1. Trang chủ
  2. Bệnh lây truyền qua đường tình dục
  3. Bệnh giang mai: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh giang mai: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh giang mai: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Trungtamthuoc.com - Giang mai  một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thường lây lan qua đường tình dục. Bệnh khởi phát như một vết loét không đau - thường ở bộ phận sinh dục, trực tràng hoặc miệng. Bệnh lây từ người này sang người khác khi tiếp xúc qua da hoặc niêm mạc với các vết loét này. [1]

1 Giang mai là bệnh gì?

Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) do nhiễm vi khuẩn có tên Treponema pallidum gây ra. Giống như các bệnh STD khác, giang mai có thể lây lan qua bất kỳ loại tiếp xúc tình dục nào. Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào cơ thể bạn qua các vết cắt trên da hoặc niêm mạc.

Bệnh giang mai không thể lây lan qua bệ ngồi toilet, tay nắm cửa, bể bơi, bồn tắm nước nóng, bồn tắm, quần áo chung hoặc dụng cụ ăn uống. [2]

Bệnh giang mai có các giai đoạn triệu chứng và không triệu chứng. Nếu không được điều trị, giang mai có thể gây ra những hậu quả đáng kể đối với người bị nhiễm bệnh (bệnh thần kinh và tim lâu dài ), trong thai kỳ (thai chết lưu và nhiễm trùng bẩm sinh ), và sức khỏe cộng đồng (lây lan trong dân số). [3]

Hình ảnh bệnh giang mai

2 Nguyên nhân gây bệnh giang mai

2.1 Tác nhân gây bệnh

Tác nhân gây bệnh chính là xoắn khuẩn nhạt có tên khoa học là Treponema pallidum. 

Xoắn khuẩn giang mai khi ở bên ngoài cơ thể rất nhanh chết. Ở môi trường khô ráo nó chỉ sống được vài giờ. Nếu môi trường ẩm ướt thì có thể sống được 2 ngày. Loại vi khuẩn này chỉ sống được 15 phút ở nhiệt độ 56 độ C nhưng có thể sống rất lâu ở nhiệt độ thấp, thích hợp nhất là 37 độ.

Các loại xà phòng và chất sát khuẩn có thể tiêu diệt được nó trong vòng vài phút.

Hình ảnh minh họa xoắn khuẩn giang mai

2.2 Cách lây truyền

Con đường lây nhiễm chủ yếu của xoắn khuẩn giang mai là đường tình dục. Khi người nhiễm bệnh xảy ra quan hệ với người lành. Xoắn khuẩn sẽ truyền từ người bệnh sang đối phương qua cơ quan sinh dục, hậu môn hoặc có thể là miệng.

Ngoài ra, nó cũng có thể lây truyền qua một số đường khác như:

  • Sự tiếp xúc với các vật dụng trung gian như giấy vệ sinh, khăn tắm, bàn chải đánh răng,...
  • Lây qua các vết xước trên da - niêm mạc khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
  • Việc truyền máu hoặc sử dụng kim tiêm chung mà không được khử trùng vô khuẩn.
  • Lây từ mẹ sang con trong thai kì hoặc sau khi sinh.

Mặc dù kích thích phản ứng miễn dịch qua trung gian tế bào và thể dịch mạnh mẽ, T. pallidum vẫn có thể tồn tại trong cơ thể người trong vài thập kỷ. Sau thời gian ủ bệnh khoảng 21 ngày, một vết loét (săng giang mai) xuất hiện tại vị trí cấy vi khuẩn trong 6–8 tuần, sau đó là giai đoạn thứ cấp, lúc đó sinh vật đã phát tán qua đường máu và bất kỳ cơ quan nào cũng có thể bị ảnh hưởng. [4]

3 Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh giang mai

Nhiễm trùng giang mai khi không được điều trị sẽ tiến triển qua các giai đoạn lâm sàng khác nhau với các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng. Kể từ lần nhiễm trùng đầu tiên, các triệu chứng thường phát triển vào khoảng sau 21 ngày. Tuy nhiên, chúng cũng có thể xuất hiện ở bất cứ thời gian nào từ 10 đến 90 ngày sau khi bị nhiễm trùng.

Biểu hiện của từng giai đoạn cụ thể như sau:

3.1 Bệnh giang mai thời kỳ I

Giai đoạn đầu tiên (sơ cấp) của bệnh giang mai được đặc trưng bởi sự hình thành của một vết loét không đau được gọi là săng (chancre). Vết loét này phát triển tại vị trí nhiễm trùng, có hình bầu dục hoặc hình tròn với nền cứng.

Các chancre chứa các vi khuẩn truyền nhiễm và trong khi đang có biểu hiện đau, tình trạng này rất dễ lây. Bất kỳ tiếp xúc nào với chancre đều có thể lây nhiễm. Ví dụ: nếu chancre nằm trong miệng, thậm chí hôn cũng qcó thể lây lan bệnh. 

Chancre kéo dài khoảng 3 đến 6 tuần và sau đó thường tự biến mất. Việc sử dụng bao Cao Su cũng có thể không ngăn ngừa sự lây lan của bệnh nếu chancre nằm trên một khu vực của cơ thể không được bao phủ bởi bao cao su.

3.2 Bệnh giang mai thời kỳ II

Nếu giang mai sơ cấp không được điều trị, giang mai thứ phát có thể phát triển. Giai đoạn này của bệnh thường xảy ra hàng tuần đến vài tháng sau giai đoạn đầu tiên. 

Bệnh giang mai thứ phát được đặc trưng bởi phát ban da thường không ngứa và có thể dễ bị nhầm lẫn với phát ban do các bệnh khác gây ra. Nó có thể xuất hiện trên hầu như bất kỳ phần nào của cơ thể, bao gồm các vết loét trong miệng, âm đạo hoặc hậu môn. Các phát ban của bệnh giang mai thứ phát thường được tìm thấy trên lòng bàn tay và lòng bàn chân,... 

Giang mai biểu hiện ở lòng bàn tay

Ở một số người, phát ban có thể nhẹ và không được chú ý. Các mảng da màu xám hoặc trắng nổi lên, đặc biệt ở những vùng ấm và ẩm của cơ thể như nách, miệng hoặc háng.

Trong giai đoạn thứ phát, nhiễm trùng đã lan rộng khắp cơ thể, kèm một số triệu chứng khác như: sốt, sưng các hạch bạch huyết, mệt mỏi, sụt cân, rụng tóc, đau đầu và đau nhức bắp thịt,... Những triệu chứng này cuối cùng sẽ giảm dần, nhưng nếu giai đoạn thứ hai của nhiễm trùng không được điều trị, nhiễm trùng có thể tiến triển thành giang mai thời kỳ III.

3.3 Bệnh giang mai thời kỳ III

Sau khi các triệu chứng của giang mai thứ phát biến mất, nhiễm trùng vẫn tiềm ẩn trong cơ thể nếu không chữa trị. Khoảng 15% người bị nhiễm bệnh mà không được điều trị sẽ tiếp tục phát triển giai đoạn III. Điều này có thể xảy ra từ 10 đến 20 năm sau lần nhiễm đầu tiên. 

Bệnh giang mai giai đoạn III được đặc trưng bởi có thể gây ra nhiều tổn thương trên rất nhiều cơ quan khác của cơ thể như tổn thương não, dây thần kinh, mắt, tim, mạch máu, gan, xương và khớp. Các triệu chứng có thể phát sinh từ giai đoạn cuối của bệnh bao gồm các vấn đề về hoạt động đi đứng, mất dần thị lực, mất trí nhớ, tê liệt và những thay đổi trong chức năng thần kinh.

3.4 Bệnh giang mai bẩm sinh

Bệnh giang mai không được điều trị ở phụ nữ mang thai có nguy cơ dẫn đến đứa trẻ tử vong rất cao (thai chết hoặc chết ngay sau khi sinh). Vì vậy tất cả phụ nữ mang thai nên được xét nghiệm giang mai trong lần khám thai đầu tiên. Xét nghiệm sàng lọc thường được lặp lại trong ba tháng cuối của thai kỳ. Nếu trẻ sơ sinh bị nhiễm sinh ra và sống sót, chúng có nguy cơ bị các vấn đề nghiêm trọng bao gồm co giật và chậm phát triển. May mắn thay, giang mai trong thai kỳ là điều trị được.

Giang mai bẩm sinh sớm: Thường có triệu chứng bệnh trong vòng 2 năm đầu đời. Các biểu hiện của bệnh gần giống với thời kì bệnh thứ II ở người lớn. Kèm với đó là những biến chứng bất thường trên cơ thể như xương to, đau đầu xương khiến vận động khó khăn, bụng to, gan to, lách to,... Thậm chí, trẻ có thể bị sụt cân nhanh và tử vong bất chợt.

Giang mai bẩm sinh muộn: Bệnh tiềm ẩn trong thời gian khá dài tùy vào từng người. Bệnh có thể phát vào 3-4 năm sau khi sinh hoặc là khi đã trưởng thành. Các triệu chứng của bệnh gần giống với bệnh ở thời kì III. Điển hình nhất đó là viêm giác mạc kẽ và điếc cả hai tai vào khoảng năm 10 tuổi.

Bệnh giang mai bẩm sinh

4 Cách chữa bệnh giang mai

4.1 Nguyên tắc điều trị bệnh

Việc điều trị bệnh giang mai cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các nguyên tắc sau để có thể sớm khỏi bệnh và giảm thiểu khả năng tái phát cũng như di chứng bệnh để lại.

Thăm khám và phát hiện bệnh sớm, điều trị theo đúng và đủ liều lượng như bác sĩ chuyên khoa chỉ định.

Việc điều trị giang mai phải tiến hành cả ở người bệnh và bạn tình.

Thuốc được lựa chọn để điều trị là penicilin, bởi cho đến nay vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào loại xoắn khuẩn gây bệnh này kháng lại penicilin.

Công thức phân tử Penicilin

4.2 Điều trị bằng Penicilin

Với từng giai đoạn bệnh khác nhau, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị cho thích hợp với các trường hợp cụ thể.

4.3 Giang mai giai đoạn I:

Với người mắc bệnh đang trong giai đoạn I sẽ điều trị theo 1 trong 3 phác đồ sau (ưu tiên từ trên xuống dưới):

Tiêm bắp sâu một lần duy nhất benzathin penicilin G 2.400.000 đv. Tiêm vào mỗi bên mông một nửa liều.

Tiêm mỗi ngày 1.000.000 đv penicilin procaine G chia làm 2 lần sáng chiều, trong vòng 15 ngày.

Tiêm benzyl penicilin G trong 30 ngày. Mỗi ngày tiêm 1.000.000 đv chia thành nhiều lần tiêm cách nhau 2-3 giờ. Giới hạn mỗi lần tiêm là 100.000 - 150.000 đv.

4.4 Giang mai giai đoạn II sơ phát:

Với người mắc bệnh giai đoạn II sơ phát, áp dụng 1 trong 3 phác đồ sau:

Tiêm bắp sâu 2 tuần liên tiếp, mỗi tuần 2.400.000 đơn vị benzathin penixilin G, chia thành tiêm 2 bên mông.

Tiêm 15 ngày liên tiếp, mỗi ngày 1.000.000 đv penicillin procaine G, chia làm 2 lần sáng - chiều

Tiêm liên tục 30 ngày, mỗi ngày 1.000.000 đv benzyl penicilin, chia thành nhiều lần tiêm, mỗi lần 100.000 -150.000 đv cách nhau 2-3h mỗi lần.

Lưu ý: Có thể thay bằng tetracyclin 2g mỗi ngày x 15 ngày hoặc Erythromycin 2g mỗi ngày x 15 ngày nếu bị dị ứng với penicilin.

4.5 Giang mai giai đoạn II tái phát, giai đoạn III:

Với những trường hợp bị giang mai giai đoạn II tái phát, giang mai giai đoạn III, ở phụ nữ có thai hoặc trường hợp bệnh bẩm sinh muộn thì có thể điều trị theo các phác đồ sau:

Tiêm bắp sâu trong 4 tuần, mỗi tuần 2.400.000 đv benzathin penixilin G, chia đôi tiêm vào 2 bên mông.

Tiêm trong 30 ngày với tổng liều là 30.000.000 đv penicillin procaine, chia đều các ngày và chia mỗi ngày thành 2 lần sáng-tối.

Với benzyl penicilin hòa tan trong nước, tiêm tông 30 ngày, mỗi ngày 1.000.000 đv, chia thành 6-10 liều nhỏ cách nhau 2-3 giờ tiêm một lần.

Lưu ý: Những người mẫn cảm với penicilin có thể thay thế bằng tetracyclin 2g mỗi ngày trong thời gian từ 15 - 20 ngày. Với bà mẹ đang mang thai thì dùng erythromycin 2g mỗi ngày trong 15 - 20 ngày.

4.6 Trường hợp giang mai bẩm sinh

Điều trị cho trẻ bị giang mai bẩm sinh sớm dưới 2 tuổi

  • Trường hợp dịch não tủy bình thường dùng liều duy nhất 50.000 đv benzathin penicilin G cho mỗi kg cân nặng.
  • Trường hợp dịch não tủy có dấu hiệu bất thường thì điều trị bằng cách tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch trong vòng 10 ngày, mỗi ngày 2 lần liều 50.000 đv benzyl penicilin hoặc Procain penicilin cho mỗi kg cân nặng

Với trẻ bị giang mai bẩm sinh muộn sau 2 tuổi:

  • Điều trị trong 2 tuần bằng benzyl penicilin G với liều 20.000 - 30.000 đv/kg/ngày theo đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.
  • Có thể thay thế bằng erythromycin 7,5 - 12,5mg/kg, uống 4 lần mỗi ngày trong 30 ngày nếu bệnh nhân mẫn cảm với penicilin.

5 Cách phòng bệnh giang mai

Để phòng tránh bệnh giang mai lây lan, chúng ta có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây:

Sử dụng bao cao su khi quan hệ để phòng bệnh
  • Tuyên truyền và giáo dục trong cộng đồng về nguyên nhân gây bệnh, những con đường lây nhiễm và nguy cơ khi mắc căn bệnh này để nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân cũng như những người xung quanh của mỗi người.
  • Các bác sĩ, y tá đặc biệt là những người phụ trách chuyên môn sản khoa hoặc khoa da liễu cần nắm vững kiến thức phòng tránh và điều trị bệnh. Khi sản phụ mang mầm bệnh có thể hạn chế tối đa khả năng bị giang mai bẩm sinh cho thai nhi.
  • Thực hiện đúng chế độ một vợ một chồng. Sử dụng bao cao su đúng cách nếu quan hệ ngoài luồng. [5]
  • Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với bất kì người nào khác, đặc biệt là những người không quen biết.

Trên đây là một số thông tin về bệnh giang mai. Đây là một căn bệnh rất dễ lây lan qua đường tình dục và có thể là một số đường khác ngay cả khi chúng ta không hề ý thức được. Vì vậy, sau bài viết này mỗi người hãy có ý thức chủ động phòng tránh để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và bạn đời của mình.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Chuyên gia của Mayoclinic, Syphilis, Mayoclinic. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2021
  2. ^ Tác giả: Chuyên gia của WebMD, Syphilis, WebMD. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2021
  3. ^ Tác giả: Vanessa Ngan, Syphilis, Dermnet NZ. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2021
  4. ^ Tác giả: Chuyên gia của WHO, Disease Watch Focus: Syphilis, WHO. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2021
  5. ^ Tác giả: Chuyên gia của CDC, Syphilis – CDC Fact Sheet, CDC. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 1 Thích

    Cho mình hỏi nhà thuốc là nên những thuốc gì để trị bệnh giang mai?


    Thích (1) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Bệnh giang mai: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Bệnh giang mai: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
    NH
    Điểm đánh giá: 5/5

    Rất nhiều thông tin bổ ích và nhà thuốc tư vấn nhiệt tình. Em xin cảm ơn ạ.

    Trả lời Cảm ơn (1)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0985.729.595