Làm gì khi bị dị ứng? Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa dứt điểm dị ứng mẩn ngứa
Trungtamthuoc.com - Dị ứng là phản ứng với cơ thể với một tác nhân nào đó gây ra các triệu chứng khác nhau, có thể trên da, trên mặt, hệ tiêu hoá, hệ hô hấp. Tuỳ vào loại dị ứng và độ nhạy cảm của người bệnh mà phản ứng bệnh nghiêm trọng hay nhẹ. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) tìm hiểu về nguyên nhân, các dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị bệnh dị ứng trong bài viết dưới đây.
1 Dị ứng là gì?
Dị ứng là biểu hiện phản ứng của hệ thống miễn dịch với tác nhân dị ứng, hay còn gọi là dị nguyên. Tình trạng này xảy ra phổ biến và tuỳ vào mức độ dị ứng sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm với sức khỏe. Các chất lạ thường gây dị ứng như thực phẩm, phấn hoa, lông động vật, khói bụi, thuốc…
Dị ứng bản chất là phản ứng bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây hại. Khi có một chất lạ xâm nhập, hệ thống miễn dịch sẽ kích hoạt chống lại chúng. Bất cứ mối nguy hiểm nào xâm nhập, miễn dịch sẽ đều tấn công nhưng phù hợp với môi trường sống của bạn. Chẳng hạn, nếu sinh sống trong không gian có tiếp xúc với lông động vật từ nhỏ thì khả năng dị ứng với tác nhân này rất thấp, vì chúng được hệ miễn dịch coi là thứ vô hại.
Bất cứ đối tượng nào cũng có thể bị dị ứng và mức độ của bệnh phụ thuộc vào từng cơ địa mỗi người. Cần nhận biết được các nguyên nhân và dấu hiệu dị ứng để có biện pháp phòng và điều trị kịp thời, hợp lý.
2 Dấu hiệu nhận biết đang bị dị ứng
Các dấu hiệu của dị ứng có thể khác nhau ở mỗi người và mỗi mức độ bệnh. Các biểu hiện phổ biến nhất, bao gồm:
- Sưng, đỏ và ngứa ngáy: dấu hiệu này xảy ra trên khu vực tiếp xúc với tác nhân dị ứng. Các nốt mẩn li ti, sưng đỏ, có thể kèm ngứa ngáy khó chịu.
- Chảy nước mũi và hắt hơi: dị ứng với tác nhân qua đường hô hấp sẽ gặp các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, nước mũi. Một số nguyên nhân hay gặp như phấn hoa, bụi mạt.
- Khó thở: dị ứng thực phẩm, hoặc khói bụi sẽ gây ra biểu hiện khó thở, sưng họng, kèm ho, khạc đờm.
- Sưng môi: các dấu hiệu như sưng môi, sưng mắt cũng có thể gặp khi bị quá mẫn với các tác nhân dị ứng.
- Tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa: phản ứng tiêu hoá gồm buồn nôn, nôn mửa, đau bụng khi ăn phải các thực phẩm dị ứng.
3 Nguyên nhân gây ra dị ứng
Một số nguyên nhân gây ra dị ứng thường gặp, cụ thể:
- Thực phẩm: nguyên nhân này khá phổ biến, xuất hiện nhanh ngay sau khi ăn. Cơ thể phát hiện các protein lạ, phản ứng mạnh mẽ lại và gây ra các triệu chứng như buồn nôn, ói mửa, ngứa khắp người, sưng môi. Người lớn và trẻ nhỏ đều có khả năng bị tương đương nhau. Thực phẩm nào cũng có thể gây ra dị ứng, chẳng hạn sữa, các loại hạt, hải sản, lúa mì…
- Khói bụi: dị ứng có thể biểu hiện qua đường hô hấp với triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa, hắt xì, chảy nước mắt, nước mũi. Dị ứng xảy ra nhanh chóng nhưng thường nhẹ, những người có tiền sử hen suyễn sẽ có thể gặp thêm tình trạng khó thở, cần hỗ trợ y tế khi cần thiết.
- Thời tiết: khi đổi mùa, nhiệt độ xuống thấp, không khí khô cũng làm cho cơ thể nhạy cảm hơn, niêm mạc hô hấp nếu tiếp xúc với phấn hoa, bụi bẩn gây phản ứng dị ứng.
- Thuốc: một số loại thuốc cho thấy tăng nguy cơ dị ứng của cơ thể như thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm Nsaid, hoá chất điều trị ung thư, thuốc trị tiểu đường insulin… Các phản ứng dị ứng liên quan tới thuốc thường nghiêm trọng, cần phải theo dõi cẩn trọng.
- Động vật: lông động vật, nước tiểu hoặc nước bọt của chúng đều có thể trở thành tác nhân gây dị ứng với người có cơ địa nhạy cảm.
- Côn trùng đốt, nọc độc: côn trùng đốt truyển độc tố vào cơ thể, đây là những chất lạ, nên hệ miễn dịch sẽ phản ứng mạnh mẽ chống lại chúng gây ra dị ứng. Các triệu chứng hay gặp như sưng môi, mắt, nổi mề đay, thậm chí tụt huyết áp, khó thở, chóng mặt.
- Di truyền: gia đình có tiền sử bị hen suyễn, dị ứng thì con cái họ sẽ tăng nguy cơ bị dị ứng.
Dị ứng không chỉ ảnh hưởng đến các chức năng của cơ quan khác trong cơ thể mà còn gây bất tiện trong đời sống sinh hoạt của người bệnh. Do đó để không bị tái phát, người bệnh không được tiếp xúc với tác nhân gây bệnh.
=== > Xem thêm bài viết: Dị ứng kháng sinh: cơ chế, biểu hiện, điều trị và cách phòng ngừa
4 Các loại dị ứng thường gặp
Các tác nhân này làm cơ thể xảy ra các phản ứng dị ứng ngay tức thì hoặc cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng muộn. Chúng hình thành nên rất nhiều các bệnh dị ứng khác nhau với mỗi người. Dưới đây sẽ đề cập đến các loại dị ứng thường gặp nhất hiện nay.
- Mề đay: nổi mề đay cấp tính gồm các triệu chứng như sưng đỏ thành từng mảng to trên da, càng gãi càng ngứa và lan rộng. Có thể kèm theo phù môi, phù mắt, hoặc phù mạch bên trong bề mặt da.
- Sốc phản vệ: phản ứng nghiêm trọng nhất trực tiếp đe dọa đến tính mạng. Bệnh xảy ra trong vài giây, vài phút hoặc sau vài ngày tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Các triệu chứng nguy hiểm bao gồm tụt huyết áp, khó thở, mạch yếu, da tím tái, ngất xỉu nên cần phải được cấp cứu ngay lập tức.
- Hen suyễn: khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng tại đường hô hấp, hệ thống miễn dịch hoạt động quá mạnh mẽ gây ra các triệu chứng co thắt, tiết chất nhầy làm cản trở sự hô hấp.
- Viêm mũi dị ứng: cơ thể trở nên nhạy cảm vào thời điểm giao mùa, các biểu hiện đầu tiên là chảy nước mũi, hắt hơi, mệt mỏi, nếu không điều trị, vệ sinh mũi sạch sẽ có thể bị viêm xoang, đau họng.
- Viêm da dị ứng: bệnh dị ứng khá phổ biến khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng, da mẩn đỏ và ngứa ngáy. Bệnh sẽ tự thuyên giảm sau từ 1-2 tuần, nhiều trường hợp da nhạy cảm thì có thể lên đến 1 tháng.
=== > Xem thêm bài viết: Viêm mũi dị ứng: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
5 Cơ chế của phản ứng dị ứng
Các tác nhân dị ứng khi tiếp xúc với cơ thể sẽ gây ra phản ứng khác nhau tùy thuộc vào từng cơ địa người bệnh. Dưới đây là cơ chế phản ứng của cơ thể với chất gây dị ứng, tiến triển qua 3 giai đoạn, bao gồm:
5.1 Giai đoạn thứ nhất
Nếu lần đầu tiên bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng, dị nguyên di chuyển vào trong cơ thể gây ra những phản ứng mẫn cảm. Hệ thống miễn dịch phản ứng lại bằng cách tạo ra kháng thể immunoglobulin E (IgE). Lúc này, kháng thể IgE liên kết với các tế bào mast (tế bào dị ứng) sống trong da, đường hô hấp và màng nhầy trong các cơ quan, được kết nối với nhau từ miệng đến hậu môn. Quá trình này có thể kéo dài tử 7-10 ngày và chưa gây những phản ứng dị ứng.
5.2 Giai đoạn thứ hai
Giai đoạn hóa sinh bệnh với các biểu hiện của triệu chứng dị ứng khi tiếp xúc lại lần 2 với dị nguyên. Các kháng thể tìm thấy chất gây dị ứng trong cơ thể bạn và giúp loại bỏ chúng bằng cách đưa chúng đến tế bào mast, giải phóng các chất trung gian như Histamin, Serotonin, Bradykinin,.. gây ra các triệu chứng dị ứng.
5.3 Giai đoạn thứ ba
Phản ứng cơ thể quá nhạy cảm với chất dị nguyên gây ra biểu hiện của giai đoạn sinh lý bệnh. Các chất trung gian tiết ra với lượng lớn, làm giãn động mạch lớn, làm tụt huyết áp, co thắt hô hấp. Sau đó, tiếp tục co thắt dạ dày, ruột, đau bụng dữ dội. Động mạch não bị co thắt xuất hiện các triệu chứng đau đầu, hôn mê, hoa mắt, chóng mặt.
6 Cách chẩn đoán bệnh dị ứng
Khi bệnh nhân tới bệnh viện thăm khám, nếu nghi ngờ dị ứng bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng bệnh, tiền sử tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ. Sau đó để có kết luận chính xác, sẽ tiến hành thực hiện xét nghiệm lâm sàng bao gồm xét nghiệm máu, test da với các tác nhân nghi ngờ. Cụ thể:
6.1 Xét nghiệm máu dị ứng
Phương pháp này giúp phát hiện của các kháng thể dị ứng đặc hiệu có xuất hiện trong cơ thể không. Ở đây là kháng thể IgE. Khi có dị nguyên lạ vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sản xuất chống lại protein lạ này bằng cách sản xuất nhiều kháng thể IgE, nên nếu kết quả dương tính sẽ chỉ ra rằng bạn mẫn cảm với tác nhân tiếp xúc đó.
6.2 Test da
Xét nghiệm da có thể xác định tác nhân gây ra các triệu chứng dị ứng ở bạn. Người thực hiện phương pháp này là bác sĩ chuyên khoa hoặc kỹ thuật viên chuyên khoa dị ứng. Sử dụng một cây kim mỏng để chích vào da bạn một lượng nhỏ các chất gây dị ứng khác nhau như thuốc, thức ăn, bụi mạt… rồi kiểm tra phản ứng của da. Lưu ý người bệnh không được dùng thuốc chống dị ứng trước khi thực hiện phương pháp này.
7 Phương pháp điều trị dị ứng da nổi mẩn đỏ
Tránh các chất gây dị ứng là một phương pháp điều trị quan trọng. Tuy nhiên, phương pháp này thường không chấm dứt hoàn toàn các phản ứng dị ứng. Thuốc chống dị ứng cũng là biện pháp nhanh chóng và hiệu quả nhưng chỉ điều trị được triệu chứng. Bên cạnh đó, liệu pháp miễn dịch có thể chấm dứt được tình trạng dị ứng nhưng tốn nhiều thời gian.
7.1 Sử dụng thuốc
Nhóm thuốc được dùng để điều trị dị ứng phổ biến như thuốc kháng histamin, thuốc chống viêm corticoid. Các thuốc này để điều trị triệu chứng, giảm sự khó chịu và mức độ nghiêm trọng của bệnh nhưng không điều trị nguyên nhân gây ra. Nhóm thuốc histamin có thể không cần kê đơn nhưng thuốc corticoid chỉ được dùng khi có sự cho phép và theo dõi của bác sĩ.
Thuốc có dạng viên uống, dạng bôi ngoài da, dạng xịt mũi phù hợp với các loại dị ứng khác . nhau. Một số trường hợp kết hợp cả 2 thuốc corticoid và kháng histamin sử dụng trong điều trị dị ứng, cụ thể là viêm mũi dị ứng từ trung bình tới nặng.
=== > Xem thêm bài viết: Phân loại các nhóm thuốc chống dị ứng và lưu ý khi sử dụng
7.2 Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch (tiêm dị ứng) hoặc liệu pháp miễn dịch dưới lưỡi (thuốc nhỏ dị ứng) nếu bạn không thể kiểm soát các triệu chứng dị ứng của mình thông qua thuốc và tránh các chất gây dị ứng. Bác sĩ sẽ cho bạn tiếp xúc với một lượng nhỏ chất gây dị ứng và tăng dần liều lượng trong nhiều tháng. Tiếp xúc dần dần sẽ tạo ra khả năng dung nạp chất gây dị ứng.
7.3 Epinephrine khẩn cấp
Trong các trường hợp dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ cần phải sử dụng thuốc epinephrine khẩn cấp. Thuốc này giúp ngăn chặn các phản ứng dị ứng nhanh nhất để có thời gian di chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất cấp cứu.
8 Làm sao để có thể ngăn ngừa dị ứng?
Cách tốt nhất để ngăn ngừa dị ứng là không tiếp xúc với chất gây dị ứng, bên cạnh đó khi bị dị ứng có thể sử dụng thuốc giảm triệu chứng dị ứng. Tuy nhiên cần kết hợp các biện pháp phòng ngừa dị ứng tại nhà.
- Nếu bị dị ứng với động vật, không nuôi động vật và hạn chế tiếp xúc với lông, nước miếng của chúng.
- Hút bụi, dọn nhà thường xuyên sẽ giảm các tác nhân dị ứng như bị bẩn, lông động vật, phấn hoa.
- Lọc không khí cũng mang lại hiệu quả cao. Những máy lọc không khí này loại bỏ các chất gây dị ứng trong không khí.
9 Một số thắc mắc khác thường gặp về bệnh dị ứng
9.1 Da bị dị ứng bao lâu thì hết?
Khi không còn tiếp xúc với chất gây dị ứng nữa, các triệu chứng của bạn sẽ biến mất sau vài giờ. Tuy nhiên, nếu bị dị ứng với chất hít hoặc ở một số cơ địa người nhạy cảm, các triệu chứng có thể kéo dài trong vài ngày hoặc lâu hơn do tiếp xúc liên tục với vật nuôi, mạt bụi và phấn hoa.
9.2 Bị dị ứng thì nên uống gì?
Khi mắc dị ứng, người bệnh nên uống nhiều nước, có thể là nước lọc hoặc nước trái cây. Chúng hỗ trợ gan thải độc nhanh hơn, giảm các triệu chứng dị ứng. Các loại trái cây tốt cho người dị ứng như chanh, cam, nước dừa.
9.3 Dị ứng có lây không?
Dị ứng không lây lan từ người sang người, đây không phải là bệnh truyền nhiễm, mà là phản ứng của mỗi cơ thể người với tác nhân lạ bên ngoài môi trường.
9.4 Bị dị ứng có nguy hiểm không?
Dị ứng thường không quá nguy hiểm, thông thường các biểu hiện ở mức độ nhẹ đã nhận biết và điều trị kịp thời. Một số trường hợp quá mẫn cần có sự trợ giúp của nhân viên y tế như sốc phản vệ, khó thở, hen suyễn, tăng nhịp tim… nên cũng không nên chủ quan khi bị dị ứng.
10 Kết luận
Dị ứng là phản ứng của hệ miễn dịch với các tác nhân thông thường, không gây hại. Các triệu chứng thường nhẹ nhưng một số trường hợp quá mẫn có thể đe dọa đến tính mạng. Nhận biết các dấu hiệu dị ứng và tránh xa tác nhân gây dị ứng là cách hiệu quả để phòng tránh và điều trị. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về bệnh dị ứng.
11 Tài liệu tham khảo
- Chuyên gia Clevelend Clinic, (Ngày đăng 21 tháng 12 năm 2022) Allergies. Clevelend Clinic. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2024.
- Tác giả Johannes Ring, (Ngày đăng năm 2022) History of Allergy: Clinical Descriptions, Pathophysiology, and Treatment. Pubmed. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2024.
- Tác giả Jo A Douglass 1, Robyn E O'Hehir (Ngày đăng 21 tháng 8 năm 2006) Diagnosis, treatment and prevention of allergic disease: the basics. Pubmed. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2024.