Bệnh Celiac (không dung nạp gluten): yếu tố nguy cơ và cách kiểm soát
Trungtamthuoc.com - Bệnh Celiac không phải là một bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến so với nhiều bệnh đường ruột khác nhưng lại có ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến sức khỏe về lâu dài của người bị bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
1 Bệnh Celiac là gì?
Bệnh Celiac còn được gọi với một cái tên khác là bệnh không dung nạp Gluten bởi tình trạng cơ thể không thể hấp thu được protein trong lúa mì và một số loại ngũ cốc khác.
Khi người mắc bệnh Celiac ăn các loại thực phẩm chứa gluten thì cơ thể sẽ tự phản ứng quá mức gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, đặc biệt là ruột non khiến việc hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn bị ảnh hưởng. Nếu tình trạng này nặng có thể gây ra suy dinh dưỡng, loãng xương, thiếu máu và các bệnh về thần kinh,...
Tỉ lệ mắc bệnh Celiac hiện nay tăng gấp 4-5 lần so với thập niên trước, theo thống kê là 1% dân số.
Lý do con số này gia tăng hiện vẫn còn là ẩn số, nhưng có một số suy đoán rằng có thể là do cách trồng trọt, chế biến có sự thay đổi và việc sử dụng các thực phẩm đã trở nên phổ biến hơn.
2 Phân nhóm bệnh Celiac
Có thể chia bệnh thành nhiều phân nhóm thường gặp như sau:
Bệnh Celiac thường gặp: có các triệu chứng điển hình là tiêu chảy, giảm cân, đau bụng, khó chịu ở bụng và mệt mỏi.
Bệnh Celiac không điển hình: có biểu hiện thiếu chất, mệt mỏi, tăng men gan,... Nhóm bệnh này chiếm tỷ lệ cao nhất trong số bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh Celiac.
Bệnh Celiac thầm lặng: bệnh không có triệu chứng rõ ràng, có bằng chứng huyết thanh học và mô học. Tỷ lệ này được cho là chiếm ít nhất 20% số ca bệnh.
Bệnh Celiac không đáp ứng: các triệu chứng bất thường không được cải thiện hoặc vẫn tái xuất hiện ngay cả khi bệnh nhân đang thực hiện chế độ dinh dưỡng không chứa gluten.
Bệnh Celiac kháng trị: các triệu chứng lâm sàng hoặc bất thường về mô học dai dẳng sau ít nhất 6 tháng ngừng ăn đồ ăn chứa gluten nghiêm ngặt mà không có nguyên nhân khác.
3 Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh Celiac?
Bệnh Celiac có thể gặp ở bất cứ người nào, thường phát hiện ở trẻ em khi ăn các loại thực phẩm chứa gluten lần đầu.
Bệnh có xu hướng phổ biến hơn ở các đối tượng:
- Có người trong gia đình bị bệnh Celiac.
- Người mắc một các bệnh như Down, Turner, tiểu đường type 1, tuyến giác tự miễn, viêm khớp dạng thấp, viêm đại tràng,...[1]
4 Triệu chứng của bệnh Celiac
Ở mỗi đội tuổi mắc bệnh Celiac sẽ cho các biểu hiện khác nhau như:
- Người lớn thì thường ít thấy biểu hiện trên đường tiêu hóa, hầu hết chỉ cảm thấy sức khỏe kém đi, hay mệt mọi và đau xương khớp hơn, tâm lý cũng dễ cáu gắt và hay lo lắng, ngứa và phát ban da,... Với phụ nữ còn có thể bị mất kinh, thậm chí là vô sinh hoặc sảy thai (nếu đang mang thai).
- Ở trẻ nhỏ lại thường có biểu hiện trên đường tiêu hóa như đau bụng, nôn, tiêu chảy, phân nhờn như mỡ và hôi. Về toàn diện, trẻ kém phát triển hơn so với tuổi thật, chậm tăng cân, hay quấy khóc, không chịu chơi đùa, dễ bị còi xương, teo xương cơ, chậm dậy thì,...[2]
5 Cận lâm sàng bệnh Celiac
Sinh thiết ruột non: thấy các đoạn ruột non không được bao phủ liên tục do vi nhung mao bị mất hoặc hư hại. Đôi khi không phát hiện được tổn thương ở ruột non. Do đó, để tránh âm tính giả thì cần xét nghiệm ít nhất 4 mẫu mô của ruột non.
Xét nghiệm máu: tháy các kháng thể tự miễn (protein chống lại té bào và mô của bệnh nhân) cao bất thường.
Sinh thiết da: có tới 25-30% người bị bệnh Celiac có viêm da Herpes với các triệu chứng ngứa, ban, phồng rộp. Những người có biểu hiện trên da thường không có biểu hiện trên đường tiêu hóa.
Nội soi bằng viên nang cho phép xem được các tổn thương ở hồi tràng và các đoạn ruột non mà nội soi thông thường không nhìn thấy.
6 Kiểm soát bệnh Celiac như thế nào?
Việc điều trị bệnh Celiac chủ yếu là dựa vào điều chỉnh lại chế độ ăn uống của người bệnh, tránh các loại thực phẩm như ngũ cốc, lúa mì, lúa mạch,... và đồ ăn chế biến từ chúng.
Thực hiện chế độ ăn nghiêm ngặt có thể giúp người bị bệnh phục hồi được màng ruột non.
Với người trẻ tuổi, thời gian phục hồi khá nhanh sau vài tháng ăn kiêng nhưng người cao tuổi thì quá trình phục hồi sẽ chậm hơn, có thể mất tới 2-3 năm.
Ngoài việc đảm bảo chế độ ăn uống hằng ngày thì các bệnh nhân bị mắc chứng Celiac cũng được kê thêm một số sản phẩm bổ sung dinh dưỡng để tránh thiếu chất và các thuốc kiểm soát tình trạng dị ứng nếu cần thiết.[3]
7 Khi nào thì cần đi khám bệnh Celiac?
Nếu bạn có các triệu chứng như trên hoặc có người thân bị Celiac thì nên đi khám bệnh sớm.
Các bậc phụ huynh cần đưa con đi khám nếu thấy trẻ xanh xao, hay khóc và chậm lớn, bụng ỏng, phân có mùi thối khó chịu khác bình thường.
8 Biến chứng của bệnh Celiac
Khi không chữa trị sớm bệnh Celiac có thể dẫn đến:
Suy dinh dưỡng do ruột non bị tổn thương không hấp thụ được dinh dưỡng từ thực phẩm mặc dù thực đơn hằng ngày rất đủ chất. Đặc biệt ở trẻ nhỏ đang trong giai đoạn cần nhiều dưỡng chất để phát triển thì sẽ chậm lớn, còi xương và kém thông minh hơn.
Mất calcium và giảm độ đặc của xương: Do cơ thể không hấp thụ được Vitamin D và calcium. Nhiều trẻ mắc bệnh xương mềm, người già thì loãng xương, xương giòn mỏng, dễ gãy. Ngoài ra, việc kém hấp thu calci còn dẫn đế sạn thận.
Lactose intolerance: Màng ruột non bị hư hoại gây ra tình trạng đau bụng và tiêu chảy khi ăn uống các thực phẩm khác như chất lactose từ sữa. Do đó, trong thời gian ruột non chưa khôi phục thì không được ăn các sản phẩm từ sữa. Khi ruột non lành lặn trở lại, có thể bắt đầu ăn uống sữa.
Ung thư: Nếu mắc bệnh Celiac mà vẫn không kiêng thực phẩm chứa Gluten có nguy cơ bị ung thư ruột cao hơn.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Melinda Ratini, DO, MS (Ngày đăng: ngày 7 tháng 7 năm 2020). Coeliac disease, WebMD. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Chuyên gia của NHS (Ngày đăng: ngày 3 tháng 12 năm 2019). Coeliac disease, NHS. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Elaine K. Luo, MD (Ngày đăng: ngày 10 tháng 11 năm 2021). Celiac Disease: More Than Gluten Intolerance, Healthline. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2021.