khu vực nhiệt đới, cận nhiệt đới như Đông Nam Á, Nam Á, Trung và Nam Mỹ, một số vùng ở châu Phi.
Nguồn lây nhiễm giun đầu gai chủ yếu thông qua việc ăn phải ấu trùng giun có trong các loại thực phẩm sống, chưa chín kỹ như cá nước ngọt, lợn, ốc…Ngoài ra nguồn nước bị nhiễm ấu trùng cũng có thể là con đường gây nhiễm giun đầu gai vào cơ thể người. Đến nay, có 5 loài giun đầu gai đã được phát hiện có khả năng gây bệnh ở người, cụ thể:
- Gnathostoma spinigerum (loài thường gặp nhất tại nước ta)
- G. hispidum,
- G. doloresi,
- G. nipponicum
- G. binucleatum.

Người bị nhiễm giun đầu gai sẽ xuất hiện các triệu chứng phù dưới da đặc trưng theo từng đợt, kèm theo tăng bạch cầu ái toan. Một số ít trường hợp nghiêm trọng khi ấu trùng di chuyển vào các nội tạng cơ quan gây biến chứng nặng nề như giảm thị lực, liệt, hôn mê, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời.
2 Đối tượng nguy cơ
Bệnh có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, tuy nhiên nguy cơ cao có thể gặp ở một số trường hợp:
- Người dân sống ở các vùng nông thôn, đặc biệt là các khu vực có nguồn nước không đảm bảo, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát tốt.
- Người có thói quen ăn cá sống, ếch tái, lươn sống, gỏi cá, tiết canh hoặc nước uống không hợp vệ sinh.
- Người làm việc ở các vùng có dịch bệnh giun đầu gai, các công việc liên quan đến tiếp xúc thịt sống có nhiễm ấu trùng như chế biến các loại thịt cá nước ngọt, ếch, lươn… nhưng không có găng tay bảo hộ cẩn thận.
- Khách du lịch đến những khu vực lưu hành bệnh và ăn thử đặc sản địa phương chưa chín.
3 Giun đầu gai có lây không?
Giun đầu gai không lây từ người sang người, việc lây nhiễm qua tiếp xúc hoặc sống chung với người bệnh là không xảy ra.
Nguồn bệnh chính là động vật sống có chứa ấu trùng của loài giun này như chó, mèo, cá nước ngọt, ếch nhái, chim, rắn. Ngoài ra nguồn nước bị ô nhiễm nếu không đun sôi khi uống có thể chứa ấu trùng. Trường hợp ấu trùng chui qua da khi tiếp xúc nước, bùn đất bị nhiễm bệnh rất hiếm xảy ra.
4 Hình ảnh giun đầu gai
Một số hình ảnh về giun đầu gai được quan sát trên kính hiển vi và trên các cơ quan cơ thể:

5 Chu kỳ phát triển
Vòng đời phát triển của giun đầu gai được minh hoạ trong hình ảnh bên dưới:[1]

Chú thích sơ đồ vòng đời của giun đầu gai:
Giai đoạn | Chu trình phát triển |
1 | Ở vật chủ chính, giun trưởng thành sống ở thành dạ dày, đẻ trứng và trứng ra ngoài theo phân. |
2 | Trứng hình thành phôi và giải phóng ấu trùng giai đoạn 1 (L1) trong môi trường nước. |
3 | Bị nuốt bởi loài giáp xác Cyclops (vật chủ trung gian thứ 1), ấu trùng phát triển từ L1 thành giai đoạn 3 sớm (EL3). |
4 | Khi loài giáp xác bị nuốt bởi cá, ếch, rắn (vật chủ trung gian thứ 2), ấu trùng EL3 di chuyển đến mô cơ và phát triển thành giai đoạn 3 hoàn chỉnh (AL3). |
5 | Vật chủ trung gian thứ 2 bị vật chủ chính nuốt, ấu trùng AL3 phát triển thành giun trưởng thành ở dạ dày. |
6 | Ở một số vật chủ mang, ấu trùng giữ nguyên trạng thái AL3 và tính lây nhiễm. |
7 | Người bị bệnh khi ăn phải thịt chưa chín kỹ của các động vật có chứa ấu trùng giai đoạn 3 (AL3). |
6 Giun đầu gai có độc không?
Giun đầu gai không có nọc độc, nhưng khi ấu trùng giun di chuyển và xâm nhập vào các cơ quan trong cơ thể sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
- Gây viêm và phản ứng miễn dịch mạnh: cơ thể phản ứng chống lại sự hiện diện của ấu trùng lạ bằng cách tăng bạch cầu ái toan làm sưng tấy, viêm mô và ngứa dữ dội. Sự miễn dịch quá mức có thể khiến các cơ quan như não, mắt tổn thương nghiêm trọng gây mù loà, liệt, hôn mê, thậm chí tử vong.
- Gây hại trực tiếp đến các cơ quan giun xâm nhập như chúng làm rách mô, tổn thương thần kinh, gây các biến chứng khó phục hồi.
7 Triệu chứng nhiễm
Khoảng từ tuần thứ 2 đến tuần thứ 4 sau khi ấu trùng xâm nhập, các triệu chứng ban đầu người bệnh có thể gặp như nôn, buồn nôn, đau bụng, ngứa da, nổi mề đay…. Sau đó ấu trùng di chuyển dẫn đến sự xuất hiện của các thể bệnh khác nhau tùy thuộc vào vị trí mà ấu trùng xâm nhập. [2].
7.1 Thể ở da và mô mềm
Đây là thể bệnh thường gặp nhất, biểu hiện bằng các tổn thương ngoài da, gồm các tổn thương dạng nốt, mụn nhỏ, khối phù nề, kèm theo dấu hiệu viêm như sưng, nóng, đỏ, đau.
Phù cục bộ xảy ra tại nơi ấu trùng cư trú, kèm theo tính chất di chuyển tường đợt dưới da theo sự chuyển động của chúng.
Ngứa, mề đay có tính chất mạn tính, kéo dài tại các vị trí ấu trùng xâm nhập.
Hầu hết tất cả các cơ quan đều có thể bị nhiễm ấu trùng do sự di chuyển của chúng.

7.2 Thể thần kinh
Khi ấu trùng xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng. Tùy thuộc vào số lượng và vị trí ấu trùng xâm nhập, các mức độ tổn thương có thể biểu hiện khác nhau như:
- Viêm rễ thần kinh
- Viêm não-tuỷ sống.
- Viêm não với triệu chứng như liệt nửa người, rối loạn tri giác.
- Viêm màng não như cứng gáy, sợ ánh sáng, tăng áp lực nội soi.
- Hôn mê kéo dài.
7.3 Thể nội tạng và cơ quan khác hiếm gặp
Trong một số trường hợp ít gặp hơn, ấu trùng có thể xâm nhập vào các cơ quan nội tạng, gây ra nhiều thể bệnh đặc hiệu theo từng cơ quan:
- Thể tiêu hóa: khi ấu trùng di chuyển đến hệ tiêu hoá như dạ dày, ruột, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng khó chịu, đau âm ỉ vùng bụng, sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Các biểu hiện rối loạn tiêu hoá khác như tiêu chảy, nôn, buồn nôn. Nếu ấu trùng xâm nhập vào gan, vị trí đau bụng xuất hiện nhiều ở khu vực hạ sườn phải, thượng vị.
- Thể phổi: Xuất hiện các triệu chứng ho, đau ngực, khó thở ban đầu, sau đó nghiêm trọng hơn như tràn khí màng phổi, viêm màng phổi.
- Thể tiết niệu – sinh dục: Có thể gây tiểu ra máu, trong một số trường hợp hiếm, ấu trùng còn chui vào tử cung gây biểu hiện bất thường.
- Thể ở mắt: dù hiếm gặp nhưng gây biến chứng nguy hiểm, ấu trùng có thể gây viêm màng bồ đào, xuất huyết mắt, tăng nhãn áp, rối loạn thị giác, thậm chí mù lòa vĩnh viễn.
- Thể ở tai và mũi: Khi ấu trùng xâm nhập vào hốc tai hoặc hốc mũi, chúng có thể làm tổn thương các cơ quan liên quan đến tiền đình và thính lực.
8 Chẩn đoán như thế nào?
8.1 Xét nghiệm
Xét nghiệm ELISA (Enzyme-Linked Immunosorbent Assay): Đây là phương pháp phổ biến nhằm phát hiện kháng thể IgG trong huyết thanh của người bệnh.
Công thức máu: Kết quả thường cho thấy tăng số lượng bạch cầu toàn phần, đặc biệt là bạch cầu ái toan, do phản ứng viêm của cơ thể khi gặp ấu trùng lạ.
Xét nghiệm IgE toàn phần: Mức IgE trong máu thường tăng cao, phản ánh phản ứng miễn dịch của cơ thể trước sự xâm nhập của ký sinh trùng.
Xét nghiệm phân: mục đích loại trừ nhiễm các loại ký sinh trùng khác có biểu hiện tương tự.
Sinh thiết tổ chức: Trong những trường hợp nghi ngờ, có thể thực hiện sinh thiết tại vị trí tổn thương dưới da hoặc mô để tìm ấu trùng.
Soi trực tiếp: Khi có tổn thương ngoài da hoặc ổ dịch, có thể soi mẫu bệnh phẩm để xác định hình thái ấu trùng giun đầu gai.
Các xét nghiệm PCR, RFLP, giải trình tự gen: các xét nghiệm này nhằm xác định chính xác loài giun đầu gai nào gây bệnh.
8.2 Chẩn đoán hình ảnh
Chụp X-quang phổi: nhằm xác định những tổn thương phổi do ấu trùng gây ra khi di chuyển.
Chụp CT (Scanner): Phát hiện những biến đổi về tỷ trọng tại các vùng tổn thương, hỗ trợ chẩn đoán chính xác các vị trí bị ảnh hưởng.
Chụp cộng hưởng từ (MRI): Được sử dụng để đánh giá các cơ quan nghi ngờ bị tổn thương (não, tủy sống, gan, cơ).
Siêu âm ổ bụng và siêu âm đầu dò nông: Giúp quan sát và phát hiện tổn thương ở các tạng trong ổ bụng.
Soi đáy mắt: khi có các dấu hiệu ấu trùng di chuyển vào mắt.
8.3 Chân đoán phân biệt
Bệnh giun lươn hoặc giun gây viêm màng não tăng bạch cầu ái toan cũng gây ra các triệu chứng trên hệ thần kinh tương tự, cần thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu như ELISA để phân biệt.
Ấu trùng giun đũa chó/mèo: cũng có các triệu chứng toàn thân tương tự khi ấu trùng di chuyển nội tạng.
Viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc: có biểu hiện ngứa, phù da, mề đay tương tự nhưng bệnh do ấu trùng giun thường gây ngứa dai dẳng, kéo dài, khó đáp ứng với thuốc giảm ngứa.
Sán lá gan lớn, ấu trùng sán dây lợn: đều có khả năng gây tổn thương mô mềm và hệ thần kinh trung ương, cần tìm ấu trùng, quan sát hình dạng để phân biệt.
Nhiễm các loại giun đường ruột khác: có triệu chứng Đường tiêu hóa kèm tăng bạch cầu ái toan.
9 Phác đồ điều trị
Các thuốc điều trị giun đầu gai cần được chỉ định theo hướng dẫn của bác sĩ, tuỳ thuộc vào tình trạng của người bệnh, không được tự ý mua thuốc về sử dụng khi chưa có sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa.
9.1 Điều trị đặc hiệu
Theo Bộ Y tế, trong điều trị ấu trùng giun đầu gai có 3 phác đồ chính, cần thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau: [3].
9.1.1 Phác đồ 1: Thuốc tẩy giun albendazole (Zentel)
Liều dùng
- Đối với người lớn: Sử dụng liều 800mg mỗi ngày, chia làm 2 lần uống, kéo dài liên tục trong 21 ngày.
- Đối với trẻ em trên 1 tuổi: Dùng liều theo cân nặng là 10–15mg/kg/ngày, nhưng nồng độ tối đa trong ngày không được vượt quá 800mg, chia làm 2 lần uống/ngày, trong thời gian 21 ngày liên tục.
Điều trị theo thể bệnh
Trừ trường hợp giun đầu gai thể mắt hoặc thần kinh không khuyến cáo sử dụng Albendazole, do có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh, thay vào đó cần ưu tiên điều trị triệu chứng và dùng thuốc corticosteroid để kiểm soát phản ứng viêm.


65.000₫Còn hàng
Công ty đăng ký | Glaxo Smith Kline |
Số đăng ký | GC-0182-12 |
Dạng bào chế | Viên nén bao phim |
Quy cách đóng gói | Hộp 1 vỉ x 2 viên |
Mã sản phẩm | a869 |
9.1.2 Phác đồ 2: Thuốc Ivermectin (Pizar)
Liều dùng
Áp dụng cho người lớn và trẻ em trên 5 tuổi với liều 0,2mg/kg/ngày, dùng trong 2 ngày liên tiếp (mỗi ngày 1 liều duy nhất).
Điều trị theo thể bệnh
Tương tự như albendazole, Ivermectin không nên sử dụng trong các trường hợp giun đầu gai thể mắt hoặc thần kinh, cần cân nhắc điều trị triệu chứng và có thể kết hợp thuốc corticoid chống viêm.


230.000₫Còn hàng
Công ty đăng ký | Công ty Cổ phần Dược phẩm Đạt Vi Phú |
Số đăng ký | VD-23282-15 |
Dạng bào chế | Viên nén |
Quy cách đóng gói | Hộp 1 vỉ x 4 viên |
Mã sản phẩm | th14 |
9.1.3 Phác đồ 3: Thuốc Thiabendazole (Niczen)
Liều dùng:
Dùng thuốc 2 lần mỗi ngày trong vòng 7 ngày với liều lượng cụ thể sẽ được điều chỉnh tùy theo cân nặng của bệnh nhân.
Điều trị theo thể bệnh
- Thể nội tạng
- Thể thông thường
9.2 Điều trị triệu chứng
Song song với việc dùng thuốc đặc hiệu, việc điều trị các triệu chứng giúp cải thiện đời sống sinh hoạt của người bệnh, một số thuốc có thể được chỉ định như:
- Thuốc kháng histamin: dùng giảm ngứa, nổi mề đay, có thể dùng thuốc đến khi triệu chứng thuyên giảm hoàn toàn.
- Thuốc hạ sốt: dùng giảm triệu chứng sốt cho người bệnh, có thể kết hợp với các biện pháp hạ sốt cơ học.
- Thuốc hỗ trợ: các thực phẩm chức năng giúp tăng cường hệ tiêu hoá, nâng cao thể trạng như men vi sinh, vitamin tổng hợp, sản phẩm bổ gan.
- Thuốc corticoids: sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, thường được cân nhắc trong thể mắt và thần kinh để giảm triệu chứng viêm.
9.3 Điều trị ngoại khoa
Can thiệp ngoại khoa được chỉ định dùng trong một số trường hợp có ấu trùng ấu trùng di chuyển dưới da hoặc nằm ở mô mềm gần bề mặt cơ thể, hay trong nhãn cầu.
9.4 Theo dõi sau điều trị
Sau khi kết thúc điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ để đảm bảo bệnh không tái phát. Lịch tái khám nên được thực hiện định kỳ vào các thời điểm là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng sau đợt điều trị đầu tiên.
10 Phòng bệnh
Dưới đây là một số biện pháp phòng bệnh hiệu quả:
- Không ăn thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín kỹ như thịt tái, gỏi cá, ếch, lươn, rắn, động vật hoang dã.
- Đảm bảo nguồn nước đạt vệ sinh, không uống nước lã chưa đun sôi.
- Tập thói quen vệ sinh sạch sẽ chân tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Không để thực phẩm sống lẫn với thực phẩm chín, cần rửa sạch dụng cụ dao, thớt dùng cho thịt sống trước khi cắt/thái đồ ăn chín.
- Khi đi du lịch địa phương, cẩn thận khi ăn các món ăn truyền thống như gỏi cá, lươn sống, nên hỏi kỹ cách chế biến trước khi ăn uống.
- Chó mèo cũng là vật chủ trung gian của giun đầu gai nên cần tẩy giun định kỳ cho chúng.
- Nâng cao ý thức cộng đồng về tác hại của việc ăn đồ sống, đặc biệt khu vực vùng nông thôn, vùng cao, có tập quán ăn sống phổ biến.
- Khuyến khích người dân đi khám sức khỏe khi có dấu hiệu sưng ngứa, di chuyển của vật lạ trên da, hoặc sốt kéo dài không rõ nguyên nhân.
11 Kết luận
Bệnh giun đầu gai là một bệnh do ký sinh trùng gây ra, tuy nhiên bệnh có thể điều trị và phòng tránh được. Việc tuyên truyền giáo dục kiến thức về bệnh cũng như các biện pháp vệ sinh, lối sống rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh. Mong rằng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc về bệnh giun đầu gai.
Tài liệu tham khảo
- ^ Chuyên gia CDC (Ngày đăng 2 tháng 5 năm 2019) Gnathostomiasis. CDC. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2025
- ^ Tác giả Joanna S Herman, Peter L Chiodini (ngày đăng tháng 7 năm 2009) Gnathostomiasis, Another Emerging Imported Disease. NIH. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2025
- ^ Bộ Y tế (ngày đăng 17 tháng 06 năm 2022) Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh ấu trùng giun đầu gai. Bộ Y tế. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2025