Bệnh Crohn: nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Trungtamthuoc.com - Nguyên nhân gây bệnh hiện nay vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, người ta cho rằng yếu tố di truyền và hệ thống miễn dịch trục trặc là 2 vấn đề đóng vai trò lớn trong sự hình thành nên bệnh này.
1 Bệnh Crohn là gì?
Bệnh Crohn là tình trạng đường ruột bị viêm loét lan sâu tới các lớp mô ruột khiến bệnh nhân đau đớn, mệt mỏi, suy nhược và tiêu chảy nghiêm trọng. Nếu bệnh biến chứng nặng thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Bệnh Crohn có thể gặp ở tất cả các vị trí của đường tiêu hóa, tuy nhiên hay gặp nhất là ở đoạn cuối ruột non.
Bệnh Crohn có thể gặp ở bất kì lứa tuổi và giới tính nào. Tuy nhiên thường gặp nhất ở những người trong độ tuổi từ 16-30 và 60-80. [1]
2 Nguyên nhân gây bệnh Crohn
Nguyên nhân gây bệnh hiện nay vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, người ta cho rằng yếu tố di truyền và hệ thống miễn dịch trục trặc là 2 vấn đề đóng vai trò lớn trong sự hình thành nên bệnh này.
Bên cạnh đó, một số tác động khác như các tác nhân gây bệnh đường ruột, chế độ ăn uống không hợp lý, người sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, hay hút thuốc lá,... cũng là những yếu tố khiến người ta dễ mắc bệnh Crohn. [2]
3 Các triệu chứng của bệnh Crohn
Người mắc bệnh Crohn giai đoạn cấp tính có các triệu chứng điển hình như sau:
Đau bụng: thường có cảm giác đau quặn dọc khung đại tràng, đau sau khi ăn và giảm sau khi đi ngoài
Tiêu chảy: có thể đi ngoài ra máu hoặc phân có mỡ.
Sốt cao lên tới 39-40 độ.
Chán ăn, sút cân, đau vùng hậu môn,...
Khi bệnh tái phát nhiều lần và có xu hướng nặng dần lên có thể sẽ chuyển thành mạn tính với các biến chứng kèm theo như thiếu máu, thủng ruột, tắc ruột, xuất huyết tiêu hóa, hẹp lòng ruột,...
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp các triệu chứng ngoài đường tiêu hóa như: viêm khớp, viêm da và mắt, gan nhiễm mỡ, viêm gan mạn, sỏi túi mật,...
4 Chẩn đoán bệnh Crohn
Các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh là:
Xét nghiệm máu.
Cấy phân và xét nghiệm kí sinh trùng.
Nội soi đại tràng để tìm tổn thương.
Chụp cắt lớp vi tính.
Chụp cộng hưởng từ.
Các xét nghiệm trên cùng với những triệu chứng bệnh sẽ giúp bác sĩ xác định được người bệnh có bị mắc bệnh Crohn hay không. [3]
5 Cách điều trị bệnh Crohn
Hiện nay chưa có cách điều trị bệnh Crohn triệt để. Các biện pháp điều trị được đưa ra thường là nhằm giúp giảm bớt các triệu chứng bệnh, kiểm soát viêm nhiễm và ngăn ngừa biến chứng xảy ra.
Có thể tham khảo một phác đồ điều trị như sau:
5.1 Đợt viêm cấp nhẹ và vừa
Cho bệnh nhân uống Mesalazine trong 4-6 tuần với liều 3-4g mỗi ngày. Sau đó giảm liều xuống còn 1-1,5g mỗi ngày, sử dụng trong 1 đến 2 năm. Có thể kết hợp với steroid nếu cần.
Điều trị tại chỗ bằng cách thụt tháo Mesalazine và/hoặc steroid (vị trị bệnh là trực tràng và đại tràng xuống).
5.2 Đợt viêm cấp nặng
Cho bệnh nhân uống Prednisone với liều 0,5-1mg/kg mỗi ngày, giảm liều dần theo thời gian.
Tuần thứ nhất: 60mg/ngày.
Tuần thứ 2: 40mg/ngày.
Tuần thứ 3 đến thứ 6: mỗi tuần giảm 5mg.
Từ tuần thứ 7 trở đi dùng 10mg/ngày.
Dần dần ngưng thuốc (từ tuần 26 trở đi).
Có thể kết hợp với điều trị tại chỗ.
5.3 Giai đoạn biến chứng
Cho bệnh nhân bị viêm mạn tính và rò đường tiêu hóa, kháng hoặc lệ thuộc và steroid, có thể điều trị bằng Azathioprine liều 2mg/kg mỗi ngày.
Nếu có bội nhiễm dùng Metronidazol trong 7-10 ngày với liều 0,5-1g/ngày hoặc Ciprofloxacin 1g/ngày.
Có thể dùng Methotrexate tiêm bắp liều 15mg mỗi tuần. Sau đó dùng thuốc uống với liều 7,5-15mg mỗi tuần.
5.4 Giai đoạn ổn định
Bệnh nhân có thể tiếp tục duy trì uống Azathioprine hoặc Mesalazine để dự phòng tái phát.
6 Phòng ngừa bệnh Crohn
Để phòng ngừa và kiểm soát các triệu chứng của bệnh Crohn, hãy thay đổi các thói quen xấu trong chế độ ăn uống và lối sống hằng ngày như sau:
Ăn nhiều rau củ quả, trái cây để cung cấp chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng hơn.
Hạn chế việc ăn các loại đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ,...
Uống nhiều nước mỗi ngày nhưng không nên uống các loại nước có ga, chất kích thích như rượu, bia,...
Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày với những người đang bị bệnh Crohn.
Có thể bổ sung thêm nước, điện giải và vitamin để người bệnh phục hồi sức khỏe nhanh chóng, tránh mất nước do tiêu chảy.
Vận động thể dục thể thao mỗi ngày để tăng cường thể lực.
Giữ cho đầu óc thoải mái, luôn dành ra một khoảng thời gian trong ngày để thư giãn, giải tỏa căng thẳng.
Những người đang điều trị bệnh cần sử dụng thuốc đúng theo đơn thuốc mà bác sĩ đã kê đơn. Tái khám định kì đúng theo lịch hẹn.
Lưu ý là những người bị bệnh Crohn không nên ăn uống các chế phẩm từ sữa, chất béo, các loại quả họ cam quýt, dùng đồ uống có ga,... để tránh khiến cho tình trạng bệnh trở nặng.
Tài liệu tham khảo
- ^ Chuyên gia của Crohn's Colitis Foundation. What is Crohn’s Disease?, Crohn's Colitis Foundation. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021
- ^ Chuyên gia của Crohn's and Colitis UK (Ngày đăng tháng 10 năm 2016). Crohn’s Disease, Crohn's and Colitis UK. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021
- ^ Chuyên gia của Medline Plus (Ngày đăng 28 tháng 10 năm 2021). Crohn's Disease, Medline Plus. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021