1. Trang chủ
  2. Truyền Nhiễm
  3. Cúm: Nguyên nhân triệu chứng và liệu pháp điều trị hiệu quả

Cúm: Nguyên nhân triệu chứng và liệu pháp điều trị hiệu quả

Cúm: Nguyên nhân triệu chứng và liệu pháp điều trị hiệu quả

Trungtamthuoc.com - Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính gây ra do virus cúm, với các triệu chứng khởi đầu điển hình như ho, sốt, nhức đầu, đau cơ và khớp, chảy nước mũi,...Hầu hết mọi người hồi phục mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, cúm có thể nặng thậm chí tử vong, đặc biệt ở những nhóm nguy cơ cao. Theo báo cáo của US CDC và WHO, có tới 650 000 ca tử vong hàng năm liên quan đến các bệnh hô hấp do cúm mùa. [1]

1 Bệnh cúm và nguyên nhân gây cúm

Cúm là bệnh do virus truyền nhiễm gây ảnh hưởng đến đường hô hấp trên và dưới của con người. Có hàng loạt các loại virus cúm gây ra tình trạng này, chúng có thể lây nhiễm và có đặc trưng khác nhau. Những virus này có thể lây truyền qua các giọt hô hấp bị bắn khỏi miệng và hệ hô hấp trong khi ho, nói chuyện và hắt hơi. Cúm có thể lây truyền trước khi bệnh nhân có triệu chứng cho đến 5 tới 7 ngày sau khi nhiễm bệnh và tạo thành dịch.

Cúm là bệnh do virus truyền nhiễm gây ảnh hưởng đến đường hô hấp con người

Dịch cúm xảy ra mùa thu và mùa đông, đa phần khu vực ôn đới và ảnh hưởng cả người lớn và trẻ em nhưng mức độ nghiêm trọng khác nhau.

Có bốn loại virus cúm nhóm A, B, C và D. Trong đó các virus cúm type A và B gây nhiễm trùng cho người hàng năm và gây dịch. Virus cúm A có thể được đặc trưng bởi các loại H và N như H1N1 và H3N2. Virus cúm B được phân loại thành dòng và chủng như cúm B Yamagata và cúm B Victoria.

Virus cúm động vật có thể gây bệnh ở người nếu các đặc tính kháng nguyên của virus thay đổi, nhưng chúng lại ít khi truyền từ người sang người. Cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm ở chim do nhiều loại virus cúm A gây ra như H5N1, H5N8 và H7N9. Những virus này rất đáng lo ngại vì chúng có thể thay đổi để phát triển và truyền bệnh từ người sang người và gây ra đại dịch nghiêm trọng.

Nhiễm virus cúm C thường gây ra bệnh nhẹ và không được cho là gây dịch cho người. Vi rút cúm D chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và không được biết là có thể lây nhiễm hoặc gây bệnh cho người. [2]

2 Ai dễ mắc phải cúm?

Cúm là bệnh do virus truyền nhiễm gây ảnh hưởng đến đường hô hấp con người

Đối với hầu hết mọi người, bệnh cúm sẽ tự khỏi. Nhưng đôi khi, bệnh cúm và các biến chứng của nó có thể gây chết người. Những người có nguy cơ cao bị biến chứng cúm bao gồm:

  • Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng.
  • Người lớn trên 65 tuổi.
  • Người cao tuổi trong viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc dài hạn khác.
  • Phụ nữ có thai và phụ nữ đến hai tuần sau khi sinh.
  • Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
  • Những người bị bệnh mãn tính, chẳng hạn như hen suyễn, bệnh tim, bệnh thận, bệnh gan và bệnh tiểu đường
  • Những người béo phì, có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 40 trở lên

Mặc dù thuốc chủng ngừa cúm hàng năm không hiệu quả 100%, nhưng nó vẫn là biện pháp bảo vệ tốt nhất của bạn chống lại bệnh cúm. [3]

3 Biểu hiện của bệnh cúm

Người bệnh có thể có những biểu hiện của hội chứng cúm bao gồm:

  • Người bệnh cúm thường sốt cao kéo dài 3 - 7 ngày, có thể sốt cao 3-5 ngày sau đó đỡ được 1-2 ngày rồi lại tái sốt cao.
  • Bệnh nhân có biểu hiện viêm nhiễm ở đường hô hấp trên như chảy mũi, ho, hắt hơi, đau họng, ho khan, mất tiếng, tức ngực.
  • Ngoài việc sốt cao, người bệnh có thể bị đau đầu vùng thái dương, vùng trán, ù tai, trẻ nhỏ bị cúm sẽ thường xuyên quấy khóc.
  • Nhiễm virus cúm cũng có thể gây ra tình trạng đau nhức cơ - xương - khớp toàn thân.

Hội chứng nhiễm trùng - nhiễm độc có thể gặp ở người bệnh cúm nghiêm trọng gồm:

  • Môi khô lưỡi bẩn, thường xuyên mệt mỏi, đổ nhiều mồ hô, mạch nhanh hơn bình thường.
  • Một số trường hợp người bệnh cúm nặng có thể gặp tình trạng suy đa phủ tạng.
  • Khi thăm khám thực thể ở những bệnh nhân cúm thường không có tổn thương ở phổi, một số có thể nghe phổi thấy ran ngáy, rít.

Riêng những trường hợp người bệnh cúm ác tính thường diễn biến rất nặng và nhanh, lúc đầu cũng có triệu chứng như trên. Tuy nhiên giai đoạn sau đó người bệnh sẽ có các triệu chứng nghiêm trọng hơn như:

  • Kích thích, vật vã, mê sảng, khó thở, tím tái, suy hô hấp nhanh.
  • Rối loạn huyết động, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim.
  • Một số trường hợp người bệnh bị phù phổi cấp do độc tố virus hoặc quá tải dịch.
  • Khi chụp X - quang phổi thấy phổi bị viêm kẽ lan tỏa đặc hiệu của bệnh do virus.
  • ​Những trường hợp có nguy cơ nghiêm trọng bao gồm trẻ dưới 5 tuổi, đang mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch, tái phát 2 lần trong 1 tháng.

4 Các xét nghiệm cận lâm sàng giúp chẩn đoán bệnh cúm

Các xét nghiệm có sẵn để chẩn đoán cúm là phát hiện kháng nguyên nhanh, xét nghiệm phân tử nhanh để phát hiện RNA virus. Hoặc có thể nhuộm kháng thể miễn dịch huỳnh quang trực tiếp và gián tiếp để tìm kháng nguyên virus, xét nghiệm PCR,  nuôi cấy tế bào.

Xét nghiệm máu ở những bệnh nhân này cho thấy bạch cầu giảm, CRP âm tính.

Ngoài ra ở những người bệnh nhiễm cúm thường không có tổn thương đặc hiệu khi chụp X - quang phổi.

Người bệnh cúm có những biểu hiện như thế nào?

5 Các biến chứng của bệnh cúm

Hầu hết người bị cúm hồi phục sau vài ngày đến dưới hai tuần, nhưng một số người có thể bị biến chứng đe dọa đến tính mạng của họ.

Nhiễm trùng xoang và tai là những biến chứng vừa phải do cúm.

Viêm phổi là biến chứng cúm nghiêm trọng có thể do nhiễm virus cúm đơn thuần hoặc do đồng nhiễm virus cúm và vi khuẩn.

Các biến chứng nghiêm trọng khác có thể do cúm gây ra có thể bao gồm: Viêm cơ tim, viêm não hoặc viêm cơ, tiêu cơ vân và suy đa cơ quan như suy hô hấp, suy thận.

Nhiễm virus cúm đường hô hấp có thể gây ra phản ứng viêm cực đoan và có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và đe dọa tính mạng của người bệnh.

Cúm cũng có thể làm cho các bệnh mãn tính trước đó trở nên tồi tệ hơn như hen suyễn hay bệnh tim mãn tính...

6 Phương pháp điều trị bệnh cúm

6.1 Nguyên tắc chung trong điều trị cúm

Bệnh nhân phải được cách ly và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng.

Dùng thuốc kháng virus đơn độc hoặc kết hợp (oseltamivir, Zanamivir) càng sớm càng tốt, kể cả các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và có sốt.

Điều trị hỗ trợ trong những trường hợp nặng.

Điều trị tại chỗ ở những cơ sở thích hợp và yêu cầu tuyến trên giúp đỡ đối với những trường hợp nặng.

6.2 Điều trị cúm thể thông thường

Trong điều trị cúm thông thường chủ yếu là điều trị triệu chứng và chăm sóc nâng cao sức đề kháng và phòng bội nhiễm.

Bảo đảm chế độ dinh dưỡng và chăm sóc tốt cho người bệnh cúm để họ mau chóng hồi phục.

Cách ly tương đối bằng cách cho trẻ ở phòng riêng, hạn chế tiếp xúc tránh lây lan.

Hạ sốt cho người bệnh cúm bằng cách chườm ấm, hoặc uống Paracetamol 15mg/kg/lần, mỗi lần cách nhau 4-6h.

Phòng co giật khi sốt cao trên 38o5, dùng phenobacbital 5mg/kg/ngày, hoặc thụt Diazepam 0,5mg/kg theo đường hậu môn...

Vệ sinh cá nhân cho người bệnh, nhỏ mũi dung dịch NaCl 0,9%.

Nếu bệnh nhân cúm có bội nhiễm khác cần sử dụng kháng sinh cho phù hợp.

Với trường hợp người bệnh cúm bị suy hô hấp cần thực hiện hỗ trợ hô hấp như sau:

Cho bệnh nhân nhiễm cúm có suy hô hấp nằm ở nơi thông thoáng, kể đầu cao 30 - 45o.

Cho người bệnh thở oxy với lưu lượng phù hợp theo tình trạng của họ.

Những trường hợp không đáp ứng với thở oxy cần hỗ trợ hô hấp bằng máy thở không xâm nhập hoặc xâm nhập.

6.3 Cúm ác tính điều trị như thế nào?

Điều trị và phòng ngừa bệnh cúm như thế nào?

Thuốc kháng virus chỉ định khi bệnh nhi có yếu tố nguy cơ nặng hoặc do một số type virus đặc biệt như H1N1, H5N1… Thuốc kháng virrus cúm đang được dùng nhiều trên thị trường hiện nay là Oseltamivir (Tamiflu), dùng với liều như sau:

Các đối tượng trên 13 tuổi mỗi lần dùng 75mg, ngày dùng 2 lần và uống trong vòng 7 ngày.

Các bé từ 1 - 13 tuổi được dùng trong vòng 7 ngày theo trọng lượng cơ thể như sau:

  • Nếu trẻ dưới 15kg, mỗi ngày dùng 60mg, chia 2 lần mỗi ngày.
  • Với trẻ có trọng lượng từ 16 - 23 kg, mỗi ngày dùng 90mg, chia làm 2 lần.
  • Trẻ có trọng lượng từ 24 - 40 kg, mỗi ngày dùng 120mg, chia làm 2 lần.
  • Còn các bé có trọng lượng từ 40 kg trở lên thì dùng như trẻ từ 13 tuổi.

Các bé dưới 3 tháng tuổi, mỗi ngày dùng 24mg, chia làm 2 lần.

Các bé từ 3 - 5 tháng tuổi, mỗi ngày dùng 40 mg, chia thành 2 lần.

Bé từ 6 - 11 tháng, mỗi ngày dùng 50mg, chia làm 2 lần.

Gamaglobulin, Interferon, chỉ định với người nhiễm cúm nặng hoặc nhiễm một số chủng virus đặc biệt.

Tùy mức độ suy hô hấp, có thể  thở oxy mask, NKQ,…..

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, vệ sinh cá nhân, môi trường.

7 Biện pháp phòng bệnh cúm

Thời điểm tốt nhất để chủng ngừa cúm là vào mùa thu trước khi bệnh cúm bắt đầu lây lan. Nhưng bạn có thể chủng ngừa sau đó.

Cách ly bệnh nhân, hạn chế nguồn lây. Cảm cúm rất dễ lây lan từ người sang người khi ho và hắt hơi. Virus có thể sống trên tay và các bề mặt trong 24 giờ.

Để giảm nguy cơ lây lan bệnh cúm:

  • Rửa tay thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng.
  • Sử dụng khăn giấy để bẫy vi trùng khi bạn ho hoặc hắt hơi.
  • Thùng giấy đã sử dụng càng nhanh càng tốt. [4]

Hy vọng bài viết này hữu ích với bạn đọc để phòng tránh và điều trị bệnh khi nhiễm virus cúm.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Chuyên gia của WHO, Influenza (seasonal) in Viet Nam, WHO. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2021
  2. ^ Tác giả: Chuyên gia của CDC, Influenza (Flu), CDC. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2021
  3. ^ Tác giả: Chuyên gia của Mayoclinic, Influenza (flu), Mayoclinic. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2021
  4. ^ Tác giả: Chuyên gia của NHS.UK, Flu, NHS.UK. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    Dùng thuốc kháng virus trong bao lâu để chữa cúm?


    Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Cúm: Nguyên nhân triệu chứng và liệu pháp điều trị hiệu quả 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Cúm: Nguyên nhân triệu chứng và liệu pháp điều trị hiệu quả
    TH
    Điểm đánh giá: 5/5

    Cảm ơn dược sĩ nhà thuốc đã tư vấn thông tin nhiệt tình cho mình.

    Trả lời Cảm ơn (0)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633